Lại suy tư về bài viết "Chuyện bây giờ mới kể về bác Trương Đình Tuyển"

Vũ Mạnh Hùng

“Nhận thức mang tính gốc rễ về sự bất hạnh của người dân, có thể nói hiện đang lan tỏa và bùng phát. Sự lan tỏa và bùng phát đó, biểu hiện rõ rệt nhất trong hai năm vừa qua khi đảng thể hiện quyết tâm đàn áp dân chủ nhân quyền. Khi sự thật bị phơi bày, tội ác không thể che giấu, người dân không còn tin vào chế độ thì mọi tuyên truyền dựng thánh đều thất bại, hầu hết có tác dụng ngược, “nguy hại” hơn đối với sự kéo dài quyền lực cai trị của Đảng”.

Vũ Mạnh Hùng

Tôi định dừng không bàn về chuyện “tấm gương” của “bác” Trương Đình Tuyển nữa, nhưng bài viết của tác giả Ngô Minh, đăng trên báo An ninh thế giới ngày 14/7/2018, cứ ám ảnh tôi về hình ảnh “tấm gương” của ông Trương Đình Tuyển nguyên Bộ trưởng BTM. Bởi hình ảnh đó nó nhang nhác như hình ảnh tạo dựng ông Hồ Chí Minh, khiến tôi không thể không viết tiếp về những suy tư của mình.

Sự ám ảnh khiến tôi đặt ra câu hỏi, tại sao vào thời điểm đa số người dân mất hết niềm tin vào chế độ, không còn chút tin tưởng và kính trọng nào dối với những vị lãnh đạo CS hiện nay, Đặc biệt là ở thời điểm người dân khắp các tỉnh thành cho đến mọi miền đất nước liên tục bày tỏ chính kiến, biểu tình phản đối đến mức chưa bao giờ có trong lịch sử cai trị đất nước của chế độ về dự luật Đặc khu và An ninh mạng, thì tác giả Ngô Minh lại viết về ‘tấm gương sáng ngời’ của một lãnh đạo CS?!

Thời gian mà cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương bác Hồ…” kéo dài hàng chục năm xem ra không còn tác dụng trước sự thức tỉnh ngày càng đông của người dân về hiện tình đất nước. Không hiểu bài viết của tác giả Ngô Minh có nằm ngoài mục đích khởi động cho một cuộc vận động sắp tới của Đảng về học tập và làm theo ‘tấm gương’ của “bác” Tuyển không?!

Phải nói vai diễn của “bác” Tuyển trong thời gian nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khá thành công. Phong cách lãnh đạo của “bác” Tuyển được người dân rỉ tai nhau, sau đó tuy có lác đác truyền thông của Đảng nhắc đến cũng đã tạo dựng được một hình ảnh người lãnh đạo có nhân cách ‘cao đẹp’ (một ông quan CS cấp cao : ‘thanh liêm, chính trực, giản dị, ham đọc, ham học, ham hiểu biết, mẫu mực, gần dân, gắn bó với dân, thương dân hơn ai hết dưới chế độ CS trừ ông Hồ …). Sau khi từ giã chức vụ ở Nghệ An, ông lại được bổ nhiệm chức Bộ trưởng BTM lần thứ hai, hình ảnh của ông già WTO lại được truyền thông của Đảng thổi lên như cồn, đã làm cho không ít người không tiếc lời ca tụng.

Thực chất “tấm gương” của ông Tuyển có đáng được ca ngợi không?! Đó là điều làm tôi không thể không “tâm tư”, bởi tôi là người đã gửi đến ông Tuyển không biết bao nhiều đơn thư tố cáo cùng tài liệu chứng cứ kèm theo về những hành vi tham nhũng,… của kẻ có chức quyền thuộc cấp dưới của ông. Thế mà, trong cả hai lần ông nhậm chức Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông vẫn làm ngơ. Hàng chục cơ quan báo chí nhà nước và có tới 50 bài báo liên tục lên tiếng phản ánh, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và kết luận những “nội dung tôi tố cáo là đúng”, ông cũng vẫn… làm ngơ. Thé là thế nào?

Bản thân tôi thì bị trù dập một cách trái pháp luật cho đến nay, dù thế tôi không có ý thù ghét gì ông. Nhưng có một điều tôi không thể chấp nhận được khi Hiệu trưởng Nguyễn Quang Thư nói ông đã chỉ đạo ký và cấp 192 bằng tốt nghiệp cao đẳng trái pháp luật. Dù chỉ ký và cấp một bằng đã phạm tội hình sự, chưa nói đến 192 bằng. Nếu một nhà nước thượng tôn pháp luật thì chắc chắn ông đã phải ngồi tù. Tất nhiên, ông chỉ chỉ đạo bằng miệng, và chỉ đạo bằng miệng thì than ôi, lời nói gió bay. Và cuối cùng, cái quan trọng là ông đã bảo vệ thành công cho kẻ phạm tội cấp dưới một cách an toàn không hề hấn gì cả, cho tới nay.

Thử hỏi lương tri của ông như thế, “tấm gương lãnh đạo” của ông như thế, nếu sắp tới ông tiếp tục được báo chí tung hô, biết đâu ông lại được lên truyền hình nhận giải thưởng “tấm gương lãnh đạo thanh liêm chính trực vì dân vì nước”. Biết đâu, sau đó Ban Tuyên giáo của đảng lại phát động phong trào ‘học tập và làm theo’ để khỏa lấp khoảng trống tư tưởng của dân chúng hiện nay?! Nếu tiếp tục tạo dựng hình ảnh “bác” Tuyển, liệu có lừa mị được khối người dân đang nửa tỉnh nửa say trước sự bức xúc của hai dự luật như đã nói?!

Mặt khác, hình ảnh “tấm gương” đó liệu có tiếp tục ru ngủ được những người dân còn mê muội trước cảnh đất nước đã và đang mất chủ quyền, dẫn đến chuyện tan nhà nát cửa có thể đếhồn với bất cứ ai? Đồng thời liệu “tấm gương” của “bác” được dựng lên có là cơ sở lý lẽ vững chắc cho đám công cụ tuyên truyền về sự tồn tại của chế độ?!

Suy cho cùng thì trong hệ thống cầm quyền cai trị đất nước của Đảng mấy chục năm qua, ngoài cụ Hồ ra, có thể nói không ai “diễn” giỏi để truyền thông có thể tạo dựng được một hình ảnh về “tấm gương” người lãnh đạo như ông Bộ trưởng BTM Trương Đình Tuyển. Để rồi Đảng có thể tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng “văn hóa và tư tưởng” lấp khoảng trống về tư tưởng trong dân chúng hiện nay.

Nhưng ‘đáng tiếc’ cho Đảng, cái cơ chế độc tài toàn trị làm sao có thể tìm được quan chức nào không phạm tội để làm biểu tượng cho hình ảnh của đảng bây giờ. Chính ông Nguyễn Sinh Hùng khi làm Chủ tịch Quốc hội đã phải than rằng “kỷ luật hết lấy ai làm việc”. Cũng ‘đáng tiếc’ cho ông Tuyển, tôi lại là nạn nhân của ông, khi tôi làm theo Đảng nói! Trước đây cũng như bao nhiêu người dân sống dưới chế độ, tôi đã có biết bao nhiêu hy vọng về Đảng, hy vọng có được là do sự độc quyền thông tin, thực hiện chính sách ngu dân và nhồi sọ của Đảng.

Sau khi nhận ra mình bị Đảng lừa, tôi không muốn người khác bị lừa như tôi và càng không muốn cả dân tộc bị lừa. Cái chính là sợ Đảng lại phát động cuộc học tập và làm theo tấm gương của “bác“ Tuyển cho thế hệ trẻ hôm nay để góp phần kéo dài sự suy đồi của chế độ. Điều đó thôi thúc tôi viết tiếp những suy tư sâu xa của mình khi xuất hiện bài viết “Chuyện bây giờ mới kể về bác Trương Đình Tuyển” của tác giả Ngô Minh.

Phải nói, đa số người dân hôm nay đã nhận ra được cái gốc của sự oan khuất và bất hạnh của mình là một xã hội không có dân chủ, quyền con người bị Đảng tước đoạt, bị chà đạp một cách vô pháp. Thực tế đã chứng minh càng ngày, càng nhiều người dân lương chính quan tâm đến những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị. Họ nhận ra chính những kẻ đàn áp, bắt bớ bỏ tù người yêu nước vô tội mới là tội nhân.

Bởi đa số người dân hôm nay đã hiểu rằng, bất đồng chính kiến, thực thi dân chủ, thực thi quyền con người không phải là tội. Nên họ nhận ra chính những tù nhân lương tâm, tù nhận chính trị là ân nhân của mình, là những người đáng được tôn vinh chứ không phải là ai đó trong giới quan chức CS được đám bồi bút tung hô, ca tụng để đánh bóng chế độ. Ai cũng thấy cái đau của lương tri là ở chỗ, sự tung hô đó đã góp phần phủ lấp và bỏ lại đàng sau nó mọi oan khuất chồng chất và bất hạnh của người dân.

Nhận thức mang tính gốc rễ về sự bất hạnh của người dân, có thể nói hiện đang lan tỏa và bùng phát. Sự lan tỏa và bùng phát đó, biểu hiện rõ rệt nhất trong hai năm vừa qua khi đảng thể hiện quyết tâm đàn áp dân chủ nhân quyền. Khi sự thật bị phơi bày, tội ác không thể che giấu, người dân không còn tin vào chế độ thì mọi tuyên truyền dựng thánh đều thất bại, hầu hết có tác dụng ngược, “nguy hại” hơn đối với sự kéo dài quyền lực cai trị của Đảng.

Thực tế cho thấy, cuộc “cách mạng” khống chế “tư tưởng và văn hóa” của đảng dù có khốc liệt đến đâu cũng không thể cứu vãn được thất bại, đó cũng là dấu hiệu chấm hết cho một chế độ, sự sụp đổ cận kề là tất yếu. Nên ai đó có ý định ca tụng bất cứ một quan chức CS nào, đặc biệt là đã rời ghế quyền lực, để làm biểu tượng, đánh bóng chế độ có khác nào gián tiếp lật lại cái bộ mặt dơ bẩn thối tha – phạm tội tày trời của họ để thiên hạ “chiêm ngưỡng”.

V.M.H.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn