Góp phần thảo luận nhân bài viết “Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học không cần thiết phải là Uỷ viên Trung ương Đảng” của Nguyễn Ngọc Chu

Vũ Cao Đàm

Quan trường hóa và chính trị hóa khoa học là một dị tật quái đản, một hiện tượng phổ biến tại các nước theo chế độ cộng sản, mặc dầu các ông tổ cộng sản, khi viết ra những nguyên lý triết học về các hình thái ý thức xã hội đã đưa ra hàng đống lý thuyết về tính độc lập giữa các hình thái ý thức xã hội, trong đó có mối quan hệ giữa ý thức hệ chính trị với khoa học. Khó phân tích được động cơ của các nhà lãnh đạo cộng sản khi họ chủ trương quan trường hóa và chính trị hóa khoa học.

Quan trường hóa và chính trị hóa khoa học, một mặt khác, cũng mở ra một cửa ngõ hấp dẫn cuốn hút một số nhà khoa học vào chốn “vinh quang”, tiếp cho họ những thứ quyền lực trời cho mà khoa học không thể mang lại cho họ.

Tôi tóm lược hai bài báo đăng trong các số Tháng 8 và 9/1986, Tạp chí xô-viết “Tia lửa nhỏ” (Огонёк) để gửi một thông điệp  tới các nhà lãnh đạo và cộng đồng khoa học, rằng khi quyền lực quan trường vào tay một số nhà khoa học thì có sức tàn phá các nền tảng của khoa học tới chừng nào.

Hai bài báo này nói về vụ án Lưxenkô nổi tiếng thế kỷ 20, trong khoảng thập niên 1930-1940, trên đất nước xô-viết. Lưxenkô khi đó là Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Liên Xô, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên xô. Câu chuyện bắt đầu khi Vavilov, viện trưởng Viện Di truyền học khởi xướng truyền bá học thuyết di truyền của Menđen-Morgan vào Liên Xô. Sức hấp dẫn của thuyết Menđen-Morgan đã có sức lan tỏa nhanh chóng trong giới sinh học Xô-viết, Lưxenkô hoảng hốt, vì lo sợ uy tín của Vavilov sẽ đưa ông vào thay thế Chủ tịch Viện Hàn lâm. Với danh nghĩa đảng, Lưxenkô đã phê phán học thuyết Manđen-Morgan là một học thuyết duy tâm tư sản phản động, mặt khác Lưxenkô đã đề cao ông lão nông dân làm vườn Mitchurin, chuyên nghề cấy ghép cây thành một tượng đài của nền sinh học xô viết, còn những người truyền bá thuyết Menđen-Morgan được xếp vào nhóm “Thế lực thù địch”, thời đó gọi là “Kẻ thù của nhân dân”

Vavilov và hàng loạt nhà sinh học truyền bá học thuyết Menđen-Morgan bị khai trừ đảng, bị xử bắn và bỏ tù. Số khác thì bị đuổi khỏi các viện nghiên cứu và các trường đại học. Vavilov bị đái ra máu và chết trong tù vào năm 1942. Chỉ trong vòng 3 tháng, Lưxenkô đã loại khỏi ngành sinh học Liên Xô trên năm nghìn nhà nghiên cứu sinh học, kéo lùi nền sinh học Liên Xô ước khoảng nửa thế kỷ.

Có thể nói vụ án Lưxenkô là một vụ án khoa học đẫm máu nhất trong lịch sử khoa học vào những thập niên giữa thế kỷ 20.

Hàng loạt lĩnh vực khoa học khác đã cùng số phận với di truyền học. Có những lĩnh vực đã không đóng vai trò như một lĩnh vực khoa học nữa, mà trở thành linh hồn của đảng, những người vốn là các nhà nghiên cứu đã được đưa vào Trung ương, rồi họ dựa trên lập trường đảng mà phê phán tùy tiện các lĩnh vực khoa học khác nhau. Cộng đồng khoa học gọi đó là nhóm “Học phiệt”, là nhóm đóng vai trò quan trọng trong việc hủy hoại các giá trị của khoa học. Tôi xin liệt kê vài sự kiện.

Logic học bị xem là một mớ lập luận siêu hình, bị loại khỏi chương trình giáo dục. Hàng loạt nước XHCN đã hùa theo Liên Xô, trong đó có Việt Nam. Đến thập niên 1960 Liên Xô phục hồi logic học, thì Việt Nam vẫn bảo hoàng hơn vua, vẫn không đưa logic học vào chương trình giáo dục, trong khi, chúng ta nhớ rằng, thời Pháp logic học được dạy ở lớp Đệ nhị (Lớp 11 phổ thông), còn thời Việt Nam Cộng hòa logic học được dạy ở lớp 12.

Toán kinh tế, lý thuyết hệ thống và điều khiển học cũng bị phê phán khi những lĩnh vực này thâm nhập Liên Xô. Hồi đầu thập niên 1970 tôi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Trong một buổi học triết học, tôi được giáo sư triết học giảng giải trên lớp như thế. Giờ giải lao, tôi hỏi thày, vì sao giới triết học Liên Xô phê phán lý thuyết hệ thống và điều khiển học? Những thứ lý thuyết này có cái gì sai phạm về tính giai cấp và tính đảng đâu mà phê phán? Thì tôi được thày nói một cách châm biếm… Triết học chỉ mặt Lý thuyết hệ thống nói “Mày láo, sao mày dám vỗ ngực xưng là lý thuyết khái quát cho tất cả các hệ thống kỹ thuật, hệ thống sinh học, hệ thống xã hội và các hệ thống trừu tượng”. Tôi đang ngơ ngác, thì thày cười lớn và vỗ ngực: “Chỉ có tao, Triết học, mới là lý thuyết về quy luật phổ quát của các sự vật”, mới là “Tâm điểm” của mọi khoa học. Câu nói của thày thật thú vị, khiến sau đó tôi quyết định chọn làm chuyên đề triết học về “Những vấn đề triết học của Lý thuyết hệ thống và điều khiển học”

Rồi đến xã hội học, tâm lý học hiện đại, … cũng đều chịu chung số phận như sinh học, logic học, toán kinh tế, lý thuyết hệ thống và điều khiển học.

Chúng ta còn có thể nhận ra được một sự thực đau xót hơn: Trong lịch sử khoa học của thế giới, kể từ ngày nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga cho đến khi Liên Xô sụp đổ, không có một ngành khoa học mới nào được ra đời từ các nước XHCN.

Những sự thực đau buồn được viện dẫn trên đây rất đáng để các nhà lãnh đạo và cộng đồng khoa học suy ngẫm.

V.C.Đ.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn