HRW: Điều 88 của Việt Nam là công cụ bịt miệng dân

Trà Mi

clip_image002

Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Một nhà hoạt động trẻ bị bắt khởi tố về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ khiến thế giới một lần nữa lên án hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, sinh năm 1979, bị bắt khẩn cấp hôm 10/10 tại Nha Trang giữa những hoạt động ôn hòa kêu gọi bảo vệ môi trường và xử lý minh bạch vụ Formosa gây thảm họa môi trường miền Trung.

Thành viên chủ chốt của Mạng lưới Blogger Việt Nam được nhiều người biết đến vì các bài viết và hoạt động kiên trì cổ súy cho dân quyền-nhân quyền-chủ quyền từng nhận giải thưởng Nhà đấu tranh Dân quyền 2015 của tổ chức Civil Rights Defenders có trụ sở tại Thụy Điển.

Nay, tên tuổi của cô lại được quốc tế chú ý sau vụ bắt giữ mà Mỹ, Châu Âu và giới hoạt động nhân quyền trên thế giới đồng loạt lên án là xâm phạm quyền con người.

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi VOA Việt ngữ, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch nói điều 88 rõ ràng là ‘công cụ’ để Việt Nam ‘bịt miệng dân’, ‘truy tố những người bất đồng quan điểm với nhà nước.’

Ông Phil Robertson: Thật hết sức quan ngại, một lần nữa họ lại dùng điều 88, điều luật hoàn toàn xâm phạm quyền tự do bày tỏ quan điểm, để tìm cách kiểm soát bất kỳ quan điểm nào mà họ không thích. Điều 88 quá bao quát, bất cứ phát biểu nào nhà nước không thích đều có thể bị liệt kê là ‘tuyên truyền chống nhà nước’ và bị hình sự hóa. Chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi dỡ bỏ điều luật này vì nó phản lại cam kết của Việt Nam với quốc tế, nhưng Hà Nội không hồi đáp đề nghị đó.

Trà Mi: Thêm một lần kêu gọi sau một vụ bắt giữ, có biện pháp nào hay hơn giúp chấm dứt vi phạm hơn là để tái diễn vi phạm và tái diễn phản đối?

Ông Phil Robertson: Một cách cơ bản, phải có sự thay đổi trong cách nhà nước tiếp nhận chỉ trích trong quần chúng. Họ phải nhận thấy rằng những người như Mẹ Nấm đang cổ võ cho sự quản trị tốt hơn, chính quyền tốt hơn, chống tham nhũng tốt hơn. Những người đó đáng ra phải tán dương chứ không phải bỏ tù. Nhà cầm quyền phải biết rằng dân có quyền lên tiếng về cách họ lãnh đạo đất nước, đằng này nhà nước Việt Nam lại hành xử hoàn toàn trái ngược.

Trà Mi: Chiến thuật này tái diễn vì thấy có hiệu quả, vậy làm thế nào để vô hiệu hóa những điều ông đang lên án đó?

Ông Phil Robertson: Chiến thuật của họ là tìm cách đe dọa những người nổi bật nhất, tìm cách làm cho mọi người sợ hãi vì thấy rằng người nào lên tiếng mạnh nhất sẽ đi tù sớm nhất.

Trà Mi: Ông có nghĩ chiến thuật của họ thành công?

Ông Phil Robertson: Tôi nghĩ chỉ thành công với một số trường hợp, nhưng nhìn chung thì không, vì những nhà hoạt động như Quỳnh ngày càng nhiều, họ can đảm đứng lên thể hiện quan điểm. Bắt một Như Quỳnh này sẽ xuất hiện những Như Quỳnh khác tiếp bước. Đây là một cuộc chiến mà nhà cầm quyền khó thắng. Vì vậy, chính phủ Việt Nam nên thay đổi chiến thuật, nên nhận ra rằng quyền tự do bày tỏ quan điểm không phải là kẻ thù mà là yếu tố giúp cải thiện cách quản trị Việt Nam.

Trà Mi: Chiến thuật này dù không thành công với nội địa vì không dập tắt được bất đồng chính kiến, nhưng ít ra cũng thành công với thông điệp rằng sự can thiệp của cộng đồng quốc tế không dập tắt được những hành động bị lên án là vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Ông nghĩ sao?

Ông Phil Robertson: Chính quyền Việt Nam muốn tạo ấn tượng là áp lực thế giới chẳng ảnh hưởng gì, nhưng thật ra có ảnh hưởng đó chứ. Một vụ bắt bớ hay tù đày được thế giới chú ý thì các điều kiện nhà cầm quyền đối đãi với cá nhân đó cải thiện hơn nhiều so với những trường hợp khác. Chúng tôi tin rằng với áp lực của quốc tế, Việt Nam kiểu gì cũng phải hồi đáp, chỉ là họ không muốn để thấy là họ hồi đáp trực tiếp. Trong nội bộ guồng máy cầm quyền Việt Nam cũng có nhiều quan ngại về hình ảnh của chính họ, về đồng minh nào họ muốn có. Đôi khi những điều này được thể hiện qua cách họ xử lý từng trường hợp, đặc biệt là những trường hợp có các chiến dịch vận động. Các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến cũng nhìn thấy điều này, cho nên, họ vươn ra với cộng đồng thế giới ngày một nhiều hơn. Họ hiểu rằng nếu thế giới lưu ý và lên tiếng về trường hợp của họ thì họ có được sự bảo vệ trước những đòn trả thù của nhà nước Việt Nam. Hơn nữa đã có một vài cải tổ trong một số lĩnh vực mà Hà Nội đánh giá là ‘ít nhạy cảm’ dù vẫn là một tiến trình chậm chạp. Tóm lại, nếu không có áp lực thì chẳng có gì buộc họ phải cải thiện, cải tổ cả.

Trà Mi: Như ông nói, dù có những áp lực nhưng tiến trình vẫn còn ‘chậm chạp’. Thời điểm này có gì có thể thúc đẩy nhanh hơn khi mà Hà Nội hầu như đã có được những gì họ muốn từ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đến bước vào Hiệp định Tự do Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP và cả được tháo gỡ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí?

Ông Phil Robertson: Tôi nghĩ những người ủng hộ cải tổ dân chủ cần phải vươn ra nhiều hơn với thế giới để áp lực Việt Nam nhiều hơn. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền như chúng tôi sẽ nêu lên các trường hợp cụ thể và các vấn đề hệ thống tại Việt Nam. Nhưng rốt cuộc, bất kỳ sự thay đổi nào cũng phải xuất phát ngay từ bên trong Việt Nam. Người Việt trong và ngoài nước phải đòi hỏi nhiều hơn nơi chính phủ Việt Nam để Việt Nam phát triển về cả mặt xã hội lẫn chính trị. Nhà nước Việt Nam đã thông qua một số công ước nhân quyền quan trọng trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về các quyền dân sự và chính trị của công dân. Cho nên, cần phải tiếp tục những áp lực cả trong lẫn ngoài nước Việt Nam để thu hẹp khoảng cách giữa lời nói và hành động của Hà Nội về dân chủ và nhân quyền.

Trà Mi: Hiện giờ có đòn bẩy nào hữu hiệu chăng?

Ông Phil Robertson: Áp lực ngoại giao và áp lực kinh tế liên hệ với mậu dịch. Nếu TPP được xúc tiến, sẽ có những cải cách về lĩnh vực lao động tại Việt Nam. Các định chế tài chính trên thế giới như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, trong các dự án của họ tại Việt Nam, phải nỗ lực hơn để đảm bảo có một sự quản trị tốt và tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam. Họ chưa làm được như thế. Hơn nữa, đội ngũ phụ trách các nước trong Liên hiệp quốc phải thật sự tăng cường nỗ lực. Thường các vấn đề về nhân quyền của các nước hay bị bỏ qua một bên để dễ dàng cho nghị trình làm việc của Liên hiệp quốc, nhưng theo tôi, phát triển quốc tế và nhân quyền quốc tế phải song hành với nhau. Không thể đổ quỹ phát triển vào một quốc gia quản trị tồi mà kỳ vọng sẽ gặt hái được kết quả tốt. Một trong những cách để quỹ phát triển phục vụ người dân chứ không rơi vào tay quan tham nhũng là phải đảm bảo có được một nhà nước quản trị minh bạch và người dân có quyền vạch trần những sai phạm.

Human Rights Watch chúng tôi có nhân viên và quan sát viên tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Chúng tôi tham dự các cuộc Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ của Việt Nam và các nước khác. Chúng tôi cũng tham gia vận động tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục gióng chuông báo động về những vi phạm nhân quyền Việt Nam, nhưng các tổ chức khác như những cơ quan Liên hiệp quốc, trong phạm vi hoạt động của mình, phải tìm cơ hội tăng cường quyền lực cho người dân Việt Nam và ủng hộ họ trong công cuộc đòi hỏi tôn trọng nhân quyền. Liên hiệp quốc đã tuyên bố muốn có một khung làm việc đặt trọng tâm vào nhân quyền, nhưng thực tế tới nay, chúng ta chưa thấy đội ngũ phụ trách về Việt Nam trong Liên hiệp quốc thực hiện điều này.

Trà Mi: Trở lại vụ bắt giữ blogger Mẹ Nấm sau vài năm tạm ngưng áp dụng điều 88 trong các vụ truy tố giới hoạt động. Có thể thấy gì từ sự ‘quay trở lại’ này?

Ông Phil Robertson: Mẹ Nấm bị bắt một phần là vì đã mạnh mẽ chỉ trích vụ bê bối ô nhiễm môi trường liên quan đến Formosa. Mức độ công ty Formosa xả thải độc ra biển rõ ràng cho thấy họ yên tâm là đã có sự bảo vệ từ trên cao. Blogger Mẹ Nấm chất vấn và nêu vấn đề mà nhà nước Việt Nam xem là nhạy cảm vì nhà nước có liên quan trong vụ này, trong việc bảo vệ Formosa. Khi nhà nước không còn cách nào để bịt miệng dân thì họ lôi điều 88 ra áp dụng, quy tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’, vốn là công cụ dễ nhất để truy tố những nhà hoạt động và những người bất đồng quan điểm với nhà nước.

Trà Mi: Blogger Mẹ Nấm bị bắt không vì cổ súy đa đảng hay có hoạt động đảng phái chính trị, mà vì các hoạt động xã hội trong đó có bảo vệ môi trường, khiến có ý kiến cho rằng đây là một sự ‘khủng bố của nhà nước’ vì chỉ cần có ý kiến trái ngược là bị nhắm mục tiêu. Ý kiến ông ra sao?

Ông Phil Robertson: Nói vậy thì hơi quá, vấn đề ở đây là sự độc tài của nhà nước, một nhà nước lạm dụng quyền hành của mình để buộc người ta không được thắc mắc về lời lẽ-hành động của nhà nước. Người dân có quyền chỉ trích, có quyền đòi hỏi thay đổi miễn là họ đòi hỏi một cách ôn hòa, nhưng nghịch lý ở chỗ những người đi đầu, những nhà hoạt động như Mẹ Nấm, lại bị biến thành tội phạm. Đó là điều chúng tôi quan tâm.

Trà Mi: Vậy Human Rights Watch muốn gửi thông điệp gì đến người dân Việt Nam và nhà nước Việt Nam?

Ông Phil Robertson: Chúng tôi muốn người dân Việt Nam tiếp tục khẳng định quyền của mình vì những gì họ đang làm không sai trái. Họ có quyền biểu tình, quyền tiếp cận thông tin và bày tỏ quan điểm trái chiều với nhà nước. Nhà nước Việt Nam phải lắng nghe thay vì đàn áp. Họ phải nhận ra rằng những người lên tiếng bất đồng với nhà nước không phải kẻ thù của nhà nước. Không một nhóm nào được độc quyền cho mình là chân lý, là sự thật. Mọi người phải cùng làm việc, cùng lắng nghe để đưa đất nước phát triển, văn minh. Chúng tôi kêu gọi phóng thích ngay lập tức Mẹ Nấm. Blogger này không làm gì sai cả.

Trà Mi: Chân thành cảm ơn ông vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.

T.M. – P.R.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/a/hrw-dieu-88-cua-viet-nam-la-cong-cu-bit-mieng-dan/3549104.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn