Bắc Kinh càn quét lao động nhập cư: 10.000 người bị đuổi ra đường trong 1 ngày

Trí Đạt

Ngày 18-11, do sự quản lí yếu kém của cơ quan chức năng, một tòa chung cư ở khu Đại Hưng - thành phố Bắc Kinh bị lửa thiêu rụi khiến 19 người thiệt mạng. Tuy nhiên, sự bi thảm của những lao động nhập cư gặp phải không những không được sự đồng cảm của chính quyền, ngược lại, chính quyền còn mượn cơ hội này để đuổi lượng lớn lao động cấp thấp nhập cư ra khỏi thành phố. Tờ SCMP đưa tin phản ứng trước tiên của chính quyền Bắc Kinh trước vụ cháy kinh hoàng là tìm cách ngăn chặn mạng xã hội WeChat đưa tin. Sau đó, ngay trong buổi tối ngày diễn ra hỏa hoạn, họ tiến hành kiểm tra an toàn cháy nổ ở thành phố, khởi động chiến dịch cưỡng chế trục xuất, xác định các tòa nhà tạm cư là "trái phép cần phải cưỡng chế giải tỏa", khiến hơn 10.000 dân lao động nhập cư lập tức trở thành người vô gia cư.

Vụ cháy xảy ra đúng thời điểm Bắc Kinh mở chiến dịch lập lại trật tự mĩ quan đô thị, do vậy mà chính quyền đã tận dụng triệt để sự cố này để yêu cầu các cửa hiệu, nhà hàng bình dân, chỗ buôn bán "mất mĩ quan" phải đóng cửa. Video trên mạng cho thấy cảnh sát và nhân viên công vụ của Bắc Kinh đang thắt chặt dỡ bỏ các phòng cho thuê của cửa hàng, quán ăn cho đến chung cư và đuổi người ra ngoài. Có tới hàng chục ngàn người được coi là lao động cấp thấp ngoại tỉnh phải xách theo hành lí rời khỏi căn phòng mà mình đang thuê và đi ra ngoài đường trong thời tiết giá rét. "Video trên mạng không chỉ có một, cảnh sát khống chế, đạp cửa, cảnh sát đã phát đi thông điệp cuối cùng rồi nên họ ngay lập tức phải ra ngoài, vậy tối nay sẽ ngủ ở đâu? Mặc kệ, thích ngủ ở đâu thì ngủ, những lời đối thoại như vậy đều có thể nghe thấy" - nhà hoạt động nhân quyền Hồ Giai chia sẻ trên trang Epoch Times.

Hành động giống như "Đội quân áo đen" của Đức quốc xã đối phó với người Do Thái

Ông Hồ Giai cho biết trận hỏa hoạn lần này đã trở thành cái cớ để chính quyền ra tay. "Họ tiến hành chấn chỉnh lại tất cả căn hộ giá rẻ, dù anh có thủ tục hợp pháp hay không, dù có trang bị biện pháp phòng cháy chữa cháy hay không, tất cả đều không được, bây giờ kêu anh cuốn xéo, anh nhất định phải đi".

Có cư dân mạng hình dung: "Cảnh tượng đuổi người nhập cư thuê trọ như "Đội quân áo đen" của Đức quốc xã đối phó với người Do Thái trong bộ phim Bản danh sách của Schindler".

"Vụ hỏa hoạn này cũng được lợi dụng triệt để, thủ đoạn đúng là rất mạnh tay" - ông Hồ Giai nói thêm - "Hành động lần này khiến hàng chục ngàn người sẽ phải ra đường, đa số họ trên vai còn gánh vác cả gia đình, trời lạnh cóng thế này, họ có thể chịu được bao lâu".

Ngay sau vụ cưỡng chế, ngày 24-11 vừa qua, có 112 luật sư, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả và nghệ sĩ Trung Quốc đã kí tên vào bức thư lên án việc này vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Trong số đó có nhà bình luận chính trị Chương Lập Phàm sống ở Bắc Kinh. Ông nói: "Đây là mối lo ngại lớn vì nó liên quan sự ổn định của xã hội thủ đô. Nếu chính phủ vội vàng thúc đẩy thành phố phát triển thì những vấn nạn xã hội sẽ bùng nổ".

Bằng mọi giá hoàn thành chỉ tiêu giảm nhân khẩu

Thành phố Bắc Kinh dự định khống chế dân số ở mức 23 triệu người, do đó trong 5 năm tới sẽ hoàn thành việc giảm lượng lớn nhân khẩu, chỉ tiêu năm nay đã được thông báo đến các khu vực trong thành phố. Bắc Kinh cũng dự kiến cắt giảm 15% dân số ở các quận trung tâm trong 2 năm tới - tương đương 2 triệu người, và phá bỏ các khu nhà ở bất hợp pháp. Bắt đầu từ tháng 8 năm nay, để buộc những người lao động ngoại tỉnh rời khỏi Bắc Kinh, chính quyền không những tiến hành thu phí đối với họ mà còn cưỡng chế dỡ bỏ nơi cư trú của họ.

Hiện phía quan chức tuyên bố bắt đầu một chiến dịch 40 ngày dọn dẹp "các công trình bất hợp pháp" vốn trong nhiều năm là nơi ở của hàng triệu lao động nhập cư ở Bắc Kinh. Có cư dân mạng tiết lộ thông báo của chính quyền khu Đại Hưng nói bắt đầu từ ngày 21-11, trong thời gian 5 ngày, đối với chung cư và phòng cho thuê trong khu vực phải nhanh chóng trả lại. Quá thời hạn mà không dọn đi sẽ bị cưỡng chế.

Mục tiêu nhắm vào người dân kêu oan

Bà Mã vừa lên tàu hỏa về quê giải quyết công việc nói với Epoch Times phòng bà thuê đến tháng 3 năm sau mới hết hợp đồng nhưng chủ nhà gọi điện yêu cầu bà cuối tháng này phải chuyển đi. "Chủ nhà nói, chị biết không, Đại Hưng chẳng phải xảy ra hỏa hoạn hay sao, họ mượn cơ hội này để cưỡng chế khắp nơi, thanh lí lao động phổ thông, bao gồm người làm thuê, hiện nay Bắc Kinh đều đuổi những người này ra ngoài, cả những người khiếu oan, đi đâu cũng không có phòng để thuê nữa".

Bà Mã cho biết do người dân đến Bắc Kinh kêu oan ngày càng nhiều, chính quyền Bắc Kinh đuổi các lao động cấp thấp nhập cư thì những người kêu oan này họ sẽ nhắm đến trước tiên. Song bà Mã cũng nói chính quyền muốn đuổi sạch những người dân kêu oan ra khỏi Bắc Kinh là điều không thể được, "bởi vì người kêu oan không phải là vì sinh tồn mới tới Bắc Kinh mà là họ tới để kêu oan, họ không để ý trong tình huống nào, ở nơi đâu, họ đều vẫn kiên trì".

Ngành dịch vụ cũng chịu ảnh hưởng

Chịu ảnh hưởng đầu tiên bởi lệnh trục xuất này chính là lượng lớn nhân viên bưu tá của các công tuy chuyển phát nhanh, chung cư bị phong tỏa, nhân viên bị trục xuất khỏi Bắc Kinh.

Trên mạng lưu truyền một bản thông báo đến khách hàng được phát đi ngày 22-11 của Công ty Chuyển phát nhanh Vận Đạt (Yunda Express) cho biết sau hỏa hoạn tại Đại Hưng, do cơ quan chức năng tiến hành thắt chặt ngành vận chuyển và chuyển phát nhanh, mạng lưới lớn của công ty này ở Bắc Kinh hiện đang bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân viên của công ty này vốn là lao động nhập cư đã bị cưỡng chế rời khỏi Bắc Kinh.

Một công ty chuyển phát nhanh khác là Công ty Bách Thế (Best Express) cũng phát đi thông báo cho biết bao gồm cả chi nhánh Bắc Kinh đã được thông báo tạm dừng, nhiều địa điểm trong mạng lưới cũng phải chuyển đi nơi khác.

Ông Cố - một nhà quan sát ở Bắc Kinh - cho biết cách làm của chính quyền Trung Quốc trước giờ đều là một dao cắt đứt tất cả, do đó những đơn vị bị ảnh hưởng bởi chính sách này cũng là rất bình thường, "công ty chuyển phát nhanh cũng nằm trong phạm vi chính quyền thanh lí dọn dẹp, do đó họ bị dừng kinh doanh cũng là một dạng bị hại, cũng là người bị hại".

Có hơn 10.000 người ngoại tỉnh bị buộc rời khỏi Bắc Kinh

Có kênh truyền thông thống kê sơ bộ đã có gần 1.000 nhà cho thuê bị xử lí, dự tính có khoảng 10.000 người bị buộc phải chuyển chỗ ở.

Ông Cố cho biết hiện những lao động phổ thông bị buộc phải chuyển chỗ ở, trước đây những người này gọi là những người trôi dạt, về sau gọi là người làm thuê đến từ nông thôn, hiện nay gọi là người lao động cấp thấp hay lao động phổ thông, bao gồm cả những người đến khiếu kiện, tiểu thương bán hàng rong. "Cái gọi là thanh lí lao động cấp thấp ngoại tỉnh, thực tế, bản chất là thanh lí một số nhân tố mà tương lai có khả năng trở thành bạo loạn, đây là kế hoạch đã được đưa ra từ lâu bởi tầng lớp quyền cao chức trọng".

Ông Bào Đồng, người từng là thư kí của cựu Tổng bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương đăng trên twitter cho biết nhóm người này từng được cố lãnh đạo Mao Trạch Đông gọi là "liên minh công - nông", thời trước tôn làm gốc rễ của quốc gia, hiện nay lại trở thành đối tượng để cảnh sát công nhiên kiểm tra và trục xuất. Kì thị "lao động nhập cư có dân trí thấp" có thể chống được hỏa hoạn không? "Làm xằng làm bậy như vậy, chính bản thân chính quyền đang tạo ra thảm kịch" - ông Bào Đồng viết.

T.Đ

Nguồn: http://trithucvn.net/trung-quoc/bac-kinh-duoi-lao-dong-nhap-cu-ra-khoi-thanh-pho-10-000-nguoi-bi-duoi-ra-duong-trong-1-ngay.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn