'Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ' hay lịch sử bị chối bỏ?

Cát Linh, RFA

clip_image001

Hình ông Petrus Ký trên bìa sách 'Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ', tác giả Nguyễn Đình Đầu. Photo courtesy by vanviet.info

Giới học thuật, trí thức Việt Nam trong những ngày qua xôn xao về chuyện việc ra mắt cuốn sách nghiên cứu về nhân vật Trương Vĩnh Ký bị "lệnh miệng" đình lại.

Bị cấm ra mắt

Quyển sách ‘Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ’ ra đời như một công trình nghiên cứu có bề dày hơn 50 năm của tác giả, học giả Nguyễn Đình Đầu. Ông cho biết sách đã được Cục Xuất Bản chấp thuận và cấp phép lưu chiểu trong mấy tháng qua.

Thế nhưng, theo tin từ trang vanviet.info và sau đó được cộng đồng mạng chia sẽ rất nhiều, ngày 4/1/2017, một “lệnh miệng” được ban xuống yêu cầu hủy bỏ buổi ra mắt sách.

Chính học giả Nguyễn Đình Đầu cũng hoàn toàn không được biết trước

“Tôi mới được tin ngày hôm qua. Công ty Nhã Nam và NXB Tri Thức cũng không có văn bản, chỉ có chỉ thị bằng lời nói. Chính tôi cũng không biết là vì sao?”

Theo tôi được biết thì tác giả, cụ Nguyễn Đình Đầu, không đồng sửa chữa bất cứ nội dung nào đã viết trong sách. Cụ là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, cẩn trọng và có bản lĩnh.

- Giáo sư Chu Hảo

Khi được hỏi về khả năng những ấn bản đang được phát hành mấy tháng qua có bị thu hồi hết và buộc phải sửa chữa nội dung gốc theo yêu cầu của Cục Xuất Bản hay không, Giáo sư Chu Hảo, giám đốc NXB Tri Thức cho biết:

“Theo tôi được biết thì tác giả, cụ Nguyễn Đình Đầu, không đồng ý sửa chữa bất cứ nội dung nào đã viết trong sách. Cụ là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, cẩn trọng và có bản lĩnh. Xung quanh câu chuyện đánh giá một cách khoa học, khách quan về cuộc đời và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký vấn còn có ý kiến khác nhau. Thậm chí, mặc dầu nhà nước đã chính thức thừa nhận công lao của Trương Vĩnh Ký bằng việc lấy tên của ông đặt cho các đường phố và trừơng học, mà vẫn có người chửi bới ông ấy như là một " học giả Việt gian" cơ mà. Vì vậy tiếp tục trao đổi, tranh luận công khai những quan điểm của tác giả cuốn sách là cần thiết. Và giá cứ để cuộc giới thiệu sách diễn ra như đã định và tiếp tục phát hành bình thường thì có hay hơn chăng?”

Nhiều ý kiến cho rằng phải chăng do tên gọi của quyển sách là "Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ" mà tác phẩm này đã không được ra mắt như đã định?

Tác giả quyển sách cho biết công trình của ông khảo cứu tất cả những người nói về Trương Vĩnh Ký, phê bình Trương Vĩnh Ký khi còn sống và sau khi qua đời.

“Trong tất cả giai đoạn thăng trầm lịch sử của Việt Nam, có những người khen Trương Vĩnh Ký, có người chê Trương Vĩnh Ký nhưng đều không dựa vào tài liệu chính thức. Vì thế tôi thấy muốn hoà hợp dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, thì tôi nghĩ đối với nhân vật lịch sử đặc biệt như Trương Vĩnh Ký, thì nên làm một hồ sơ về Trương Vĩnh Ký.”

Như thế, nếu chỉ là “Hồ sơ Trương Vĩnh Ký” thì sao? Giáo sư Chu Hảo cho biết:

“Đúng, có lẽ cái tựa sách ấy đã làm cho một số người kiên trì bài bác đến mức thóa mạ Trương Vĩnh Ký phật ý và phản ứng mạnh mẽ. Phản ứng ấy khi được công bố công khai rộng rãi cũng mang lại ít nhiều bổ ích cho nền học thuật nước nhà.”

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã thì nhận định rằng “nếu nói về nỗi oan, thì có thể dưới một góc độ về chính trị, thì cho ông Trương Vĩnh Ký là người thân Pháp hay gì đó thì không đúng vì một người học thuật như ông thì ở bất cứ ở đâu và thời gian nào họ cũng thể hiện tính cách và công trình của họ có giá trị muôn đời”.

Một công trình hơn 50 năm

clip_image002

Trường Trung học Petrus Ký ở Saigon chụp năm 1972. Sau 1975 bị đổi tên thành trường Lê Hồng Phong. Photo by Caroline Thanh Huong

Ngay từ bài mở đầu của cuốn sách, Giáo sư Phan Huy Lê đã gọi đây là “một công trình như một hồ sơ Trương Vĩnh Ký mang tên "Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ.”

“Tôi coi đây là một công trình tổng hợp có giá trị về Trương Vĩnh Ký, cung cấp một hệ thống tư liệu khá đầy đủ và khách quan với nhiều góc nhìn khác nhau, cho tất cả các nhà khoa học trên mọi lĩnh vực muốn nghiên cứu sâu về nhà bác học Trương Vĩnh Ký.”

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người đã nhận được thư mời đến buổi ra mắt sách (nhưng đã không xảy ra) dùng hai từ “đặc biệt” để nói về Trương Vĩnh Ký, một người ông rất kính trọng.

“Theo tôi, một nhân vật như Trương Vĩnh Ký là một nhân vật rất đặc biệt, mà tôi vẫn cho là tiêu biểu cho thân phận của người Việt Nam. Ông sống ở thời kỳ Pháp thuộc, nơi đó lại là Nam kỳ, thuộc Pháp. Mà khi mình sống thời kỳ Pháp thuộc, mình sống như thế nào trong giới học thuật đó, mà để mãi với thời gian thì đó là một vấn đề rất quan trọng. Ông Trương Vĩnh Ký đã làm được điều đó. Những công trình nghiên cứu và con người, nhân cách của ông là muôn đời.”

Để gọi là một công trình như cách nói của Giáo sư Phan Huy Lê và Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu, học giả Nguyễn Đình Đầu đã bỏ ra hơn 50 năm để sưu tầm những tài liệu có giá trị thực tiễn, bắt đầu từ năm 1960, khi ông là hội viên hội nghiên cứu Đông Dương.

Petrus Ký cũng trải qua nhiều sóng gió của khen – chê, tôn vinh – phê phán, nhưng cuối cùng xu thế khách quan, trung thực vẫn chi phối.

- Giáo sư Phan Huy Lê

“Lúc đầu tôi chỉ chú ý đến tờ báo Gia Định báo thời Trương Vĩnh Ký làm chủ bút. Tôi đọc những bài Trương Vĩnh Ký viết về chương trình học của trường Thông Ngôn. Tôi thấy rất đặc biệt vì trường Thông Ngôn vừa dạy cho người Pháp vừa dạy cho người Việt (bằng chữ Hán). Sau đó tôi tình cờ thấy trong thư viện có 1 hồ sơ để ở chỗ khá đặc biệt, của Đại tá Hải quân Pháp coi cái đạo quân chiếm đóng Sài Gòn 1960. Trong hồ sơ đó, tôi thấy có hai cái thư của vị đại tá gửi cho thống đốc nói về Trương Vĩnh Ký. Ông thống đốc muốn kiếm 1 người thông ngôn, nói rõ người đó là Petrus Ký.”

Từ đó, ông đã tìm những sách mà Trương Vĩnh Ký viết về Gia Định ngày xưa, về Nam Bộ hoặc những bài mà Trương Vĩnh Ký sưu tầm lại về Gia Định cổ, Gia Định thất thủ, Gia Định mới, lịch sử Nam Bộ, địa lý Nam Bộ bằng tiếng Pháp…và xem như đây là “một khám giá mới về sự hợp tác của Trương Vĩnh Ký với Pháp, sự nghiệp văn hoá của ông dựa trên tinh thần dân tộc chứ không phải theo thực dân.”

“Đến 1991, tôi có dịp đi Pháp tôi nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký, những tài liệu mà ở Pháp có mà nơi khác không có.”

Tại đây ông cho biết đã tìm được những tài liệu về thân thế của Trương Vĩnh Ký và cả những thơ văn của Trương Vĩnh Ký viết bằng tay nói về tình hình Sài Gòn những năm 1860. Ông cất công tìm gặp cả người thầy của Trương Vĩnh Ký từ năm 1849, 1850 là ông Cố Long, vừa là một linh mục, vừa là nhà bác học.

Từ chối lịch sử

NE020434

Một chiếc xe kéo chở khách trên một con đường ở Hải Phòng thời Pháp, khoảng năm 1900. AFP photo

Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo khi còn tại thế từng thốt lên rằng “Cho đến bây giờ chưa ai vượt được Trương Vĩnh Ký về ngữ pháp tiếng Việt viết bằng tiếng Pháp.”

Theo học giả Nguyễn Đình Đầu, các tài liệu của Trương Vĩnh Ký bằng tiếng Việt hoặc tiếng Pháp đều căn cứ trên di sản văn hoá chính thức của Việt Nam.

“Trương Vĩnh Ký luôn chủ trương người Việt phải dùng chữ Việt. Người Việt Nam phải dùng tiếng Việt để nói tiếng Việt; và muốn được sâu sát nữa về phương diện triết học, sử học và di sản văn hoá dân tộc thì phải biết chữ Hán nữa.”

“Tuy hợp tác với Pháp nhưng vẫn là giữ tinh thần quốc gia, tức tinh thần yêu nước, lúc đó là trung thân với ái quốc. Vì thấm nhuần tinh thần Thiên chúa giáo và tây phương nên thấm nhuần tinh thần dân chủ, nhưng vẫn giữ được các cốt cách của Việt Nam.”

Những phẩm chất, tinh thần văn hóa dân tộc của Trương Vĩnh Ký được học giả Nguyễn Đình Đầu và sự cộng tác của nhiều dịch giả khác đặt trọn trong Công trình “Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ”, như lời giới thiệu của giáo sư Phan Huy Lê:

Theo tôi, một nhân vật như Trương Vĩnh Ký là một nhân vật rất đặc biệt, mà tôi vẫn cho là tiêu biểu cho thân phận của người Việt Nam.

- Tiến sĩ Nguyễn Nhã

“Trong lịch sử Việt Nam, việc bình luận, đánh giá không ít nhân vật lịch sử thường bị chi phối bởi bối cảnh lịch sử như vậy. Nhưng xu hướng chung vẫn là sự thắng thế của kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc, khách quan và thái độ công minh trước lịch sử. Petrus Ký cũng trải qua nhiều sóng gió của khen – chê, tôn vinh – phê phán, nhưng cuối cùng xu thế khách quan, trung thực vẫn chi phối.”

Thế nhưng, xu thế khách quan, trung thực về một nhân vật của lịch sử đã không được phép giới thiệu đến hậu thế, như luật sư Lê Luân đã viết trên trang nhà của mình:

“Nhưng nhân vật ấy cho đến lúc này, khi vừa mới có cơ hội được trở lại với lịch sử thì cũng ngay lập tức đã bị ngăn trở lại một cách dứt khoát và quyết liệt đến ngỡ ngàng trước những sự phẫn nộ của nhiều người dân mà đã biết sự thật về Ông.”

Có một ngôi trường từng được mang tên Petrus Ký.

Nhưng sau 1975 bị đổi tên. Cũng sau năm đó, bức tượng của ông được dựng gần Bưu điện Sài Gòn từ năm 1927 bị bứng đi mất.

C . L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/book-about-19th-century-catholic-prominent-scholar-banned-cl-01062017130839.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn