Quy hoạch báo chí 'theo kiểu coi báo chí là công cụ'?

Ben Ngô - BBC Tiếng Việt

VỀ QUY HOẠCH BÁO CHÍ CỦA ĐẢNG

Một tờ báo hay một ngàn tờ báo đều là của đảng cộng sản, đều là công cụ tuyên truyền của đảng, đồng thời là công cụ trấn áp để bảo vệ đảng như bao nhiêu công cụ bạo lực khác của đảng.

Nhiều người sẽ cho tui quá khích khi nêu lên ý kiến nầy, nhưng thực tế là vậy.

Trước khi đưa bà Cát Hanh Long ra giết thì có bài báo "Địa chủ ác ghê" của tác giả CB đăng lên báo đảng dựng ra hàng loạt chi tiết sai trái gán lên bà nầy. Trước khi đào tận gốc trốc tận rễ trí phú địa hào thì hàng loạt bài báo trên nhiều tờ báo của đảng lên tiếng bôi nhọ và trấn áp trí thức, địa chủ, phú nông...

Trước khi bỏ tù hàng loạt những học giả, triết gia, nhà văn, nhà báo phản tỉnh qua Nhân Văn Giai Phẩm đã có hàng loạt tờ báo của đàng đăng bài ngậm máu phun người để tạo dư luận.

Đó là chuyện xưa, kể ra tội ác của báo đảng không làm sao hết.

Còn chuyện nay, gần 1000 tờ báo, có tờ nào đăng đúng sự thật về chuyện nổi dậy đòi công lý của nông dân Thái Bình? Nổi dậy của đồng bào Tây Nguyên?

Có tờ báo nào thông tin đầy đủ và trung thực về hàng loạt cuộc biểu tình của người dân phản đối tàu cộng lập thành phố Tam Sa, ức hiếp ngư dân trên biển, cắt cáp tàu thăm dò, đưa dàn khoan vào lãnh hải VN?

Có tờ báo nào thông tin trung thực về hàng loạt cuộc biểu tình của người dân phản đối Formosa gây chết biển, phản đối luật đặc khu, luật an ninh mạng...?

Có tờ báo nào thông tin về những người đi biểu tình yêu nước bị bắt tù, bị đánh đập, bị hành hạ tàn nhẫn trong đồn công an?

Có tờ báo nào đưa tin hàng loạt nhà riêng của những người hoạt động xã hội dân sự hợp pháp bị canh gác ngày đêm, bị ném đá và chất bẩn vào nhà, bị xịt sơn vào cửa, bị khóa cửa ngoài và xịt keo vào ổ khóa...?

Có tờ báo nào đưa tin nhiều người đấu tranh cho nhân quyền và hoạt động xã hội dân sự bị côn đồ giả danh đánh đập gây ra thương tích nghiêm trọng nhưng không bao giờ công an điều tra ra thủ phạm?

Vụ cướp nhà đất trắng trợn ở Thủ Thiêm xảy ra hơn 20 năm qua, nhưng có tờ báo nào dám đăng bài phản ảnh, dám đứng về phía dân oan để lên tiếng ngay từ ban đầu, để đến tận ngày hôm nay vì nội bộ đảng muốn thanh trừng nhau xì thông tin ra mới a dua vào viết, rồi sau đó đảng bảo im, đều đồng loạt im?

Có tờ báo nào tường thuật trung thực và đầy đủ các phiên tòa xét xử những nhà hoạt động xã hội dân sự, những người đấu tranh cho dân chủ nhân quyền ôn hòa như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Hữu Vinh, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Thanh Nghiên, Trần Đức Thạch, Trần Thị Nga, Như Quỳnh, Bùi Hằng, nhóm thanh niên công giáo, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Hội Anh em Dân chủ..?

Có tờ báo nào đứng về phía hàng vạn dân oan mất đất đang lê la đòi hỏi công lý suốt mấy chục năm qua?

Ngày trước báo chí của đảng chỉ có vài cơ quan như báo nhân dân, đài phát thanh, đài truyền hình, thêm vài tờ của các đoàn thể quan trọng của đảng như công đoàn, đoàn thanh niên, hội nhà văn, hội phụ nữ, thêm vài tờ của các bộ quan trọng như quốc phòng, công an... và sau đó là báo đài địa phương thuộc các đảng bộ tỉnh thành.

Sau nầy vì hội nhập, vì mở cửa làm ăn với thế giới và quan trọng là vì cam kết với các tổ chức quốc tế khi tham gia, nên đảng làm ra vẻ có tự do báo chí cho phép nhiều cơ quan và đoàn thể khác, cũng của đảng ra báo ào ạt. Gần 1000 cơ quan báo đài của đảng xuất hiện vào thời điểm nầy. Đây là một động thái đánh lừa quốc tế khi cho đó là tự do báo chí.

Cả ngàn báo đài đó, cũng có một số tờ làm được, tự nuôi sống và đóng thuế, còn lại hầu hết sống bằng tiền ngân sách hoặc hoạt động bát nháo để kiếm ăn.

Cả ngàn tờ báo đó có hình thức khác nhau, trình độ khác nhau, cung bậc hoạt động khác nhau, cung cách kiếm tiền khác nhau, nhưng tất cả đều giống nhau ở một điểm  là luôn luôn tuân thủ đường lối chủ trương của đảng, nói theo ý đảng, đăng bài có lợi cho đảng (chứ không phải có lợi cho dân). Đảng ra lệnh tung hô ai thì đồng loạt tung hô lên trời, đảng ra lệnh trấn áp ai thì đồng loạt vùi dập kẻ đó xuống tận bùn đen.

Nhiều kẻ tự hào báo chí cũng góp phần chống tham nhũng. Tui cam đoan chưa hề có tờ báo nào tự mình cho phóng viên đi điều tra khám phá ra những vụ tiêu cực dù rất nhỏ, đừng nói là những vụ to tát. Quyền tiếp cận hồ sơ, nhà báo không bao giờ có thì làm sao tự phanh phui ra tham nhũng?

Cũng có nhiều phóng viên nhiệt tình tự điều tra ra các vụ tiêu cực theo tố giác của người dân, nhưng phần lớn những bài viết đó không được đăng, thậm chí có phóng viên còn bị kỷ luật đuổi ra khỏi báo.

Hầu hết những vụ việc đều do thanh tra, công an, viện kiểm sát, tòa án cung cấp sau khi đã xử lý hoặc đang quá trình xử lý. Có những vụ việc, công an không xử lý được, đưa thông tin một chiều ra báo chí, mượn dư luận gây áp lực để dễ làm án.

Có những vụ việc do nội bộ đấu đá, phe nầy xì thông tin ra để nhờ báo chí hạ bệ phe kia.

Có những vụ án lớn gây chấn động một thời, tưởng rằng do báo chí dũng cảm điều tra ra, dũng cảm viết bài nhiều kỳ đấu tới cùng, thực chất là do phe ông A muốn đấu  đá dành ghế với phe ông B nên xì thông tin ra, vài tờ báo cơ hội ngửi hơi thấy phe ông A sắp thắng nên nhào vào kiếm lợi. Nửa chứng cuộc chơi, hai phe A và B thỏa hiệp, báo chí việt vị.

Nếu thực sự báo chí có khả năng đánh tham nhũng thì tại sao hàng loạt vụ việc động  trời như Vinalines, Vinashin, dầu khí, than, điện, ngân hàng... diễn ra sai phạm hàng chục năm qua với số tiền tổn thất lên hàng ngàn tỉ đồng không thấy tờ báo nào đả động đến, để đến sau nầy, khi có kết luận thanh tra hay sau khi có ý "đốt lò" mới vùng lên té nước theo mưa?

Nhiều người vẫn còn ảo tưởng vào tờ báo nầy, tờ báo kia rồi tiếc rẻ vì sao đảng lại quy hoạch dẹp nhiều báo đi.

Xin nhớ, tất cả đều là báo của đảng, đều là công cụ của đảng, đến lúc đảng thấy không cần số lượng nhiều nữa thì đảng dẹp bớt đi, có vậy thôi.

Việc có nhiều báo đảng hay có ít báo đảng không ảnh hưởng gì đến quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận của người dân vốn luôn bị đảng đè chặt. Đảng không bao giờ cho người dân tự do ra báo như hiến pháp quy định.

Tuy nhiên người dân có cách của mình, đó là hệ thống báo lề dân, là blog, là youtube, là facebook, là twitter, là vô vàn các trang mạng xã hội khác.

Chính nhờ vào hệ thống báo lề dân nầy mà tiếng nói người dân được vang lên ở mọi diễn đàn, số phận từng người dân được nhắc đến, và quan trọng hơn cả xã hội đang thay đổi hàng ngày, đang được điều chỉnh dần theo hướng tích cực.

Chúng ta là người dân hãy lo cho sự phát triển của báo lề dân, còn báo lề đảng, kệ họ.

Huỳnh Ngọc Chênh


  

Nghề báo ở Việt Nam đang chịu nhiều thách thức trong lúc lượng người mua báo giấy ngày càng giảm. Bản quyền hình ảnh: VALERY SHARIFULIN\TASS VIA GETTY IMAGES

Một cựu tổng biên tập bình luận với BBC rằng việc quy hoạch báo chí "được thực hiện bằng quan điểm coi báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng" trong lúc một thư ký tòa soạn bày tỏ quan ngại động thái này "thu hẹp quyền ngôn luận của người dân".

Làng báo Việt Nam đang xôn xao với chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Theo đó, đến hết năm 2020, tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, mỗi thành phố có tối đa có 5 cơ quan báo in, đến năm 2025 "hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch".

Bộ trưởng Thông tin-Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng được báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời: "Thủ tướng yêu cầu báo chí phải là tấm gương phản ánh xã hội, định hướng dư luận, tạo niềm tin trong công chúng; không khai thác quá đà các tin xấu độc, làm xói mòn niềm tin xã hội. Đây là trách nhiệm của Bộ Thông tin-Truyền Thông, mà cụ thể là của các đơn vị quản lý báo chí như Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử."

"Nhà nước sẽ tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chí chủ lực, trên cơ sở đặt hàng báo chí, để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu."

'Công cụ tuyên truyền'

Nhà báo Tâm Chánh, cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, nói với BBC hôm 9/4: "Theo tôi, thực chất đây là một bản kế hoạch cắt giảm các cơ quan báo chí. Phần lớn các cơ quan báo chí trong nước được cấp ngân sách để làm báo".

"Chỉ một số ít các cơ quan báo chí hoạt động theo phương thức thị trường, tự bảo đảm ngân sách hoạt động, có tích lũy".

Quy hoạch báo chí được thực hiện bằng quan điểm coi báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng. Công cụ ấy có lúc hình như Đảng thấy sẩy tay, cũng bị lợi ích nhóm chi phối. Lần này không chỉ tiếp tục lãnh đạo, trong nhiều trường hợp còn quy định luôn nội dung đưa tin, thì quy hoạch này giao cho Đảng trách nhiệm chủ báo, mà là chủ của một hệ thống báo lớn và giàu.

Nhà báo Tâm Chánh

"Điều bất công là chính sách quản lý của nhà nước với các cơ quan báo chí chẳng những không xác lập được chuẩn mực đánh giá công bằng giữa những các cơ quan báo chí được nuôi hay tự sống, thì chính trong quy hoạch này số phận những tờ báo lớn theo nghĩa uy tín thị trường và quy mô thương mại của nó có thể không còn, nhất là các tờ báo ở TP. Hồ Chí Minh như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Kinh Tế Sài Gòn, Phụ Nữ...".

"Thu dọn những tờ báo tự sống được bằng tiền của người mua thì ý nghĩa của quy hoạch là gì? Tôi không nghĩ đơn giản đó là tinh gọn bộ máy, cắt giảm ngân sách."

"Tôi muốn lưu ý rằng TP. Hồ Chí Minh có hẳn một nền công nghiệp báo chí lâu đời, ngay cả trong những năm tháng bao cấp vẫn tồn tại thị trường báo chí. Có lẽ trong cả nước chỉ có Sài Gòn là một thị trường báo chí gần như hoàn chỉnh, cả sản xuất và tiêu thụ".

"Vậy thì nhà nước muốn sắp xếp cái gì? Dường như nhà nước không ngần ngại coi truyền thông đại chúng không phải là thị trường."

"Quy hoạch báo chí được thực hiện bằng quan điểm coi báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng. Công cụ ấy có lúc hình như Đảng thấy sẩy tay, cũng bị lợi ích nhóm chi phối. Lần này không chỉ tiếp tục lãnh đạo, trong nhiều trường hợp quy định luôn nội dung đưa tin, thì quy hoạch này giao cho Đảng trách nhiệm chủ báo, mà là chủ của một hệ thống báo lớn và giàu."

Nhà báo Tâm Chánh cũng lý giải thêm:

"Trong nền chính trị một đảng, dư luận xã hội là một công cụ sắc bén của quyền lực. Chính vì vậy trong thực tế, vị trí phụ trách báo chí là một nhân vật có tầm cỡ và có ảnh hưởng trong Đảng. Người đứng đầu Đảng hẳn nhiên không thể bỏ trống mặt trận dư luận này."

"Người đứng đầu chính phủ cũng tìm sự ảnh hưởng đặc biệt với công luận. Nắm giữ dư luận xã hội là một huyết mạch quyền lực của Đảng. Lần này Đảng nắm chặt công cụ đó."

"Có lẽ hiểu được ý chí ấy nên các cơ quan báo chí chọn cách "tranh thủ" vận động, góp ý riêng để tìm được lợi ích cao nhất cho tờ báo của họ. Được tí nào hay tí ấy, còn lại cam chịu như một định mệnh. Vì phải nói một cách thẳng thắn rằng, lĩnh vực báo chí là lĩnh vực quản lý mà các quy phạm của Đảng được sử dụng như một quy phạm pháp luật."

"Nhưng đó là nền báo chí công cụ của Đảng. Báo chí còn đảm đương trách nhiệm bảo đảm quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận cho nhân dân. Cơ quan báo chí, tổng biên tập, và nhà báo chịu trách nhiệm luật định về việc này."

"Đó là chưa kể việc ra báo, một chuẩn mực thể hiện quyền tự do báo chí được diễn dịch thành quyền cấp phép của Nhà nước có thể là một cách biến các quyền tự do thành quyền treo trong hệ thống pháp luật."

"Theo tôi, nếu Luật Báo chí về sau được sửa để hiện thực hóa các quyền tự do thì tiến trình sắp xếp này sẽ có thể diễn ra cục diện báo do Đảng làm chủ sở hữu sẽ là hệ thống báo chí mạnh, nếu không nói là mạnh nhất. Nhà nước sẽ bán cho các doanh nghiệp, tập đoàn một số cơ quan báo chí có tiềm lực."

Trên thực tế, bài tính này đã từng được cân nhắc, tính toán nghiêm túc. Sự đầu tư vào thị trường truyền thông của các ông lớn đã diễn ra quanh co bằng chiêu bài hợp tác truyền thông và vụ án AVG nướng đến hai bộ trưởng, hai ông trùm hách nhất về quản lý báo chí, là một nhịp vấp vội vàng chứ không hẳn đã là một kết thúc."

"Trong một nền chính trị đơn nhất, công luận luôn là một công cụ chính yếu để biến hóa "nguồn vốn" chính sách thành thế, thành lực của quyền, của tiền."

"Tất nhiên bài ca 'con kiến kiện củ khoai' sẽ còn truyền nhau trong các đồng nghiệp báo chí để bắt đầu một thời kỳ phân rã không thể tránh khỏi trong các cơ quan báo chí."

"Cái mà rất nhiều lãnh đạo báo chí gọi bằng hai chữ 'đội ngũ' đầy tự hào cũng chẳng cách nào không tan vỡ khi sứ mạng luật định bảo đảm quyền tự do ngôn luận cho nhân dân đã được thực hiện bằng sự im lặng."

Có ý kiến báo chí ở Việt Nam "là công cụ tuyên truyền của Đảng". Bản quyền hình ảnh: YE AUNG THU/AFP/GETTY IMAGES

'Chấn động lớn'

Cũng trong hôm 9/4, nhà báo Ngọc Vinh, là một trong các thư ký tòa soạn của báo Tuổi Trẻ, trả lời BBC: "Thực ra, theo như tôi hiểu, bản quy hoạch này đã có từ lâu và được giới báo chí đồn đại bàn tán nhiều trong thời gian qua, dù không công khai tỏ thái độ trên truyền thông."

"Từ tháng 9/2015, ông Nguyễn Bắc Son, lúc bấy giờ là bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã tổ chức một hội nghị để phổ biến đề án quy hoạch này. Ở hội nghị, ông Bắc Son có cho biết, đề án được nghiên cứu, thảo luận và hình thành từ 9 năm trước, tức từ năm 2006. Tính cho tới ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký duyệt và công bố, thì thâm niên của đề án này đã kéo dài được 13 năm."

"13 năm để soạn thảo và ban hành một đề án về báo chí, quả là dài. Thế nhưng ta phải hiểu đảng cầm quyền đã thận trọng như thế nào trước một đề án tác động đến toàn bộ nền báo chí Việt Nam như vậy. Chính ông Bắc Son khi ấy cũng thừa nhận "việc thực hiện quy hoạch báo chí là việc lớn, cấp bách, phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng, tác động đến nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, đối tượng... nên phải triển khai thận trọng, từng bước, theo lộ trình."

"Dù là "cấp bách" nhưng khoảng thời gian để "thận trọng" là 13 năm. So với lúc ông Bắc Son phổ biến đề án năm 2015 và bây giờ, khi đã ký duyệt, cơ bản đề án ko có thay đổi gì nhiều. Chỉ có một thay đổi lớn là ông bộ trưởng ngày ấy giờ đã trở thành tù nhân trong trại giam."

Sẽ không có một phản ứng hay sự chống đối nào xảy ra cả. Lãnh đạo các tờ báo sẽ răm rắp thực hiện vì không ông nào muốn bị mất ghế. Lâu nay, dù biết về bản quy hoạch nhưng chẳng có tờ báo nào dám lên tiếng phê phán hay góp ý kế hoạch đó, ngoại trừ vài tiếng nói lẻ tẻ của một ít nhà báo trên mạng xã hội.

"Bản quy hoạch báo chí này đã tạo một chấn động lớn trong giới báo chí nước nhà, tạo ra những cuộc vận động ngầm lâu nay và khi nó được ký duyệt, các "cuộc chạy" lại khởi động. Dĩ nhiên lãnh đạo các tờ báo và các cơ quan chủ quan không ai muốn tờ báo của mình bị biến mất trên bản đồ báo chí nước nhà, nên việc "vận động" là đương nhiên, gấp rút, vì thời gian không còn nhiều. Chỉ sang năm thôi, số lượng các tờ báo tại TP. Hồ Chí Minh sẽ bị thu hẹp chỉ còn 1/3. Và đến năm 2025, địa phương này chỉ còn duy nhất một tờ báo được phép tồn tại."

"Bản quy hoạch báo chí của Việt Nam, rõ ràng là có một không hai trên thế giới hiện nay. Dù có trí tưởng tượng phong phú nhất, các nhà báo cũng chưa từng nghĩ đến một thực tế là Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất và năng động nhất nước, nơi tập trung tinh thần dân chủ nhất nước, một ngày nào đó chỉ còn một tờ báo mà thôi. Rõ ràng, đề án mà chúng ta đang nói đến đã thu hẹp hoạt động của báo chí, và dĩ nhiên thu hẹp quyền ngôn luận của người dân."

Ông Ngọc Vinh phân tích:

"Tôi nghĩ Hà Nội ít bị ảnh hưởng hơn TP. Hồ Chí Minh vì số lượng đầu báo đáng đọc ở ngoài ấy ít hơn Sài Gòn. Báo Hà Nội đa số trực thuộc các tổ chức chính trị đầu não nên phần lớn được tồn tại như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Lao Động, các tờ báo của các bộ. Riêng hai tờ báo Thanh Niên và Tiền Phong cùng chung tổ chức Trung ương Đoàn sẽ tồn tại đến hết 2024 trước khi nhập lại thành một vào năm 2025."

"TP.Hồ Chí Minh là nơi sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đề án quy hoạch báo chí. Tại đây, khoảng trên dưới 15 tờ báo sẽ tranh nhau 5 suất tồn tại từ 2020 đến 2025. Trong số này, dĩ nhiên Báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ là hạt nhân và chiếm một suất vì là "tiếng nói của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh". Bốn tờ còn lại sẽ là những tờ báo có lượng bạn đọc đáng kể và có ảnh hưởng đến công chúng, có thể sẽ là Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Pháp Luật, Phụ Nữ hay tờ nào khác…".

"5 suất tồn tại kể trên đến năm 2025 chỉ còn một suất. Chúng sẽ nhập với nhau hay có bốn tờ báo trong số 5 tờ vừa kể sẽ biến mất? Câu hỏi này rất thú vị với các nhà báo thích dự đoán ở Việt Nam. Có người mạnh miệng cho rằng chỉ còn tờ Sài Gòn Giải Phóng là tồn tại, còn bốn tờ kia sẽ núp bóng Sài Gòn Giải Phóng để trở thành phụ bản của nó, dù tên gọi và đối tượng, cương lĩnh phục vụ của tờ báo cũ sẽ giữ nguyên. Nói cách khác là bình mới rượu cũ…".

Bộ trưởng Thông tin-Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng Nhà nước "sẽ tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chí chủ lực". Bản quyền hình ảnh: INFONET

'Răm rắp thực hiện'

Nhà báo Ngọc Vinh bình luận thêm với BBC:

"Ước tính, việc quy hoạch báo chí có thể đẩy 4.000 nhà báo có thẻ và khoảng 6.000 nhân viên hành chính trị sự ra đường vì mất việc làm. Tuy nhiên, điều 1 của bản "Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025" tiếp tục khẳng định một thực tế như lâu nay: "Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước".

"Như thế thì dễ hiểu, sẽ không có một phản ứng hay sự chống đối nào xảy ra cả. Lãnh đạo các tờ báo sẽ răm rắp thực hiện vì không ông nào muốn bị mất ghế. Lâu nay, dù biết về bản quy hoạch nhưng chẳng có tờ báo nào dám lên tiếng phê phán hay góp ý kế hoạch đó, ngoại trừ vài tiếng nói lẻ tẻ của một ít nhà báo trên mạng xã hội."

"Nếu có, thì họ chỉ tận dụng vài kẽ hở nào đó của bản quy hoạch, để "chạy thuốc" nhằm tìm kiếm một chút ưu thế cho tờ báo của mình trong quá trình tồn tại, chẳng hạn như, thay vì bị khai tử, hãy cho tôi cơ hội được tồn tại dù là dưới hình thức phụ bản cho tờ báo khác…".

"Theo tôi, rất khó mà có thay đổi gì trong tình hình hiện nay vì báo chí là một thế lực quan trọng có thể thay đổi một chế độ hay một quốc gia. Các tuyên bố của các lãnh đạo cho thấy, Đảng và Nhà nước phải nắm chắc công cụ báo chí, không để nó bị tư nhân hóa dưới bất kỳ hình thức nào và họ chưa sẵn sàng nới lỏng tự do cho báo chí.

"Dĩ nhiên những người làm báo ở Việt nam luôn muốn được tự do làm báo, được tự do thể hiện chính kiến quan điểm của mình. Họ càng được tự do bày tỏ và biểu đạt sự thật thì báo chí càng có lợi và dân chúng cũng có lợi, xã hội cũng có lợi. Vì bị hạn chế và kiểm soát khá ngặt nghèo nên giờ đây báo chí, nhất là báo in giảm độc giả nhanh chóng."

"Và đó là cơ hội của mạng xã hội. Những vị lãnh đạo báo chí cũng từng lên tiếng khẳng định thực tế này và kêu gọi báo chí không được để mạng xã hội vượt mặt. Thế nhưng, điều kiện cần để báo chí có thể cạnh tranh sòng phẳng với mạng xã hội là quyền tự do biểu đạt chứ không phải là bản quy hoạch báo chí mà ta đang chứng kiến."

"Từ những yếu tố đó, tôi muốn nói rằng việc kìm hãm sức mạnh vô biên của báo chí chỉ có hại chứ không có lợi cho đất nước."

"Sở dĩ tôi chọn nghề làm báo vì từng đọc một câu nói, được cho là của một tổng thống Mỹ. Ông ấy nói rằng, nếu buộc phải chọn một giữa tổng thống và báo chí thì ông ấy sẽ chọn báo chí. Tôi nghĩ, nước Mỹ được hùng mạnh như ngày hôm nay là nhờ những người cầm quyền có tư tưởng như vậy. Tôi ước mong sao, một ngày nào đó, tại Việt nam cũng sẽ có một lãnh tụ, một nguyên thủ dám nói và dám thực hiện những điều như thế."

B.N.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47849572

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn