Biển Đông tháng 10: VN liệu có thể kiện?

Nguyễn Hiền

Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 vào Biển Đông, tiếp tục gây nên lo ngại về một cuộc đối đầu mới với Việt Nam. Và đây được xem là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu nỗ lực của Việt Nam trong theo đuổi, thăm dò dầu khí chung với các quốc gia khác.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiNuzejVg94NN0IrgDEDShLl51BlowJG2embatUQBo95zroJQLvytGq9QnnOpnYlsqqAiN5DmQY9ahD0mEd5el7uRRbuppJW6DnQrYzjlkxyxq-FOBX20IiFF7SVZvEUOsd1LvVSD5IHQ/s640/hqdefault.jpg

Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982

Các biện pháp hòa bình?

Trong bối cảnh sự va chạm của Việt - Trung chưa dừng trên Biển Đông, thì gần đây nhất, Thời báo Kinh tế Ấn Độ ngày 30/9 đã đăng một bài viết ủng hộ Việt Nam và phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ). Bài báo dẫn lời các chuyên gia hàng hải nói rằng Bắc Kinh không được phép thực hiện bất kỳ hành động nào làm phức tạp tình hình và vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế.

Cũng theo trang tin này, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ - ông Phạm Sanh Châu, cho biết Hà Nội sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình được định nghĩa bởi luật pháp quốc tế để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Quan điểm này phù hợp với những gì mà ông Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Khóa 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa qua.

‘Các biện pháp hòa bình’ vẫn là một lựa chọn mà Hà Nội đang kiên trì tiến hành để ứng phó các hoạt động lấn lướt và phi pháp của Bắc Kinh từ trước đến nay. Và cách ứng phó này theo ông Carl Thayer trong một bài báo ngày 30/9 trên RFA là ‘hết sức nhẹ nhàng’.

Và biện pháp hòa bình cũng có thể được hiểu là ‘vừa hợp tác, vừa đấu tranh’.

Và đấu tranh không chỉ duy ‘vờn nhau’ ngoài khu vực biển đông giữa tàu hải cảnh của hai quốc gia, mà bao hàm cả việc Hà Nội có thể tính toán đến việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Kiện ra tòa: không thể?

‘Kiện Trung Quốc’ hiện giờ nhận được không ít sự đồng thuận. Nhưng liệu kiện có thể là biện pháp hữu hiệu giải quyết các vấn đề phát sinh tại Biển Đông?

Shirley Wang, tác giả bài viết về luật quốc tế áp dụng tại Biển Đông trên The MCGILL International Review tỏ ra bi quan về phương án này.

Cụ thể, hiện tại khung chính hướng dẫn quản lý tranh chấp Biển Đông nằm trong Bộ quy tắc ứng xử ASEAN-Trung Quốc (COC), nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ tiếp cận COC một cách nghiêm túc. Đó là lý do vì sao vào tháng 8/2018, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua một dự thảo văn bản đàm phán COC. Trong dự thảo, dù đã có thỏa thuận về sự cần thiết phải thiết lập một khuôn khổ dựa trên các quy tắc và hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, khi Hà Nội kêu gọi cấm xây dựng các đảo nhân tạo và triển khai các vũ khí phòng thủ như tên lửa đất đối không trên các đảo nhân tạo, thì Trung Quốc đã làm cả hai điều này.

COC cũng không phải là cơ chế giải quyết tranh chấp, và sẽ có một lộ trình rất dài để tiệm cận với một nghị quyết chung thẩm về các yêu sách chủ quyền và ranh giới hàng hải theo các quy định của UNCLOS. Hải cảnh và dân quân Trung Quốc liên tiếp vi phạm các Điều 2, 6, 7, 8, 15 và 16 của Bộ Quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (COLREG), do đó vi phạm Điều 94 của UNCLOS. Thậm chí, ngay cả Công ước SAR-79 và thỏa thuận quốc tế về ‘Tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Biển Đông’ cũng không được Bắc Kinh tuân thủ, khi mới đây, tàu Trung Quốc đã từ chối cứu hộ tàu cá Việt Nam, mặc dù tàu cá đang trong tình trạng nguy cấp[1].

Trong khi đó, để kiện được Trung Quốc, Việt Nam phải dựa vào UNCLOS, nhưng UNCLOS hoạt động hiệu quả nhất khi có biên giới hàng hải được phân định rõ ràng, và điều này ở Biển Đông là sự ‘chồng lấn’ lẫn nhau. Và Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES)[2], một thỏa thuận khác thường được áp dụng cho các tranh chấp ở Biển Đông, thiếu tính ràng buộc và không áp dụng cho hải cảnh, mặc dù hầu hết các sự cố liên quan đến hải cảnh và các tàu thực thi pháp luật hàng hải khác.

Vậy ASEAN thì sao?

Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Đây được xem là yếu tố thuận lợi để giúp Hà Nội giải quyết vấn đề Biển Đông theo hướng có lợi cho mình. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 4 thành viên của ASEAN (Việt Nam, Brunei, Philippines và Malaysia, với Indonesia) là có yêu sách ở Biển Đông, mặc dù toàn bộ ASEAN có liên quan đến quá trình COC. Và ASEAN không phải là một nơi để giải quyết vấn đề Biển Đông có hiệu quả hiện nay.

Ông Trần Việt Thái thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam bày tỏ về vai trò của ASEAN với tờ Bangkok Post ngày 2/10. Theo đó, ASEAN không phải là tổ chức được thiết kế không phải để giải quyết các vấn đề lãnh thổ (Biển Đông). ASEAN được thành lập và thiết kế để đối thoại và tạo điều kiện cho quá trình phát triển.

“Nếu bạn kỳ vọng quá nhiều từ ASEAN, bạn đã sai […] Trong vấn đề Biển Đông, ASEAN có thể cung cấp một diễn đàn, Nhưng nếu bạn mong đợi rằng ASEAN có thể giúp bạn giải quyết các tranh chấp, thì không bao giờ - họ không thể giúp bạn”, Ông Trần Việt Thái cho biết.

Kết

Với tình hình thực tế hiện tại và những bài học bị ‘lấn lướt’ trong giai đoạn sau năm 2014, thì Hà Nội chỉ còn đúng một lựa chọn tối ưu nhất là ‘đối đầu với sức ép từ Trung Quốc bằng cách gia tăng hợp tác an ninh và quốc phong với Mỹ’. Nhưng muốn như vậy, đội ngũ lãnh đạo Hà Nội phải đồng thuận trong ‘nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên thành đối tác chiến lược’, một điều có thể là bước ngoặt tương tự như cách hai quốc gia thiết lập ngoại giao vào năm 1995.

N.H.

______

Tham khảo

[1] https://thanhnien.vn/thoi-su/tau-trung-quoc-tu-choi-cuu-ho-tau-ca-viet-nam-troi-dat-o-hoang-sa-1132150.html [2] CUES, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/6179-cues-va-luc-luong-bao-ve-bo-bien

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn