Nỗi khổ tâm của một người khi vào quốc tịch Mỹ

Nguyễn-Khoa Thái Anh

Lời tác giả

Bài này đã được đăng bằng tiếng Anh trên trang bình luận (op-ed) của nhật báo Oakland Tribune năm 1989, tất nhiên viết cho độc giả Mỹ là chính, vào thời điểm trước khi Hoa kỳ bỏ cấm vận với Việt-Nam, và chuyện đi về quê hương vẫn chưa được hợp pháp (1991).

Khi ông Trump đưa ra phương châm: “Hoa Kỳ trên hết” (America First), hoặc “Làm cho Mỹ vĩ đại trở lại,” ông muốn nói với những người Mỹ cảm thấy bị bỏ rơi ông là người yêu nước và sẽ phục hồi lại những gì Hoa Kỳ đã đánh mất khi nhượng bước cho ngoại bang, mặc nhiên quên đi những lý tưởng quảng đại đã lập nên Hợp chủng quốc. Tuy nhiên yêu nước hay không hay chỉ là chiêu bài mị dân, đặt trọng tâm vào các sắc dân da trắng đã bầu cho ông - thì điều đó có lẽ đã được thể hiện cụ thể qua nội các và các sắc lệnh của ông từ lúc tranh cử cho đến khi nhậm chức tổng thống Mỹ, chưa kể lối phát ngôn (và tweets) bừa bãi hay hành xử bất cập, thiếu đạo đức trong cuộc đời kinh doanh cũng của ông.

Trái lại khi trình bày bài “Nỗi khổ tâm của một người nhập tịch Mỹ” (viết từ năm 1989) có lẽ đại ý tác giả muốn nói: “Tôi là một người da màu yêu nước Mỹ vì những lý tưởng nhân bản cao quý và phổ cập được thực thi bởi nhiều sắc dân vượt qua những thăng trầm của đất nước này. Yêu Hoa kỳ không phải là yêu tuyên ngôn, yêu biểu tượng, như lá cờ lộng lẫy sắc màu của Mỹ, hay yêu phương ngôn: Make America Great Again và America First, yêu Hoa kỳ là yêu những những ý chí và tinh thần hướng thượng của con người, xây đắp từ những nền văn minh cổ đại cho đến tiêu chí đưa đến sự lập quốc và bản hiến chương của Hoa Kỳ. Yêu Hoa kỳ là yêu con người, cho dù họ có đến từ những nguồn gốc , phong tục hay da màu khác nhau, vì đa phần cũng đều chia sẻ những ý tưởng và nguyên lý cao cả mà Hoa kỳ hằng giương cao.

Không hiểu định nghĩa yêu nước Mỹ của ông Trump, nếu có, có dành cho hàng triệu di dân đang mang quốc tịch Mỹ như người viết?

Do đó vào thời thượng này, cảm nghĩ về Hoa Kỳ dưới đây của một người Việt Nam da vàng như tác giả có bị cho là lạc hậu, sái-buổi-chợ lắm không? Nhất là khi lá cờ Mỹ, đại diện cho Hoa kỳ, dưới sự chấp chính của ông Trump, có thể đang bị nhiều quốc gia ghét bỏ. Họ không tin nó là biểu tượng cho những gì cao cả và tốt đẹp khi đại diên cho một chính quyền như ông Trump.

 

clip_image002

Vừa lúc mình bị khó ở vì Tối cao Pháp viện phán quyết chuyện thiêu hủy lá cờ Mỹ là hợp hiến https://en.wikipedia.org/wiki/Texas_v._Johnson (1) nên sau đó lại phải ôm thêm nỗi phiền muộn vào lòng khi một số người Mỹ reo mừng vì quyết định này, thì Quốc hội Hoa kỳ mang lại cho công dân nhập tịch này một ít hy vọng về nước Mỹ với đề án kêu gọi pháp lệnh sửa đổi tu chính án, cấm làm ô uế lá cờ.

Như nhiều chính quyền khác, chính phủ Hoa kỳ cũng phạm nhiều lỗi lầm. Tất nhiên là một người Mỹ gốc Việt, tôi không thể nào quên được chuyện thảm bại trong cuộc chiến Việt-Nam - một phần cũng do sự sai lầm trong cách can thiệp của Hoa kỳ vào cuộc chiến. Tuy vậy, tôi vẫn tin vào những lý tưởng cao cả của tự do và công lý mà Hoa kỳ và lá cờ Hoa đại diện.

Vẫn biết quan điểm của mình khó đứng vững trước cái nhìn phóng khoáng của những người bạn cấp tiến của tôi. Vì trước những sai trái và bất cập của một số quan chức, cũng như những điều thất sách của các nền hành chính (chính quyền) Hoa-kỳ, những vấn đề xã hội và quốc nội mà họ không giải quyết được rất khó để ta khen ngợi chính quyền Mỹ mà không phài xét lại.

Nhưng vị thế thượng tôn của là cờ Mỹ, một biểu hiệu hoành tráng, cao quý được nhiều người dân trên thế giới giương cao, vì chính nó đã tượng trưng cho những lý tưởng phổ cập mà từ đó nó được khai sinh, không nên bán rẻ hay làm mai một những tiêu chí này, ngay cả đối với vài nhân vật trên Tối cao Pháp viện mà nhiệm vụ của họ là phụng sự và bảo tồn những cương lĩnh này. (Xin không bàn đến chuyện đúng hay sai khi Mỹ can thiệp vào các nước khác).

Tôi còn nhớ những dằn vặt mà mình phải kinh qua, chu trình từ chỗ đứng của một công dân Việt-Nam cho đến khi trở thành một công dân Mỹ - chẳng lẽ mình sẽ mãi làm một người vô tổ quốc (Việt-Nam Cộng hòa nơi tôi là công dân đã trở thành một phần của cầm quyền miền Bắc năm 1975). Sau nhiều đêm mất ngủ và tháng trằn trọc, khắc khoải mãi với quyết định trở nên một công dân Mỹ - đồng thời làm sao giữ nguyên gốc gác của mình - tôi đã quyết định bước thêm bước nữa để làm đơn vào quốc tịch Hoa kỳ.

Vào ngày 1 tháng Bảy năm 1981, sau một năm rưỡi giấy tờ thư lại nhiêu khê, tôi được gọi đi tuyên thệ vào công dân Mỹ ở Tòa chính phủ Liên bang ở thành phố Los Angeles với khoảng một ngàn di dân khác. Chúng tôi đều phải đồng thanh phụ họa, dơ tay thề trung thành với Hoa kỳ, khi ông thẩm phán đứng trên sân khấu với một vài di dân đại diện, đọc từng câu hỏi qua micro. Những người đứng trên khán đài trả lời to cho mọi người ở dưới nghe và lặp lại. Buổi lễ trở nên kém trang trọng vì bao gồm cả một số đông hỗn tạp, nhất là có một người đàn bà gốc Gia-Nã-Đại đứng bên tôi, lầm bầm chửi thề. Chẳng hiểu sao một người không chịu được nước Mỹ lại xin vào quốc tịch Mỹ.

Phần tôi, còn phải suy gẫm lại một số câu hỏi, nhất là câu vũ trang để bảo vệ Hoa kỳ chống lại bất kỳ một hay mọi kẻ thù nội hay ngoại xâm nào. Nếu phải chống lại Việt-Nam thì sao? Tôi tự lý giải rằng cho đến khi chính quyền Việt-Nam có thể thay đổi và không đi ngược lại nguyện vọng của con dân, điều đó cũng không khó xử lắm. Nhất là đã biết rằng trong Thế chiến thứ II, Người Mỹ gốc Nhật đã bị giam hãm (tịch thu gia sản) một cách sai trái, nhưng họ chẳng có một vụ phản quốc nào chống lại Hoa kỳ, một quốc gia mà họ đã nhập tịch.

Đây là điều đã làm tôi an tâm, mang lại cho tôi một cảm giác ấm áp. Chỉ có vấn đề làm ô uế và hủy hoại lá cờ khiến tôi phải do dự.

Theo thời gian, giấc mơ trở về Việt Nam của nhiều người Việt, một giấc mơ được khắc ghi trong tâm khảm, có lẽ đã bị dìm sâu xuống một bực nữa. Khi cuộc hội nhập được tốt lành, chúng tôi trở nên thoải mái trong “cuộc sống mới,” trên một bình diện nào đó giấc mơ trở về quê hương đã ít trỗi dậy hơn.

Nhưng dù cho nó có ngủ im, giấc mơ hồi hương chẳng bao giờ viên tịch. Lúc nào nó cũng nằm im đợi chờ một ngày trỗi dậy, bay cao như chim Phượng Hoàng. Nếu giấc mơ ấy có già chết, có lẽ tinh thần người Vịêt cũng sẽ chết theo. Khi chúng tôi không còn mơ gì cho Việt-Nam nữa, có nghĩa là chúng tôi đã đánh mất hết cội rễ của mình. Tôi sẽ trở thành bất cứ một người Mỹ-gốc Á nào khác trong “nồi lẫu” trộn lẫn các sắc dân Hợp chủng quốc.

Tốt hơn cả, nếu chúng tôi được cộng đồng ‘dòng chính’ chấp nhận mà vẫn được coi là người Việt, chúng tôi có thể được gọi là “Việtnamericans” (2).

Nhưng đối với những người đã trở nên công dân Mỹ, hoặc đang trong tiến trình trở thành công dân Mỹ, đó không phải là một điều như nhiều người nghĩ - một tiến trình tự nhiên, tuần tự trôi theo cuộc sống. Đây là một nỗi bất an và khó ở vì chuyện từ bỏ chính quốc tịch của quê hương mình không phải là một chuyện thường tình. Tách mình ra khỏi gốc gác để quên đi cội nguồn đã ăn sâu qua mấy chục nghìn năm lịch sử mà chưa chắc sẽ được chấp nhận bởi xứ sở mới này mới chính là một điều khó xử (3).

Ở một xứ sở mà ý thức hệ quốc gia đã thấm đẫm trong tế bào và huyết quản con dân, và mọi ngõ ngách xã hội, từ một bài ru con mang đầy tính lịch sử không phải là chuyện lạ. Nhưng tuyên thệ trung thành với một quốc gia mà đôi khi chuyện “chống đối vì lương tri” được thay cho lòng yêu nước, và ‘an ninh quốc gia’ đôi lúc bị chối bỏ vì quyền “tự do tìm dữ kiện”, hay chuyện đốt cờ của chính tổ quốc mình lại được tòa án cao nhất quốc gia chấp nhận là quyền tự do phát biểu, có lẽ là một điều khó chấp nhận.

Nhưng khi người Việt trở thành công dân Mỹ, người ta có thể hy vọng rằng lòng tin của họ vào nước Mỹ sẽ không bỏ rơi họ một lần nữa, mắc dù lòng tin này đã bị rách nát tả tơi từ lâu. Không ai nên cướp đi biểu tượng tự do này (lá cờ) dù là nhân danh tự do. Nhưng người Mỹ da trắng máu hồng có thể an tâm rằng chúng tôi cam đoan sẽ trở thành những công dân tốt và trung kiên. Chúng tôi đã suy nghĩ sâu đậm và bị dày vò nhiều về chuyện này. Ít ra tôi đã.

Nguyễn-Khoa Thái Anh trở thành công dân Mỹ năm 1981. Hiện sống ở Oakland.

_________________________________________

(1) Năm 1984, nhằm kỳ Đảng Cộng hòa tổ chức Đại hội Quốc gia 1984 (trước cuộc bầu cử) ở Dallas, Texas, ông Gregory Lee “Joey” Johnson, một thành viên của Lữ đoàn Thanh niên Cách mạng Cộng sản, tham gia cuộc biểu tình chống ông Mondale và chính quyền tổng thống Reagan và một số doanh thương ở Dallas. Họ xuống đường hò hét, đập phá tài sản, đập cửa kính, quăng rác, tả thối, bia lon… căng biểu ngữ trước văn phòng Đảng Cộng hòa, Johnson bị bắt và tống giam sau khi chế kerosene và đốt quốc kỳ Mỹ. Tuy rằng 48 tiểu bang Mỹ có đạo luật chống đốt cờ Mỹ (Flag Protection Act) Vụ án đốt quốc kỳ Mỹ của ông Johnson được kháng án lên đến Tối cao Pháp viện và các đạo luật chống đốt cờ Mỹ đều bị phế bãi. Từ đó đến nay đã có 2 lần Quốc hội Mỹ cố thành lập một tu chính án mới để bảo vệ quốc kỳ nhưng không thành. Tòa án Tối cao Mỹ cũng đã hai lần xác định quyền đốt cờ Mỹ là hợp hiến, được tu chính án thứ nhất bảo vệ.

clip_image004

William Kunstler và Gregory Lee Johnson

(2) Tôi đoan chắc mình là người đầu tiên đã ‘đặt’ ra từ “Việtnamerican(s) ”này. Nếu ông WIlliams Wong, chủ bút của nhật báo Oakland Tribune còn sống ông sẽ minh xác cho điều này vì chính ông đã sửa từ Vietnamericans lại thành ‘Vietnamese-Americans’.

(3) Như tuyệt đại đa số người Việt sống ở Hoa kỳ có thể khẳng định: nước Mỹ không hề ép buộc bất cứ cư dân nào phải từ bỏ nguồn gốc, tập tục hay văn hóa của mình. Riêng người Việt đã xây dựng được nhiều thành phố Việt ở nhiều nơi trên đất Mỹ. Nhà thờ, chùa chiền, tiệm ăn, hàng phẩm, chợ búa Việt Nam tràn lan, kể cả ca nhạc, phim ảnh, hội chợ Tết, chưa nói đến những khuôn viên văn hóa…

N.K.T.A.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn