Luật của nhân dân, hay của chính phủ hoặc tòa án?

Hồng Dân

29.11.2020

(VNTB) – Dĩ nhiên về nguyên tắc thì những luật do Quốc hội ban hành là luật của nhân dân, chứ không phải luật của chính phủ hoặc toà án.

Về vấn đề chủ quyền quyền lực nhân dân ở nghị trường Quốc hội, tuy chưa thể yêu cầu chuyển một bước đột ngột với 100% đại biểu phải là chuyên trách, nhưng cũng nên giới hạn lại số lượng đại biểu thuộc cơ quan hành pháp và tư pháp với một tỷ lệ không để áp đảo đối với những đại biểu dân sự trong Quốc hội.

Bước đầu có thể cho phép tối đa 49% là những đại biểu thuộc hành pháp và tư pháp được tham gia làm đại biểu Quốc hội. Với số lượng đó, chí ít cũng thể hiện rằng, những luật do Quốc hội ban hành là luật của nhân dân, chứ không phải luật của chính phủ hoặc toà án. Nếu như với tỷ lệ đại biểu chuyên trách như hiện nay chỉ 35% (*), rõ ràng đây là những thách thức đối với chủ quyền quyền lực của nhân dân trong Quốc hội Việt Nam.

Về vấn đề nơi cư trú của các ứng viên đại biểu Quốc hội, không nên để cho các ứng viên đại biểu thuộc nơi cư trú này được mượn địa phương khác làm nơi ứng cử. Hoặc nếu có cũng chỉ nên giới hạn một tỷ lệ tối đa là không quá 30%.

Vì trước hết, là đại biểu, cá nhân đó phải đại diện cho chính địa phương mà mình tham gia ứng cử, phải có tình cảm, lợi ích và hiểu được mong muốn, nguyện vọng của địa phương đó để đại diện cho họ. Sau đó họ mới có thể đại diện chung cho đồng bào cả nước, chứ không thể nói rằng đại biểu của tỉnh A, tỉnh B đại diện cho đồng bào cả nước mà không đem lại lợi ích gì cho chính những cử tri tại đơn vị đã bầu ra họ.

Khi đại biểu đó có tình cảm với địa phương thì họ mong muốn làm những điều gì tốt đẹp nhất cho địa phương mình, có lợi ích hơn cho quê hương, họ hàng và danh tiếng của cá nhân họ.

Muốn làm được điều đó họ phải hiểu được văn hoá, truyền thống, phong tục tập quán và quan trọng hơn họ phải cảm nhận được nhu cầu của địa phương mà mình sẽ đại diện. Chính vì vậy, cách tốt nhất để được ứng cử tại địa phương đó thì người đó phải có một thời hạn cư trú ở đó.

Đối với quá trình hiệp thương thành phần đại biểu, không nên xác định các tiêu chí về chỉ tiêu như hiện nay. Chẳng hạn, việc đặt chỉ tiêu về thành phần đại biểu Quốc hội đạt tỷ lệ bao nhiêu % giới tính này, độ tuổi này… vào Quốc hội mới được dân chủ, mà không thấy được nhân dân cần những ai đại diện tốt nhất cho họ, chứ không phải vào thành phần giới tính, độ tuổi… của đại biểu.

Về vấn đề đại biểu kiêm nhiệm của hành pháp và tư pháp trong Quốc hội, nên giảm tối đa số lượng đại biểu kiêm nhiệm trong cơ quan lập pháp. Một mặt, bảo đảm chủ quyền quyền lực của nhân dân trong Quốc hội.

Mặt khác, xét về thực tiễn như hiện nay, có thể thấy rằng, với thời gian làm việc và nhiệm kỳ của các đại biểu Quốc hội Việt Nam, sẽ có những sự đối lập về lợi ích của chính những đại biểu này.

Chẳng hạn, về thời gian thực hiện công việc, mỗi năm các đại biểu không chuyên trách chỉ mất khoảng 3 tháng để thực hiện công việc làm đại biểu của mình, 9 tháng còn lại thực hiện công việc nơi mình đang công tác, có thể tại cơ quan hành pháp hoặc tư pháp.

Do đó, về lợi ích của cơ quan công tác và lợi ích của đại biểu Quốc hội nhiều khi phải cân nhắc. Tiếp theo, về kỷ luật công vụ của cơ quan công tác và tình cảm cá nhân. Khi công tác với tư cách là thành viên, nhiều vấn đề của cơ quan, Bộ, ngành cá nhân đó có thể biết và có thể đưa ý kiến lên Quốc hội, nhưng nhiều khi phải xem xét, cân nhắc ý kiến đó có đụng chạm đến lợi ích của mình, cơ quan mình, cấp trên, đồng nghiệp hay không.

Nếu có, liệu có hợp lý khi đưa nó ra Quốc hội hay không. Do đó, các đại biểu này liệu có thể công minh mà đại diện cho nhân dân trong cơ quan lập pháp được không?

Mặt khác, nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội Việt Nam hiện nay là 5 năm. Do đó, nhiều đại biểu kiêm nhiệm sau khi hết khóa vẫn còn đang trong độ tuổi công tác, hoặc ngay trong khóa vẫn đang công tác. Nếu thực hiện sự công tâm của một dân biểu làm thiệt hại đến cơ quan, bộ, ngành mình đang công tác, thì sau khi hết nhiệm kỳ, hoặc ngay tức khắc vị trí công tác của họ cũng khó có thể được bảo đảm. Chính vì vậy, đây là những tổn thất đến chủ quyền quyền lực của nhân dân trong Quốc hội.

Cho nên, việc hạn chế và tiến tới xóa bỏ số lượng đại biểu kiêm nhiệm là những yêu cầu quan trọng đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Điều này đòi hỏi xem xét để tiến tới việc xây dựng những chế định pháp lý mở đường cho việc thừa nhận nghề làm chính trị của các đại biểu chuyên trách hiện tại và trong tương lai.

________

Chú thích:

(*) https://nhandan.com.vn/thoi-su-chinh-tri/ty-le-dai-bieu-quoc-hoi-chuyen-trach-nen-la-bao-nhieu-450766/

H.D.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn