Kiểm duyệt khoa học trong mùa dịch và xã hội sau Covid

GS Nguyễn Tuấn

Phong toả có hiệu quả không? Câu hỏi đó tưởng chừng đơn giản và thuộc vấn đề khoa học nhưng hoá ra trong mùa dịch này thì nó trở thành gần như là một chủ đề cấm kỵ. Ai nói khác những phát biểu và chủ trương của các giới chức y tế là có thể bị ảnh hưởng đến sự nghiệp. Chưa bao giờ tôi chứng kiến sự kiểm duyệt (và tự kiểm duyệt) trong khoa học ghê gớm như ngày hôm nay.

1. Người của Hội và cá nhân

Hôm qua tôi xem một video clip về buổi phỏng vấn một giáo sư dịch tễ học đã nghỉ hưu và một bác sĩ đại diện cho hiệp hội AHPRA [Australian Health Practitioner Regulation Agency]. Chủ đề phỏng vấn xoay quanh câu hỏi phong toả (lockdown) có hiệu quả giảm dịch hay không và có nên mở cửa trường học.

Ông giáo sư trả lời dứt khoát là nên mở cửa trường học, và ông lý giải rằng phong toả lâu dài không có hiệu quả. Nhưng những gì xảy ra vài phút sau đó mới thú vị.

Khi bà bác sĩ được hỏi, bà thoạt đầu đồng ý với ông giáo sư, nhưng ngay sau đó bà ... đổi ý. Phóng viên ngạc nhiên hỏi tại sao, thì bà trả lời là bà đại diện cho AHPRA nên bà phải nói theo quan điểm của Hội, không được nói khác đi. Quan điểm của Hội là phong toả có hiệu quả và không nên mở cửa trường học vào lúc này. Tuy nhiên, cách trả lời ngập ngừng và quanh co của bà, khán giả dễ dàng thấy bà có vẻ không tin vào những gì bà nói. Khi được hỏi thêm, bà rút tờ giấy trong cặp táp ra nói đây là tuyên bố của AHPRA và bà đọc tuyên bố đó!

Ông giáo sư nhìn bà đồng nghiệp với vẻ ngạc nhiên, nhưng lịch sự không nói gì. Đến gần cuối phỏng vấn, phóng viên hỏi rằng từ đầu đến giờ bà nói theo Hội, vậy bà có quan điểm cá nhân không; bà trả lời là có và chỉ trả lời khi ống kính thu hình được tắt đi. Ống kính tắt và cuộc phỏng vấn hoàn tất. Tôi không biết sau đó bà nói gì, chỉ có thể đoán rằng sau khi ống kính thì bà được nói ra quan điểm cá nhân, tức là đồng ý với ông giáo sư kia.

Các bác sĩ có chánh kiến hay chất vấn chánh sách vaccine đều không dám lên tiếng vì sợ bị hiệp hội y khoa kỷ luật. Giới khoa học cũng im lặng trong bất bình, vì họ sợ ảnh hưởng đến tài trợ và sự nghiệp. Nhìn đồng nghiệp bị ‘xâu xé’ mà họ cũng im lặng. Nhìn hàng trăm đồng nghiệp bị mất việc trong mùa dịch mà chẳng ai dám lên tiếng, vì sợ họ sẽ bị ảnh hưởng. Tình huống có vẻ giống các nước XHCN ngày xưa. Trí thức hèn cũng hiện diện ngay trong các đại học phương Tây.

2. Đồng thuận bất thường

Câu chuyện làm tôi liên tưởng đến sự kiểm duyệt trong khoa học trong mùa dịch này.

Trong mùa dịch này có nhiều vấn đề nói theo cách nói ở Việt Nam ngày nay là 'nhạy cảm', thậm chí 'cấm kỵ'. Đó là vấn đề lockdown / phong toả, vấn đề khẩu trang, là chánh sách tiêm chủng vaccine, là thuốc Hydroxychloroquine và Ivermectin, v.v.

Có thể nói rằng tất cả (xin nhấn mạnh: tất cả) các tập san y khoa và khoa học đều chỉ nói một tiếng nói. Tiếng nói đó là phong toả có hiệu quả tốt, khẩu trang có hiệu quả tốt, tiêm chủng vaccine là cần thiết, thuốc Hydroxychloroquine và Ivermectin là không có hiệu quả, v.v. Không có tiếng nói gọi là 'phản biện'.

Sự 'đồng thuận' đó làm cho người ngoài y khoa và khoa học yên lòng. Yên lòng là vì các chuyên gia đều đồng ý (hay 'nhứt trí'). Nhưng đối với người trong cuộc (y khoa) thì cảm thấy có cái gì đó ... bất bình thường.

Trong thế giới y khoa và nghiên cứu khoa học, không bao giờ có chuyện kết quả các nghiên cứu đều được đồng ý nhứt quán 100%, không bao giờ có chuyện các chuyên gia đồng thuận 100%, không bao giờ chỉ có 1 quan điểm và 1 tiếng nói.

Lúc nào trên các tập san y khoa và khoa học đều có những quan điểm khác nhau trước đa số các vấn đề. Do đó, họ thường có những bài xã luận cho một bên là ủng hộ và một bên biện luận chống lại một quan điểm chuyên môn nào đó. Thế nhưng cuộc bầu cử Trump đến dịch Vũ Hán đã làm thay đổi tất cả những nghị luận dân chủ và văn minh đó. Hoàn toàn không có tranh biện.

Đó là một điều bất thường. Thật ra, phải nói là quá bất thường.

3. Chánh trị hoá khoa học

Chuyện gì đã xảy ra?

Tôi đã từng trải nghiệm về sự kiểm duyệt và tự kiểm duyệt trong khoa học, nên có thể chia xẻ vài câu chuyện đằng sau sự bất bình thường đó.

Trong vai trò một Academic Editor (biên tập học thuật) cho một tập san lớn thuộc tập đoàn Nature, tôi được giao phụ trách các nghiên cứu về chuyên ngành xương, dịch tễ học, di truyền học, nhưng trong mùa dịch vì có quá nhiều nghiên cứu về Covid, nên tôi còn được giao phụ trách những nghiên cứu liên quan đến Covid, nhứt là nghiên cứu dịch tễ học.

Những nghiên cứu này thường là nghiên cứu quan sát, nghiên cứu mô phỏng (simulation), nhưng cũng có thử nghiệm lâm sàng, về lockdown, khẩu trang, thuốc điều trị, và những bài 'debate'. Nhìn lại tôi mới thấy tất cả 5 bài tôi phụ trách về lockdown đều bị từ chối ngoài ý muốn và không vì lý do khoa học.

Tôi nhớ hoài 2 nghiên cứu, một từ Ấn Độ và một từ Thuỵ Điển. Cả hai nghiên cứu đó đều là mô phỏng, sử dụng nhiều mô hình toán kèm theo y khoa và dịch tễ học, được làm rất rất bài bản. Cả hai nghiên cứu đều kết luận rằng lockdown không có hiệu quả, và cả hai đều bị từ chối công bố.

Nghiên cứu từ Ấn Độ chỉ có 1 tác giả từ một viện nghiên cứu nổi tiếng bên đó. Bài báo dài hơn 30 trang (kể cả phần phụ chương) rất phức tạp về toán. Bài báo có nội dung phê bình chánh sách lockdown của các giới chức y tế Ấn Độ và chứng minh rằng lockdown gây ra nhiều tác hại hơn là kiểm soát dịch. Vì tính phức tạp của nghiên cứu, tôi phải rất khó khăn mới mời được các chuyên gia bình duyệt từ các đại học lừng danh như Imperial College, UCL, Oxford, UCLA, Harvard, Stanford, v.v.

Trong số 5 chuyên gia bình duyệt đọc và cho ý kiến, 4 người khen và đề nghị xuất bản sau khi chỉnh sửa gần 10 trang, còn 1 người từ Anh đề nghị từ chối. Tôi quyết định chấp nhận.

Nhưng người có tiếng nói sau cùng là Editor-in-Chief (EiC – tổng biên tập) chớ không phải tôi. Thường (99%) thì EiC theo quyết định của Academic Editor, nhưng trong trường hợp Covid thì ... rất cẩn thận. Ông EiC xem quyết định và bình luận của tôi, và ông không đồng ý. Ông viết thư riêng cho tôi nói đại khái là "Nếu anh và tôi quyết định chấp nhận bài này, thì ngày mai CNN và New York Times sẽ hỏi thăm chúng ta. Tôi không muốn việc đó xảy ra". Bàn qua, bàn lại thì chúng tôi đi đến quyết định từ chối bài báo.

Nhưng tác giả là người nổi tiếng và khó tánh. Ông viết lại cho tôi rằng tại sao các chuyên gia bình duyệt (ngoại trừ 1) đều có nhận xét 'positive' và ông cũng đã trả lời thoả đáng các nhận xét của họ, vậy tại sao tôi từ chối? Phải nói là tôi không có lý do từ chối. Tôi chuyển lá thư cho sếp EiC đọc, và sếp làm theo đúng quy trình: phải họp ban biên tập lại để bàn tiếp. Phải 2 tuần sau mới họp online, và kết luận vẫn là từ chối. Lý do từ chối không phải là khoa học, mà là ... chánh sách. Nói cụ thể là chánh trị. Bởi vì bài báo phê bình chánh phủ Ấn Độ, phê bình lockdown trong khi đa số tiếng nói đều ủng bộ lockdown. Nguy hiểm quá. Các tập san khoa học rất ngại dính dáng vào chánh trị.

Là người trực tiếp phụ trách và liên lạc với tác giả, nên tôi hỏi ban biên tập là tôi sẽ trả lời sao cho tác giả? Họ nói trả lời là cứ viết rằng "bài báo không thuộc diện ưu tiên". Vậy là tôi trả lời tác giả y như lời khuyên.

Nhưng tác giả lại không đồng ý, vì ông ta nói rằng nghiên cứu Covid là ưu tiên, rõ ràng như tập san đề ra. Thiệt là khó khăn. Tôi định bỏ cuộc và giao cho một Academic Editor khác, nhưng hình như chẳng ai chịu nhận cái 'của nợ' này.

Phải qua lại cả 3 email giữa tôi, sếp EiC và tác giả, thì sự việc mới ổn.

Đó là một trải nghiệm khó quên trong vai trò Academic Editor, nhưng sự việc làm cho tôi hiểu rõ hơn về sự chánh trị hoá và kiểm duyệt khoa học trong mùa dịch này.

4. Tiên lượng và sai lầm

Một bài báo khác từ một nhóm bên Thuỵ Điển.

Dạo đó (năm ngoái) khi nhóm Imperial College bên Anh công bố mô hình tiên lượng rất đình đám về tác động của dịch Vũ Hán ở Anh. Bài báo do chuyên gia dịch tễ học và toán Neil Furguon đứng đầu dự báo rằng dịch Vũ Hán sẽ gây ra 500.000 cái chết nếu chánh phủ Anh không có hành động. Chánh phủ Anh lập tức ra chánh sách hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, và lockdown.

Sau khi bài báo của Ferguson được công bố trên Nature vài tháng thì tập san tôi phụ trách nhận được một bài báo từ Thuỵ Điển. (Nên nhớ rằng Thuỵ Điển không có chánh sách lockdown). Bài báo này đã bị Nature từ chối, nên họ nộp cho tập san chúng tôi xem xét. Nội dung bài báo chỉ ra những sai sót trong mô hình của Ferguson (kể cả vấn đề coding mà tôi không cách nào hiểu hết, vì có đến 15.000 dòng codes), còn chi tiết thống kê học đằng sau thì khá phức tạp nhưng có thể hiểu được.

Tôi cũng phải vất vả lắm mới mời được 3 chuyên gia bình duyệt, kể cả tác giả mô hình Ferguson. Khỏi nói thì ai cũng biết là tác giả của mô hình Ferguson đề nghị không công bố bài báo. Còn 2 chuyên gia kia thì gật đầu, thậm chí khen lý giải của nhóm Thuỵ Điển là 'outstanding' (xuất sắc).

Tôi phải liên lạc với nhóm Ferguson và báo rằng chúng tôi sẽ chấp nhận cho công bố bài này, và đề nghị họ viết một commentary (bình luận) cho công bằng. Nhóm Ferguson đồng ý viết bài commentary. Thế nhưng sau đó thì chẳng hiểu sao họ từ chối, họ nói rằng đã chỉnh sửa lại mô hình rồi, nên không cần bình luận nữa, và họ vẫn kết luận rằng lockdown có hiệu quả tốt.

Tôi lại phải cầu cứu sếp tổng biên tập (EiC). Sếp cân nhắc cả tuần rồi khuyên tôi là từ chối bài báo. Ông không nói gì về cái khoa học đằng sau của bài báo, mà chỉ nói rằng trong thời điểm hiện tại mà công bố một bài đi ngược lại quan điểm lockdown thì đó không phải là "good idea". Tôi viết thư riêng cho tác giả nói rằng chúng tôi không thể công bố bài của họ, vì tình thế chưa cho phép.

Lại gặp nhóm tác giả khó tánh. Họ hỏi tôi 'tình thế chưa cho phép' có nghĩa là gì. Tôi giải thích rằng thứ nhứt nhóm Ferguson đã chỉnh sửa mô hình; thứ hai chánh sách lockdown cũng có hiệu quả; và thứ ba là lý luận của họ chỉ dựa trên toán mà không có chứng cớ thực tế. Họ không đồng ý với 2 lý do trước, nhưng đồng ý với lý do 3. Qua lại cả tháng trời, thì cuối cùng họ chấp nhận quyết định của chúng tôi.

Bây giờ thì chúng ta biết rằng mô hình Ferguson đã quá sai lầm. Sai nghiêm trọng. Rồi chính ông vi phạm quy định lúc lockdown, Ferguson từ chức vai trò cố vấn cho Chánh phủ Anh. Ông nổi tiếng khắp thế giới là "Giáo sư Lockdown".

5. Nghiên cứu DENMASK

Do đó, kiểm duyệt và tự kiểm duyệt khoa học trong mùa dịch là có thật. Tôi nghĩ các tập san khác cũng vậy, chớ chẳng riêng gì tập san này.

Một nghiên cứu khác có tên là DENMASK cũng lâm vào tình trạng bị kiểm duyệt.

Nghiên cứu DENMASK là một thử nghiệm lâm sàng (RCT) do một nhóm bên Đan Mạch thực hiện trên 6000 người (rất quy mô), và kết quả cho thấy khẩu trang không có hiệu quả tốt giảm lây nhiễm. Tỷ lệ lây nhiễm ở nhóm đeo khẩu trang là 1,8% so với nhóm không đeo là 2,1%, và sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.

Nhóm nghiên cứu nghĩ rằng kết quả của họ có ý nghĩa quan trọng đến y tế công cộng, nên họ gởi cho các tập san hàng đầu (tôi đoán là New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA). Thế nhưng tất cả đều từ chối. Tác giả cho biết là ban biên tập không đưa ra một lý do khoa học nào cả; họ chỉ đơn giản ... từ chối.

Cuối cùng thì nhóm tác giả cũng tìm một ‘nhà’ cho nghiên cứu: tập san Ann Int Med [1]. Bài báo sau khi công bố gây ra rất nhiều tranh cãi. Người thì ủng hộ kết luận, người thì chê rằng tác giả đã diễn giải sai dữ liệu, kẻ tấn công cá nhân. Riêng tôi cũng viết một commentary post lên tập san Ann Int Med đề nghị một cách diễn giải khác, và tác giả cũng có trả lời một cách lịch sự nhưng không thuyết phục.

Nhưng bài báo đó không chỉ bị kiểm duyệt bởi tập san y khoa mà còn bị kiểm duyệt bởi ... facebook!

Câu chuyện là giáo sư Carl Heneghan và TS. Tom Jefferson viết một cái note với tựa đề "Landmark Danish Study Shows Face Masks Have No Significant Effect" (Nghiên cứu quan trọng từ Đan Mạch cho thấy khẩu trang không có hiệu quả đáng kể). Nhưng facebook có lẽ qua thuật toán AI hay gì đó xếp cái note này vào loại "tin giả" (false information)!

Cái note về nghiên cứu DENMASK của giáo sư Carl Heneghan và TS. Tom Jefferson được FB và Twitter cho là "thông tin giả".

Heneghan và Jefferson nổi nóng. Họ đặt vấn đề là làm sao FB có thể biết đó là thông tin giả hay thật, nhứt là họ là người trong cuộc. Thông tin của họ là hoàn toàn thật từ nghiên cứu đã được công bố. Vụ việc đặt ra vấn đề về tự do học thuật (academic freedom) và tự do ngôn luận (freedom of speech) đã bị các công ty như FB kiểm duyệt một cách vô cớ.

Tiếng nói khoa học không chỉ bị đồng nghiệp [trong các hiệp hội] khống chế, mà còn bị cả các tập đoàn ngoài khoa học không cho lên tiếng.

Khoa học mà không có tranh biện và không có thảo luận, thì đó là giáo điều chớ không phải là khoa học nữa. Rất tiếc đó là điều đang xảy ra.

Người ta hay nói thế giới sẽ thay đổi vĩnh viễn sau dịch Covid. Thật ra, thế giới đã và đang thay đổi trong mọi phương diện. Từ quan hệ giữa người với người, chánh trị, xã hội, đến khoa học, chúng ta đã chứng kiến những biến đổi theo chiều hướng xấu hơn. Con người dần dần mất đi lòng vị tha; chánh phủ đã và đang trở thành độc đoán hơn, thậm chí Stalinist hơn; công dân sẽ sợ hãi Nhà nước hơn và 'ngoan ngoãn' hơn; quyền tự do truyền thống sẽ bị hạn chế nghiêm trọng; xã hội có vẻ thành cái viễn cảnh mà văn hào George Orwell cảnh báo trong tác phẩm "1984"; và quan trọng nhứt là khoa học đang mất đi sự khách quan. Một viễn cảnh như vậy không phải quá xa đâu, mà đang thành hiện thực ngay tại các nước phương Tây.

Nhiều nước trên thế giới biểu tình chống phong toả. Họ trương biểu ngữ "Covid-1984" để nhấn mạnh rằng xã hội đang bị toàn trị hoá bởi chánh trị gia (như George Orwell dự báo trong tác phẩm "1984").

____

[1] https://www.acpjournals.org/doi/10.7326/m20-6817

N.T.

Nguồn: FB Nguyen Tuan

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn