Bàn về đảng cầm quyền

Nguyễn Đình Cống
  1. Giới thiệu
Khái niện đảng cầm quyền (ĐCQ) được dùng rộng rãi tai các nước dân chủ. Trước đây các đảng theo Mác Lê chủ yếu nói về cách mạng, lãnh đạo, thống trị giai cấp, không hoặc rất ít nói về vai trò cầm quyền. Ở Việt Nam, hình như Hồ Chí Minh là người  đầu tiên viết “Đảng ta là ĐCQ”. Gần đây vấn đề ĐCSVN lãnh đạo và cầm quyền được bàn đến nhiều, nhưng phần lớn chỉ chung chung, chưa thấy có ý kiến nào bàn sâu về nhận thức và về những cải cách cụ thể, cần thiết. ĐCSVN nổi tiếng kịp thời ra các nghị quyết dài dòng về mọi việc nhưng chưa thấy ra nghị quyết liên quan đến ĐCQ.
Viết bài này tôi xin góp một tiếng nói để thảo luận.  
  1. Đảng trong lịch sử
Thời quân chủ độc quyền việc bí mật lập đảng là tội rất nặng. Thời đó không có đảng hợp pháp. Sự hình thành đảng phái  công khai có lẽ bắt đầu từ nước Anh, thế kỷ 16, do nhu cầu vận động đưa người của phe nhóm vào cơ quan quản lý xã hội. Các đảng được lập  chủ yếu để vận động bầu cử. Đó là các đảng chính trị. Đảng nào giành được đa số sẽ trở thành ĐCQ.Như vậy ĐCQ trước hết phải là đảng chính tri. Việc này dần mở rộng ra nhiều nước.
Đến thời kỳ Mác Lê Nin  xuất hiện đảng lãnh đạo cách mạng (ĐLĐ), một loại đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Vai trò chủ yếu của ĐLĐ  là tập hợp quần chúng đấu tranh giành chính quyền bằng bạo lực. Khi đã giành được chính quyền thì ĐLĐ nắm giữ chính quyền. Vậy phải chăng họ thành ĐCQ.
Nếu từ ĐLĐ trở thành ĐCQ thì như vậy nó có 2 loại. Một loại được chuyển giao chính quyền bằng bầu cử dân chủ, một loại giành được  bằng bạo lực cách mạng. Liệu về phương diện cầm quyền, giữa các đảng có gì giống và khác nhau. Phải chăng sự khác nhau cơ bản là do sự lựa chon thể chế  chính trị. Thể chế dân chủ đa nguyên với tam quyền phân lập hay thể chế độc quyền đảng trị.
Trên kia có trình bày ĐCQ phải là một đảng chính trị. Phải chăng đó là điều bắt buộc. Đúng, nếu như đất nước có ít nhất 2 đảng cạnh tranh nhau. Sai, nếu như chỉ có duy nhất 1 đảng độc quyền. Đảng đó không phải đảng chính trị, vậy là đảng loại gì? Chưa thấy ai nghiên cứu vấn đề này, theo tôi thì đó là đảng thống trị.
Trong bài ”Chính trị là gì” GS Lê Hữu Khóa đưa ra khẳng định rằng “ có độc đảng thì không có chính trị” ( Báo Tiếng Dân ngày 20/3/2019). Trong xã hội tồn tại một số tổ chức tự xưng là đảng nhưng không phải đảng chính trị.
Với ĐCSVN, trong điều lệ ghi rằng: Đảng là Đội tiên phong của giai cấp…, có tổ chức chặt chẽ…, là đảng cầm quyền. Tôi chưa tìm thấy văn bản nào ghi rằng ĐCSVN là một đảng chính trị hoặc là một tổ chức chính trị.
  1. Lãnh đạo và cầm quyền
Trong khi còn làm cách mạng (CM) thì ĐLĐ chủ yếu làm công tác vận động, tuyên truyền, tổ chức, v.v…, không cầm quyền. Khi đã nắm chính quyền thì đảng vẫn còn giữ một số vai trò lãnh đạo. Sự lãnh đạo trong hai thời kỳ có điểm giống và khác nhau.
Chỗ giống nhau là đề ra chủ trương, sách lược, đường lối .
Lãnh đạo  CM chủ yếu bằng vận động, tuyên truyền, thời gian đầu nhiều lúc phải làm bí mật và không ít khi phải dùng mưu mô. Có những đàng cách mạng  vì nóng vội tuyên truyền sự tốt đẹp, sự ưu việt của xã hội chưa có thật nên phải dùng chiêu bài bịa đặt, dùng nhiều quá thành thói quen dối trá.
Lãnh đạo khi đã cầm quyền bằng cách đưa các đảng viên nắm các vị trí chủ chôt trong chính quyền, biến các chủ trương sách lược thành luật pháp. Nhưng trước hết, quan trọng nhất là lựa chọn thể chế. Khi chọn thể chế dân chủ thì  phải nghĩ ngay đến việc trả quyền cho dân, xây dựng chế độ pháp quyền, công khai, minh bạch mọi văn bản pháp luật và hoạt động, đưa người của đảng giữ những vị trí chủ chốt trong Chính phủ..
Khi chọn thể chế độc quyền đảng trị theo quan điểm Nhà nước giai cấp của Lê Nin thì chủ yếu là thống trị, áp đặt, nói đến lãnh đạo chủ yếu là rêu rao, lợi dụng sự tù mù của khái niệm.
Chính quyền, dù là quân chủ hay cộng hòa, dù do đảng chính trị cầm quyền hay do đảng độc tài thống trị, muốn có được tính chính danh thì phải có được QUANG= MINH – CHÍNH - ĐẠI.
Khi chuyển từ vai trò lãnh đạo làm CM thành  lực lượng cầm quyền cần có thay đổi về nhận thức, kèm theo là thay đổi về tổ chức. Thế nhưng mấy chục năm qua ĐCSVN vẫn cố giữ nguyên tổ chức như cũ, bị mắc kẹt trong một đống bùng nhùng, vì thế tuy  đảng tìm đủ mọi cách để làm trong sạch và vững mạnh mà không sao làm được.
4- Điểm một số bài viết
Hồ Chí Minh viết về ĐCQ từ giữa thế kỷ 20, nhưng đến đầu thế kỷ 21, kể từ Đại hội 10 của Đảng mới xuất hiện nhiều bài viết vè ĐCQ và ĐLĐ. Theo nội dung, tinh thần và quan điểm có thể chia các bài thành 2 loại: Trong luồng và ngoài luồng. Luồng ở đây là tư tưởng chính thống của chế độ hiện hành.
Loại trong luồng  có khá nhiều. Tôi đã đọc gần trăm bài trên các nguồn thông tin khác nhau như tạp chí, báo trung ương và địa phương, chuyên khảo v.v… Nội dung cơ bản xoay quanh các  chủ đề: Đảng ta vừa là ĐLĐ, vừa là ĐCQ, có truyền thống huy hoàng, có chủ nghĩa Mác Lê soi sáng, Nhận thức, khái niệm về ĐCQ. Tư tưởng HCM và ĐCQ, Vị trí, vai trò của ĐCS cầm quyền, Nâng cao năng lực cầm quyền của đảng, Sứ mệnh cầm quyền của ĐCSVN, v.v… Nội dung chủ yếu chép từ các văn kiện, số khác sao đi chép lại của nhau, xào xáo, thêm chỗ này một chút, bớt chỗ kia một chút. Người ta tìm những từ  hay, hấp dẫn để đặt tên bài, nhưng nội dung quá nhàm chán, nghèo nàn, giáo điều, có khá nhiều ngụy biện. Thỉnh thoảng có gặp vài đoạn suy luận, chứng minh, nhưng chỉ ở trình độ thấp.
Tôi có ghi chép lại trên 40 bài, kể tên ra sẽ quá dài, chỉ xin nêu tên vài tác giả như : Trần Lan Anh, Phạm Minh Chính, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Văn Chiến,  Hà Đăng, Nguyễn Hữu Đổng (*), Ngô Huy Đức (*), Phạm Xuân Hằng, Nguyễn Đình Hòa, Đỗ Hữu Khoa, Nguyễn Hữu Lập, Hoàng Minh, Bùi Đình Phong, Nguyễn Trọng Phúc, Tâm Quang, Nguyễn Quốc Sửu, Nguyễn Thế Thắng, Mạch Quang Thắng, Nguyễn Viết Thông, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thế Trung, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Quốc Tuấn, Trần Đức Tường, Nguyễn Huy Viện, Trần Khắc Việt (*), Đinh Hồng Yến  .[ chú: (*) - người có nhiều bài].
Loại ngoài luồng  tương đối ít, tôi mới tìm thấy 9 bài. Xin điểm qua từng bài.
i- Lại Huy Phương - Cần xây dựng luật về ĐCQ
ii-Ngọc Trâm - Ai giao cho đảng cầm quyền?
iii-Đinh Tấn Lực - Đảng lãnh đạo, cầm quyền hay đảng trị?
iv-Việt Hoàng - ĐCQ  là ai và nhiệm vụ của nó là gì?
v-Tống văn Công - Chế độ dân chủ không có ĐLĐ, chỉ có ĐCQ
vi-Trần Đức Tường - Ý niệm ĐCQ trong chế độ dân chủ
vii-Ngô Huy Đức - Phương thức lãnh đạo của ĐCQ ở một số nước
viii-Nguyễn Đăng Dung - Vấn đề ĐCQ và thẩm quyền quản lý nhà nước ở các nước tư bản
ix-Hồ Anh Hải - Chính đảng cầm quyền thành công nhất thế giới.
  1. Đảng cầm quyền thành công
Đó là Đảng Hành động nhân dân của Singapore( HĐND) Tôi xin tóm tắt một số ý quan trọng từ bài báo của Hồ Anh Hải.
Đảng HĐND thành lập năm 1954, họ cầm quyền liên tục  hơn 50 năm qua, trong môi trường dân chủ đa nguyên, đa đảng với tam quyền phân lập. Đảng HĐND luôn ổn định, không hề xẩy ra thoái hóa biến chất, không phải lo gì đến việc làm cho đảng trong sạch vững mạnh.
Đảng HĐND là một đảng chính trị, không là đội tiên phong của giai cấp nào cả, không tôn thờ một học thuyết chính trị nào cả. Đảng viên không cần đông (chỉ chiếm khoảng 0,2% dân số) mà cần chất lượng cao. Họ chú trọng kết nạp những người xuất sắc trong xã hội, đã thành đạt trong một lĩnh vực nào đó, đồng thời hay phản biện đảng HĐND và chính phủ  với thái độ xây dựng.
Về tổ chức, họ không có các cơ sở đảng ở khu dân cư, trong các cơ quan, trường học và quân đội. Họ chỉ tổ chức các chi bộ cho từng khu vực bầu cử. Toàn quốc có 84 chi bộ, hoạt động chủ yếu trong vận động bầu cử. Không đặt những cơ quan, tổ chức của đảng bên cạnh  chính quyền hoặc bất kỳ một tổ chức nào.
Ban chấp hành trung ương có 12 thành viên. Họ đều là những trí thức thứ thiệt, những tinh hoa thực chất. Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua viêc cử Tổng bí thư giữ chức Thủ  tướng và một số đảng viên làm Bộ trưởng, Thứ trưởng.
Trong Hiến pháp không viết gì về đảng. Truyến thông không tuyên truyền về đảng và vai trò của nó, khi giới thiệu ai không nhắc đến chức vụ đảng, chỉ giới thiệu chức vụ chính quyền. Đảng không sử dụng bộ máy quyền lực nhà nước.
Trụ sở của đảng chỉ là một ngôi nhà nhỏ với 9 cán bộ làm việc. Vai trò của đảng chỉ được nhắc tới mỗi khi bầu cử Quốc hội
Xã hội Singapore hầu như chỉ biết tới chính quyền mà không cảm thấy sự hiện diện của đảng. Đảng HĐND chủ trương thực hiện nguyên tắc nhân viên công vụ (công chức nhà nước) trung lập về chính trị, tức không tham gia đảng phái nào. Lý lịch viên chức không có mục khai đảng phái.
Hiến pháp Sing quy định toàn bộ cử tri trực tiếp bầu Tổng thống và Tổng thống phải trung lập về chính trị, không thuộc đảng phái nào. Nếu trước đó TT đã là đảng viên thì sau khi được bầu phải ra khỏi đảng .
Lực lượng giám sát và chế ước đảng cầm quyền là các đảng đối lập và nhân dân. Cử tri dùng lá phiếu bầu cử của mình để quyết định chọn đảng nào được cầm quyền.
  1. Sự loay hoay, lúng túng của ĐCSVN
Mọi việc quan trọng cần được bắt đầu bằng nhận thức chính xác, được kịp thời đánh giá  trong hành động và kiểm chứng kết quả để điều chỉnh phương hướng và mục tiêu. Nhận thức về vai trò lãnh đạo và cầm quyền của ĐCSVN trong mấy chục năm qua, luôn kiên trì Chủ nghĩa Mác Lê  quá lạc hậu, kiểm chứng kết quả thấy tuy có đạt một số thắng lợi trong chiến tranh, nhưng đã phạm nhiều sai lầm trong quản lý xã hội và cả trong việc xây dựng đảng.
Khi không thể chối bỏ sai lầm Đảng có sửa sai, có đổi mới, nhưng sửa được sai này lại phát sinh sai khác nặng hơn , đổi được chỗ này lại làm hỏng chỗ khác tệ hại hơn. Tai sao vậy? Tại cơ bản vì không hiểu, không vận dụng được quy luật sau: “Không thể sửa được cái sai bằng nguyên lý đã làm phát sinh ra nó”.
Không những thế, ĐCSVN còn mắc trong một đống bùng nhùng  tự tạo ra bằng việc lãnh đạo tập thể, bằng cách sử dụng phê và tự phê làm vũ khí phát triển. Lại còn thiếu trí tuệ mà cứ nhầm tưởng là quá thông minh, thiếu trung thực mà cứ tự hào rất chính trực, kém đạo nghĩa  mà hay rao giảng đạo đức v.v…, nói tóm lại là phạm vào điều tối kỵ đối với người cầm quyền là “Danh thực bất tương đồng” (Tên gọi và việc làm không giống nhau). Đó là việc mồm nói to vì dân chủ, vì hạnh phúc của nhân dân mà đầu  nghĩ, tay làm lại hướng về độc quyền đảng trị.
Những việc như vậy nhằm lừa dối  quần chúng có dân trí thấp. Có thể lừa dối một số ít trong thời gian dài, hoặc lừa được số đông trong thời gian ngắn. Không thể nào lừa được số đông trong thời gian dài.
  1. Thay lời kết
Với ĐCSVN trước mắt nên thảo luận và khẳng định sự lựa chọn làm một đáng chính trị cầm quyên hay làm đảng thống trị. Mà phải thật sự trung thực. Dù là cầm quyền hay lãnh đạo khi đã nắm chính quyền thì yêu cầu số một là trung thực. Phải  trung thực với dân và trung thực trong nội bộ. Khi không trung thực thì người ta lo nghĩ mưu mô để lừa dối nhau, không thể dùng lý và tình, không thể dùng loogic hay biện chứng gì cả.
Khi  lựa chọn mô hình đảng thống trị thì trung thực công nhận, công khai tuyên bố cho toàn dân. Úp mở mà làm gì, dối trá mà làm gì.
Nếu thật sự muốn trở thành đảng chính trị cầm quyền và lãnh đạo thì phải thay đổi từ cương lĩnh và tổ chức, chuyển đổi từ một đảng cách mạng sang ĐCQ. Cách làm của Đảng HĐND của Singapore là có thể tham khảo.
Sau đường lối thì quan trọng là các công việc và cách làm cụ thể. Việc này không thể trông chờ vào trí tuệ của Bộ Chính trị, của Hội đồng lý luận trung ương cũng như các trí thức của Đảng mà đầu óc đã bị xơ cứng. Vậy nên trông cậy vào ai? Tôi đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này nhưng xin phép tạm chưa bàn đến.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn