Mạn đàm về văn hóa từ chức và chọn người lãnh đạo tốt

Tô Văn Trường

Chừng nào nhân dân và đảng viên trên thực tế còn bị gạt ra ngoài các quyết định về cán bộ, chừng nào trách nhiệm và quyền hạn cá nhân/ người đứng đầu về cán bộ chưa rõ thì không có chuyện “tự giác” từ chức. Vài ca từ chức hiếm hoi đã xẩy ra thực chất vẫn là bị ép buộc, do “cấp quản lý” và cơ quan tổ chức gợi ý như một lối thoát danh dự trước công luận.

Tiếc rằng, trong những nghị quyết và hành động vừa qua, thay vì “mở rộng và thực hành dân chủ” thì lại thiên về tập trung quá mức, mất hẳn vế dân chủ cho nên chọn được người lãnh đạo tốt vẫn còn là bài toán khó.

Văn hóa từ chức

Tất cả chúng ta đều bị bản năng chi phối. Quyền lực, tước vị, danh vọng, quyền lợi (lợi ích) đều có nguồn gốc bản năng. Việc tự nguyện từ bỏ các lợi ích bản năng (từ chức) là điều không dễ đối với nhiều người tuỳ thuộc mức độ mạnh, yếu, nhiều, ít của bản năng trong từng cá thể chi phối.

Nói “văn hóa từ chức” thật ra là một cách nói sính dùng danh từ. Ở hầu hết các nước phát triển, đạo đức lớn nhất của con người là lòng tự trọng, với nghĩa coi trọng trách nhiệm của mình đối với mọi người chung quanh và đối với chính bản thân mình nên vấn đề từ chức trở thành văn hóa.

Có lòng tự trong như vậy, sẽ biết xấu hổ với những sai trái/yếu kém của mình. Lòng tự trọng như vậy, bao giờ cũng coi chức vụ mình được giao cho đảm nhiệm là một nhiệm vụ mà mình cam kết phải thực hiện. Khi thấy mình vì bất kể lý do gì không xứng đáng với nhiệm vụ được trao như thế, quyết định của người có lòng tự trọng là xin nhận lỗi và xin từ chức là điều bình thường.

Văn hoá từ chức là khái niệm phản ánh cách ứng xử theo thông lệ của đám đông về vấn đề này. Ngẫm suy, văn hóa của một cộng đồng hay một cá thể thường dùng để chỉ những đặc tính tích cực mang tính bền vững giúp hình thành nên giá trị cốt lõi của chủ thể. Nó giống như “gien di truyền xã hội” vậy. Và do đó, chủ thể nào có cái gien “tử tế” đó tự nhận mình đã trở thành một thành viên của đẳng cấp khác, cao hơn.

Ở Việt Nam, thiếu văn hóa từ chức bởi vì quan chức Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn còn là một cộng đồng đẳng cấp chưa cao về trình độ chuyên môn, nhân cách cả tâm và tầm. Ở ta có chức là có quyền lợi. Người ta cố “bám ghế” vì quyền lợi là chính. Trước hết là vì quyền lợi của mình. Sau nữa là để che chắn cho đệ tử. Nhưng xét cho cùng che chắn cho đệ tử cũng là vì mình thôi. Bên cạnh đó “bám ghế” cũng còn vì sĩ diện.

Khác với bị cách chức, từ chức là tự nguyện, không phải hình thức kỷ luật. Có người từ chức vì sức khỏe hoặc hoàn cảnh gia đình. Có người từ chức để vì không đồng tình hoặc không cộng tác được với cấp trên. Có người từ chức vì tự thấy năng lực không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Có người từ chức để chịu trách nhiệm về một việc nghiêm trọng xảy ra trong ngành hoặc ở địa phương, đơn vị do mình phụ trách. Có người từ chức để nhường chỗ cho người giỏi hơn hoặc trẻ hơn. Có người từ chức sớm để khỏi bị cách chức (như trường hợp Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Huy Ngọ về vụ Lã Thị Kim Oanh) vv… Trong mọi trường hợp, từ chức đều là một cách ứng xử. Có thể là ứng xử hợp lý, ứng xử đẹp hoặc ứng xử khôn ngoan. Trây ì, không chịu từ chức là không biết cách ứng xử. Cho nên có thể nói từ chức là một biểu hiện của văn hóa.

“Cái sự không chịu từ chức” cho thấy văn hóa của nhiều quan chức rất lùn, lại được “trăm quan có mắt như mờ” làm ngơ, che chắn nên họ chẳng cần ứng xử cho có văn hóa hơn làm gì.

Công luận thường đặt ra câu hỏi ngay cả những kẻ làm ăn thua lỗ cả nghìn tỉ đồng mà vẫn được khen thưởng, thậm chí thăng chức, điều đấy cho thấy việc quản lý cán bộ có vấn đề? Chắc chắn có nguyên nhân quản lý hời hợt, hình thức. Nhưng nguyên nhân chính là người quản lý với cán bộ đã thành một dây, một nhóm rồi. Các nguyên nhân này cũng lại là nguyên nhân của nhau: Tài hèn đức mỏng thì mới cần kết bè, kết nhóm thành nhóm lợi ích. Có nhóm lợi ích thì mới đề bạt những kẻ tài hèn đức mỏng. Thậm chí cả trường hợp quan chức được doanh nghiệp bỏ tiền mua chức cho thì họ cần bám lấy chức để làm lợi cho những “Mạnh Thường Quân vụ lợi” (thường là sân sau) của mình.

Ngay sự kiện thời sự nóng hổi đang diễn ra liên quan đến dự luật đặc khu kinh tế nếu là người tự trọng và liêm sỉ thì ông Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng phải công khai xin lỗi dân và xin từ chức vì phát biểu hồ đồ, yếu kém về nhận thức và trách nhiệm tham gia soạn thảo dự luật còn rất nhiều “lỗ hổng” gây làn sóng phản kháng phẫn nộ trong dân chúng.

Chọn người tài và thế nào là người lãnh đạo tốt

Từ xưa đến nay, yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng và phát triển của đất nước chính là con người. Con người sinh ra thể chế và thể chế lại tạo nên con người. Đây là mối quan hệ nhân quả. Đất nước ta, trước kia, bây giờ và mãi mãi sau này, “hiền tài” luôn là “nguyên khí” của quốc gia, là nguồn tài nguyên và động lực to lớn để đất nước đi lên.

Ở xã hội phát triển, người làm lãnh đạo chỉ coi đó như một trách nhiệm với xã hội, bộ máy lãnh đạo luôn được quy tụ từ các lĩnh vực khác nhau, họ luôn và góp tư duy mới, nhận thức đầy đủ hơn (từ những nhận thức và thành tựu mới trong các lĩnh vực của sự phát triển tự nhiên, xã hội) để bổ sung, điều chỉnh kịp thời cương lĩnh phát triển xã hội nên họ không phải bận tâm và đòi hỏi về sự vinh danh nào. Khi hết nhiệm kỳ họ trở về công việc nghề nghiệp của họ rất nhẹ nhàng, họ còn có khả năng đóng góp trí tuệ vào lĩnh vực cần họ để đem lại giá trị vật chất, cuộc sống đầy đủ, không có một sự ngăn cách nào giữa cuộc sống của họ với xã hội và thế giới bên ngoài.

Chọn người tài ở nước ta, theo kiểu “Đảng cử Dân bầu” thiếu tính khoa học đã và đang tạo ra bộ máy kém năng lực, thiếu tư chất và trách nhiệm. Bầu cử theo kiểu tiến cử thì việc chạy chọt, đấu đá là điều bình thường. Đây là hệ quả có tính quy luật của bản năng “quyền lực”.

Khái niệm “người tài” rất đa nghĩa và trừu tượng nên trong ngôn ngữ có tính lịch sử và văn học người ta thường dùng chữ “hiền tài” để chỉ người tài đem lại dấu ấn có nghĩa tích cực, tiến bộ cho xã hội.

Đối với lãnh đạo đất nước nói chung, trong hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam hiện nay theo phạm trù rộng là tìm một hệ “tư duy mới” hay nhận thức đầy đủ để đề ra cương lĩnh hành động vì sự phát triển mới là cốt lõi vấn đề. Còn nếu thiếu các yếu tố về tư duy và nhận thức đầy đủ thì người tài mấy cũng không giải quyết được.

Về nhận thức tài - đức: Trong lựa chọn lãnh đạo của ta hiện nay, tiêu chí “tài và đức” như người này, người kia rất mơ hồ. Động cơ của bất kỳ ai đều là ngày càng thỏa mãn nhu cầu về vật chất và tinh thần cho cuộc sống, đương nhiên là chính đáng. Nhưng với người lãnh đạo còn đòi hỏi trách nhiệm phải làm cho nhu cầu đó luôn phát triển kịp với các cộng đồng hay các quốc gia khác.

Công tác tuyển chọn người làm việc nước ở ta xưa nay vẫn được đúc kết trong cụm từ “Quy hoạch cán bộ”! Mục đích của quy hoạch là tạo nguồn cán bộ nhưng vấn đề quan trọng nhất là ai quyết định việc chọn lựa đó. Nếu không cẩn thận, rất có thể nảy sinh hiện tượng lũng đoạn cán bộ, chỉ lựa chọn những người cùng cánh hẩu, dễ bảo để tăng vây cánh, nhiều người thực tài thì ra rìa ngay từ vòng đầu.

Chọn người tài là chọn người có bản năng sáng tạo là mạnh nhất, có thể giúp đất nước ra khỏi tình trạng trì trệ, bất cập, có khả năng đề ra các đối sách, có khả năng tổ chức nhân dân giác ngộ và phấn đấu thực hiện những mục tiêu đó. Người tài là người có khả năng tập hợp được lòng dân, đưa đất nước phát triển cập nhật với những giá trị văn minh: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn mấy tiêu chuẩn về đạo đức con người thiết nghĩ người bình thường nào cũng phải có. Người lãnh đạo tốt là người định hướng và lựa chọn đúng con đường và mô hình phát triển xã hội, thể chế chính trị, có tư tưởng cải cách, biết đặt lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia lên trên lợi ích bản thân và bất kỳ lợi ích nhóm nào khác. Trong 05 bản năng gốc, thì bản năng “sáng tạo” phải mạnh nhất, để chi phối các bản năng còn lại. Trong 07 trí thông minh, thì thông minh ngôn ngữ, giao tiếp và tự xử phải nổi trội.

Lời kết

Người dân nước nào cũng mong muốn có người lãnh đạo tài giỏi. Ở VN mong muốn này càng cháy bỏng. Đã có rất nhiều người Việt khá thành công ở nước ngoài vì họ được nuôi dưỡng và phát triển trong một môi trường thực sự tốt và thuận lợi cho sự phát triển của hiền tài. Cải tổ thể chế và phát huy dân chủ là việc làm đầu tiên của Việt Nam nếu muốn có được hiền tài phục vụ sự phát triển bền vững của quốc gia.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn