Bàn về “Đề án Văn hóa Công chức” do ông Thủ tướng ban hành đầu năm 2019

Phùng Hoài Ngọc

Cánh báo chí đăng tải bản tóm tắt một văn bản Chính phủ quan trọng cho hàng triệu công chức các cỡ thực hiện. Có nhiều điều đáng bàn với cái “Đề án” này.

“Đề án” là gì, sao không phải là “Qui định”?

Một cái “đề án” gì đó sẽ là một dự án chuẩn bị cho một kế hoạch làm việc trong một thời gian nhất định. Với nội dung, thời gian, tiến độ hoàn thành, chi phí kèm theo cụ thể. v.v… ”Đề” có nghĩa “nêu ra” trình cấp trên duyệt. “Đề” nó mới chỉ là “ý tưởng”, chưa chắc đã Thủ tướng được chấp nhận thông qua, chưa nói tới thực hiện.

Ông Thủ tướng Phúc ký “đề án” ban hành luôn, có nghĩa chưa được cấp trên duyệt, còn chờ cấp cao hơn chuẩn y, ví như Ban Bí thư hay Bộ Chính trị.

Căn cứ theo nội dung tóm lược được công bố, cái văn bản “Đề án…” phải là “Qui định văn hóa công chức” (hoặc qui ước, qui chế, hướng dẫn.

“Qui định văn hóa công chức” sẽ thực hiện lâu dài.

clip_image002

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao quyết định cho ông Lê Triệu Dũng ở Hà Nội hôm 4/1/2019

Chưa nói “đề án văn hoá” hay “qui định văn hóa” cũng dùng chữ kiểu áp đặt khiên cưỡng cốt cho nó kêu to. “Văn hóa” là sự kết tinh lâu dài trong thực tiễn, không thể viết ra văn bản, đóng dấu đỏ lòe và ký tên thì nó ắt phải hoàn thành.

Sao Chính phủ lại nhầm lẫn tệ hại “đề án” và “qui định” và “ văn hóa” như vậy được?!.

Thậm chí trước đó, có vị lãnh đạo kêu gọi “xây dựng văn hoá khinh bỉ tham nhũng” nữa. Cùng một kiểu chơi chữ lạm dụng.

Về mặt nội dung, đề án này còn chứa đựng những bất cập nằm trong chính câu chữ.

Đầu tiên, tham nhũng vặt là gì, lượng hóa con số bao nhiêu gọi là “vặt”, hay là có ba mức (Tham nhũng lớn, Tham nhũng vừa, tham nhũng vặt). Nếu không lượng hóa thì xử thế nào mà khi Phó Thống đốc NHNN để thất thoát 15.000 tỷ là đại tham nhũng hay tham nhũng vặt? Sao lại xử án treo?.

Thứ hai, khái niệm ”Tư duy nhiệm kỳ” là một cách diễn đạt mơ hồ về tác hại và trách nhiệm của một kiểu lãnh đạo ngày nay, bởi cụm danh từ trên có vẻ muốn giảm nhẹ một tội danh thực ra là nguy hiểm lớn đến quốc kế dân sinh. Thủ tướng lưu ý công chức đừng bị “vướng”. “Tư duy” đâu phải là cái gì khách quan cản trở mà có thể sơ ý thì bị “vướng”? Và bản thân, ”tư duy” là chủ quan chứ sao lại là cản trở khách quan?

Thứ ba, qui định về “nịnh” gây buồn cười nhất cho thiên hạ, bởi ai có thể chứng minh được một cán bộ có động cơ nịnh là trong sáng hay vẩn đục!.

Tính thực tiễn đề án trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Công thương

Dư luận báo chí và mạng xã hội từ tối 4/1 đến nay còn ầm ào phẫn nộ về việc xe biển xanh Bộ Công thương đến tận chân cầu thang máy bay đón người mẫu Thủy Hương Đệ nhất phu nhân Bộ Công Thương. Xe có thẻ ra vào đặc biệt, với xe đón rước của Văn phòng Bộ vào ra khu sân VIP. Các nhân viên hàng không Nội Bài còn ngăn hành khách lùi bước để cho vợ Bộ trưởng xuống trước, đi ra máy bay trước.

Theo báo Người lao động, cơ quan này nhận được phản ánh từ 2 đại biểu Quốc hội về thông tin xe biển xanh vào khu vực hạn chế tại sân bay quốc tế Nội Bài, tới chân cầu thang máy bay đón người nhà vị lãnh đạo cấp bộ ngành.

Mạng xã hội Facebook chỉ rõ luôn: đó là vợ con của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh. Đó là cựu người mẫu Thủy Hương, đệ nhất phu nhân của Bộ này.

Còn theo một nguồn tin khác, do vị Bộ trưởng đang phải nằm viện (ở Hà Nội), nên vợ con từ TPHCM bay ra chăm sóc, trong khi con nhỏ đi theo mẹ cũng đang ốm cần cấp cứu, nên xe của Bộ ra sân bay đón.

Khi bị chất vấn, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã công bố công văn của Văn phòng Bộ Công Thương do ông Đỗ Văn Côi - Phó Văn phòng ký.

Theo đó, nội dung công văn nêu: “Theo chương trình công tác của Bộ Công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác của Bộ Công thương sẽ đi công tác tại TP.HCM từ ngày 3-4/1/2019. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ rời TP.HCM đi Hà Nội lúc 17h00 ngày 4/1 trên chuyến bay VN262 của hãng Vietnam Airlines”.

Tuy nhiên, theo trang tin Soha, trong hai ngày 3 và 4 tháng 1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đang có các hoạt động tại Hà Nội. Trang tin này trích tin từ ngay chính cổng thông tin của Bộ Công thương cho biết trong ngày 3/1, ông Bộ trưởng dự Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác ngành nông nghiệp 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Trong ngày 4/1, ông Bộ trưởng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Khammany Inthirah, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ nước Lào tại trụ sở.

Cũng theo cổng thông tin của Bộ Công thương, vào chiều ngày 4/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho ông Lê Triệu Dũng.

Rút cục ngắn gọn là: ông Đỗ Văn Côi Phó Văn phòng Bộ Công thương đã nịnh Bộ trưởng bằng hành động, dám viết cả cái công văn giả mạo kia. Như thế có vi phạm “Đề án”của Thủ tướng không?

Lại thêm sân bay Nội Bài cũng thực hiện hành vi NỊNH: nhân viên hàng không sân bay Nội Bài biết rõ chức trách và đối tượng phục vụ của mình mà vẫn làm trái. Tội này còn to hơn Nịnh. Tội cố ý làm trái. Nhưng họ có thể la toáng lên là bị Bộ Công thương lừa thì sao.

Cùng một hành động, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã phạm phải hành vi nịnh (chấp nhận hành vi Nịnh hoặc Nịnh không trong sáng của ê kíp dưới quyền); dung dưỡng sự xaỏ trá của cấp dưới (giả sử ông Trần Tuấn Anh biết việc). Như vậy, đây không phải tham nhũng vặt thì là gì?

P.H.N.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn