Có thật là Quảng Ninh từ chối vốn ODA của Trung Quốc?

Thảo Vy - Nam Phương 

     

Ai đã đến Hải Phòng mấy năm sau thời “Đổi mới”, thì có thể nghe người dân Hải Phòng hài hước “Có ai đi thành phố Hạ Long thì phải qua “thị xã Hải Phòng” nhé”. Thời đó, Hải Phòng không may vớ phải mấy ông lãnh đạo già nua bảo thủ (lúc đó ông Đoàn Duy Thành đã rời Hải Phòng, lên Trung ương), đã không tiếp thu nổi tinh thần Đổi mới để năng động làm ăn, nên đã tụt hậu hơi nhiều so với Quảng Ninh, để đến nỗi dân Hải Phòng phải ngao ngán thở than làm vậy. Trong cuộc chiến tranh tháng 2/ 1979, chống Tàu, Quảng Ninh là địa đầu đất nước, đã bị quân Trung Quốc đánh phá nhiều, đã phải gồng mình chiến đấu, mỏ than Quảng Ninh đã phải thành lập cả một Sư đoàn tự vệ công nhân để cùng quân đội bảo vệ địa bàn...

Vậy mà, sau chiến tranh, lãnh đạo Quảng Ninh đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, nhanh chóng tiếp thu tinh thần Đổi mới, năng động làm ăn khiến Quảng Ninh vượt trội hẳn lên ở vùng Đông Bắc. Khi đó, Quảng Ninh phát triển là chỉ nhờ khai thác rừng vàng biển bạc; đặc biệt, lúc đó đã biết khai thác thế mạnh là làm du lịch với Vịnh Hạ Long... Lúc đó cũng chưa phải đã vay được vốn nước ngoài, lại càng không vay vốn Trung Quốc (vì lửa khói chiến tranh mới tan, tinh thần cảnh giác bọn xâm lược còn cao vời vợi)... Và có thể khi đó lãnh đạo Quảng Ninh cũng như lãnh đạo Trung ương còn khác bây giờ.

Nay, cứ theo đà dịch chuyển của các chủ trương chính sách ngày càng thân Trung Quốc, chẳng biết từ thời lãnh đạo nào, Quảng Ninh cứ dần trượt vào con đường làm ăn lệ thuộc vốn Trung Quốc, sinh ra những chuyện sử dụng đồng vốn quá lớn, đầu tư vào những hạng mục nhiều tai tiếng đáng ngờ như trong bài viết dưới đây. Trong khi nhiều nước trên thế giới, từ các châu Âu, Á, Phi, cả Mỹ La tinh đều đã đang giật mình vì phát hiện ra đã bị rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, và nhiều nước đang cố giãy giụa để thoát ra, thì Quảng Ninh lại “năng động quá đà” ngày càng tìm cách quanh co quay quắt để tự chui vào bẫy nợ, để rồi có ngày phải gán cả vịnh Hạ Long đi trả nợ hay sao? Mà xét cho ngay, bằng vào vốn trời cho là Vịnh Hạ Long hai lần di sản thế giới, cứ tổ chức du lịch cho chỉn chu, phát triển bền vững thì Quảng Ninh đâu thiếu của ăn hôm nay và của để cho muôn đời con cháu?

Không, hình như cái “nghiệp” của Quảng Ninh từ lâu đã được “định phận” rồi thì phải. Đó là cứ bán tống bán tháo tất cả để dâng hiến “ông anh”, như chuyện cào cấu quặng than dồi dào của mình xong thì bán rẻ sang biên giới như cho, sau đó lại nhanh nhẩu mua lại của “anh” bằng cái giá ngất ngưởng không một ai với tới… Mà để được gì nhỉ? Được một ông Bí thư Tỉnh ủy ung dung leo từng bước lên chiếc ghế sát gần “ngài ngự” – tất nhiên là phải có sự bảo lĩnh bằng vàng từ phía bên kia, có đi có lại mới toại lòng nhau mà – Và được nữa là cái dự luật Đặc khu đang chờ chực thông qua Quốc hội mà với nó, Quảng Ninh sẽ yên tâm đi bước trước trên con đường chui vào tay áo Đại Hán và chứng kiến ngài cựu Bí thư Tỉnh ủy được ban hốt ngà “An Nam quốc vương” từ triều đình mẫu quốc. Hãy chờ đấy để dân tộc này vỗ tay reo mừng chúc tụng ngài.

Bauxite Việt Nam

        

Dường như lường trước chuyện Dự Luật Đặc khu sẽ khiến dư luận dậy sóng vì lo ngại Trung Quốc sẽ thao túng Quảng Ninh, nên nếu giờ lại chấp nhận gói cho vay 500 triệu USD vốn ODA của Bắc Kinh, khác nào thách thức tiếp công luận về ‘yếu tố’ Trung Quốc ở Quảng Ninh.

Từ chối vay ODA Trung Quốc, Quảng Ninh gọi 500 triệu USD làm cao tốc. Thay vào đó, UBND tỉnh Quảng Ninh (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và Liên danh Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân - Công ty cổ phần Mặt Trời Vân Đồn - Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành (nhà đầu tư) đã ký kết hợp đồng Dự án đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái theo hình thức đối tác công-tư (PPP), hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).

clip_image002

Góc thành phố Quảng Ninh. Ảnh minh họa

Những thông tin trên được các biên tập viên các báo khai thác từ nội dung văn bản do Quảng Ninh vừa công bố hồi đầu tháng 10-2018; qua đó gián tiếp phủ nhận việc địa phương này đã chịu sức ép lệ thuộc vào Trung Quốc trong đề xuất thành lập đặc khu kinh tế, cũng như đề án “Nhất thể hóa” được thí điểm ở Quảng Ninh do trung tướng công an, nguyên thứ trưởng Bộ Công an Phạm Minh Chính chấp bút.

Câu hỏi đặt ra là nguồn vốn vay có từ hợp vốn của những ngân hàng nào? Vay ngân hàng nước ngoài có giấy phép hoạt động tại Việt Nam, hay từ ngân hàng bên ngoài Việt Nam?

500 triệu USD lớn đến mức độ nào?

Trước tiên có thể thấy rằng với Việt Nam thì con số mà nhà đầu tư nội địa bỏ ra đến 500 triệu USD, là con số rất lớn nếu so sánh với chuyện tháng 12-2017, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phê duyệt 2 khoản vay có tổng trị giá 299 triệu USD cho Việt Nam.

Cụ thể, khoản vay 150 triệu USD nhằm cải thiện tính kết nối kinh tế và nâng cao mức sống cho bốn tỉnh đông bắc Việt Nam thông qua tăng cường cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản, mang lại lợi ích cho hơn 212.000 người. Tổng chi phí của dự án là 195,9 triệu USD, trong đó phần đóng góp của Chính phủ Việt Nam là 45,9 triệu USD.

Khoản vay thứ hai trị giá 149 triệu USD nhằm cải thiện các dịch vụ cơ sở hạ tầng cơ bản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững, mang lại lợi ích cho hơn 1 triệu người tại bốn tỉnh vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam.

Hỗ trợ của ADB cho Dự án Cơ sở Hạ tầng cơ bản cho Tăng trưởng đồng đều ở các tỉnh Bắc Trung Bộ bao gồm một khoản vay thông thường trị giá 52 triệu USD và một khoản vay ưu đãi trị giá 97 triệu USD. Cả hai khoản vay sẽ được tài trợ từ nguồn vốn vay thông thường - là nguồn tài trợ cho hầu hết các khoản vay của ADB. Tổng chi phí dự án là 203,52 triệu USD, trong đó phần đóng góp của Chính phủ Việt Nam là 54,52 triệu USD.

Hồi giữa năm nay, Thái Lan đã lên kế hoạch lập quỹ khu vực với các nước gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar để hỗ trợ cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển, giảm phụ thuộc vào đầu tư từ Trung Quốc. Quỹ này sẽ đi vào hoạt động năm 2019, Arthayudh Srisamoot, phó bí thư thường trực của Bộ Ngoại giao Thái Lan, nói với Nikkei Asian Review. Để lên kế hoạch và thực hiện “càng sớm càng tốt”, Thái Lan có thể đóng góp “con số cơ bản” ban đầu, có thể là hàng triệu USD.

Bảy năm trước đó, bên lề hội nghị thường niên ngân hàng Thế giới (WB) và quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các bộ trưởng Tài chính ASEAN đã nhất trí thành lập quỹ Cơ sở hạ tầng (AIF) trị giá gần 500 triệu USD nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực năng động này và các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới.

Năm 2014, AIF đã cho vay dự án truyền tải điện trị giá 100 triệu USD ở Việt Nam; ADB cung cấp thêm khoản vay 200 triệu USD, và phần vốn còn lại khoảng 380 triệu USD do chính phủ Việt Nam đảm nhận.

Có ai đứng đàng sau những ông, bà chủ tư nhân ở Việt Nam?

Tính theo tỷ giá hối đoái, 500 triệu USD sẽ tương đương 12 ngàn tỷ đồng tiền Việt Nam. Con số này dành cho dự án đường cao tốc tại Việt Nam, nhìn chung là không lớn lắm. Tuy nhiên sẽ rất lớn nếu như phía nhà đầu tư cùng lúc đã nhận thầu nhiều dự án bạc chục ngàn tỷ đồng.

Tài liệu báo chí có được, theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 17-11-2017 của Công ty cổ phần BOT Biên Cương, thì thành viên sáng lập Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) đã hạ vốn góp từ 54,062 tỷ đồng về 108 triệu đồng, tỷ lệ sở hữu theo đó giảm từ 5% về 0,01%.

Công ty BOT Biên Cương được thành lập tháng 5-2015 bởi Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Công Thành (94,98%) và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành - Phương Thành Tranconsin (5%). Công ty thành lập để làm pháp nhân khi đầu tư dự án đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, và cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương được đầu tư theo hình thức BOT, có tổng mức khái toán 14.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn BOT là trên 10.000 tỷ đồng.

clip_image004

BOT Biên Cương (Cẩm Phả). Cafeland

Sau đó, Phương Thành Tranconsin rút lui, tỷ lệ sở hữu của cổ đông còn lại là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Công Thành tăng từ 94,99% lên mức gần như tuyệt đối 99,98%. Công ty BOT Biên Cương giờ chỉ là cái tên ‘con’ của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Công Thành.

Nếu như Phương Thành Tranconsin là cái tên có truyền thống và đã chứng tỏ được năng lực trong ngành xây dựng cầu đường. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 886 tỷ đồng đã và đang tham gia nhiều gói thầu lớn như QL37 Bắc Giang - Thái Nguyên; QL 38 Hải Dương - Cầu Tràng; Gói thầu số 2 Dự án QL1 đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cao tốc Nội Bài - Lào Cai…; thì ở chiều ngược lại, Công Thành lại là đơn vị không mấy tên tuổi. Pháp nhân này chỉ mới thành lập trước thời điểm được cấp phép dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn chưa đầy một năm.

Trong giới làm ăn, ai cũng rõ thế lực của Công Thành, khi nơi đây có sự hiện diện vốn của cựu Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Huyền Tâm, phu nhân cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh.

Ai mới thực sự là những ông, bà chủ rót tiền tươi?

Trong Liên danh nói trên, thì Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Long Vân vẫn còn là một cái tên mới toanh. Ghi nhận của báo chí cho biết Công ty này thành lập ngày 06-12-2017, không lâu sau khi Quảng Ninh có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải thẩm định Dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, và cũng không lâu trước khi Quảng Ninh chính thức phát hồ sơ mời sơ tuyển dự án này.

Trong làm ăn, việc nhóm các nhà đầu tư thỏa thuận cùng lập ra Long Vân để ứng tuyển dự án BOT cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, cũng là lẽ bình thường. Tuy nhiên sẽ khó bình thường khi họ thay đổi người sở hữu vốn liên tục.

Ban đầu Long Vân có vốn điều lệ 660 tỷ đồng, có 3 thành viên sáng lập – tất cả đều là thể nhân, gồm: Trần Minh Dũng, đăng ký góp 198 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30%; Lê Ngọc Quyến, 363 tỷ đồng, 55%; Phạm Thị Minh Phương, 99 tỷ đồng, 15%.

Ngay sau khi đăng ký vốn được xác nhận theo thủ tục hành chánh, phần vốn góp của bà Phạm Thị Minh Phương (sinh năm 1995, trú tại Tổ dân phố Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được chuyển sang đứng tên bởi bà Vương Thị Hằng (sinh năm 1986, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Sau đó, bà Hằng đảm nhận cương vị Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Long Vân, thay cho ông Trần Minh Dũng (sinh năm 1988).

Tương tự, thành viên sáng lập Lê Ngọc Quyến (sinh năm 1970; trú tại phố Sơn Tây, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng chuyển nhượng toàn bộ 363 tỷ đồng (55%) vốn điều lệ tại Long Vân cho ông Nguyễn Xuân Thạch (sinh năm 1981, trú tại Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội [*]).

Rất nhanh sau khi các cổ đông sáng lập chuyển ‘chuyển vốn’, Long Vân thực hiện tăng vốn điều lệ lên mức 1.500 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu của các thành viên vẫn được giữ nguyên: Trần Minh Dũng (450 tỷ đồng; 30%); Nguyễn Xuân Thạch (825 tỷ đồng; 55%); Vương Thị Hằng (225 tỷ đồng; 15%).

Dân làm ăn xứ Bắc nói rằng họ không rõ những ông, bà độ tuổi 8x này ‘máu mặt’ ra sao, chứ chuyện bỏ ra hẳn 1.500 tỷ đồng tiền tươi để thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ là con số rất lớn.

Dấu hỏi mượn danh: đàng sau có là vốn của nhà đầu tư Trung Quốc?

Đây là một nghi vấn. Những diễn biến về sang nhượng vốn trong trường hợp của Long Vân không cá biệt.

Trước đó, Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn chậm tiến độ cũng vì 2 lần phải cơ cấu lại thành viên góp vốn của Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, doanh nghiệp dự án được thành lập để thực hiện Dự án do sự rút vốn của 2 cổ đông. Dự án BOT Quốc lộ 51 Biên Hòa - Vũng Tàu là một điển hình về lùm xùm trong chuyển nhượng cổ phần của chủ dự án là Công ty Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) [người viết sẽ trở lại vụ việc này trong một bài viết khác].

Dễ thấy việc chuyển nhượng cổ phần này có thể tạo kẽ hở phát sinh việc chuyển nhượng, mượn danh để mua bán dự án BOT. Việc ký kết hợp đồng xuất phát từ đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư ban đầu. Nếu việc chuyển nhượng không được giám sát chặt chẽ, có thể dẫn đến việc nhà đầu tư được chuyển nhượng về sau không đủ năng lực, hoặc gây ra những xáo trộn ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thực hiện dự án.

Đi xa hơn, không ít ý kiến ngờ rằng phía nhà băng Trung Quốc có thể sẽ sử dụng “ngoại giao nợ” để mở rộng thị trường tại Việt Nam, qua việc tài trợ vốn vay kiểu như “500 triệu USD làm đường cao tốc ở Quảng Ninh”. Ngân hàng Agricultural Bank of China Limited – Chi nhánh Hà Nội, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ ngày 1-1-2018 là một ví dụ.

Ngân hàng Bank of China ở Việt Nam cũng đã nhận được sự chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam cũng như trên thị trường quốc tế.

Cùng với dấu hỏi mượn danh (đã nói ở trên), thì một khi ‘là con nợ’ của các ông, bà chủ nhà băng Trung Quốc ngay tại Việt Nam, để rồi với nghiệp vụ ‘mua lại nợ’, sẽ dễ dàng “Trung Quốc hóa” tất cả các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu cảnh “là con tin” từ nguồn vốn vay đó.

Trong trường hợp cụ thể Dự án đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, phía hưởng lợi lớn nhất ở đây chính là phía Trung Quốc, họ sẽ tìm mọi cách để có thể giữ quyền khai thác về mình; dù đó là câu chuyện gọi vốn BOT nội địa từ Liên danh Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân - Công ty cổ phần Mặt Trời Vân Đồn - Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành.

[*] Ông Nguyễn Xuân Thạch hiện còn đang đại diện cho Công ty cổ phần GNC Việt Nam, với giấy phép hoạt động đến gần 50 mã ngành, từ xây dựng hạ tầng đường bộ, công trình dân dụng, buôn bán thương mại, kinh doanh thiết bị điện tử, máy móc nông nghiệp, nhà hàng khách sạn, ngành giải trí, xúc tiến thương mại…

T.V. - N.P.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn