Tại sao Ukraine không nên vội tái chiếm Crimea? Nga xâm lược Ukraine Chiến sự Ukraine

Liana FixMichael Kimmage

Go Slow on Crimea,” Foreign Affairs, 07/12/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Ukraine nên giữ cho Crimea dễ bị tổn thương bằng cách tiếp tục tấn công các mục tiêu quân sự. Họ nên tiến xa hơn về phía nam trong khu vực Kherson, chứng minh rằng Crimea và nguồn cung cấp nước của nó nằm trong tầm với của quân đội Ukraine. Không bao giờ nên loại bỏ hoàn toàn lời đe dọa tái chiếm bán đảo. Bởi vì nó mang lại cho Ukraine quyền lực thực sự đối với Nga và tạo đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tiềm năng. Xét đến việc Putin quyết giữ Crimea, đây có thể là lợi thế lớn nhất mà Ukraine có được. Việc không tái chiếm Crimea trong khi vẫn gây áp lực quân sự lên vùng này có thể không ngăn được Putin sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, nhưng nó sẽ làm giảm rủi ro đó.

clip_image001

Việc Ukraine giải phóng thành phố Kherson vào đầu tháng 11 không đơn thuần là một chiến thắng quân sự kịch tính. Bằng cách giành chiến thắng trên chiến trường, Ukraine đã bóc trần trò hù dọa của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chỉ hai tháng trước đó, Putin đã công khai tuyên bố Kherson và các vùng lãnh thổ khác của Ukraine là một phần lãnh thổ của Nga, ngầm đặt chúng dưới sự bảo vệ hạt nhân của nước này. Putin đã hy vọng rằng nỗi sợ hãi về một cuộc tấn công hạt nhân sẽ buộc Ukraine phải hành động cẩn trọng và khiến những người ủng hộ nước này lùi bước. Nhưng kế hoạch của ông đã không hiệu quả.

Kherson khó có thể là điểm dừng cuối cùng trong loạt phản công thành công của Ukraine. Phần thưởng lớn nhất nằm xa hơn về phía nam: Bán đảo Crimea, nơi chiến tranh nổ ra vào năm 2014.

Một Thứ trưởng quốc phòng Ukraine đã tuyên bố rằng quân đội nước này có thể tiến vào “Crimea vào cuối tháng 12”. Những nhận xét như vậy có thể là ngầm đe dọa Nga. Hoặc cũng có thể họ thực sự nghiêm túc. Sau khi giải phóng Kherson, Crimea chắc chắn đã lọt vào tầm ngắm của Ukraine. Quân Nga có thể sẽ củng cố khu vực xung quanh Crimea, nhưng cho đến nay, cuộc chiến đã chứng minh rằng người Nga có thể để mất lãnh thổ và mất nó một cách nhanh chóng. Trận Crimea chắc chắn có thể xảy ra.

Các đối tác quốc tế của Ukraine đã cam kết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Họ có lợi ích trong việc kiềm chế sức mạnh quân sự của Nga và ngăn chặn một cuộc xâm lược mới vào Ukraine. Nếu Crimea vẫn nằm trong tay Nga, điều đó sẽ đe dọa an ninh của Ukraine. Cuộc xâm lược của Nga vào năm 2022 đã được dàn dựng một phần là từ Crimea. Bán đảo này là một “con dao găm” không chỉ hướng về Biển Đen mà còn về phía Kyiv. Việc sáp nhập Crimea không phải là giới hạn của tham vọng đế quốc của Nga, như nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã hy vọng vào năm 2014. Thay vào đó, nó là bàn đạp cho những tham vọng kế tiếp.

Crimea không phải là Kherson. Nó chiếm một vị trí khác trong cuộc chiến, và nhiều đồng minh phương Tây thực sự lo ngại sẽ có leo thang xoay quanh Crimea.

Putin có thể thua ở Kherson, hoặc những nơi khác ở Ukraine, và chấp nhận điều đó. Ông thậm chí có thể mất Donbas, một phần của miền đông Ukraine mà Nga đã chiếm đóng từ năm 2014, và vẫn có thể xoay xở về mặt chính trị. Nhưng Putin chắc chắn coi việc để mất Crimea và việc giữ ghế tổng thống là hai điều loại trừ lẫn nhau. Ông sẽ cố gắng giữ Crimea bằng mọi giá.

Đó có thể là một nhiệm vụ quá sức. Ukraine đã chứng minh tính dễ bị tổn thương của Crimea bằng các cuộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen của Nga và vào cây cầu bắc qua Eo biển Kerch, nối Nga với Crimea. Ukraine nên tiếp tục gây áp lực quân sự lên Crimea và tiến lên ở khu vực phía nam Kherson. Lý tưởng nhất là Kyiv sẽ giành lại quyền kiểm soát con kênh cung cấp phần lớn nước ngọt cho Crimea. Dù là bất cứ lúc nào, Ukraine cũng nên khiến Nga lo sợ về một cuộc tấn công vào Crimea.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, sẽ khôn ngoan hơn nếu Ukraine chỉ cô lập binh lính Nga ở Crimea mà không tìm cách tái chiếm bán đảo. Chiến lược này sẽ mang lại cho Kyiv một vị thế vững chắc trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Nga, từ đó thuyết phục Điện Kremlin tham gia đàm phán một cách nghiêm túc. Chiến lược này cũng sẽ giúp duy trì sự thống nhất giữa các đối tác phương Tây của Ukraine, những người đang lo lắng về rủi ro leo thang. Còn trước mắt, Ukraine có thể tìm cách phá vỡ cây cầu nối đất liền với Crimea, chia cắt lực lượng của Nga ở phía nam và phía đông, đồng thời giành lại quyền tiếp cận Biển Azov. Một chiến dịch tốn kém và nguy hiểm nhằm chiếm lại bán đảo lúc này có thể gây rủi ro cho cuộc phản công mà Ukraine đã tiến hành rất xuất sắc kể từ tháng 9.

THẾ LƯỠNG NAN

Crimea là một trung tâm của lịch sử thế giới. Dưới thời Nữ hoàng Nga Catherine Đại đế vào thế kỷ 18, quân đội của bà đã giành quyền kiểm soát bán đảo từ tay Đế chế Ottoman, và đã sáp nhập nó vào Đế quốc Nga. Sang thế kỷ 19, Ottoman liên minh với Anh và Pháp để chống lại Nga trong Chiến tranh Crimea. Đến thế kỷ 20, bán đảo thuộc về Liên Xô sau Cách mạng Bolshevik và đã chứng kiến giao tranh ác liệt trong Thế chiến II. Các cuộc thảo luận giữa Lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin, Thủ tướng Anh Winston Churchill, và Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã được tổ chức tại thành phố Yalta của Crimea vào năm 1945. Kể từ năm 1954, Crimea không còn là một phần của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga, khi Điện Kremlin chuyển nó cho Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Ukraine.

Người Nga sát nhập Crimea bằng nòng súng vào năm 2014. Cuộc chinh phạt của họ đã trở thành nền tảng cho di sản chính trị của Putin, là dấu hiệu cho sự không khoan nhượng của Nga đối với phương Tây, và là bằng chứng của Putin, chứng minh rằng thời kỳ ô nhục của nước Nga hậu Xô viết đã qua. Việc sáp nhập Crimea đã nhận được sự ủng hộ tại Nga.

Bên ngoài nước Nga, tình trạng của Crimea rất rõ ràng: nó được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Ukraine. Chủ quyền của Ukraine sẽ luôn bị xâm phạm, cho đến khi Nga rút khỏi Crimea. Những vấn đề nhức nhối ở Crimea sẽ ảnh hưởng đến cơ hội gia nhập các tổ chức phương Tây như NATO và Liên minh châu Âu của Ukraine. Cả hai tổ chức đều do dự trong việc chấp nhận các thành viên mới với các vấn đề lãnh thổ chưa được giải quyết, đó là một lý do tại sao Putin muốn giữ chặt Crimea vĩnh viễn.

Nhưng không điều gì trong số này có thể ngăn cản một trận chiến giành lại Crimea, một trận chiến mà Nga khó có thể đảm bảo chiến thắng. Nếu một trận chiến như vậy diễn ra, ba mối đe dọa sẽ xuất hiện.

Mối đe dọa quan trọng nhất là viễn cảnh leo thang hạt nhân. Kể từ khi cuộc xâm lược xảy ra vào tháng 2/2022, Putin đã phải định hình lại các mục tiêu chiến tranh của mình, và tự mâu thuẫn với chính mình trong quá trình đó. Cái gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm củng cố lãnh thổ ở Donbas thực chất là một cuộc chiến chống lại Ukraine. Cũng từ thời điểm đó, Putin đã ra lệnh động viên, tuyên bố chiến tranh với phương Tây, và sáp nhập 4 khu vực ở miền nam Ukraine, một vở kịch được dàn dựng nhưng không thể che khuất sự thật rằng Nga đã mất phần lớn lãnh thổ mà nước này chiếm được từ ngày 24/02. Một “kiệt tác của chủ nghĩa phi hiện thực”, quyết định sáp nhập của Putin đã được theo sau bởi việc Nga ngầm đe dọa hạt nhân. Nhưng Ukraine đã vạch trần những lời dọa suông này khi họ giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn vừa mới được sáp nhập, mà không bị Nga đáp trả bằng leo thang hạt nhân.

Tuy nhiên, một lời dọa suông ở Kherson có thể không phải là một lời dọa suông ở Crimea. Crimea có một vị trí đặc biệt trong lịch sử và văn hóa Nga đối với Putin và đối với nhiều người Nga. Nó xuất hiện trong dòng quan điểm về Thế chiến II mà nước Nga của Putin đã nhiệt thành đón nhận. Đối với nhiều thế hệ người Nga, đó là một khu nghỉ dưỡng bình dị, tương tự như Florida và California ở Mỹ. Bán đảo này cũng xuất hiện phổ biến trong văn học Nga, đặc biệt là trong cuốn Ký họa Sevastopol (1855) của Tolstoy và Đảo Crimea (1981) của Vasily Aksyonov. Về mặt chính trị, Crimea là vùng đất thuộc Ukraine gần gũi với Nga nhất trước năm 2014, và nhiều người trong số 2,4 triệu cư dân của nó có quan điểm thân Nga. Kể từ năm 2014, Nga đã đàn áp các nhà hoạt động thân Ukraine và người Tatar ở Crimea, buộc nhiều người trong số họ phải rời khỏi bán đảo.

Sáp nhập Crimea là thành tựu nổi bật của Putin, nhằm tái khẳng định quyền lực của Nga thời hậu Xô viết, phạm vi sức mạnh quân sự của nước này, và sự nhạy bén chiến lược của Putin. Ông khoe khoang với người dân Nga về việc đánh bại phương Tây ở Crimea. Vì đã dựng lên câu chuyện này, Putin sẽ trở thành nạn nhân nếu Ukraine chiếm lại Crimea. Chính ông sẽ là người bị đánh bại.

Crimea không chỉ là một biểu tượng cho nước Nga của Putin. Nó có giá trị chiến lược to lớn đối với bất kỳ quốc gia nào sở hữu nó. Bán đảo đã cho phép Nga phong tỏa Ukraine bằng hải quân, gây áp lực kinh tế lớn trong cuộc chiến. Crimea còn là nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen của Nga trong hơn hai thế kỷ. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Nga và Ukraine đã đạt được một thỏa thuận, theo đó Nga thuê cảng Sevastopol từ Ukraine, một thỏa thuận kéo dài cho đến khi Crimea bị sáp nhập vào năm 2014. Việc củng cố quyền kiểm soát của Nga đối với Sevastopol – để duy trì hạm đội – là nguyên nhân chính dẫn đến việc Nga sáp nhập bán đảo. Không giống như Kherson, Crimea có thể là lằn ranh đỏ thực sự đối với Putin.

Thứ hai, ngay cả khi có thể dễ dàng chiếm lại 10.000 dặm vuông đất Crimea, khu vực này cũng không dễ để Kyiv quản lý. Bán đảo đã bị chiếm đóng từ năm 2014. Khó có thể đánh giá được tác động của việc chiếm đóng này. Sau khi đã sống theo luật pháp Nga, nhiều cư dân Crimea tự coi mình là công dân Nga. Những người lính Ukraine có thể được coi là những người giải phóng, nhưng họ sẽ không được chào đón bởi toàn bộ khối dân ở Crimea, nơi có đông dân hơn Latvia hoặc Estonia. Kyiv sẽ phải quyết định xem họ sẽ xét xử hay ân xá cho những người cộng tác với Nga và các nhà lãnh đạo chính trị thân Nga. Hai lựa chọn này đều sẽ gây chia rẽ về mặt chính trị. Sự phức tạp của việc Ukraine giành lại Crimea trong chiến tranh có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh toàn cầu của Ukraine vào thời điểm nước này đang dựa vào danh tiếng tích cực của mình để giành được hỗ trợ quân sự và kinh tế.

Mối đe dọa thứ ba là khả năng rạn nứt của liên minh hỗ trợ Ukraine. Trong suốt cuộc chiến, Ukraine và các đối tác phương Tây đã đạt được mức độ gắn kết đáng kể, dù tất nhiên vẫn có những khác biệt. Ukraine đang chiến đấu vì sự sống còn của mình và muốn phương Tây tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến. Phương Tây lo ngại về sự leo thang với một nước Nga trang bị vũ khí hạt nhân và đã chọn không can dự bằng quân đội.

Crimea sẽ là một phép thử lớn dành cho liên minh. Hầu hết các đồng minh ở Trung và Đông Âu sẽ ủng hộ Ukraine bằng mọi cách. Họ có xu hướng coi các mối đe dọa hạt nhân của Putin về cơ bản là không thật. Các quốc gia khác ủng hộ Ukraine lại có những tính toán khác và họ lo lắng hơn trước nguy cơ leo thang. Nhóm này bao gồm Pháp, Đức, và Mỹ. Trong khi đó, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác ở phương Nam đang tìm cách để nhanh chóng kết thúc chiến tranh và ngăn chặn các tác động lan tỏa toàn cầu của nó. Họ không thực sự quan tâm Crimea, không muốn công nhận nó là một phần của Nga, nhưng chỉ mong muốn toàn bộ vấn đề biến mất.

MỘT LIÊN MINH LỚN

Cho đến nay, liên minh hỗ trợ Ukraine đã khôn ngoan né tránh tuyên bố các mục tiêu chiến tranh cụ thể, tạo cho Ukraine không gian tối đa để hành động. G-7 đã đưa ra một thông cáo chung vào tháng 10, kêu gọi “một nền hòa bình công bằng” và kêu gọi người Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Điều chưa được trả lời là liệu nền hòa bình công bằng này có thể đạt được bằng cách đẩy Nga ra khỏi Ukraine (bao gồm cả Crimea) thông qua các biện pháp quân sự, hay bằng cách đàm phán một thỏa thuận mà trong đó có những thỏa hiệp với Putin.

Về lý thuyết, việc nhanh chóng tiếp quản Crimea có thể giúp Ukraine ngăn quân Nga sử dụng bán đảo này làm bàn đạp trong tương lai, và chấm dứt chiến tranh theo các điều kiện của Ukraine. Trên thực tế, quyết định chiếm lại bán đảo sẽ đi kèm nguy cơ leo thang hạt nhân, và Ukraine sẽ phải trả cái giá rất đắt trong khi chiến tranh vẫn tiếp diễn ở các vùng khác của đất nước, khi kho vũ khí dành cho Ukraine giảm dần, và Nga tiến hành một cuộc tấn công khốc liệt vào nguồn cấp nước và điện của Ukraine.

Ukraine nên giữ cho Crimea dễ bị tổn thương bằng cách tiếp tục tấn công các mục tiêu quân sự. Họ nên tiến xa hơn về phía nam trong khu vực Kherson, chứng minh rằng Crimea và nguồn cung cấp nước của nó nằm trong tầm với của quân đội Ukraine. Không bao giờ nên loại bỏ hoàn toàn lời đe dọa tái chiếm bán đảo. Bởi vì nó mang lại cho Ukraine quyền lực thực sự đối với Nga và tạo đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tiềm năng. Xét đến việc Putin quyết giữ Crimea, đây có thể là lợi thế lớn nhất mà Ukraine có được. Việc không tái chiếm Crimea trong khi vẫn gây áp lực quân sự lên vùng này có thể không ngăn được Putin sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, nhưng nó sẽ làm giảm rủi ro đó.

Trong khi chờ đợi, những mục tiêu ngắn hạn và trung hạn quan trọng là củng cố hệ thống phòng thủ chống tên lửa và máy bay không người lái của Ukraine, đồng thời hỗ trợ bước tiến của nước này ở phía đông bắc và đông nam. Ukraine nên đặt mục tiêu phá bỏ hành lang đất liền với Crimea mà Moscow đã thèm muốn từ lâu và đã tranh đấu dữ dội để có được nó. Nếu quân đội Ukraine thành công, họ có thể chia rẽ lực lượng của Nga ở phía nam và phía đông bằng cách tiến tới Melitopol và đến tận Biển Azov. Việc Nga mất quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ ở phía đông và phía nam sẽ làm tăng thêm sự bất ổn chung cho vị thế của quân đội Nga ở Ukraine và khiến cuộc chiến không còn được ủng hộ ở Nga.

Ukraine và những người ủng hộ nên tiếp cận vấn đề Crimea một cách tự tin. Nga đã tự chuốc lấy một thất bại chiến lược với quyết định xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm nay. Họ đã cho thấy quân đội của mình yếu hơn nhiều so với dự đoán trước chiến tranh. Họ chính là tác giả khiến nước mình bị cô lập ngoại giao, điều chỉ có thể đảo ngược bằng cách chấm dứt chiến tranh. Họ đã gây khó khăn cho nền kinh tế và làm chậm quá trình hiện đại hóa quân sự vì phải chống chọi với các biện pháp trừng phạt. Họ đã giúp nuôi dưỡng ý thức ái quốc ở Ukraine, và họ đã củng cố đáng kể liên minh xuyên Đại Tây Dương mà Ukraine hiện là một thành viên trên thực tế. Theo thời gian, những điểm yếu sẵn có của Nga cũng như lợi thế của phương Tây và Ukraine sẽ phát huy tác dụng. Khi điều đó xảy đến, chúng ta sẽ có thêm các lựa chọn mới để giải quyết vấn đề Crimea.

L.F. – M.K.

*

- Liana Fix là Nghiên cứu viên Châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả cuốn “A New German Power? Germany’s Role in European Russia Policy.”

- Michael Kimmage là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là Nghiên cứu viên cấp cao tại CSIS. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Nhóm Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi ông chịu trách nhiệm khu vực Nga/Ukraine.

Nguồn: Nghiên cứu Quốc tế

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn