Chính quyền các cấp không có quyền ký thuê đất của dân

Tô Văn Trường

Gần đây, nở rộ thông tin chính quyền ở một số tỉnh ký quyền thuê đất của nông dân 20 năm, rồi cho doanh nghiệp thuê lại, được coi là bước đi đột phá, sáng tạo!

Nhà nước Việt Nam không thừa nhận quyền tư hữu nói chung, quyền sở hữu đất nói riêng cho bất cứ ai. Đó là đường lối chiến lược được khẳng định từ đầu trong Tuyên ngôn Cộng sản. Việc Đổi mới công nhận quyền nầy, quyền nọ, chỉ là "giải pháp tình thế", là sách lược. Điều nầy không thực hiện được mà cũng không dám nói ra, thành cứ "ấm ứ hội tề"!

Công tác Tuyên giáo từ chiến tranh đến nay không thay đổi, chuyên nói một chiều, nói lấy được, "cả vú lấp miệng em". Hoàn cảnh chiến tranh làm vậy là được, thậm chí "nói láo" cũng không ai "bắt giò"! Bây giờ "Hội nhập toàn cầu", "Xa lộ thông tin", "Cách mạng công nghiệp 4.0" mà làm tuyên giáo theo kiểu xưa, là thất bại, mất lòng tin của dân.

Đất nước ta đang trải qua muôn vàn khó khăn thử thách, hơn lúc nào hết, cần nhớ câu nói của Cụ Hồ: ”Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Đài Loan, Nhật Bản đất ít, họ không làm sao mở rộng được hạn điền mà nông nghiệp của họ vẫn tiến bộ, nông dân họ rất giàu có? Philippines còn địa chủ, làm ruộng không đủ gạo ăn, dân nghèo. Còn ta làm ra thứ nào cũng hàng đầu: Gạo, Cao su, Cà phê, Trà, Hồ tiêu, Cá Tra, Tôm... mà dân chưa giàu vì phải bán rẻ, bị khách hàng từ chối mua, ế đem đổ (chuối, dưa...). Hai nước, nông dân có chung số phận nghèo! Còn vì sao nghèo, nông dân không tự trả lời được!???

Luật đất đai

Đừng để những người khôn ranh, lợi dụng "nới hạn điền" lớn hơn điều 129 và 130 của Luật đất đai mà không cần có Dự án để "Tích đất" làm của riêng, cho thuê lại, sống khỏe! Tại sao họ không tận dụng khai thác kinh doanh theo điều 129, điều 130, mà cứ đòi nới rộng hạn điền vậy? Đây là vấn đề rất khó, đang có nguy cơ nông dân bị cướp đất một lần nữa, mặc dù phải giải quyết thỏa đáng vấn đề hạn điền trong phát triển nông nghiệp dưới những điều kiện và đòi hỏi mới.

Điều 129, 130 Luật đất đai 2013 nói rất rõ:

- Hạn điền là hạn định Nhà nước cấp đất không thu tiền. Nhà nước "đóng giày" cho nông dân là vậy. Đó là chuẩn để định chính sách, thí dụ đóng thuế vượt hạn điền chẳng hạn hoặc như đang bàn để "làm ranh" cho "Hộ sản xuất” hay "Hộ phát canh thu tô"?

- Hạn điền cho Hộ sản xuất vừa trong hạn điền vừa được công nhận cho sang nhượng, tặng cho (như ở Đồng bằng sông Cửu Long) tổng cộng: Đất trồng cây hàng năm (Lúa) 30 ha, vườn 100 ha, đất trồng rừng 300 ha. Qui mô đất như vậy đối với hộ sản xuất lúc nầy (trình độ nông dân, máy móc, công cụ....) là vừa sức rồi. Vì với diện tích đó, muốn tăng giá trị sản xuất lên nhiều lần, tất nhiên phải lập Công ty mới đúng luật và mới được luật pháp bảo vệ.

Ngoài ra, nếu muốn sản xuất lớn, kể cả doanh nghiệp FDI, họ phải làm theo trình tự đầu tư, không hạn chế qui mô mấy ngàn ha, và không dùng thủ đoạn tước đoạt đất của nông dân.

Việc thuê đất đặt ra rất nhiều vấn đề

Trước hết, cần khẳng định: “Tích tụ ruộng đất là xu thế tất yếu”, mời đọc bài đăng trên báo Người Lao động ngày 11/4/2017 (tác giả Tô Văn Trường: http://m.nld.com.vn/kinh-te/tich-tu-ruong-dat-la-xu-the-tat-yeu-20170410212824966.htm) nhưng không phải là giải pháp cứu cánh cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Tích tụ tư bản của một doanh nghiệp là sử dụng vốn tích luỹ hoặc đi vay mở rộng quy mô sản xuất. Tích tụ ruộng đất là dạng tích tụ cụ thể về hiện vật của tích tụ tư bản nên doanh nghiệp phải thương thảo trực tiếp với nông dân. Tập trung ruộng đất là hai hoặc nhiều doanh nghiệp tự nguyện sát nhập với nhau để có quy mô sản xuất lớn hơn.

Nhà nước đánh giá cao doanh nghiệp có vai trò đầu tàu liên kết giúp người nông dân sản xuất theo chuỗi sản phẩm theo cơ chế thị trường cả trong và ngoài nước là rất chính xác. Doanh nghiệp tích tụ ruộng đất nhưng không làm người nông dân mất kế sinh nhai, giúp người nông dân có cuộc sống tốt hơn khi làm nông nghiệp. Lúc đó, nông dân mới có điều kiện tự nguyện nhượng cho doanh nghiệp quyền sử dụng đất hay cho thuê đất dài hạn.

Chính quyền địa phương không nên đứng ra thuê đất của dân rồi lại cho doanh nghiệp thuê lại vì về khía cạnh quản trị quốc gia là sai luật và có thể biến thành việc lấy công quỹ chi trả cho các ông chủ lớn, sẽ lộ diện trong một tương lai gần, như các ông chủ ra đời trong "cổ phần hóa" doanh nghiệp nhà nước.

Nếu doanh nghiệp phá sản, chính quyền có lấy ngân sách đền bù cho dân không? Đây là việc phải do doanh nghiệp tự thương thảo với người nông dân theo cơ chế thị trường tức là gặp nhau giữa “cung và cầu”. Khi có hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân thì chính quyền đứng ra làm chứng, có con dấu xác nhận để dân yên tâm hơn.

Cần nhấn mạnh rằng Nhà nước chỉ nên là người tạo ra các luật chơi, chứ không nên tham gia cuộc chơi kiểu như đại diện doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân. Các cấp chính quyền khi đó sẽ trở thành "cánh tay đắc lực của nhưng kẻ có tiền" và liên minh Quyền - Tiền này vô cùng nguy hại cho đất nước.

Theo luật dân sự, khi ký kết hợp đồng thuê đất chỉ diễn ra giữa các bên có các tổ chức đăng ký theo luật như là thể nhân (legal person):

- Phải là thể nhân.

- Là một pháp nhân, nghĩa là một tổ chức có tài sản riêng hoặc quyền định đoạt tài sản đó theo pháp luật, nghĩa là pháp nhân đó là doanh nghiệp.

- Chỉ có pháp nhân và thể nhân mới được quyền ký hợp đồng với nhau.

- Luật pháp nghiêm cấm dùng ngân sách nhà nước để kinh doanh nên chính quyền các cấp đứng ra thuê đất của dân là sai luật dân sự chứ không phải là sáng tạo.

- Giả dụ cho chính quyền nhà nước cấp dưới ký hợp đồng thì làm sao tránh được việc dùng quyền ép dân, lấy đất đưa cho doanh nghiệp (như hiện nay). Dân sau khi được đền bù, thì trắng tay. 

- Vấn đề kinh tế: Ký hợp đồng dài hạn 20 năm liên quan đến vấn đề giá cả mà giá cả thì khó tiên đoán cho nên phải có luật trượt giá ít nhất mỗi hai năm một lần, theo giá đất trên thị trường để nông dân không bị thiệt thòi.

Tuy nhiên, ở đây cần nói rõ hơn Nhà nước (State) là một thể nhân, khi đứng ra ký hiệp ước với nhà nước khác (Chính phủ khác nhà nước, được bầu ra trong một giai đoạn).  

Thay cho lời kết

Mấu chốt của vấn đề gây ra nhiều sai lầm cơ bản mà không thể sửa được là Hiến pháp Việt Nam không công nhận quyền tư hữu đất đai. Hình thức cho thuê đất chỉ là cách tránh giải quyết vấn đề cơ bản nói trên. Và dù giải quyết bằng cách gì, nó cũng sinh ra nhiều hệ lụy khó tiên đoán vì dân không có quyền tư hữu.

Bây giờ người ta nhìn vấn đề bằng "trực quan - hình thức" hơn "logic - biện chứng" nên càng nói càng rối rắm. Mâu thuẫn trong xã hội ta hiện nay là giữa "Lý tưởng cộng sản chủ nghĩa" và "Hiện thực tư bản chủ nghĩa - hoang dã" mà không dám thừa nhận. Đó là "Danh không chính, ngôn không thuận".

Thế giới từ ngày có Trump, Brexit xuất hiện, thiên hạ "loạn cào cào"! Ngay cả Putin, Tập Cận Bình cũng chưa chắc lường hết, nhưng ai cũng có thể lường được là cái khổ chỉ dồn cho nước nghèo, người nghèo. Hơn lúc nào hết, ta phải bình tĩnh, tự chủ, tự lực giải quyết mọi vấn đề nội trị, không mưu cầu ngoại viện.

Nói như tinh thần Đại hội Đảng Cộng sản VN lần thứ 12 là: "Quốc gia-Dân tộc là nền tảng", "Dân là gốc" của chế độ, của Đảng. Phải thực hiện "Chân thành hòa giải, hòa hợp, đoàn kết dân tộc" là cái "Bất biến" mà Cụ Hồ dặn Cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc thay Cụ Hồ làm Quyền Chủ tịch nước. Đó là "Cẩm nang trị nước" lúc lâm nguy phải "giở ra" để biết phải làm gì.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn