CLB Lê Hiếu Đằng kiến nghị chính quyền Tp.HCM trả lại lư hương tại tượng Đức thánh Trần

VOA Tiếng Việt

20/09/2021

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng hôm 20/9 kiến nghị chính quyền thành phố Hồ Chí Minh tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo và trả lại lư hương tại tượng đài này.

Tượng đài Trần Hưng Đạo ở thành phố Hồ Chí MinhTran Hung Dao statue in Ho Chi Minh City.

Tượng đài Trần Hưng Đạo ở thành phố Hồ Chí MinhTran Hung Dao statue in Ho Chi Minh City.

Bản kiến nghị được công bố trên internet mở đầu với những lời tóm tắt về bài viết có tựa đề “Nhân giỗ Đức thánh Trần: Cần đặt lại lư hương và tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo” được đăng trên báo Người Đô Thị hôm 17/9.

Theo Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, đã có thế lực gây sức ép nên bài viết nhanh chóng bị gỡ bỏ dù nội dung của bài được đánh giá là “rất thấu tình, đạt lý, đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và được nhiều ngàn người con dân nước Việt ở khắp nơi hưởng ứng”.

VOA tìm hiểu và được biết bài viết của tác giả Phúc Tiến nhắc lại rằng tượng đài Đức thánh Trần được xây dựng trong các năm 1966-1967 tại quảng trường Mê Linh ở Sài Gòn, nay là Tp.HCM. Tác giả cho rằng đây là tượng đài Trần Hưng Đạo đầu tiên trên cả nước.

Vẫn theo ông Phúc Tiến, chiếc lư hương trước tượng đài “đã bị di dời một cách ‘kỳ lạ’ cách đây 2 năm”, đúng vào ngày 17/2/2019 là dịp kỷ niệm 40 năm quân và dân Việt Nam đánh trả cuộc xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.


Sau đó, lư hương được đưa đến đền Trần Hưng Đạo trên đường Võ Thị Sáu ở quận 1, bài báo của ông Phúc Tiến cho biết.

“Việc di dời lư hương từ tượng đài Trần Hưng Đạo đến đấy đã vi phạm các nguyên tắc về kính lễ tổ tiên và anh hùng, liệt sĩ”, tác giả đưa ra lời lên án.

Đọc thêm:

Nhân giỗ Đức Thánh Trần: Cần đặt lại lư hương và tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo

Phúc Tiến

LƯ HƯƠNG TƯỢNG ĐÀI ĐỨC THÁNH TRẦN – NGÀN NĂM BIA MIỆNG

Bài báo sau đây của Phúc Tiến đăng trên báo Người đô thị ngày 17/9/2021 đã bị gỡ.

Ở Việt Nam, đôi khi bài bị gỡ không phải vì sai, mà vì quá đúng. Ông Nguyễn Thiện Nhân, người chịu trách nhiệm dời lư hương “một cách “kỳ lạ”, cách đây hai năm – đúng vào ngày kỷ niệm 40 năm quân dân ta đánh trả cuộc xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc” đã thôi chức, nhưng đó không phải là lý do để cho người ta chấp nhận một bài như thế này xuất hiện trên báo chính thống.

Nhưng một ứng xử hỗn láo (Phúc Tiến nói nhẹ hơn: “vô lễ”) như thế còn kéo dài được không? Trong tâm khảm của dân đen Việt, Trần Hưng Đạo là bậc thánh, không chỉ vì chiến công ba lần chỉ huy đánh thắng quân Nguyên, mà còn vì hàm ơn chủ trương “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Xúc phạm Đức Thánh Trần, là xúc phạm Lịch sử, xúc phạm Văn hóa, đi ngược với Lòng Dân, với Lẽ Trời.

Con cháu đời sau, chỉ có những kẻ trí ngắn lòng nông, ỷ vào chức quan, mới dám ngông cuồng làm những chuyện bạo thiên nghịch địa như thế.

Đời quan ngắn ngủi lắm. Mà bia miệng thì ngàn năm.

Hoàng Dũng

Theo tác giả, chính quyền Tp.HCM đang đứng trước một thời điểm phù hợp để khắc phục hậu quả. “Ngày Giỗ Đức Thánh Trần sắp đến - Chủ nhật 26/9 - là ‘cơ hội vàng’ sớm nhất để làm ngay nghi lễ tái an vị lư hương kết hợp dâng hương kính lễ Trần Hưng Đạo và cầu nguyện cho Quốc thái dân an”, ông viết.

Ông Phúc Tiến là từng là một nhà báo có tên tuổi ở Việt Nam kể từ cuối những năm 1970, được kính nể về hiểu biết sâu rộng và sự sắc sảo, nhất là về lĩnh vực giáo dục. Sau khi rời nghề báo, ông mở công ty tư vấn du học và rất thành công.

Dẫn lại nội dung chính của bài viết nêu trên, bản kiến nghị của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho rằng việc bài viết bị gỡ bỏ đã “gây nên sự bất bình” của nhiều người dân ở Tp.HCM và trên cả nước Việt Nam.

“Chúng tôi kiến nghị với Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố hãy chân thành thực hiện những điều mà bài báo đã đề xuất”, bản kiến nghị của câu lạc bộ viết.

Bản kiến nghị nhấn mạnh ba việc chính quyền thành phố cần phải làm là:

– “Bước đầu chỉnh trang khuôn viên Tượng đài Đức thánh Trần tại quảng trường Mê Linh dọc Bến Bạch Đằng, giữ được sự tôn nghiêm vốn có”;

– “Trả lại Lư hương dưới chân tượng đài và an vị đúng vị trí cũ”; và

– “HĐND cùng các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức Lễ tạ tội với Đức Thánh Trần Hưng Đạo và cầu nguyện cho Quốc thái Dân an”.

Cũng như ông Phúc Tiến, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho rằng việc di dời lư hương “phạm vào sai lầm nghiêm trọng về tâm linh” và “sai lầm này càng để lâu thì tội càng nặng”.

Theo đạo lý thông thường, “làm sai thì phải nhận lỗi, sửa lỗi, tạ lỗi”, bản kiến nghị của Câu lạc bộ viết, và đưa ra quan điểm rằng nếu các lãnh đạo của Tp.HCM sửa sai, điều đó “chỉ càng tăng thêm sự tín nhiệm của dân chúng với quý vị”.

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng ra đời năm 2015 và có tôn chỉ là tưởng nhớ luật gia Lê Hiếu Đằng, bảo vệ chủ quyền đất nước, lên tiếng phản biện và xây dựng xã hội dân chủ.

Ông Lê Hiếu Đằng từng là một đảng viên cộng sản lâu năm có tên tuổi, nhưng lúc cuối đời, ông cùng nhiều người kêu gọi đa nguyên, đa đảng, bỏ Điều 4 trong Hiến pháp Việt Nam quy định về độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản.

Sau khi bản kiến nghị của câu lạc bộ được công bố hôm 20/9, chính quyền Tp.HCM chưa có động thái hồi đáp. VOA cố gắng liên lạc với đại diện của chính quyền song không kết nối được.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn