Nạn bằng giả: Gốc ở chính sách

Chu Mộng Long

Dẹp nạn bằng giả, cách nào? - Ảnh 1.

Phiên tòa xét xử vụ án Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, ngày 23-12-2021 Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Các chuyên gia biện giải dài dòng. Tôi nói gọn, nạn mua bán bằng giả sinh ra từ cái gốc là chính sách.

Nếu chế độ, chính sách chỉ yêu cầu năng lực thật, không yêu cầu các loại văn bằng, chứng chỉ trên trời dưới đất, thì tất yếu không ai sản xuất và tiêu thụ bằng cấp hàng loạt dẫn đến thật giả lẫn lộn như hiện nay.

Đông Đô mua bán tắt ngang, bỏ qua quy trình đào tạo, bị cho là hàng giả chứ các đại học khác, dù đào tạo đúng quy trình thì chất lượng vẫn giả. Vẫn là trò mua bán với giá cả tương đương, chỉ khác là Đông Đô tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức; còn các đại học khác vì nặng cái quy trình nên chi phí tốn kém, mất thời gian, công sức hơn. Người học không có động lực học, chỉ có động lực lấy bằng, thì có mua bán tắt ngang hay bán theo quy trình cũng như nhau.

Nạn bằng giả không phải mới lạ. Nhiều sự vụ đã phanh phui từ vài ba thập niên qua, kể từ khi các chế độ, chính sách yêu cầu công chức, viên chức nhà nước phải có các loại văn bằng, chứng chỉ để giữ ghế, thăng tiến, giữ hạng, thăng hạng. Yêu cầu càng cao, việc mua bán văn bằng, chứng chỉ càng gia tăng và tràn lan dưới mọi hình thức, dù tỏ ra đúng quy trình hoặc bỏ qua quy trình.

Tôi dạy học tận tâm, tận lực, mỗi năm đào tạo ra cả chục vạn học viên hệ vừa học vừa làm, kể cả tham gia đào tạo cao học và các loại chứng chỉ hạng ngạch, nhưng tôi chỉ tin có 10% là "học thật, thi thật, nhân tài thật". Bởi giá trị của tấm bằng không phụ thuộc vào nỗ lực của cá nhân tôi. Tự thú như vậy cho trung thực và có tự trọng.

Việc xử lý hình sự, dù có xử người bán hay người mua đều không phải là gốc. Cái gốc nằm ở chế độ chính sách. Xử nhanh gọn nhất là xử cái gốc chế độ, chính sách, đó là: bãi bỏ ngay những điều luật quy định đủ các loại bằng cấp, chứng chỉ không cần thiết. Khi đó, mọi mua bán hay đào tạo tràn lan sẽ tự sinh, tự diệt.

Quê tôi vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước có cái trại bò của hợp tác xã. Vốn 100 con, nghị quyết trên đưa xuống mỗi năm phải sinh ra thêm 50 con. Sau vài năm, bò sinh ra thì ít mà chết thì nhiều. Còn lại khoảng chục con ốm đói giơ xương. Nhưng các bản báo cáo thành tích vẫn vượt chỉ tiêu. Khi trên xuống thanh tra, kể cả những đoàn tham quan học tập, hợp tác xã mượn bò của toàn dân nhập chung với bò hợp tác xã. Vậy là thực tế đàn bò hợp tác xã vẫn vượt chỉ tiêu. Và nhận huân chương, và ăn mừng...

Xưa trại bò mà người ta từng làm được như vậy, nay lò đào tạo người không thành trại bò mới là lạ.

Khi văn bằng, chứng chỉ, kể cả các loại danh hiệu trở thành tấm bùa hộ mệnh (vị trí việc làm, ghế lãnh đạo, lương nhà nước và mua bán tư nhân) thì người ta phải chạy. Huân chương lao động do Chủ tịch nước ký mà một tay gian lận như Việt Á còn xuyên thủng được, huống hồ là cái hệ thống đào tạo lỏng lẻo rải khắp từ trung ương đến làng xã?

Đọc thêm:

Dẹp nạn bằng giả, cách nào?

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn