Ớt cay xé lưỡi nhưng xoài còn đắng đến thắt tim

Vũ Kim Hạnh

Có thể là hình ảnh về trái cây và ngoài trời

Con số khó tin mà có thật: Trong tổng lượng xoài xuất khẩu sang Trung Quốc năm qua, 99% là xuất tiểu ngạch, chỉ có 1% là đi chính ngạch!

150 triệu USD xoài xuất sang Trung Quốc, toàn đi đường tiểu ngạch

Tại hội thảo “Nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu của Việt Nam” được tổ chức ngày 12-4, ở tỉnh Đồng Tháp, thì ta thấy lượng xoài VN xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 160.000-170.000 tấn, trong đó, có 94% là xuất khẩu sang Trung Quốc (TQ).

Và trong tất cả xoài xuất sang TQ, chỉ có 0,08% (tương đương 141 tấn) được xuất khẩu theo đường chính ngạch (số liệu 2019). Tổng kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam năm ngoái đạt gần 181 triệu đô la Mỹ, trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 152 triệu đô la Mỹ.

Và cơ hội XK xoài ra thế giới còn rất lớn: kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam chỉ chiếm 1,51% tổng kim ngạch xuất khẩu xoài của thế giới.

Tổng diện tích sản xuất xoài ở 13 địa phương ĐBSCL hiện đạt trên 47.000 héc ta với sản lượng đạt gần 568.000 tấn, nhưng diện tích làm theo tiêu chuẩn VIETGAP và GLOBALGAP chỉ đạt 1.789 héc ta, chiếm chỉ 3,8% tổng diện tích toàn vùng.

Còn về doanh nghiệp đóng gói, chế biến, theo ông Kiên, toàn vùng ĐBSCL có 98 doanh nghiệp chế biến, trong đó, TP Cần Thơ có 9; Tiền Giang 27; Long An 9; Hậu Giang 4; Đồng Tháp 17; Vĩnh Long 16…, tuy nhiên, chỉ có 15 doanh nghiệp sơ chế, chế biến xoài đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trước đó, TQ đã có lệnh tạm dừng nhập khẩu xoài Việt Nam do xảy ra vụ giả mạo mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc: họ đã có thông báo về 220 lô xoài vi phạm với các nguyên nhân khác nhau, có tổng khối lượng khoảng 3.300 tấn, chiếm khoảng gần 0,5% tổng lượng xoài đã xuất khẩu sang quốc gia này trong năm 2019-2020.

Điều tra, tỉnh Đồng Tháp nhận thấy có doanh nghiệp vì lý do nào đó, đã không sản xuất hay sản xuất không đủ lượng đặt hàng và đã tự ý lấy sản phẩm khác “mạo danh” sản phẩm có mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hải quan Trung Quốc đã phát hiện đối tượng không đúng chất lượng,an toàn vệ sinh và phòng dịch nên lô hàng xuất sang Trung Quốc bị quốc gia này giữ lại và sau đó, họ tạm dừng nhập hàng xoài luôn.

Đúng là đưa dao cho sát thủ đâm thấu tim mình ngon ơ.

Ớt cũng bị trả lại hàng loạt

Bộ Công thương thông báo, văn bản của Hải quan Thâm Quyến thông báo về việc cấm nhập khẩu ớt của Việt Nam bắt đầu từ tháng 4/2021 là giả mạo, không phải do phía Hải quan Trung Quốc ban hành.

Cũng theo Bộ này, hoạt động xuất khẩu ớt đi Trung Quốc từ tháng 5/2020 đang gặp vướng mắc về kiểm nghiệm, kiểm dịch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tháo gỡ. Ngay lập tức, nhiều doanh nghiệp (DN) bày tỏ bức xúc: Văn bản này có thể là giả nhưng hàng ớt đang bị trả về là thật và đến nay, họ không nhận được bất kỳ cảnh báo nào từ cơ quan liên quan. Thậm chí, chính cơ quan cấp kiểm dịch còn không nắm được.

Công ty TNHH Việt Á Agrifood cho biết đã phải rút tổng cộng 45 container ớt tươi ra khỏi cảng Cát Lái do phía Hải quan Trung Quốc đã yêu cầu tạm dừng cấp chứng thư kiểm dịch cho sản phẩm ớt của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc từ ngày 1/4/2021.

"Họ nói không cấm nhập khẩu, chỉ tạm dừng cấp chứng thư” (?)

Ớt bây giờ không chỉ cay đến chảy nước mắt mà còn đắng đến đứt cả ruột.

Bài học thanh long bị thao túng, sau 5 năm vẫn còn nguyên?

Thống kê của tỉnh Bình Thuận, năm 2018, ở đây có đến 100 thương lái TQ, Đài Loan đến mua sản phẩm tại 140 doanh nghiệp, cơ sở địa phương. Họ lấy danh nghĩa du lịch hay kết thân, lấy vợ, làm con nuôi...và trực tiếp quản lý, điều hành, thu mua, cả thâu tóm các cơ sở địa phương, lấy danh nghĩa thuê nhà xưởng...từ đó, xuất khẩu dưới tên, mã số của công ty địa phương nhưng họ định giá, ép giá và liên kết nhóm thương lái địa phương thao túng việc xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận. Như vậy, họ vi phạm pháp luật VN về đầu tư, kinh doanh, hợp đồng kinh tế, lao động, cư trú...

Sở Công Thương Bình Thuận cho biết năm 2019, kim ngạch XK Thanh long là 6,5 triệu USD nhưng hiện nay vì sao nhà SX cứ cam chịu lệ thuộc vào việc XK tiểu ngạch sang TQ? Hiện Bình Thuận chỉ có 14 công ty đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi các nước và chỉ có 3 DN có chứng chỉ GlobalGAP, tức đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu đi thị trường châu Âu.

Gặp những thương lái làm ăn ở thị trường này, họ nhìn nhận: từ 5 năm trước, hầu hết trái Thanh Long từ đây xuất đi đều phải dán nhãn và đóng gói trong thùng giấy xuất khẩu của TQ. Thậm chí, thương lái TQ còn đi xuống tận Tiền Giang, Long An mua thanh long loại 1 xuất đi, đóng nhãn Bình Thuận!

Trên mạng hiện nay không thiếu những thông tin hướng dẫn DN muốn XK nông sản sang TQ phải tuân thủ các qui định và cũng khuyên nên có người đại diện giỏi tiếng Trung (tốt nhất là thuê ngay người TQ cho nhanh) để đối phó thủ tục.

Bao nhiêu năm rồi, họ cứ len lỏi, hết thanh long, tới xoài, cá rồi ớt...

Đi tìm hiểu: Những quy định bất thành văn chết người

Chúng tôi đi gặp những “nạn nhân” nhiều kiểu của những trục trặc trong số 99% nông sản xuất tiểu ngạch qua TQ thì được biết. Hiện nay đang có một chỉ thị bất thành văn là “Phải loại hẳn người trung gian” trong việc nhập hàng từ Việt Nam.

Ai là trung gian? Chỉ thị ngầm này có nội dung được các thương lái bị gặp trục trặc diễn giải thế này: Người nhập phía TQ dĩ nhiên là người TQ. Phía đơn vị xuất ở VN, nếu không có những chỉ dấu là hàng do chính người TQ thu mua ở VN và đóng gói, làm các thủ tục mà do CT Việt Nam tự xuất thì mặc nhiên họ ngầm coi đó là trung gian, sẽ bị soi và chặn lại, làm chậm đến không xuất được.

Kỳ lạ. Đất nước mình mà giờ họ qui định ngầm mình là...trung gian

Một TGĐ doanh nghiệp làm ăn XK với TQ đã 20 năm nói: với qui định thành thụ tục chung này, chắc chắn ai DN Việt Nam nào muốn XK đều phải có “người nội bộ” ở bên phía TQ. Có nghĩa là phải có tay trong bên TQ, tức là CÓ ĐƯỜNG DÂY NỘI BỘ trong giới chức TQ thì hàng mới đi đều đặn được sau khi thỏa mãn các thủ tục.

Trong khi đó, người Trung Quốc xách túi đi mua công ty nhân lúc nhiều công ty nhỏ của VN đang gặp khó, lao đao mãi không phục hồi được sau mấy mùa dịch nay đành bán, cứ băm bổ như đi mua rau.

Nỗi lo đầu ra bị chặn, nợ chồng chất không qua bên Tàu đòi được (nghĩ đến chuyện chị Hà Thúy Linh của trà Hà Linh-Cầu Đất, ai mà không lạnh mình) lại thấy thương lái mua công ty được giá, còn tặng thêm khuyến mãi quá hời, thế là...BÁN!

Họ vào tận nhà bếp, vườn sau nhà mình để mua tận gốc. Mà mình không bán được tận ngọn, thì thua.

Chiều muộn, một doanh nghiệp kinh doanh nông sản chép miệng than với tôi, nghe như anh đọc cảm thán 2 câu thơ:

“Ông chủ ẩn danh: ông chủ thật. Ông chủ theo luật, chỉ làm thuê”

Giải pháp nào?

Cũng chẳng lạ. Nhưng cái khác sống còn là phải hành động thay vì chỉ nói suông như mấy năm qua.

Nhà quản lý địa phương phải làm đủ trách nhiệm, kẻ làm ăn phi pháp, lừa đảo, trốn thuế, thao túng phải bị trừng trị. Không thì mình chết. Đội ngũ Tham tán thương mai, xúc tiến...phải tích cực sống còn tìm đầu ra, cơ hội sống sót cho nông dân, không để 99% lệ thuộc thị trường TQ. Bản thân người nông dân phải thấy: nước không chỉ tới chân mà đã tới cổ. Thị trường TQ đầy rủi ro, bẫy mìn . Phải quyết liệt làm ăn kiểu khác, có tiêu chuẩn để lấy thông hành vào các thị trường khác. Khó nhưng là đường sống.

Riêng BSA trước tình hình mịt mù của người kinh doanh nông sản, đã lập “nhóm đặc nhiệm cung cấp thông tin thị trường và giải pháp”.

Hai mặt hàng XOÀI và ỚT, đào sâu dữ liệu và phân tích cũng thấy hướng ra khá rõ, thấy các cơ hội thị trường thật sự có nhu cầu và vừa sức mà ta nên tập trung với các phương cách phù hợp.

Đó là đề tài của bài kế và toàn bộ kết quả phân tích thị trường xuất khẩu Xoài và Ớt (dài, nhiều bảng biểu, hình ảnh) sẽ đăng đầy đủ trong ấn phẩm Thế giới Hội nhập tháng 4/2021 sắp phát hành

V.K.H.

Nguồn: FB Vũ Kim Hạnh

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn