Liệu có nhất thiết phải “cái quan” rồi mới “luận định” không nhỉ? (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 66)

Tương Lai

Thì người xưa vẫn nói vậy, bao đời các cụ ta vẫn truyền dạy cho con cháu phải hết sức cẩn trọng khi nhìn nhận đánh giá một con người, dù đó là người bình thường, hoặc một ai đó có ảnh hưởng đến cộng đồng, đến xã hội hay một nhân vật có được một tầm vóc lớn. Điều ấy có cái lý vững chắc bằng vào sự trải nghiệm của chính cuộc sống. Không thiếu những ví dụ cho thấy chỉ khi đậy nắp quan tài mới đánh giá, thẩm bình chính xác sự hay dở của một người, rành rẽ về sự nghiệp, về nhân cách một nhân vật và tầm vóc của họ giữa cuộc đời, trong xã hội và dài lâu hơn là trong lịch sử. Vì, cuộc sống đã phải chứng kiến khá nhiều những lời thóa mạ hấp tấp hoặc những tụng ca vội vã để rồi quá muộn để thấy ra rằng “tưởng vậy mà không phải vậy”!

Nhưng luận định là luận định về cái gì? Là luận định về con người, một con người cụ thể, trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, xem thử người ấy sống như thế nào mà luận về cái chết cũng là để nói về ai đó đã sống ra sao. Vậy là chỉ mượn cái chết, sự kết thúc tuyệt đối và sòng phẳng một đời người, để thẩm bình về sự nghiệp và nhân cách của người ấy. Ấy thế mà sống và chết lại có mối dây ràng buộc rất nghiệt ngã. Lịch sử còn ghi lời Nguyễn Thái Học “Chết mà danh lưu truyền cho hậu thế thì ta nên chết. Sống mà chuốc lấy ô danh thì thà chết còn hơn”. Đại Việt sử ký toàn thư đã chép về sứ thần Giang Văn Minh thế kỷ XVI bị vua nhà Minh giết hại đã được vua ta là Lê Thần Tông phong tặng “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” [Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ] và ban tặng hai câu:

“Ai cũng sống, sống như ngươi thật đáng sống Ai cũng chết, chết như ngươi, chết như sống”.

Có lẽ nói về chuyện sống chết thì những lời vừa dẫn ra ở trên đã đủ tính khái quát của chuyện luận bàn về lẽ sống và cái chết. Nếu muốn khẳng định cho rành rẽ hơn nữa thì có thể kể đến cái chết nhục nhã của Lê Chiêu Thống cũng cùng nơi đất khách xứ người, kết thúc thảm hại tham vọng rước quân Thanh vào để giành lại ngôi vua đổ nát. Cho dù vẫn có nhà nghiên cứu cho rằng cái chết đã chấm dứt tham vọng “kiên định giữ lấy ngai vàng” ruỗng nát của ông vua lưu vong ấy khi quyết bám lấy thiên triều để thoi thóp chút hy vọng mỏng manh là đáng thương hơn là đáng ghét. Điều này không mới, vua Gia Long sau khi thống nhất sơn hà đã “truy đặt tên thụy là Mẫn Đế” cho Lê Chiêu Thống. Điều ấy không thay đổi được sự sòng phẳng trong đạo lý làm người đã hun đúc nên tâm thế Việt Nam, quyết không chấp nhận bất kỳ hành vi bán nước, rước voi giày mã tổ, dù kẻ đó là ai.

Phải rành rẽ về điều này do tính cập nhật nóng hổi của nó là phải tìm lại những tọa độ cũ để qua đó mà hiểu sự liên thông của quá khứ và hiện tại trong dòng chảy của lịch sử. Những tồi tệ của thực trạng nhức nhối hôm nay sẽ được nhận diện một cách khách quan và không định kiến nếu có sự tường minh về những sự kiện xưa cũ từng để lại những dấu ấn khó phai mờ của lịch sử.

Từ những gì vừa trình bày, thì rõ ràng điều quan trọng không phải là chết như thế nào, mà là đã sống như thế nào. Thì đấy, những màn trình diễn về “quốc tang” vừa hạ màn là minh chứng sống động về sự nghiệt ngã ấy khiến tôi cứ nhớ đến lời của Beethoven “Hãy vỗ tay nào, bạn của tôi, vở hài kịch đã kết thúc” [Applaud, my friends, the comedy is over]. Oái oăm thay, màn trình diễn của vở hài kịch này đồng thời nói về hai nhân vật. Một đã được đậy quan tài và một thì cứ từa tựa như cách nói nôm na của dân gian trong câu thành ngữ “Chết đi sống lại chẳng dại thì ngây”!

Tại sao thế nhỉ? Phải chăng là vì “cái chết cố định vĩnh viễn mối quan hệ giữa người ra đi và người còn sống trên trần thế này” như cách nói của John Quincy Adams, vị Tổng thống thứ sáu của Hoa Kỳ. Điều cần nói thêm về sự “cố định vĩnh viễn” kia, cái “vở hài kịch đã kết thúc” đúng vào “thời kỳ của những quyền lực tầm thường đủ sức hủy diệt nhưng không có sức thuyết phục ai” mà chúng ta đang phải nghiệt ngã sống. “Thời kỳ trí tuệ tự hạ mình đến mức chỉ để phục vụ cho thù hận và áp bức, cái thế hệ này của tôi, từ những phủ định của chính mình, đã phải dựng xây lại ngay trong bản thân mình và xung quanh mình một chút giá trị gì còn lại đủ để tạo thành niềm kiêu hãnh sống và niềm kiêu hãnh chết”. Những ý này là của Camus mà tôi đã có lần dẫn ra trong cuốn sách Mênh mông thế sự để gió cuốn đi. 2018, tr.37.

Trong vở hài kịch vừa rồi, tuyệt đối không thể có “niềm kiêu hãnh” ấy, ngược lại, chỉ có thể là điều tủi nhục! Chẳng phải chỉ vì họ bị cái quy luật tai quái “con người không chết khi nên chết, mà chỉ khi có thể chết” như tác giả của Trăm năm cô đơn, Gabriel Garcia Marquez đã sâu sắc chỉ ra. Mà còn là do kịch bản đã được “duyệt” của vở hài kịch. Trong kịch bản ấy, “mối quan hệ giữa người ra đi và người còn sống” bị ràng buộc bởi một vở diễn có quy mô lớn hơn và phức tạp hơn rất nhiều từ bối cảnh rối ren về chính trị cả về đối nội giữa cuộc tranh quyền đoạt vị, và cả về đối ngoại trong cuộc đu dây quá hiểm nghèo.

Vì thế mà phải có câu hỏi liệu có nhất thiết đợi đến khi “cái quan”, khi ai đó đã tuyệt đối nằm xuống, thì mới có thể “luận định” để đánh giá, để thẩm bình về họ. Hãy nhìn vào thái độ của các tầng lớp nhân dân chăm chú và háo hức dõi theo sự mất hút của ông tổng chủ Nguyễn Phú Trọng khi rõ ràng là ông đang sống vì chính danh được công bố là Trưởng ban tang lễ, và soi kỹ lại những thẩm bình với người vừa chết. Đúng hơn, thay vì thực hiện cái chết lâm sàng theo quy luật của tự nhiên đã “sống thực vật” kéo dài cho đến khi “được chết thật” nhằm hoàn thành một tình tiết bất đắc dĩ chẳng đặng đừng của kịch bản. Thế nên thông tấn xã vỉa hè mới tóm gọn sự kiện bi hài này trong mấy câu nhại thơ Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê:

“Một bác thì thôi đã thôi rồi Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta Bác kia nào ở đâu xa Mà sao không đến đám ma sum vầy…”

Thật cay nghiệt cho hai từ sum vầy! Mỗi từ là một vận vào nơi thâm cung bí sử, khá gay gắt nhưng không ngoa ngoắt tí nào. Đó cách biểu tỏ một thái độ, không chỉ của một người, một nhóm người, mà e rằng của đông đảo quần chúng đang lo lắng phẫn nộ vì những bê bối, nhiễu nhương của thời cuộc. Và đó là một “luận định” về người vừa nằm xuống và người đang mất hút. Một người thì đã “cái quan”, nhưng xem ra khi chưa đậy nắp quan tài thì những “luận định” cũng đã khá phân minh chứ không là “nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe” khiến cho “điều đâu bay buộc ai làm, này ai đan dậm giật giàm bỗng dưng” đâu. Còn một người thì đang sống đấy dù là mất hút tăm hơi nhưng là “sống đọa thác đày, đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi”. Bỗng ngẫu hứng, bấm dòng tin nhắn cho ông bạn thân Huỳnh Kim Báu “Than ôi mệnh trời khi đã tận. Thì bao mưu đồ thủ đoạn để mà chi”!

Một gợi nhớ vụt đến trong đầu, đứng dậy với tay lên giá sách rút cuốn Những người khốn khổ của Victor Hugo, mở trang 359 của Tập II, nhặt ra câu đã tô màu xanh đậm: “Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ nhìn thấy chân lý”.Trước đó một trang, V. Hugo viết: “Hãy làm cho tư tưởng dậy lên như gió lốc. Cái đám quần chúng kia có thể trở nên phi thường, tuyệt vời. Hãy biết khai thác các đám cháy mênh mông những nguyên lý, những đạo lý đôi khi tóe lửa, chói lòa, rung động trong những giờ phút nào đó”. Vâng, “hãy nhìn qua dân chúng” để từ sự kiện đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách nay 6 năm và cũng đám tang một đại tướng vừa nằm xuống cũng với “quốc tang” mà hiểu rõ tầm nhìn của đại văn hào Pháp vừa dẫn ra. Những gì vừa diễn ra chắc cũng chẳng tốn công viết ra làm gì cái chuyện mượn y phục của người xưa để hiện lên sân khấu mới của lịch sử, bởi lẽ mọi người đã thật mục sở thị!

Hãy gợi lại đôi dòng đã viết ra về đám tang của vị “lão tướng huyền thoại” ở trang 126 cuốn Cảm nhận và Suy tư: “…cùng với người Hà Nội lặng lẽ xếp hàng, trầm tĩnh nhích từng bước chậm rãi trên đường Điện Biên vòng về đường Hoàng Diệu, như một phản ứng đây chuyền, với sức lan tỏa mãnh liệt, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Tây Bắc, Việt Bắc và rồi hầu như khắp cả nước... các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ, cuồn cuộn đổ ra đường để đến những nơi có lập ban thờ vị lão tướng huyền thoại. Nén tâm nhang mà họ cùng nhau thắp lên trước di ảnh của ông, trong ngôi nhà Đại tướng hay ở bất cứ nơi nào theo tâm nguyện và sáng kiến của cộng đồng, của lòng người, không chỉ là một lời tri ân, một tâm tình tôn quý, mà còn là một cái gì lớn lao hơn, vừa lung linh trừu tượng của một ‎ý tưởng, một tâm thế, vừa cụ thể sống động của một hành động, một thái độ. Tâm tình và thái độ trước thời cuộc. Đừng quên rằng, những hành động hàng ngày của mỗi con người đều là hậu quả của những động cơ ẩn dấu mà đôi khi ta không thấu hiểu được hết”.

Trước đó một trang là lời của nhà báo Thái Duy: “Phải đến tận nơi, ngày nào cũng đến chỗ 30 Hoàng Diệu, là vì phải tận mắt chứng kiến dòng người bất tận đến viếng Đại tướng mới thấy: đến đấy không phải để buồn! Đến đây muốn buồn cũng không buồn được. Năm nay tôi gần 90 tuổi rồi... sau đám tang Bác Hồ, chưa bao giờ thấy một người lãnh đạo nằm xuống, toàn dân thương tiếc như vậy. Có thể nói, mấy ngày vừa rồi đến 30 Hoàng Diệu là chỉ để mừng..., rơi nước mắt vì thấy mừng. Bởi rõ ràng một người qua đời đã bừng thức cả một dân tộc. Đây là một sự thật” nhà báo lão thành đã xúc động trả lời câu hỏi của phóng viên. Quả thật, con đường họ đang bước chính là “con đường lịch sử”? Chính con đường này đang đánh thức lương năng lương tri của những người tử tế muốn sống thật đàng hoàng.

Đúng vậy! Cái chết của vị lão tướng huyền thoại đã làm “bừng thức cả một dân tộc. Đây là một sự thật”. Ý nghĩ ấy bắt gặp một kiến giải thâm thúy “Cái chết – giấc ngủ cuối cùng? Không, đó là sự thức tỉnh cuối cùng”. Đó là câu của nhà văn Walter Scott người Scotland, thế kỷ XIX, tác giả của cuốn Aivanhô [Ivanhoe] cuốn sách mà tôi từng đọc ngấu nghiến từ hơn ba mươi năm trước. Liệu sự “thức tỉnh” ấy có bừng lên “đám cháy mênh mông những nguyên lý, những đạo lý đôi khi tóe lửa, chói lòa, rung động trong những giờ phút nào đó”?

Nhưng rồi cứ ngờ ngợ trong đầu, liệu “những giờ phút nào đó” mà đại văn hào Pháp tiên đoán, sẽ xuất hiện vào lúc nào trong bối cảnh “tang gia bối rối” đã phơi ra khá lộ liễu những bung bét tệ hại của một thời đoạn tan rã một thể chế? Một thể chế đã đưa đất nước vào cái thế chông chênh dưới áp lực và sự thao túng của siêu cường hung đồ với những toan tính ngông cuồng của Tập Cận Bình? Nhưng đây kia, vẫn ra rả rộn ràng những lễ nghi hoành tráng gắn liền với những tụng ca mùi mẫn về người đã ra đi và người đang ở lại vẫn đang mất dạng! Thôi thì đủ thứ loạn bàn, thậm chí ai đó vận dụng lý thuyết “âm mưu” (conspiracy theory) để dẫn giải chuyện “giả chết bắt quạ”!

Một khi thông tin bị bưng bít, báo chí và hệ thống truyền thông nhà nước miễn cưỡng đưa tin một cách nửa kín nửa hở càng làm rõ thêm tính bất minh của một thể chế toàn trị phản dân chủ, sự bất lực, lúng túng của bộ máy quản lý, thì thay vào đó báo mạng “lề trái” phải kịp thời cung cấp thông tin, món ăn tinh thần không thể thiếu của cuộc sống con người. Một xã hội không thể bị đắm chìm trong sự ngột ngạt vì quá thiếu thông tin hoặc thông tin một chiều theo định hướng, buộc mọi người phải nghe theo. Mà thật ra, càng bưng bít thì thông tin lại càng phải xì ra như bài trước đã phân tích. Người ta đã quá lúng túng, hoảng hốt trước sự thật cần phải phơi bày nếu chưa nói là ngu muội để không hiểu rằng “điều cấm đoán có sức mê hoặc đến nỗi khiến nó hấp dẫn không tả nổi” mà Mark Twain, văn hào Mỹ, đã chỉ ra.

Đương nhiên, bất cứ một quốc gia, một chính thể, một bộ máy nhà nước nào cũng đều có những bí mật phải được kiểm soát nghiêm ngặt, những “bí mật quốc gia”. Nhưng đi liền với nó, trong một đất nước dân chủ và văn minh, phải có những ràng buộc mang tính pháp lý, nói như Nguyễn Ái Quốc “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Đó là những cơ chế đảm bảo quyền của con người mà tạo hóa đã ban cho họ, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Trước mắt, từ thực trạng tồi tệ của sự độc quyền thông tin, như một chứng hoại thư đang đang gặm nhấm cơ thể xã hội hiện nay, thì tự do tư tưởng, tự do báo chí là một đòi hỏi cấp bách.

Và rồi, từ câu chuyện lúng túng như gà mắc tóc trong việc đưa tin của người đang chết, oái oăm thay lại gắn kết làm một với người đang sống. Vậy là, rút cuộc cũng lại phải trở về với một vấn đề muôn thuở, luận về cuộc sống và cái chết. Vấn đề muôn thuở ấy xem ra có vẻ cũ mèm nhưng lại cứ luôn được nhắc đến như một điệp khúc không thể thiếu trong dòng chảy bất tận của thời gian, để rồi rộ lên vào những thời điểm nhất định nào đó. Ví như thời điểm mà tôi đang viết bài Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 66 này.

Thế mà, thực ra cái chết đối với ai đó chỉ là tắt đèn đi thôi vì bình minh đã đến. Hình như Tagore, thi hào Ấn Độ có nói đại ý như vậy. Vả chăng, cái chết không phải là chấm hết nếu chúng ta có thể sống tiếp trong con cái của chúng ta và những thế hệ sau. Bởi chúng cũng là chúng ta, thể xác của ta chỉ là những chiếc lá úa vàng trên tán cây đời. Đó là cách hiểu về cái chết của thiên tài Einstein. Hơn nữa, điều cần để tâm không phải chết như thế nào mà là đã sống như thế nào, mà cái chết thì diễn ra nhanh lắm, trừ phi người ta kéo dài nó ra để giúp vào một toan tính nào đó.

Viết câu này vì tôi có chút phân vân về đám tang ông tướng còn nhiểu uẩn khúc vừa rồi. Mọi chi tiết trang trọng của lễ nghi vẫn hoành tráng, tốn kém về nhân lực, vật lực, thời gian và quy mô, nhưng sao nó vẫn không giấu được sự miễn cưỡng mang tính chất quan phương, mà thiếu đi những tình cảm thật của những quan khách có mặt, lại loáng thoáng còn không giấu được sự hài hước! Tôi sực nhớ đến khuyến cáo cũng của Mark Twain vừa nhắc “Chúng ta hãy sống sao cho khi chết, ngay cả người làm tang lễ cũng thấy tiếc thương”.

Vâng, là người làm tang lễ tiếc thương! Đó là cái lẽ thông thường. Thiếu vắng sự tiếc thương đó không phải vì cái chết, mà vì cái sống, vì nhân cách và sự nghiệp của người đã sống. Chẳng thế mà có khi không có một “ban tang lễ” thì vẫn có sự tiếc thương chân thành theo nhịp đập của trái tim chứ không phải theo điệu kèn ai điếu! Chẳng phải là lịch sử đã từng chứng kiến những trường hợp như vậy đó sao? Thì như cụ Nguyễn Công Trứ, thậm chí không cần đến “ban tang lễ”. Chuẩn bị cho sự ra đi của mình, cụ có di chúc cho con cháu, từ chối mọi nghi lễ của triều đình, chôn nơi huyệt đã đào sẵn dưới cái chõng tre cụ vẫn nằm, rồi trồng bên mộ một cây thông! Thế đó, “cái chõng tre”!

“Bốn vách tường mo, ba gian nhà cỏ, Đầu kèo mọt tạc vẽ sao, trước cửa nhện giăng màn gió. Phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng, Ống nứa đựng đầu kê đầu đỗ. Đầu giường tre, mối dũi quanh co, Góc tường đất, trùn lên lố nhố…”

Tám mươi tuổi thọ, Uy Viễn tướng công lẫy lừng trong sự nghiệp kinh bang tế thế, cầm quân đánh giặc xông pha nơi biên cương hải đảo, mấy tháng trước khi mất, ông còn dâng sớ xin cầm quân đánh Pháp xâm chiếm ba tỉnh miền Tây ở phương Nam. Không chỉ thao lược trên trận tiền, ông còn thành công trên địa hạt kinh tế, lấn biển mở đất ở Thái Bình, đắp đê ngăn mặn ở Hải Dương, đào kênh khơi rạch ở Long Xuyên và bao công huân khác. Về mặt văn chương, ông là một thi tài độc đáo hiếm có. Sách Đại Nam liệt truyện chép ông “là người trác lạc, có tài khí, có tài làm văn, càng giỏi về quốc âm, làm ra thi ca rất nhiều, khí hào mại, phổ đầy ở trong âm luật…”. Cũng lại chép: “Sau khi Trứ mất, các huyện ấp do ông lập ra đều đựng đền để thờ”. Thì ra chuyện “sinh vi tướng tử vi thần” chẳng cần một chiếu chỉ, một nghị quyết nào. Đó là mệnh lệnh của trái tim những người dân đối với người mà họ tôn kính. Khi đã đi vào trái tim của nhân dân, cái chết ấy đã hóa thành bất tử.

Thật may mắn cho đoạn cuối của bài “cái quan luận định” này là, tôi được viết trong nỗi xúc động của ngày 7 tháng 5, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Dư âm của những “giai điệu tự hào” đã thức dậy trong tôi những hoài niệm của 65 năm trước. Có nhiều, rất nhiều những liệt sĩ không biết đến cái quan tài thì nói chi đến chuyện “cái quan”. Tại nghĩa trang, nấm mộ có tên nằm bên rất nhiều nấm mộ với tấm bia còn để trống. Làm sao kể hết được tên của các anh chị mà thân xác được vùi vào trong lòng đất mẹ.

Ở đó, họ nghĩ gì về điều đã thôi thúc họ háo hức đi vào chiến trường và đã ngã xuống trước khi lá cờ chiến thắng được cắm trên nóc hầm chỉ huy của quân xâm lược? Và rồi họ nghĩ gì khi những người chưa từng đổ một giọt máu cho Tổ quốc, nay đang cao đàm khoát luận khuyên dạy mọi người phải “biết yêu nước đúng cách” để ngoan ngoãn làm bầy cừu, tiếp tục làm vật lót đường cho cuộc tranh giành cái ghế quyền lực đang hồi gay cấn. Những kẻ ra vẻ cao đạo nhất lại chính là bọn thoái hóa biến chất, dồn sức cho cuộc tranh quyền đoạt vị, tranh thủ “ngoạm một miếng rồi chuồn” phản bội lại lý tưởng cao cả của những người đã ngã xuống! “Luận định” gì đây về những người chỉ biết chăm chút cho lợi ích của riêng mình mà không biết rằng khi một người chết đi, hắn ta chỉ đem theo những gì hắn đã cho đi khi còn sống.

Bên cạnh đó cũng có người quá đà trong việc tự thể hiện là mình đi đầu trong cuộc đấu tranh dân chủ đã phủ định sạch trơn lịch sử. Họ hằn học chửi bới những người trân trọng những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Họ dè bỉu với máu của những người đã ngã xuống thấm đẫm trên cơ thể đất nước khi mà không hiếm những người trong số hằn học dè bỉu ấy chưa hề có mặt ở nơi cần sự hy sinh để hiểu rằng máu người không phải là nước lã. Từ sự phẫn nộ với thế lực phản nước hại dân, cam tâm giữ phận chư hầu để bảo vệ cái ghế quyền lực đang gây nên thảm trạng hiện nay, nhưng rồi bằng sự phẫn nộ chính đáng đó, họ lại thiếu cái nhìn khách quan với cách thẩm bình về con người và sự kiện trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, để chìm vào những định kiến từ xúc động nhất thời mà rơi vào sự thiếu trách nhiệm với chính mình và với đất nước. Ai đó quên rằng, với người có hiểu biết, dân gian gọi là người có học, thì sự cẩn trọng đối với lịch sử khi đưa ra những phán xét là một đòi hỏi nghiêm cẩn. Vậy mà nghiêm cẩn với lương tri cũng là biểu hiện của nhân cách.

Liệu có nên nhắc lại một biểu hiện của nhân cách qua câu chuyện tướng Dương Văn Minh trả lời François Vanussème khi viên tướng tình báo Pháp này tìm đến gặp ông để đề nghị Việt Nam Cộng hòa kêu gọi Trung Quốc đem quân tấn công vào Việt Nam nhằm cứu quân lực Việt Nam Cộng hòa đang trong cơn nguy kịch. Tướng Minh đã nói: “Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp, rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai cho Trung Quốc”. * Vâng, quả là “đã quá đủ rồi”. Chính thái độ sòng phẳng đó đã biểu lộ một nhân cách. Hơn thế, một thái độ sống, như ông đã nói: “Đôi khi mình phải dám sống để hứng nhận những hậu quả cho sự quyết định của mình gây ra”**. Thật đáng suy nghĩ để mà biết trân trọng một ứng xử, một hành động đẹp biểu tỏ ý thức trách nhiệm đáng quý với đất nước khi đã đau đớn nếm trải những bước đi oái oăm của lịch sử!

Nên chăng hãy kết thúc bài viết bằng sự ngạc nhiên của Jack London, nhà văn lớn người Mỹ “Chỉ cuộc sống và những điều của cuộc sống mới đau đớn. Thế nhưng chúng ta vẫn yêu cuộc sống và căm ghét cái chết. Thật lạ lùng”!

Ngày 7.5.2019

T. L.

Tác giả gửi BVN

_____________

* Nguyễn Hữu Thái. Hồi ức “Dương Văn Minh và tôi”, năm 2008. ** Trương Võ Anh Giang. ”Máu chảy về tim”. NXB Trẻ, 2016

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn