Khi quyền của người bị tạm giam bị vi phạm: khiếu kiện ai đây?

Nguyễn Hồng Phúc

CÔNG LÝ CỤT QUÈ


Ngô Ngọc Trai

Hiến pháp năm 2013 tại Điều 31, khoản 4 quy định: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Và tại Điều 103, khoản 7 quy định: Quyền bào chữa của bị can, bị cáo được bảo đảm.

Vậy nhưng khốn thay, Bộ luật tố tụng hình sự, một văn bản pháp lý cấp thấp hơn Hiến pháp lại có quy định lược bớt, tước bỏ một phần quyền bào chữa của bị can. Cụ thể tại Điều 74 quy định về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng:

Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

Quy định này là vi hiến, trái ngược với Hiến pháp, xâm phạm quyền được bào chữa của công dân.

Mặc dù vậy đây cũng không phải là quy định có tính chất ấn định cứng mà trao quyền tùy nghi cho cơ quan Viện kiểm sát áp dụng trong những trường hợp cần giữ bí mật điều tra.

Song thực tế còn tồi tệ hơn, lâu nay quy định này lại bị các cơ quan tố tụng vận dụng triệt để, biến nó thành một lối làm việc cứng nhắc, không cho luật sư tham gia bào chữa trong quá trình điều tra các vụ án có tính chất chính trị.

Nhiều vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, hành vi của các bị can thực hiện một cách công khai, như viết bài viết báo bày tỏ quan điểm, xuống đường biểu tình, nhưng các cơ quan tố tụng vẫn viện lý do cần giữ bí mật để khước từ luật sư bào chữa.

Ví như trường hợp này của cô gái Đoàn Thị Hồng, có con nhỏ 3 tuổi. Cô Hồng đã tham gia biểu tình hồi năm ngoái phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng, sau đó đã bị bắt giữ về tội phá rối an ninh. Hành vi của cô Hồng công khai nhưng luật sư vẫn bị khước từ cho tham gia bào chữa ở giai đoạn điều tra vì lý do cần giữ bí mật.

Mặt khác, pháp luật hiện nay quy định một danh mục rất rộng các hành vi bị coi là xâm phạm an ninh quốc gia, nhiều hành vi thực chất chỉ là bày tỏ quan điểm chính kiến không có bạo lực cũng bị cho là phạm tội.

Nhiều người chỉ vì thực hiện các quyền của công dân theo Hiến pháp như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền biểu tình nhưng cũng bị quy buộc là tội phạm.

Những điều đó cộng hưởng với nhau tạo ra một số lượng rất lớn các bị can bị đối xử bất công không được luật sư bào chữa, làm mất đi giá trị của luật pháp nghiêm chính, dẫn đến tình trạng công lý cụt què.

Liên đoàn luật sư Việt Nam cần quan tâm và có trách nhiệm lên tiếng thúc đẩy thay đổi cơ chế tư pháp què quặt này, bảo vệ quyền hành nghề cho luật sư thành viên, bảo vệ quyền bào chữa của công dân theo Hiến pháp. Nếu không thì còn để tình trạng này kéo dài đến bao giờ.

N.N.T.

Cô Đoàn Thị Hồng và con nhỏ

Tài khoản facebook của bà Đoàn Kim Khánh, sáng ngày 13-10 có đăng thông báo về khởi kiện trại giam số 4, Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP.HCM về việc một số người tạm giam ở đây bị vi phạm một số quyền theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam [http://bit.ly/2M8yRdv]

Thông báo gửi đến ai và nói gì?

Trích nội dung của thông báo (có sửa lỗi chính tả):

“Chúng tôi tên là:

1. Huỳnh Thị Kim Nga, là vợ ông Ngô Văn Dũng

2. Đoàn Thị Khánh, là chị gái của Đoàn Thị Hồng

3. Lê Thị Khanh, là vợ ông Trần Thanh Phương

4. Đỗ Thị Bé, là vợ ông Hồ Đình Cương

5. Lê Văn Định, là chồng của Hoàng Thị Thu Vang

Kính thưa:

– Cộng đồng mạng

– Các tổ chức xã hội dân sự

– Các tổ chức nhân quyền quốc tế

– Amnetsty International

– Cao ủy Nhân Quyền Liên Hợp Quốc

– Các tổ chức, cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế

Nay chúng tôi cùng đưa ra thông báo này, kính thông báo đến quý vị rằng, chúng tôi tiếp tục nộp đơn khởi kiện công an trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, đã liên tục, cố tình vi phạm hiến pháp và vi phạm luật thi hành tạm giữ, tạm giam trong suốt quá trình giam giữ thân nhân của chúng tôi.

Họ nhân danh thực thi công vụ, nhân danh thừa hành pháp luật để bắt giam, ngăn chặn thân nhân chúng tôi, nhưng chính họ lại thực hiện những hành vi vi hiến và vi phạm pháp luật nghiêm trọng! (…)

Chúng tôi kính mong cộng đồng và các tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm, ủng hộ và đồng hành cùng chúng tôi trong cuộc chiến pháp lý vì công lý này”. Hết trích.

Thông báo trên tài khoản Đoàn Kim Khánh không ghi cụ thể là các cá nhân đang bị tạm giam hình sự ở địa chỉ số 4 Phan Đăng Lưu, TP.HCM đã bị vi phạm những quyền gì trong thủ tục tố tụng hình sự về Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Quyền thăm, gửi của người bị tạm giam bị vi phạm?

Trong thông báo ở tài khoản bà Đoàn Kim Khánh có viện dẫn Điều 9 “Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam” của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Như vậy, nhiều khả năng một trong số các quyền ở điều luật này đang bị xâm hại mà nhóm thân nhân cùng đứng tên trong bản thông báo trên trang facebook của bà Khánh, làm căn cứ pháp lý cho việc khiếu nại và khởi kiện.

Người viết chưa liên lạc được với bà Đoàn Kim Khánh, do đó các phân tích tiếp theo đây là những tình huống mang tính giả định từ căn cứ pháp lý là Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Theo Điều 19 “Chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam”, thì người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế quyền đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.

Trong trường hợp người thân ở thông báo của bà Đoàn Kim Khánh bị cản trở quyền gặp thân nhân đang bị tạm giam ở số 4, Phan Đăng Lưu (TP.HCM), cần xem xét tiếp quy định tại Khoản 4, Điều 22 “Việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam”.

Theo đó, các khả năng có thể đang xảy ra: Cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án; Người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác; Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên; Người bị tạm giam đang bị kỷ luật ở buồng cách ly.

Vấn đề cần làm rõ trong nội dung thông báo ở tài khoản của bà Đoàn Kim Khánh, là người thân của nhóm đứng tên trong thông báo, có thuộc trường hợp chịu sự chế tài được quy định tại Điều 5.2 “Các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân” của Thông tư số 34/2017/TT-BCA quy định việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu.

“Khi bàn giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam cho cơ sở giam giữ hoặc khi tiếp nhận hồ sơ hoặc khi có yêu cầu thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải có ý kiến ngay bằng văn bản đề nghị không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam, nêu rõ lý do, thời hạn không cho thăm gặp; cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ biết khi đến thăm gặp”. (Điều 5.2, Thông tư số 34/2017/TT-BCA).

Những cản trở có thể từ cảm tính của cơ quan an ninh điều tra

Số 4 Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM là địa chỉ của Cơ quan An ninh điều tra thuộc Sở Công an TP.HCM. Trại giam ở số 4 Phan Đăng Lưu nổi tiếng là nơi giam giữ các lãnh tụ tôn giáo miền Nam sau năm 1975 không chấp nhận chính quyền đến từ miền Bắc, các nhà tư bản, các chủ xí nghiệp, các phong trào phục quốc, cứu quốc, những văn nghệ sĩ miền Nam và kể cả các tổ chức vượt biên.

Những người bị cáo buộc trong nhóm hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, giai đoạn điều tra thường được giam giữ ở số 4 Phan Đăng Lưu.

Trở lại với nội dung của thông báo trên trang facebook tài khoản Đoàn Kim Khánh. Việc bị hạn chế quyền thăm gặp thân nhân của những người bị giam giữ là Ngô Văn Dũng, Đoàn Thị Hồng, Trần Thanh Phương, Hồ Đình Cương, Hoàng Thị Thu Vang, rất có thể xuất phát từ cảm tính của một số cán bộ tại trại giam.

Thông tư số 34/2017/TT-BCA có một điều khoản mà nội dung dễ dẫn tới sự tùy tiện theo cảm tính của cán cán bộ trại giam: “Người đến thăm gặp và người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải chấp hành đúng Nội quy cơ sở giam giữ, quy định về thăm gặp và thực hiện theo sự hướng dẫn của cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp; có thái độ văn minh, lịch sự, trang phục gọn gàng, sạch sẽ. Trường hợp vi phạm sẽ bị nhắc nhở hoặc đình chỉ việc thăm gặp”. (Điều 8. Trách nhiệm của người đến thăm gặp và người bị tạm giữ, người bị tạm giam).

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, có Chương IX “Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam”. Theo đó, pháp luật bảo hộ quyền được khiếu nại, tố cáo của thân nhân các ông bà: 1. Huỳnh Thị Kim Nga, là vợ ông Ngô Văn Dũng; 2. Đoàn Thị Khánh, là chị gái của Đoàn Thị Hồng; 3. Lê Thị Khanh, là vợ ông Trần Thanh Phương; 4. Đỗ Thị Bé, là vợ ông Hồ Đình Cương; 5. Lê Văn Định, là chồng của Hoàng Thị Thu Vang.

Người viết không có dữ liệu liên quan từ nội dung vụ việc nêu trong thông báo ở tài khoản facebook Đoàn Kim Khánh, nên không thể luận bàn về Chương IX, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

N.H.P.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn