Tác động dây chuyền: Một quyết định về thương mại của ông Trump trở thành bước lùi cho nền dân chủ ở Việt Nam như thế nào?

Simon Denyer David Nakamura

Hiếu Chân chuyển ngữ

Việt Nam đã hứa hẹn nhiều quyền lợi hơn cho người lao động. Thay vì vậy, không có TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), họ đã mạnh tay tiến hành trấn áp.

Hà Nội - Một trong những hành động đầu tiên nhất của Tổng thống Trump: rút ra khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - một hiệp định thương mại có ảnh hưởng sâu rộng giữa 12 nền kinh tế từng được coi là trọng tâm trong chiến lược “tái cân bằng” sang châu Á của Tổng thống Barack Obama.

Ông Trump cáo buộc rằng những thỏa thuận như vậy gây thiệt hại cho nền công nghiệp chế tạo của Mỹ, và vào ngày 23.01.2017 [chỉ hai ngày sau khi ngồi vào ghế Tổng thống - ND], ông ký sắc lệnh rút ra [khỏi TPP] tại Phòng Bầu dục.

Ông nói: “Việc chúng ta vừa làm là một điều vĩ đại cho người lao động Mỹ”.

Với hành động đó, ông đã kích hoạt một cơn bão chính trị và kinh tế mà cho đến nay vẫn còn vang vọng tại đây, tại Việt Nam.

Thoát khỏi những điều kiện để được gia nhập hiệp định thương mại TPP do Chính phủ Obama áp đặt, chính quyền Cộng sản Việt Nam đã hủy bỏ các kế hoạch cho phép thành lập các nghiệp đoàn độc lập, và triển khai một cuộc trấn áp nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên đối với những người bất đồng chính kiến. Nhà cầm quyền đã bắt hàng loạt những người hoạt động xã hội, người viết blog và người ủng hộ dân chủ, tuyên nhiều án tù dài từ 10 năm đến 20 năm.

Việt Nam đưa ra một ví dụ về hậu quả rất ít được chú ý từ một số quyết định sớm nhất của ông Trump. Hiệp định xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, nhanh chóng phai mờ trên trang đầu của báo chí Mỹ khi ông Trump tiến hành những trận chiến thương mại quyết liệt với Trung Quốc, châu Âu, Mexico và Canada. Nhưng sự thay đổi chính sách một cách đột ngột đã có những phản ứng dây chuyền lan ra rất xa, theo nhận định của các nhà ngoại giao và người hoạt động xã hội.

“Ngay sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi TPP, ta thấy một sự thay đổi tận gốc trong cách thức Chính phủ [Việt Nam] đối xử với công nhân, người hoạt động lao động và công đoàn. Rất nhiều người đã bị quấy rối, bị theo dõi, bị bỏ tù và đe dọa”, bà Đỗ Thị Minh Hạnh, người hoạt động nghiệp đoàn 33 tuổi, nói trong một quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Sự thay đổi chính sách của Trump không phải là yếu tố duy nhất dẫn tới cuộc đàn áp của Việt Nam - những người có quan điểm cứng rắn đã chiếm vai trò thống trị trong Đảng Cộng sản, và họ lo ngại trước sự trỗi dậy của các nhà hoạt động xã hội và các vụ phản kháng.

Ông Trump cũng không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm cho số phận của TPP.

Trước khi rời chức vụ, ông Obama đã thất bại trong việc thuyết phục một Quốc hội nhiều hoài nghi và công chúng Mỹ về những lợi ích của hiệp định; kết quả là một sáng kiến chính sách ngoại giao châu Á mang dấu ấn của ông ta đã bị chê bai ở khắp nơi. Thật vậy, trạng thái chê bai như thế lan rộng tới mức ứng cử viên Hillary Clinton cũng tỏ ý định sẽ rút ra khỏi hiệp định mà có lần bà đã ca ngợi là “tiêu chuẩn vàng” của các thỏa thuận thương mại.

Được hỏi về quyết định về TPP và cuộc đàn áp ở Việt Nam, một Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ, ông Garrett Marquis, nói rằng, các hiệp định thương mại không nhất thiết phải có hiệu quả là đạt tới những cải cách dân chủ. Ông chỉ ra trường hợp Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001, và nói rằng nó “chứng minh không thể nghi ngờ rằng gia tăng thương mại quốc tế không phải luôn luôn dẫn tới tự do hóa các nhà nước chuyên chế độc đảng. Trong thực tế, nó có thể làm trì hoãn công cuộc tự do hóa qua việc làm cho đảng cầm quyền mạnh lên hơn”.

Những cái được và mất của thỏa thuận thương mại vẫn đang được bàn luận. Nhưng một số điều đã trở nên chắc chắn.

Quyết định của Hoa Kỳ xây dựng rồi rút ra khỏi TPP đã giáng một đòn nặng nề vào độ tin cậy của nước này ở châu Á, một điều mà Trung Quốc không ngần ngại lợi dụng.

Quyết định ấy cũng lấy đi một cái giá nhân mạng thật sự ở đây, ở Việt Nam, các nhà hoạt động cho biết.

Trong lúc TPP đang được đàm phán, đã manh nha một phong trào những người hoạt động Việt Nam sử dụng mạng xã hội để quảng bá các ý tưởng về quyền của người lao động, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và nền dân chủ. Chính phủ Hoa Kỳ đã thiết kế một hiệp định thương mại nhằm bảo đảm những cam kết từ giới lãnh đạo Việt Nam rằng họ sẽ cho phép các nghiệp đoàn độc lập, củng cố sự kiểm soát môi trường, cho phép một mạng Internet tự do và rộng mở.

Khi TPP bị bãi bỏ, động lực đó bị đảo ngược.

Bà Minh Hạnh đã thấy những người hoạt động nghiệp đoàn đồng đội bị bắt và bị tuyên những án tù dài. Bà đã đối mặt với sự quấy nhiễu thường xuyên, kể cả bị tấn công bởi những người đàn ông đeo mặt nạ, ném đá và chất nổ khi bà đang ở cùng nhà với người cha.

Một người hoạt động khác, nhà môi trường Lê Đình Lượng, bị cáo buộc tội lật đổ, bị tuyên 20 năm tù giam. Ông ấy đã không được phép tiếp xúc với vợ, người sợ rằng tình trạng sức khỏe ốm yếu có nghĩa là ông ấy sẽ chết trong nhà tù.

“Hiệp định TPP có thể là một luồng gió thổi vào cánh buồm của các nhà hoạt động xã hội Việt Nam, những người hoạt động nghiệp đoàn và môi trường,” ông Brad Adams, giám đốc điều hành phân ban châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, nói. “Rút ra khỏi TPP là một bước thụt lùi lớn”.

“ĐỘNG LỰC CẢI CÁCH 2.0”

Ông Obama mô tả TPP là cơ hội để Hoa Kỳ viết ra luật lệ thương mại ở một khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, để nâng cao những tiêu chuẩn môi trường và lao động sao cho các công ty Hoa Kỳ sẽ không bị lấn lướt. Nhưng hiệp định này cũng là một nỗ lực được che giấu sơ sài nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc qua việc hình thành một trật tự khu vực dựa trên luật lệ mà không có sự tham gia của Bắc Kinh.

Những người theo xu hướng tự do trong Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn thấy TPP là một sự khích lệ mà Chính phủ cần để tiến hành thay đổi vì TPP mang lại quyền tiếp cận rộng lớn hơn tới thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam: Hoa Kỳ.

“Hiệp định TPP là lực đẩy cho Cải cách phiên bản 2.0. Môi trường kinh doanh, chống tham nhũng, cải cách lao động”, ông Trần Việt Thái, phó tổng giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam - một think-tank của bộ Ngoại giao, cho biết.

Việt Nam đã cam kết không chỉ cho phép có các nghiệp đoàn độc lập mà còn đặt ra ngoài vòng pháp luật việc sử dụng lao động của trẻ em, và trao cho doanh nghiệp tư nhân cơ hội cạnh tranh với khu vực kinh tế nhà nước do Đảng Cộng sản điều hành. Công dân được cam kết một “mạng Internet tự do và rộng mở”.

Tháng Hai năm 2016, Hoa Kỳ và 11 nước khác đã ký hiệp định TPP, nhưng nó vẫn cần được quốc hội của các nước ấy phê chuẩn. Lần đầu tiên trong lịch sử kể từ thời Chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ có một đòn bẩy thực sự để buộc Đảng Cộng sản phải trao cho người dân quyền tự do chính trị rộng rãi hơn.

Thế rồi Chính phủ Trump rút ra.

“Nó đã rút tấm thảm lót dưới chân các nhà cải cách”, ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khi ấy, nói.

BẮT GIAM CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG

Trong suốt thời gian đàm phán TPP, ông Osius thường nhấn mạnh nhu cầu hiệp định này cần được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn, và ông mang những lá thư của các thành viên Quốc hội gởi Chính phủ Việt Nam đề cao sự quan tâm của họ đối với nhân quyền.

“Đó là một thông điệp hết sức mạnh mẽ”, ông Osius - một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, được ông Obama bổ nhiệm làm đại sứ - nói. “Nó không có nghĩa là họ phải mở toang cửa nhà tù, nhưng họ phải cân nhắc quan điểm của Hoa Kỳ mỗi khi họ quyết định. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ làm như vậy kể từ khi chúng ta rút khỏi TPP”, ông Osius nói.

Nhưng ở Việt Nam, các lực lượng khác cũng hoạt động.

Những cuộc biểu tình phản kháng đã bùng lên trong mùa xuân năm 2016 sau một vụ xả chất độc gây ra thảm họa môi trường trầm trọng nhất, tôm cá và sinh vật biển bị chết và giạt lên một khu vực bờ biển rất dài. Chất độc xả ra từ một nhà máy của một công ty Đài Loan, nhưng nỗi căm giận nhắm vào chính quyền Việt Nam do chính quyền ứng phó chậm chạp, thiếu minh bạch và tham nhũng.

Đó là cuộc biểu thị nỗi tức giận lớn nhất trong bốn thập kỷ cai trị của Đảng Cộng sản.

Bên trong Bộ Chính trị cầm quyền ở Việt Nam, những người bảo thủ có quan điểm cứng rắn đã giành được thế thượng phong trong cuộc thay đổi lãnh đạo tháng Giêng 2016, trong lúc ông Obama vẫn còn tại vị ở Bạch Ốc. Họ không dung thứ cho một cuộc nổi loạn.

Những dấu hiệu đầu tiên về một cuộc trấn áp đã xuất hiện trước khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, với việc bắt giam người viết blog có tên Mẹ Nấm vào tháng 10 năm 2016. Nhưng phải đến mùa hè năm 2017 thì những vụ bắt bớ những người hoạt động mới bắt đầu diễn ra dày đặc và nhanh chóng.

clip_image002

Số lượng tù nhân lương tâm bị bắt theo các năm, và số năm tù giam (Nguồn: Amnesty International)

Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đã từng bị bắt trong quá khứ, nhưng lần này thì khác, với bản án tù 10 năm hồi tháng 6/2017 cho tội “tuyên truyền chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa”. Bà Quỳnh là một trong ít nhất 29 người hoạt động Việt Nam bị bắt trong năm 2017 vì những bài viết và sự ủng hộ của họ cho nhân quyền, môi trường và nền dân chủ, theo tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International)

Một tháng sau đó, vào buổi tối ngày 24/7/2017, người hoạt động môi trường Lê Đình Lượng đang trên đường về nhà thì bị một tá nhân viên an ninh mặc thường phục chặn lại, đánh đập và bắt đi, vợ ông ấy cho biết. Lượng là một nhà quản lý doanh nghiệp thành công, chuyển thành người viết blog và tổ chức cộng đồng.

“Ông ấy muốn giúp đỡ người khác, người nghèo và người yếu thế, chống lại bất công, bà Nguyễn Thị Quý, 53 tuổi, vợ ông Lượng, nói trong một cuộc phỏng vấn ở Hà Nội. Con trai và con dâu của vợ chồng này cũng bị đánh đập khi họ đến hỏi cảnh sát đang giam giữ cha của họ ở đâu, bà Quý cho biết.

Ông Lượng, 52 tuổi và bị bệnh thống phong (bệnh gout, bệnh gút), bị kêu án 20 năm tù giam vì “thực hiện những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Nguyễn Văn Đài, một luật sư, đã cùng với vài người hoạt động khác thành lập Hội Anh em Dân chủ năm 2013 và đi khắp nước để hướng dẫn những người khác cách bảo vệ quyền lợi của mình.

Vào ngày 5 tháng 4, sau một phiên xử cùng với 5 người lãnh đạo khác của hội, ông Đài bị kêu án 15 năm tù giam. Ông Đài cùng với một đồng nghiệp của mình từ đó đã bị lưu đày sang Đức - một phần vì lý do sức khỏe, phần khác nhờ áp lực của quốc tế, ông nói.

Nếu Chính phủ Hoa Kỳ vẫn còn ở trong TPP, “Việt Nam sẽ phải thực hiện nhiều cam kết về cải thiện nhân quyền, về cải thiện tình cảnh của người lao động”, ông Đài nói trong một cuộc phỏng vấn tại căn nhà khiêm tốn có hai phòng của ông ở ngoại ô thành phố Frankfurt. “Sẽ có cơ hội để thay đổi đất nước tôi”.

Việt Nam vẫn giữ ý định tham gia một phiên bản TPP không có Hoa Kỳ. Nhưng hiệp định đó loại trừ nhiều bước tiến khó khăn mà Việt Nam đã cam kết thực hiện, kể cả quyền của người lao động.

HAI PHONG CÁCH TỔNG THỐNG

Khi sự thoái trào gia tăng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói trong nhiều dịp rằng, Chính phủ Hoa Kỳ “lo ngại sâu sắc” trước sự kết tội và kêu án nặng nề các nhà hoạt động của Việt Nam, và kêu gọi chính phủ nước này cho phép các cá nhân được “thể hiện quan điểm của họ một cách tự do, được tụ tập một cách hòa bình mà không sợ bị trừng phạt”.

Chính phủ Trump cũng gây sức ép buộc Việt Nam phải tôn trọng tự do tín ngưỡng, một phụ tá cao cấp của tòa Bạch Ốc nói trong điều kiện ẩn danh bởi vì ông ta không có thẩm quyền bình luận về vấn đề này. Nhưng vị phụ tá này cũng thừa nhận rằng Hà Nội đã gần như phớt lờ áp lực từ bên ngoài.

“Tình hình rất tệ. Tôi nghĩ đó là một trở ngại cho mối quan hệ đối tác gần gũi hơn nữa với Việt Nam,” quan chức này nói.

Ông Adams của tổ chức Quan sát Nhân quyền nói rằng giờ đây nhà cầm quyền Cộng sản đã hầu như không đếm xỉa tới những lời yêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ.

“Khi họ nhìn vào ông Trump, họ thấy một Tổng thống Hoa Kỳ đã rất nhiều lần bộc lộ rõ ràng rằng ông ta không quan tâm tới nhân quyền và có vẻ ưa thích những nhà cai trị chuyên chế”, ông Adams nói.

Câu chuyện đằng sau thái độ lá mặt lá trái của Hoa Kỳ về TPP cũng là câu chuyện về hai phong thái khác nhau rõ rệt giữa hai Tổng thống.

Mặc dù có những mối lo ngại lâu dài về thành tích nhân quyền của Việt Nam, ông Obama quyết định rằng ông muốn đất nước này đứng trong TPP để lôi kéo nó xa khỏi Trung Quốc.

Tháng 7 năm 2015, Obama phá bỏ tiền lệ để tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ở thủ đô Washington. Tổng thống Hoa Kỳ đã dành ra bốn tiếng đồng hồ để chuẩn bị cho buổi gặp mặt và đã đưa ra một thông điệp quan trọng. Ông nói với ông Nguyễn Phú Trọng rằng Hoa Kỳ “tôn trọng” các hệ thống chính trị khác nhau, theo lời của ba người có mặt tại cuộc hội kiến.

Nhân quyền và các quyền tự do dân chủ vẫn là những vấn đề quan trọng, ông Obama nói, nhưng Washington không tìm cách lật đổ Đảng Cộng sản.

Cuộc hội kiến này mở đường cho hàng loạt những thỏa thuận song phương có tính chất khai phá, theo lời ông Evan Medeiros, khi ấy là giám đốc cao cấp phụ trách các vấn đề Á châu tại Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Những thỏa thuận này bao gồm việc dỡ bỏ biện pháp cấm vận vũ khí năm 2016 và một phụ lục của hiệp định TPP, theo đó Hà Nội cam kết điều chỉnh luật pháp để cho phép các nghiệp đoàn độc lập [được thành hình và hoạt động].

“Định đề căn bản làm nền tảng cho sự cai trị độc đảng là đảng kiểm soát tất cả mọi thứ. Thành lập các tổ chức, hiệp hội độc lập về chính trị với đảng có thể coi là khá cách mạng”, ông Tom Malinowski, trợ lý bộ trưởng ngoại giao phụ trách về nhân quyền và lao động dưới thời Obama, nói.

NHỮNG DẤU HIỆU CỦA TRUMP

Những sự phản đối đầu tiên của ông Trump đối với TPP là ở chỗ nó có thể là một thỏa thuận tệ hại cho các doanh nghiệp, người đóng thuế và người lao động Mỹ. Trong một cuộc tranh luận của các ứng cử viên Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa tháng 11 năm 2015, ông Trump than phiền rằng TPP đã không đề cập tới vấn đề Trung Quốc lũng đoạn tiền tệ - dù Bắc Kinh không phải là một phần của thỏa thuận. Về sau, ông viết trên Twitter rằng ông muốn nói tới chuyện Trung Quốc “sẽ đi vào bằng cửa hậu ở một thời điểm sau này”.

Vào thời điểm Trump nhậm chức, việc rút ra [khỏi TPP] là một “kết luận đã định trước”, theo lời Thomas Shannon, một nhà ngoại giao thâm niên lúc ấy đang giữ chức quyền bộ trưởng ngoại giao.

Trump đã “đưa ra một đánh giá rõ ràng rằng TPP sẽ chết khi được trình ra Quốc hội”, Shannon nói. “Tại sao ông ta phải đầu tư vốn liếng chính trị vào việc ủng hộ một hiệp định mà ông ta không đàm phán, và đã đi một chặng đường chính trị [qua việc] công kích nó như là một ví dụ nữa về chuyện giới tinh hoa chính sách đối ngoại đã thương lượng những thỏa thuận gần như bí mật?”

Cách tiếp cận của Chính phủ Trump với Việt Nam tương tự như cách của Chính phủ Obama ở hai phương diện: họ nhấn mạnh đáng kể vào mối quan hệ đang gia tăng về an ninh và quân sự, và họ để cho các nhà lãnh đạo Việt Nam tiếp cận những cấp cao nhất của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nhưng về những phương diện khác thì rất khác.

Tháng 5 năm 2017, ông Trump tiếp đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại tòa Bạch Ốc. Cố vấn an ninh quốc gia khi ấy là ông H. R. McMaster chỉ có 5 phút để thông tin vắn tắt cho ông Trump, theo lời ông Osius, người có mặt ở đó. Một vài thông tin trong lần báo cáo vắn tắt ấy được đưa ra lúc ông Trump kể một câu chuyện tiếu lâm thô lỗ, ông Osius nói.

“Rõ ràng Tổng thống không biết ai đang đến gặp ông ta, không biết cuộc gặp bàn về chuyện gì và không hề quan tâm chút nào”, Osius nói.

Các quan chức tòa Bạch Ốc phủ nhận rằng ông Trump không được chuẩn bị trước. Một phụ tá cao cấp của Bạch Ốc nói Tổng thống đã được báo cáo vắn tắt về những cuộc họp sắp diễn ra với các nhà lãnh đạo nước ngoài trong những buổi họp ngắn và tập trung trong nhiều tuần. Việc chuẩn bị với ông McMaster là cuộc rà soát cuối cùng, phụ tá này nói.

Tháng 11 năm 2017, ông Trump gặp Chủ tịch nước Việt Nam khi ấy là ông Trần Đại Quang ở Hà Nội, một phần trong chuyến viếng thăm châu Á kéo dài 5 ngày. Một thông cáo chung lưu ý rằng “hai nhà lãnh đạo công nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền”.

Nhưng rõ ràng là ông Trump chú ý tới chuyện khác. Trong khi ông Obama, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016, đã gặp gỡ các nhà hoạt động xã hội dân sự và đại diện giới trẻ, thì ông Trump nhấn mạnh vào việc giảm thâm hụt thương mại và bán thiết bị quân sự của Mỹ.

“Chúng tôi muốn Việt Nam mua hàng của chúng tôi, và chúng tôi sẽ xóa bỏ sự mất cân bằng thương mại”, ông Trump nói. “Ngoài ra, tôi nghĩ chúng tôi sẽ có một mối quan hệ tuyệt vời”.

“KHÔNG BAO GIỜ TỪ BỎ”

Mối hoài nghi với Trung Quốc luôn dâng cao ở Việt Nam, không phải chỉ vì hai nước đang giành nhau quyết liệt các hòn đảo ở Biển Đông. Cho dù ai làm chủ của tòa Bạch Ốc, các nhà lãnh đạo Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục nhìn sang Hoa Kỳ để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Hồi cuối tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo thăm các nước Đông Nam Á để quảng bá cho “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương”, cái mà Chính phủ Mỹ coi như thay thế cho TPP, hứa hẹn một sự gắn bó kinh tế lớn hơn dựa trên những nguyên tắc về “tự do và cởi mở” và do các công ty Hoa Kỳ dẫn dắt.

Trong khi ở Việt Nam, Phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ Pope Thrower nói rằng Chính phủ Hoa Kỳ duy trì “sự cam kết lâu dài của mình là làm việc với các đối tác chính thức và phi chính phủ để thăng tiến quyền của người lao động ở Việt Nam”.

Nhưng bà Minh Hạnh, người hoạt động lao động, nhìn sự việc có chút khác biệt.

Bà cảm ơn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đã giúp bà được trả tự do sau khi bà đã ở tù được một nửa thời gian của bản án 7 năm, nhưng giờ đây bà cảm thấy cô đơn hơn.

“Sự kiện Hoa Kỳ ít quan tâm tới các nghiệp đoàn đã làm cho nhiệm vụ của tôi như một nhà hoạt động trở nên khó khăn hơn một chút. Nhưng những người hoạt động chúng tôi sẽ không bao giờ lùi bước, không bao giờ từ bỏ đấu tranh, dù có hay không có sự ủng hộ của người Mỹ”, bà nói.

S.D. & D.N.

Nguồn bản gốc: Simon Denyer & David Nakamura, How a Trump decision on trade became a setback for democracy in Vietnam, Washington Post 11-10-18

Nguồn bản dịch: Viet-Studies

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn