8 yêu sách năm 2019 tương tự những đòi hỏi của một thế kỷ trước

Diễm Thi, RFA

Công an theo dõi người biểu tình ở Hà Nội vào ngày 10 tháng 6 năm 2018.

Công an theo dõi người biểu tình ở Hà Nội vào ngày 10 tháng 6 năm 2018. AFP

Hoàn cảnh ra đời

Bản “Yêu sách 8 điểm năm 2019 của người dân Việt Nam” do 100 tổ chức và cá nhân khởi xướng, ra đời đúng 100 năm sau bản “Yêu sách của dân tộc An Nam”, do một nhóm người Việt Nam yêu nước soạn thảo và ký bằng cái tên chung là Nguyễn Ái Quấc (Quốc), được gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles ngày 18/6/1919.

Bản yêu sách của một thế kỷ trước gồm 8 điểm:

1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;

2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;

3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;

4. Tự do lập hội và hội họp;

5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;

6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;

7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;

8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.

Và bản Yêu Sách 2019 cũng gồm 8 điểm:

1. Trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, những người thực hiện quyền tự do biểu đạt đã bị Toà án Việt Nam tuỳ tiện quy kết là “gây rối trật tự”, “tuyên truyền chống Nhà nước”, “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”…;

2. Cải cách căn bản nền pháp lý để mọi người dân được hưởng các đảm bảo pháp lý như nhau, xoá bỏ những luật và điều luật đặc biệt dùng làm công cụ khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân (như những người biểu tình ôn hoà đòi quyền lợi chính đáng, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền đất nước…, những người phản biện chính sách, những người đối lập chính trị…);

3. Thực thi quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, công nhận báo chí tư nhân, chấm dứt chế độ kiểm duyệt dưới mọi hình thức (bao gồm các quy định kiểm soát thông tin trên mạng);

4. Ban hành và thi hành nghiêm túc luật về hội với nội dung bảo đảm quyền tự do lập hội và tự do hội họp;

5. Đảm bảo quyền tự do cư trú và đi lại trong nước, quyền tự do ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về;

6. Thi hành quyền tự do học tập, tự do học thuật, quyền tự trị đại học, phi chính trị hoá trường học;

7. Đảm bảo để tất cả các điều luật và các hướng dẫn thi hành luật trung thành với hiến pháp. Thực hiện trưng cầu ý dân đối với những luật có tác động lớn đến đời sống của đông đảo người dân và an nguy của quốc gia. Lấy pháp trị thay cho đảng trị (của Đảng Cộng sản), tiến tới phân lập ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp.

8. Thực hiện chế độ bầu cử (bao gồm quyền ứng cử) tự do, công bằng, minh bạch, xoá bỏ cơ chế "đảng cử dân bầu”.

Bản “Yêu sách của dân tộc An Nam” năm 1919

Bản “Yêu sách của dân tộc An Nam” năm 1919. Hình tư liệu

Bản Yêu sách 2019 được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội và được gửi tới ban lãnh đạo Nhà nước Việt Nam, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và các cơ quan ngoại giao quốc tế tại Việt Nam.

Vậy làm sao có sự thống nhất của 100 tổ chức và cá nhân trong việc soạn thảo để ra đời một bản yêu sách như thế, RFA liên lạc với một số cá nhân và tổ chức trong danh sách thì được biết không phải tất cả những tổ chức và cá nhân có tên trên yêu sách đều tham gia soạn thảo, mà do một nhóm người đứng ra soạn thảo qua sự đóng góp ý kiến của một số cá nhân và tổ chức, nhưng tất cả họ đều ký tên vì đồng lòng với bản thảo sau cùng được các nhà trí thức lớn tuổi hoàn thiện.

Nhà báo Võ Văn Tạo, một người trong ban soạn thảo cho biết lý do vì sao chỉ có 100 cá nhân và tổ chức khởi xướng:

Đáng lẽ hôm nay con số phải hơn 100 nhưng vì kỷ niệm 100 năm nên chọn con số 100 tổ chức và cá nhân. Có những người muốn kéo dài đến 18/6/2019 mới công bố giống như bản yêu sách năm 1919”.

Ông nói thêm rằng thực tế thì bản yêu sách năm 1919 không được đưa đến Hội nghị Versailles, mà Nguyễn Ái Quốc có đến nhà Ngoại trưởng Pháp, gửi lại cho người vợ. Người Pháp lịch sự nên công bố bản yêu sách tại Hội nghị Versailles là người dân An Nam có một bản yêu sách như thế chứ họ không ỉm đi.

PGS TS Ngôn ngữ học Hoàng Dũng, một người trong ban soạn thảo cho biết không gặp khó khăn gì đáng nói trong việc soạn thảo, và bây giờ vẫn còn những chỉnh sửa nho nhỏ:

Không có khó khăn gì vì mọi người đều thấy là đáng làm, được sự nhất trí rất cao. Dĩ nhiên là có người chủ trì soạn thảo nhưng đây là công trình tập thể. Chúng tôi trao đổi qua internet nên rất là nhanh. Chúng tôi gửi đến một nhóm anh em góp ý, một người phụ trách tổng kết rồi có người sửa sang văn bản cuối cùng”.

Đẩy Nhà nước vào thế kẹt

Bản yêu sách nêu rõ việc Nhà nước Việt Nam thực hiện Yêu sách 8 điểm 2019 về các quyền căn bản nói trên của người dân là con đường duy nhất đưa Việt Nam thoát khỏi thực trạng trì trệ về kinh tế, thối nát về chính trị xã hội, nguy cơ đánh mất chủ quyền quốc gia vào tay ngoại bang; để từng bước phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Các đại biểu Quốc hội Việt Nam bấm nút thông qua Luật an ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018.

Các đại biểu Quốc hội Việt Nam bấm nút thông qua Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018. AFP

Liệu bản yêu sách này có đến tay các vị lãnh đạo Nhà nước hay không, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nhận định rằng chắc chắn ban lãnh đạo Nhà nước có bản yêu sách trên bàn làm việc trước khi bưu điện đưa đến, bởi cái này công khai trên mạng, rất nhiều người sao chép, đặc biệt là phía an ninh.

Nhà báo Võ Văn Tạo có cùng nhận định rằng những bản như thế này sẽ đến tay những vị chóp bu của ĐCSVN. Còn việc họ có suy nghĩ, phản ứng như thế nào là một việc khác, nhưng ông nhấn mạnh đó không phải là mục tiêu chính.

“Cái chúng tôi hướng tới là Nhà nước Việt Nam, những quan chức cao cấp của ĐCS tiếp thu, dù ít nhưng đây là dịp để nhắc lại cho quần chúng nhân dân Việt Nam biết cái quyền của họ là gì, nhân quyền 100 năm qua đi lên hay đi xuống. Rồi bạn bè quốc tế biết tình trạng nhân quyền Việt Nam là như thế”.

Nhà báo Mạc Việt Hồng từ Ba Lan nhận định:

“Tôi nghĩ 8 điểm trong bản yêu sách này rất là tiến bộ, nhưng có thực hiện được ở Việt Nam hay không, hay nó chỉ dừng lại ở bản yêu sách thì đó là chuyện mà thời gian sẽ trả lời. Nhưng theo tôi nghĩ thì chắc khó có thể thực hiện được nếu như cộng sản còn nắm chính quyền, bởi vì tất cả những yêu sách ở đây là những điều bao nhiêu năm nay cộng sản không muốn thực thi”.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội thì quả quyết:

“Chắc chắn họ sẽ không thực hiện đâu, nhưng khi những quyền của người dân đang bị xâm phạm, đang bị cướp đi thì yêu sách này là một bản tuyên bố đanh thép đòi hỏi quyền lợi cho người dân, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tự do ngôn luận, hội họp, đảng phái”.

PGS.TS Hoàng Dũng cho rằng tất cả mọi người không ai ngây thơ đến độ nghĩ rằng Nhà nước động lòng thay đổi sau khi đọc bản yêu sách. Ông dẫn chứng rằng 100 năm trước, khi Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho một nhóm người đưa ra yêu sách của dân tộc An Nam thì ông cũng không nghĩ rằng các quốc gia sẽ động lòng giúp Việt nam. Nhưng bản thân yêu sách đó ghi một cái mốc trong lịch sử Việt Nam. Người ta viết lịch sử Việt Nam thì thế nào họ cũng phải nhắc đến. Ông cho rằng“những người trong nhóm đó cũng nghĩ đến đồng bào của mình hơn là nghĩ những người cầm quyền. Chúng tôi cũng nghĩ như thế thôi”.

Ông nhận định “Yêu sách 8 điểm năm 2019 của người dân Việt Nam” đẩy Nhà nước vào cái thế kẹt. Cái tính chính danh của Nhà nước bị thử thách. Ông nói:

“Làm thế nào mà lãnh tụ của họ cách đây 100 năm đã đưa ra cái bản yêu sách như vậy và bây giờ bản yêu sách mới bám khá sát với yêu cầu của lãnh tụ Hồ Chí Minh ngày xưa mà lại không đáp ứng. Sau 100 năm đổ xương đổ máu mà kết quả là zero. Mà thà zero ở thời kỳ mà chúng ta nói là chúng ta bị nô lệ do bọn thực dân cầm quyền thì là một lẽ. Bây giờ vẫn còn nguyên zero tám cái yêu sách đó. Chúng ta còn phải đi đòi, mà ta đòi ta. Thành ra chúng ta cai trị chúng ta mà không hơn gì thực dân Pháp cai trị ta cả. Đó là thử thách rất lớn đối với tính chính danh của chính quyền. Tôi nghĩ điều đó là hết sức quan trọng”.

Ngoài lãnh đạo Việt Nam hiện nay, những người khởi xướng Bản Yêu sách 2019 còn có đề nghị Liên Hiệp Quốc và các quốc gia đối tác với Việt Nam quan tâm đến nguyện vọng, ý chí của người dân Việt Nam để có tác động cần thiết, giúp cho những yêu sách nói trên được đáp ứng thuận lợi.

D.T. Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn