Vài ý nghĩ về một bản tin của đài RFI

Lê Xuân Khoa

Chiến thuật “ẩn mình chờ thời” do Đặng Tiểu Bình khởi xướng, từ 1976 được Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào tiếp tục với khẩu hiệu “trỗi dậy hòa bình” đã biến cả một đế chế cộng sản Trung Hoa rộng lớn nhưng kiệt quệ vì “nhảy vọt” và “cách mạng văn hóa” dưới thời Mao thành một công trường sản xuất hàng hoá cho toàn cầu. Nhờ đó, chỉ trong vòng hơn 30 năm, Trung Quốc đã thoát khỏi tình trạng nghèo đói, lạc hậu, trở thành một cường quốc kinh tế hạng nhì trên thế giới, và nghiễm nhiên là chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ. Cho đến năm 2012, khi nắm được vào tay vai trò kẻ lãnh đạo cao nhất nước, Tập Cận Bình không còn che giấu tham vọng thực hiện “Giấc Mơ Trung Quốc”, quyết giành ngôi bá chủ nhân loại, không chỉ về kinh tế mà cả về quân sự, khoa học, kỹ thuật và văn hóa, xã hội. Trước hết, bằng sức mạnh mềm, Bắc Kinh tiến hành kế hoạch kiểm soát toàn vùng Đông Nam Á bằng việc vạch ra đường chín đoạn choán 85 phần trăm Biển Nam Hải và tuyên bố chủ quyền thuộc Trung Quốc. Dù không được quốc gia nào nhìn nhận, Trung Quốc vẫn ngang nhiên ngăn cấm ngư dân các nước lân cận đánh cá, và đe dọa các chính phủ khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước. Hơn nữa, Bắc Kinh còn bồi đắp và xây dựng một số đá nổi thành những hòn đảo được dùng làm căn cứ quân sự.

Hoa Kỳ và thế giới đã nhận ra sai lầm tai hại khi tin tưởng rằng Trung Quốc, sau khi bình thường hóa quan hệ với các nước dân chủ, được chấp thuận gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), được giúp đỡ phát triển khoa học và công nghệ và cam kết tôn trọng các thủ tục sinh hoạt kinh tế thị trường, sẽ hòa nhập vào thế giới dân chủ, hợp tác và cạnh tranh bình đẳng và sáng tạo. Sự thật, lãnh đạo Bắc Kinh đã để lộ bản chất gian dối, độc tài, tàn ác, không thực hiện lời cam kết như đã hứa, trái lại còn sẵn sàng hy sinh hàng chục triệu dân cho một chính sách quyết đoán, tiêu diệt ngay cả những chủng tộc không chịu thần phục họ; đối ngoại thì xây dựng chiến lược “Vành đai và con đường” nhằm từng bước “gom” các dân tộc từ Á sang Phi, rồi đến Âu và cuối cùng là Mỹ vào trong cái “trại súc vật” của chính mình.

Vấn đề chính đáng của Hoa Kỳ và thế giới dân chủ không phải là đoàn kết để gây chiến và tiễu trừ Tập Cận Bình và bè lũ lãnh đạo Bắc Kinh, mà chính là ngăn ngừa tham vọng và dã tâm bành trướng phi nhân của họ. Họ sẽ đủ tỉnh táo để nhận ra nguy cơ thảm bại nếu họ phải đương đầu với sức mạnh kết hợp của quốc tế. Họ sẽ tránh sai lầm tự hủy diệt và sẽ thích ứng để tồn tại.

Bản tin ngày 26/11/2020 của RFI cho thấy sự gia tăng lực lượng đồng minh quốc tế (Úc và Liên Âu) chống Bắc Kinh. Ở Mỹ, hai Viện Quốc hội và dư luận nhân dân, dù đang phải chật vật đối phó với đại dịch covid-19, dù có sự bất đồng trầm trọng về lựa chọn chính trị, đều đồng tâm nhất trí chống hiểm họa Trung Quốc. Tổng thống Trump đã bày tỏ quyết tâm trong cuộc thương chiến chống Trung Quốc và nặng nề kết tội Bắc Kinh gieo mầm dịch bệnh covid-19. Trước đó, trong nhiệm kỳ của mình cựu Tổng thống Obama cũng đã sớm quyết định chính sách “Xoay trục sang Á Châu” nhưng khi đó vẫn chưa dứt khoát được với tình hình Trung Đông. Ngoại trưởng Hillary Clinton viết bài hoạch định chiến lược chống Trung Quốc bành trướng và đưa sáng kiến cứu nguy các nước hạ lưu sông Mekong, nhưng chưa có cơ hội thực hiện. Ngày nay thì tình hình đã đổi khác do mối họa Trung Quốc đã quá lớn, nguy cơ về một chủ nghĩa tân phát xít có vẻ như đã thấp thoáng trước mắt nhân loại. Hồi tháng Hai năm nay, ông Biden đã giận dữ gọi Tập Cận Bình là "một tên côn đồ (a thug). Sự kiện đoàn kết Úc-Liên Âu, tiếp theo sự xuất hiện của Bộ Tứ (The Quad) Mỹ-Nhật-Ấn-Úc hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Tổng thống đắc cử Joe Biden là Hoa Kỳ sẽ tích cực kết hợp với Liên Âu và các khối quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương trong mục tiêu chung là ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Xu hướng quốc tế đoàn kết chống Trung Quốc bành trướng và tình trạng các công ty lớn của Mỹ và các nước công nghệ lớn đang chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam, là một cơ hội vô cùng thuận lợi cho Việt Nam thoát Trung một cách hòa bình và tự nhiên. Lãnh đạo Việt Nam không thể bỏ lỡ cơ hội này trừ khi đã quyết tâm trung thành với Bắc Kinh do lợi ích riêng tư. Việt Nam cần hành động xứng đáng và có tính thuyết phục trong vai trò đương kim chủ tịch ASEAN, nỗ lực hoàn tất thỏa hiệp COC công bằng và bền vững. Trung Cộng sẽ phải tôn trọng độc lập và chủ quyền của Việt Nam và cơ chế chính trị ở Việt Nam cũng sẽ phải chuyển từ độc tài sang dân chủ.

Đây cũng là thời cơ thuận lợi nhất cho trí thức, đảng viên yêu nước và các thành phần xã hội dân sự thực hiện sứ mệnh bảo vệ và phát triển đất nước với sự hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Những người Việt trong và ngoài nước có tư duy chiến lược cần chuẩn bị những kế hoạch vận động và hành động thích hợp bắt đầu từ bây giờ và những tháng ngày sắp tới.

Suốt mấy tháng qua, và cho đến hôm nay, trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng như ở trong nước, đã có quá nhiều cuộc cãi vã, to tiếng và nặng lời, nhiều khi quá thô tục, giữa những người thuộc phe ủng hộ Trump hay ủng hộ Biden. Tôi có cảm tưởng mọi người hăng say tranh cãi, kết tội nhau vô ích. Nhiều người bạn lâu năm đã trở thành thù nghịch. Nhiều người thân trong gia đình và dòng họ bỗng từ bỏ nhau. Dường như mọi người không còn thì giờ và tâm trí quan tâm đến những vấn đề quan trọng khác thực tế hơn của cộng đồng và đất nước. Nạn nhân thiếu người giúp đỡ, kẻ quyền thế bất nhân tiếp tục lộng quyền gây nên tội ác.

Tôi muốn mượn lời một người bạn để chấm dứt bài nhận định ngắn này. Anh bạn viết:

“Trở lại chuyện cộng đồng chúng ta, tôi chỉ có một đề nghị:

Hãy đi bầu.

Bầu theo lương tri.

Chấp nhận kết quả bầu cử.

Xem kết quả như cách kết thúc hoàn toàn một cuộc chiến.”

28/11/2020

L.X.K.

Tác giả gửi BVN

Bài đọc thêm:

Biển Đông: Úc, EU tăng cường hợp tác chống các hành động “gây bất ổn

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel chủ trì cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến Úc-UE ngày 26/11/2020, Bruxelles, Bỉ. REUTERS - JOHANNA GERON

Mai Vân

Ngày 26/11/2020, thủ tướng Úc và các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu ( EU ) đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến để bàn về quan hệ song phương. Trong bản thông cáo chung đúc kết hội nghị, được công bố cùng ngày, ngoài các vấn đề y tế, kinh tế, thương mại…, hai bên còn đặc biệt nêu bật quyết tâm tăng cường hợp tác trong lãnh vực an ninh tại vùng châu Á Thái Bình Dương, trong đó có việc chống các “hành động gây bất ổn” tại Biển Đông.

Bản thông cáo chung, được ký kết giữa thủ tướng Úc Scott Morrison và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel cùng với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, bao gồm 17 điểm, trong đó có điểm thứ 10 được dành cho việc khẳng định quyết tâm “tăng cường hợp tác” để thúc đẩy “an ninh và thịnh vượng” tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Riêng về Biển Đông, các lãnh đạo Úc và Liên Âu đã bày tỏ nỗi “quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương và gây bất ổn” trong vùng biển này, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”.

Dù bản thông cáo không nêu đích danh nước nào gây bất ổn định, nhưng theo giới quan sát, rõ ràng là Úc và Liên Âu ám chỉ đến Trung Quốc, nước càng lúc càng có thêm nhiều động thái hung hăng trên Biển Đông nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền rộng khắp của họ.

Trung Quốc đánh thuế cao lên rượu vang Úc

Thượng đỉnh Úc-Liên Hiệp Châu Âu mở ra trong bối cảnh quan hệ Canberra-Bắc Kinh đang rất căng thẳng, với việc Trung Quốc ngày càng lớn tiếng hù dọa và ban hành một số biện pháp trừng phạt thương mại nhắm vào Úc, mà quyết định mới nhất được loan báo hôm nay, 27/11.

Theo bộ Thương Mại Trung Quốc, ngay từ cuối tuần này, rượu vang nhập khẩu từ Úc vào Trung Quốc sẽ bị áp thuế chống bán phá giá lên đến hơn 100%.

Trước rượu vang, Bắc Kinh đã áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt thương mại khác nhắm vào hàng nhập từ Úc, từ than, đồng, cho đến lúa mạch, thịt bò.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đã dùng biện pháp trừng phạt kinh tế để trả đũa việc Canberra cấm tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi phát triển mạng 5G ở nước Úc, cũng như việc thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 xuất xứ từ Vũ Hán.

M.V.

Nguồn:RFI tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn