VN: Vì sao công an 'truy tìm' ba luật sư nhân quyền bào chữa vụ Thiền Am

BBC - 13 tháng 6 2023

Chụp lại hình ảnh: Luật sư Nguyễn Văn Miếng (trái) và luật sư Đặng Đình Mạnh (phải) là hai trong số ba luật sư đang bị công an Long An truy tìm 

Công an tỉnh Long An ra quyết định truy tìm ba luật sư từng tham gia bào chữa vụ "tịnh thất Bồng Lai", sau khi mời nhiều lần nhưng vắng mặt.

Ba luật sư đang bị Công an tỉnh Long An truy tìm là LS Nguyễn Văn Miếng (57 tuổi), LS Đào Kim Lân (56 tuổi), LS Đặng Đình Mạnh (55 tuổi), cũng là những người từng tham gia bào chữa vụ án Tịnh Thất Bồng Lai.

Vụ án xảy ra ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự. Nay các luật sư bào chữa cho vụ án cũng bị điều tra theo Điều 331 này.

Báo Tuổi Trẻ viết, đầu tháng 3, Công an tỉnh Long An đã tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an.

-     VN: ICJ lên án việc điều tra LS Đặng Đình Mạnh vì vụ Tịnh Thất Bồng Lai

-     Vì sao các luật sư bào chữa trong vụ Tịnh thất Bồng Lai đều đang bị triệu tập?

-     Đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam: Nhân quyền yếu thế trước các cơ hội kinh tế?

-     Vụ Đường Văn Thái hiện ra sao sau nghi vấn 'bị bắt cóc' ở Thái Lan?

Theo đó, các luật sư có dấu hiệu tội phạm "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" bằng hành vi đăng tải hình ảnh, có những phát ngôn, bài viết lên mạng thông qua các video.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An nói đã gửi giấy triệu tập nhiều lần cho ba luật sư nhưng họ đều không đến làm việc và không có lý do vắng mặt. Vì vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định truy tìm ba luật sư nói trên.

Ngày 12/4, báo Pháp Luật TP HCM dẫn thông tin từ Công an Long An cho hay LS Đặng Đình Mạnh bị cơ quan này triệu tập lần hai nhưng vẫn vắng mặt. Trước đó, ngày 21/3, ông Mạnh cũng đã bị triệu tập.

Báo Tuổi Trẻ cũng thông tin thêm, công an phường xác nhận các luật sư "không có mặt tại địa phương" và "không liên lạc được".

Bình luận với BBC News Tiếng Việt ngày 13/6 về việc công an phát lệnh truy tìm ba luật sư, phát ngôn viên của Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) cho rằng, thay vì chấm dứt các điều tra hình sự sai trái nhắm vào các luật sư nhân quyền, nhà cầm quyền Việt Nam lại gia tăng sách nhiễu bằng việc ra quyết định truy tìm họ.

"Những cuộc điều tra hình sự phi lý này nhắm vào các luật sư nhằm làm suy yếu công việc của họ với tư cách là luật sư và việc họ thực hành quyền tự do ngôn luận vốn được luật nhân quyền quốc tế bảo vệ," người phát ngôn của ICJ nhận định.

Đồng thời ICJ cũng lên án Điều 331 của BLHS Việt Nam, cho rằng điều này có những lổ hỏng nghiêm trọng vì thiếu tính chính xác và rõ ràng, đã hạn chế hoạt động hợp pháp của các luật sư và những người bảo vệ nhân quyền.

TRẺ ONLINE

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW khu vực châu Á nói với BBC ngày 13/6 về diễn biến "truy tìm":

"Việt Nam đã thường xuyên không cho những người bị buộc tội dưới nhãn "an ninh quốc gia" quyền tiếp cận luật sư và thăm gặp người thân, nhưng điều đó là chưa đủ, và bây giờ họ đang hình sự hóa cả các luật sư.

"Việc buộc tội các luật sư bào chữa cho thân chủ của họ hoàn toàn làm suy yếu tuyên bố của chính phủ Việt Nam rằng họ tôn trọng pháp quyền", ông Robertson kết luận.

Hồi tháng 3 và tháng 5, ICJ đã gửi thư tới Bộ Tư pháp Việt Nam (MOJ) và Bộ Công an (MPS) kêu gọi chấm dứt việc tiếp tục sách nhiễu và điều tra hình sự các luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng theo Điều 331 BLHS Việt Nam.

Trong hai thư ngỏ của ICJ gửi đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, ICJ nói rằng cuộc điều tra hình sự đối với Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn miếng dường như có liên quan đến việc của các luật sư đã bào chữa trong các vụ án có vẻ nhạy cảm, bao gồm cả vụ án Tịnh Thất Bồng Lai.

Hiện Việt Nam có hơn 170 tù nhân chính trị đang thụ án, và khoảng 30 người khác đang bị giam giữ trước khi xét xử. Việt Nam cũng có số lượng tù nhân chính trị đứng sau song sắt cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Myanmar và Việt Nam dùng án tử với tỷ lệ cao hơn bất kỳ chính phủ nào khác trong ASEAN.

Chỉ trong vòng 10 năm, theo ông Phil Robertson, tình hình nhân quyền ở Việt Nam được cho là "đi từ tồi tệ đến tệ hại hơn rất nhiều" và Đảng Cộng sản Việt Nam hiện xây dựng một vòng kềm tỏa không chỉ đối với các tổ chức phi chính phủ này mà còn cả nguồn tài trợ nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ địa phương.

Đại diện HRW nói rằng, Việt Nam đã "vũ khí hóa luật vi phạm nhân quyền", và "không có công lý, và không có sự độc lập trong ngành tư pháp của Việt Nam".

Báo cáo của Dự án 88 ra mắt hồi 25/4 mang tên The Vietnamese Four - "Bộ tứ Việt Nam".

Bộ tứ Việt Nam mà Dự án 88 nói đến là bốn nhà hoạt động Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương.

Bà Ngụy Thị Khanh được trả từ do hôm 12/5, sớm hơn thời hạn là 5 tháng.

Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau đó, Việt Nam bắt giữ một Anh hùng Khí hậu là bà Hoàng Thị Minh Hồng, cũng với tội danh trốn thuế.

Chính phủ các nước như Mỹ, Đức và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc đã lên tiếng chỉ trích việc Hà Nội bắt giữ bà Hồng. Cơ quan đặc trách nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhắc lại bà Hồng là nhà hoạt động môi trường thứ 5 bị bắt về tội trốn thuế ở Việt Nam trong vòng hai năm qua.

Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đều cho rằng các vụ bắt giữ nói trên nằm trong xu hướng rộng hơn của chính quyền Việt Nam trấn áp xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

---

Đọc thêm: 

Đơn của LS Đào Kim Lân về những cáo buộc ông “có dấu hiệu vi phạm Điều 331”

12/06/2023

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 03 năm 2023

ĐƠN ĐỀ NGHỊ XEM XÉT

V/v Kiểm tra, rà soát về thẩm quyền thụ lý tin báo tội phạm

Kính gởi:

– Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Long An

– Điều tra viên Huỳnh Hưng, Công an tỉnh Long An

Tôi tên: ĐÀO KIM LÂN

Địa chỉ cư trú: 187/2 đường Minh Phụng, Phường 9, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903815104

Tôi là 1 trong 5 Luật sư tham gia tố tụng bào chữa cho những người có tư cách tố tụng bị can – bị cáo, gồm: ông Lê Tùng Vân (sinh năm 1932), ông Lê Thanh Hoàn Nguyên (sinh năm 1990), ông Lê Thanh Nhất Nguyên (sinh năm 1991), ông Lê Thanh Trùng Dương (sinh năm 1995), ông Lê Thanh Nhị Nguyên (sinh năm 1998) và bà Cao Thị Cúc (sinh năm 1960) trong vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015-2017, xảy ra tại TỊNH THẤT BỒNG LAI/ THIỀN AM BÊN BỜ VŨ TRỤ, địa chỉ: số 191A ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa khởi tố điều tra, sau đó chuyển lên Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An tiếp tục khởi tố và điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An truy tố và Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa xét xử sơ thẩm vào ngày 20, 21/7/2022, 6 bị cáo kháng cáo kêu oan, vụ án được Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử phúc thẩm vào ngày 02/11/2022, giữ y bản án sơ thẩm.

Chúng tôi cũng là người bào chữa cho bà Lê Thu Vân (sinh năm 1957) là bị can tại ngoại được tách ra từ vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” nêu trên theo Quyết định tách vụ án hình sự số 01/QĐ-ANĐT ngày 01/6/2022 của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An, hiện vụ án hiện đã kết thúc điều tra, truy tố và đang chuẩn bị xét xử.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn là người tiếp nhận yêu cầu tư vấn, trợ giúp pháp lý trong việc khiếu nại, tố cáo, tố giác tội phạm cho tất cả các thành viên còn lại đã và đang sinh sống tại Thiền Am và tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ khi vụ án được tiến hành điều tra xác minh giải quyết tin tố giác tội phạm hoặc khi có sự việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Trong vai trò là các luật sư bào chữa cho 7 bị can – bị cáo, nhận thấy tính chất phức tạp và những diễn tiến bất thường của vụ án, với ý thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can – bị cáo theo quy định pháp luật, mong muốn các quy định về tố tụng hình sự phải được tuân thủ và pháp chế được đề cao, ngăn ngừa những hệ lụy đáng tiếc và khó lường, bằng sự cân nhắc và thận trọng, chúng tôi đã làm BÁO CÁO VỤ ÁN đề ngày 15/6/2022, BÁO CÁO VỤ ÁN KHẨN CẤP đề ngày 16/7/2022, BÁO CÁO VỤ ÁN đề ngày 22/8/2022 và KIẾN NGHỊ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN đề ngày 22/10/2022 gửi lên quý vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan thẩm quyền và pháp luật Trung ương.

Tuy nhiên những văn bản nói trên lại được chuyển về Công an tỉnh Long An và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An và cho đến nay chưa có câu trả lời cũng như biện pháp xử lý các nội dung trên.

Tuy nhiên gần đây chúng tôi nhận được văn bản của Công an tỉnh Long An về việc “đang xem xét các hành vi có dấu hiệu vi phạm Điều 331” của một số người, cụ thể là cá nhân tôi, luật sư Đào Kim Lân nhận được thông báo số 53/ TB – VPCQCSĐT vào ngày 22/02/2023 thông qua bưu điện, dù ngày ký ban hành là ngày 03/02/2023 và dấu bưu chính là ngày 13/02/2023 với nội dung thông báo về việc “Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao – Bộ Công an phát hiện một số cá nhân trong đó có ông Đào Kim Lân đã có hành vi phát tán qua không gian mạng đoạn video clip những hình ảnh lời nói, bài viết có dấu hiệu tội phạm ‘Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017’ và Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Long An thụ lý giải quyết nguồn tin tố giác nói trên theo điều 36, 145, 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015”.

Ngày 28/02/2023, tôi có đơn trình bày và kêu cứu khẩn cấp gởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cơ quan Trung ương bao gồm Bộ Công an và Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam để trình bày sự việc nói trên và kêu cứu vì nhiều khuất tất trong thông báo của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Long An vì đây là một cơ quan trong số các cơ quan tố tụng khác của tỉnh Long An đang có đơn khiếu nại, tố cáo của các luật sư nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc có kết luận nhưng giờ đây lại là cơ quan tham gia xem xét, xử lý về các thông tin tố cáo, nhận định của các luật sư “về các vi phạm của Công an tỉnh Long An” thì sẽ thiếu tính khách quan, công tâm và có xung đột lợi ích, tương tự như vi phạm trước đây của Công an huyện Đức Hòa khi đứng ra xử lý hành vi “vu khống Công an Đức Hòa” trong vụ án Thiền Am dẫn đến việc sau đó vụ án phải chuyển lên tỉnh theo đúng thẩm quyền.

Ngày 05/03/2023 Ủy ban Giám sát của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong đó bao gồm đại diện của Đoàn Luật sư TP.HCM và Đoàn Luật sư tỉnh Long An đã có buổi làm việc với tôi và các đồng nghiệp trong vụ án Thiền Am về những nội dung nêu trên. Sau khi nghe chúng tôi báo cáo và xem xét, đánh giá, phân tích các nội dung liên quan đến những thông tin đăng tải, phát ngôn trên mạng xã hội, trong đó có Kênh Youtube “Nhật ký Luật sư”, đại diện Liên đoàn đã góp ý về việc các Luật sư sử dụng không gian mạng để truyền thông cho các vụ việc cũng như ghi lại các hoạt động xã hội thiện nguyện khác là không vi phạm pháp luật và trái với đạo đức xã hội, Nhà nước khuyến khích việc luật sư tham gia mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho nhân dân cũng như cập nhật thông tin những vụ án do mình tham gia trong khuôn khổ pháp luật cho phép, dần thay thê phương pháp tuyên truyền, phổ biến truyền thống trực tiếp, tuy nhiên việc đăng tải những nội dung tố cáo các vi phạm tố tụng của những tổ chức, cá nhân liên quan trên mạng xã hội có thể tạo tiền đề cho những người có ý đồ xấu lợi dụng thông tin để công kích chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vì những sai phạm đó chỉ là hành vi sai phạm chủ quan của một vài cá nhân chứ không phải chủ trương chung của cả cơ quan, tổ chức.

Ngày 07/03/2023, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có văn bản số 66/LĐLSVN gởi đến Giám đốc Công an tỉnh Long An, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An và Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Long An nêu quan điểm của Liên đoàn về việc xử lý sự việc nêu trên đồng thời đề nghị xem xét đường lối xử lý liên quan đến hoạt động hành nghề luật sư và ứng xử của các luật sư trong vụ án “Tịnh thất Bồng Lai, sau này là Thiền Am bên bờ vũ trụ” của các cơ quan tố tụng tỉnh Long An đồng thời thể hiện tinh thần cầu thị, phối hợp, xác minh làm rõ vụ việc nêu trên.

Tuy nhiên đến ngày 08/03/2023, tôi nhận được Quyết định tạm hoãn xuất cảnh số 01/ QĐ-VPCQCSĐT (ký ngày 23/02/2023) và giấy triệu tập vào ngày 15/03/2023 để làm việc liên quan đến tin báo về tội phạm của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao về các nội dung nêu trên.

Từ động thái nói trên của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Long An cho thấy việc cơ quan này thụ lý, giải quyết tin báo tội phạm liên quan đến cá nhân tôi có nhiều vấn đề cần thận trọng, cân nhắc xem xét về động cơ, thẩm quyền và các xung đột lợi ích vì các lý do sau:

1. Tôi là người cư trú, đăng ký hành nghề và hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong trường hợp phát hiện những hành vi của cá nhân tôi (hoặc các đồng nghiệp khác) có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Công an Thành phố Hồ Chí Minh mới là nơi xác minh, xem xét và xử lý, Long An chỉ là địa phương chúng tôi đến hành nghề theo các hoạt động quy định trong Luật Luật sư cũng như nhiều địa bàn thuộc tỉnh, thành phố khác trong nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đây không phải nơi cư trú, nơi đăng ký hoạt động hoặc nơi làm việc của tôi nên không có thẩm quyền xử lý theo quy định (trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc hiện trường vụ án).

2. Theo tin báo của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, hành vi được cho là cần xem xét, xử lý là hoạt động trên không gian mạng, hình ảnh, bài nói được ghi hình và phát sóng tại thành phố Hồ Chí Minh (tại văn phòng hoặc những địa điểm khác trong TP.HCM), vậy nơi tiếp nhận tin báo tội phạm phải là Thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải tỉnh Long An nên có thể có sự nhầm lẫn về thẩm quyền tiếp nhận trong vụ việc này.

3. Hiện tôi và các đồng nghiệp đang có văn bản khiếu nại, tố các về các vi phạm tố tụng nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng huyện Đức Hòa và các cơ quan tố tụng tỉnh Long An bao gồm cơ quan Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân từ huyện đến tỉnh mà đến nay chưa được xem xét, giải quyết kể cả xem thường các văn bản chuyển về của Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An là cơ quan có chức năng giám sát việc tuân thủ pháp luật ngoài chức năng giữ quyền công tố. Từ đó cho thấy nếu các cơ quan tỉnh Long An thụ lý, tin báo tố giác tội phạm mà trong đó ít nhiều có liên quan trực tiếp đến việc chính “họ đang bị tố cáo” thì tính khách quan trong việc xử lý “người đang tố cáo” họ sẽ chắc chắn không được đảm bảo, chưa kể đến những lo ngại về việc trù dập, trả thù… nhất là tính độc lập trong chức năng “giám sát việc tuân thủ pháp luật” của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An.

4. Trong trường hợp những phát ngôn, hình ảnh do chúng tôi phát tán được cho là “có dấu hiệu xâm phạm lợi ích của những cơ quan tố tụng tỉnh Long An” thì như vậy đồng nghĩa cho rằng “cơ quan tố tụng tỉnh Long An” là “bị hại”, từ đó có thể nhận định giữa chúng tôi và những cơ quan tố tụng tỉnh Long An đã phát sinh xung đột về lợi ích, vậy thẩm quyền xử lý được Cục An ninh mạng chuyển giao cho tỉnh Long An, người được cho rằng “có lợi ích bị xâm phạm” trực tiếp thụ lý và giải quyết tin báo tội phạm để “xác minh, xem xét và xử lý” người “xâm phạm mình” thì sẽ thiếu tính khách quan, thiếu sự đảm bảo cho mục tiêu công bằng và thượng tôn pháp luật.

5. Về phía bản thân tôi thật sự mong muốn được làm việc với cơ quan có thẩm quyền và đảm bảo tính khách quan về những nội dung nêu trên nhưng đáng tiếc từ trước đến nay chưa được chấp nhận, kể cả lãnh đạo Công an tỉnh Long An, vì vậy nếu có những vấn đề liên quan cần xác minh, điều tra tôi sẵn sàng hợp tác, trước hết tôi sẽ có điều kiện, cơ hội nhìn nhận lại những phát ngôn của bản thân mình và cách hành xử trên không gian mạng, một lĩnh vực khá mới mẻ và phức tạp hiện nay, qua đó khắc phục, điều chỉnh bản thân để hoàn thiện hơn khi sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, thay thế dần những phương pháp truyền thống hiện nay đồng thời phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm nếu có những vi phạm để làm bài học kể cả xử lý theo quy định. Bên cạnh đó cũng là dịp để chúng tôi trình bày, báo cáo và giao nộp những chứng cứ vốn bị bỏ qua trong suốt quá trình tố tụng từ cấp sơ thẩm đến cấp phúc thẩm bởi các cơ quan tố tụng tỉnh Long An, đặc biệt là thái độ “làm ngơ” các nội dung tố cáo được đăng tải công khai trên kênh bao gồm các hành vi sai trái của cán bộ, chiến sỹ công an huyện Đức Hòa như ông Trần Quốc Thắng, ông Bình, cô Nhi hoặc dấu hiệu dàn dựng vụ lừa đảo 100 triệu đồng có sự tiếp tay của một số cán bộ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An cùng nhiều hành vi có dấu hiệu mờ ám khác như tung tin loạn luân (có báo còn dẫn lời của Đại tá Văn Công Minh, lãnh đạo Công an tỉnh Long An), khám thân thể cô Bùi Ngọc Trâm trái pháp luật, cố tình che dấu thông tin cũng như việc tìm kiếm, giải cứu cô Võ Thị Diễm My, một nạn nhân đã có lời tố cáo việc mình bị nhiều tổ chức, cá nhân xâm hại, kể cả nghi án Loạn luân giữa cô ấy và cha mình là ông Võ Văn Thắng, chậm xử lý hành vi có dấu hiệu của Luật sư Trần Quốc Dũ, cố ý “bỏ quên” hoặc không xem xét các chứng cứ do các Luật sư giao nộp để xét xử vụ án một cách khách quan, toàn diện, không bao che, bỏ lọt tội phạm và không gây oan sai người vô tội của Tòa án huyện Đức Hòa và Tòa án tỉnh Long An cũng như vai trò giám sát của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An là người giữ quyền công tố cả 2 cấp tòa… Những sự việc được xem là hù dọa, bưng bít thông tin và có ý che giấu các hành vi vi phạm tố tụng tại địa bàn tỉnh Long An và có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, cản trở quyền hành nghề của Luật sư.

Từ những lý do nêu trên rất mong Quý Lãnh đạo Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Long An có ý kiến về thẩm quyền thụ lý và giải quyết, tránh việc xung đột lợi ích khi người bị tố cáo đứng ra giải quyết đơn của người tố cáo cũng như làm sáng tỏ sự thật vụ án và những tình tiết liên quan, thu hồi, giải tỏa quyết định tạm hoãn xuất cảnh trái pháp luật của Công an tỉnh Long An, và thay thế bằng một cơ quan có thẩm quyền, độc lập, khách quan nếu xét thấy cần thiết.

Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi nội dung trình bày, kiến nghị cũng như tính xác thực của các thông tin, chứng cứ kèm theo. Tôi công nhận đã hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, cũng như hậu quả pháp lý của việc kiến nghị, khiếu nại và tố cáo nếu nội dung sai sự thật, rất mong Quý vị Lãnh đạo và quý Cơ quan xem xét.

Tôi trân trọng biết ơn quý vị Lãnh đạo và quý Cơ quan.

Người làm đơn

Luật sư ĐÀO KIM LÂN

Đính kèm:

1. Thông báo tiếp nhận tin báo tội phạm

2. Văn bản 66/LĐLSVN ngày 08/03/2023 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam

3. Phiếu chuyển 1203/PC-VPCP ngày 30/6/2022 của Văn phòng Chính phủ

4. Thông báo chuyển đơn số 1958/TB-X05-P6 ngày 20/7/2022 của Thanh tra Bộ Công an

5. Thông báo chuyển đơn số 4131/VKSTC-C1 (P1) ngày 29/11/2022 của Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

6. Văn bản 2422/PTTH&TTĐT ngày 10/11/2022 của Cục Phát thanh truyến hình và thông tin điện tử – Bộ Thông tin và truyền thông.

7. Giấy báo tin số 461/BT-VKS ngày 12/10/2022 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An

8. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh số 01/ VPCQCS ĐT ngày 23/02/2023 của cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Long An

9. Giấy triệu tập ngày 08/03/2023 của cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Long An



Nguồn: Báo Tiếng Dân

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn