Ngày tàn của Putin sắp đến?

Liana Fix & Michael Kimmage, Foreign Affair ngày 27/6/2023

Trịnh Khải Nguyên-Chương dịch

 

Lính đánh thuê của công ty tư nhân Wagner ở Rostov-on-Don, Nga, tháng 6 năm 2023. Alexander Ermochenko / Reuters

 

Cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine đã đập tan huyền thoại Tổng thống Nga Vladimir Putin là một nhà độc tài bất khả xâm phạm. Trước ngày 24 tháng 2 năm 2022, Putin có thể tỏ ra là vô đạo đức và hiếu chiến, nhưng qua các cuộc phiêu lưu quân sự ở Syria, Crimea, và xa hơn nữa, ông ta có vẻ như là một chiến lược gia có năng lực. Thế rồi, trong một nước cờ tính toán, ông ta thể hiện sự kém cỏi của mình bằng cách xâm lăng một quốc gia không hề gây ra mối đe dọa nào cho nước Nga, và thất bại hết phen này đến phen khác trong những mưu lược quân sự của mình – mà ví dụ mới nhất là cuộc binh biến diễn ra trong thời gian ngắn ngủi do ông Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh nhóm lính đánh thuê Wagner, chủ mưu hôm cuối tuần qua. Điều này, thêm một lần nữa, cho thấy huyền thoại độc tài của Putin đang trên đà suy yếu. 

 

Chính Putin đã tiếp tay cho sự lớn mạnh của Prigozhin và phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo về Wagner. Khi quân đội Nga gặp khó khăn ở Ukraine, ngôi sao của Prigozhin tăng lên, và đạt đến đỉnh điểm khi Wagner chiếm được thành phố Bakhmut cho Nga vào tháng Năm. Prigozhin đã tận dụng không gian chính trị không bị kiểm duyệt cuối cùng còn sót lại trên đất Nga – ứng dụng truyền thông mạng xã hội Telegram – để phát biểu trước công chúng Nga. Trong nhiều tháng trời, ông ta công khai âm mưu đảo chính: thực hiện các cuộc tranh cãi công khai với giới lãnh đạo lực lượng quân sự Nga, đưa ra những lời chỉ trích có tính cách dân túy về nỗ lực chiến tranh, và tung ra những luận điệu nghi ngờ những lời biện minh chính thức của Putin cho cuộc chiến mà chính Putin đã tường tận vạch ra. Mặc dù vậy, Moscow vẫn bị bất ngờ khi Prigozhin kêu gọi binh lính của mình nổi dậy tham gia cuộc binh biến chống lại Bộ Quốc phòng Nga.

 

Sự ngạo mạn và thiếu quyết đoán của Putin là câu chuyện của cuộc chiến. Bây giờ nó là câu chuyện của chính trị trong nước Nga. Bất luận động cơ và ý đồ của Prigozhin có thể là gì, cuộc nổi loạn của ông ta phơi bày một lỗ hổng nghiêm trọng của chế độ Putin: sự khinh miệt của nó đối với người dân thường. Putin thông minh đủ để ngăn ngừa, không cho chiến tranh ảnh hưởng đến Moscow và St. Petersburg, đến tầng lớp được ưu đãi ở những thành phố này. Tuy nhiên, chính sự thông minh của ông ta đã áp đặt một cuộc chiến lựa chọn đối với những người dân thường không thuộc tầng lớp ưu đãi. Họ bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh giành đất đai khủng khiếp, và Moscow thường tỏ ra rất nhẫn tâm, xem rẻ mạng sống họ. Nhiều người lính vẫn không biết họ đang chiến đấu và hy sinh cho cái gì, vì điều gì. Prigozhin đứng lên nói thay cho những người lính đó. Ông ta không có một cao trào chính trị đứng đằng sau và cũng không có một ý thức hệ rõ ràng. Nhưng bằng cách trực tiếp mâu thuẫn với cỗ máy tuyên truyền của nhà nước, ông ta nêu rõ tình hình nguy khốn ngoài mặt trận và sự xa rời thực tế của Putin, một kẻ chỉ thích nghe Bộ Quốc phòng huênh hoang tuyên bố về vinh quang của quân đội mình.

 

Nếu sự khinh miệt của Putin và sự tức giận của binh lính Nga hội tụ và trở thành biểu tượng cho xứ sở Putin đang cai trị, thì Điện Kremlin đang gặp rắc rối thực sự, ngay cả khi không ai âm mưu một cuộc đảo chính nào. Cuộc binh biến của Prigozhin có thể là thách thức lớn đầu tiên đối với chế độ Putin, nhưng nó sẽ không phải là thách thức cuối cùng. Cuộc nổi loạn của ông ta có thể sẽ khiến sự đàn áp gia tăng ở Nga. Một lãnh tụ thiếu bình tĩnh sống sót một cách không mấy gì đẹp đẽ sau một cuộc đảo chính còn nguy hiểm hơn một nhà độc tài thời chiến tin rằng mình an toàn ở nhà.

 

Đối với phương Tây, có rất ít việc phải làm ngoại trừ cứ để cho vở hài kịch chính trị này – vốn có một số dấu hiệu của một trò hề – diễn ra ở Nga. Phương Tây mặc dù không muốn duy trì nguyên trạng theo chủ nghĩa Putin, nhưng họ cũng không nên tìm cách lật đổ chế độ Putin một cách đột ngột. Đối với phương Tây, biến động ở Nga ảnh hưởng chủ yếu đến những gì nó biểu thị ở Ukraine, sự bất ổn ở Nga có thể tạo ra các ưu thế quân sự mới cho quân dân Ukraine. Ngoài việc khai thác các điều kiện có lợi cho phe mình song hành với Kyiv, phương Tây không thể làm gì khác hơn là bắt đầu chuẩn bị tinh thần cho sự bất ổn bên trong và bên ngoài biên giới Nga.

 

Một ngôi nhà xây dựng bằng thẻ bài?

 

Điều trớ trêu trong cuộc nổi dậy của Prigozhin là nó bắt nguồn từ những nỗ lực của Putin nhằm “ngăn ngừa, không cho đảo chính” đối với chế độ của ông ta. Nền tảng cho quyền lực của Putin là sự ủng hộ từ dân chúng, hoặc ít nhất họ phải im lặng cho ông ta mặc tình thao túng. Bên trên nền tảng vững chắc này, luôn tồn tại các phe phái đối nghịch nhau trong giới được ưu đãi và các cơ quan an ninh, mà Putin chuyên dùng mưu mô cho họ chống báng lẫn nhau. Để duy trì cơ cấu cai trị này, Putin đã phải tìm mọi cách ngăn chặn sự bất mãn của dân chúng và giữ cho giới ưu đãi chính trị thuận theo dưới trướng. Ông ta chuộng làm việc với những kẻ quen biết từ những ngày còn làm việc cho cơ quan tình báo KGB vào những năm 1980 và ở thành ủy St. Petersburg vào những năm 1990, vốn là bệ phóng khởi đầu sự nghiệp chính trị của Putin. Những kẻ này trung thành với Putin vì họ chỉ có thể tận hưởng sự giàu có và quyền lực dưới sự lãnh đạo của Putin. Một đe dọa lớn hơn đối với Putin là những người đã được tiếp nhận vào các cơ chế an ninh và quân đội nhưng lại không phải là tay sai lâu năm của Putin. Họ phải được giám sát bởi một guồng máy kiểm soát liên tục đến mức chúng trở thành thông lệ. Các quốc gia khác có thị trường chứng khoán lên xuống thất thường. Điện Kremlin có một thị trường chứng khoán nội bộ, trong đó vận may chính trị của các thế lực lớn lên xuống thất thường.

 

Lúc đầu, cuộc chiến tiếp diễn theo thông lệ này. Các nhà lãnh đạo quân sự bị đổi qua đổi lại một phần vì cuộc chiến diễn ra không suôn sẻ và một phần vì Putin phải chắc chắn là không có một ông Napoléon nào có thể nổi lên giữa các tướng lĩnh và thách thức ông ta. Putin cho Wagner đọ sức với Bộ Quốc phòng Nga, xem bên nào có thể đạt được kết quả tốt hơn ở Ukraine và tìm cách kiểm tra quyền lực của quân đội và Bộ Quốc phòng. Prigozhin được đem ra làm đối trọng với bộ chỉ huy cấp cao của quân đội, và ông ta đã làm được điều Putin yêu cầu, ví dụ như đánh chiếm thành phố Bakhmut của Ukraine, mà từ năm ngoái cho đến nay vẫn là công trạng chiến trận lớn nhất của Nga. Hiệu quả của việc này là Prigozhin tạo áp lực lên quân đội Nga, một quân đội tỏ ra rất yếu kém.

 

Putin có thể đứng trên tất cả những điều này như ông ta từng đã làm trong nhiều năm, một kỳ thủ hiểu biết nước cờ rất rành rẽ. Có vẻ là như vậy, cho đến khi có ai đó đến ném bàn cờ xuống đất.

 

Xem chừng ngai vàng, xem chừng sau lưng

 

Các sự kiện trong mấy hôm cuối tháng Sáu, 2023 báo trước một tương lai đen tối cho nước Nga. Trong vài giờ ngắn ngủi, cuộc nổi dậy có vũ trang của Prigozhin đã gây nên sự hỗn loạn lớn. Chiến tranh làm suy yếu khả năng nói chung của nhà nước Nga, và cuộc nổi dậy làm sự suy yếu đó tệ hơn nữa, khiến Moscow phải đối mặt với một thách thức mới trong nước. Trong nhiều năm, Điện Kremlin nghĩ ra nhiều cách để ngăn chặn một cuộc cách mạng đô thị do phe dân chủ tự do chủ xướng. Nhưng hóa ra mối đe dọa lớn hơn là một cuộc cách mạng phi tự do: một cuộc nổi dậy dân túy được quân sự hóa cao độ không phải do các nhà cải cách đô thị mà do những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc Nga thúc đẩy. Chủ nghĩa dân tộc từ trên xuống được nuôi dưỡng trong chiến tranh có thể chống lại chế độ Putin, và Prigozhin có thể không phải là người cuối cùng thuộc loại này.

 

Prigozhin chứng minh rằng pháo đài của “chủ nghĩa Putin” có thể bị tấn công. Trong cuộc nổi dậy rất ngắn ngủi này, sự thể hiện lòng trung thành với Putin của giới được ưu đãi gần như thống nhất, nhưng rất phẳng lặng. Những người khác, những kẻ can đảm hơn có thể học hỏi từ Prigozhin, kết hợp chủ nghĩa dân túy của ông ta với một chương trình chính trị có giá trị vượt xa những tên lính đánh thuê nổi loạn và có thể thu hút một hai cán bộ trong giới được ưu đãi. Giới được ưu đãi này không nhất thiết thuộc thành phần trí thức hay kinh doanh. Họ có thể là người trong các cơ chế an ninh. Động cơ của họ có thể là chiến lợi phẩm quyền lực, nhận thức về sự yếu kém của Putin hoặc nỗi sợ hãi về một cuộc thanh trừng sắp tới. Nếu Putin dường như sắp bị lật đổ, thì sẽ có động cơ để ai đó trở thành người lật đổ ông ta – hoặc ít nhất trở thành vây cánh của người đó. Còn nếu cứ chần chừ chờ đợi thì sẽ phải chấp nhận những hậu quả khôn lường, nhất là trong trường hợp Putin tìm cách trả thù. Nếu “Night of The Long Knives” diễn ra trong giới được ưu đãi Nga, nó có thể tập hợp được những nhân vật quyền lực đằng sau kế hoạch lật đổ Putin. [Chú thích của người dịch: Night of The Long Knives là tên gọi một sự kiện lịch sử Đức, trong đó Hitler, vì e ngại các đảng viên trong đảng Đức Quốc xã âm mưu chống lại mình, đã cho tàn sát hàng trăm người vào đêm 30/6/1934].

 

Cuộc hành quân thần tốc của Prigozhin tiến về Moscow có thể gây hứng khởi cho các lãnh chúa tương lai khác hoặc một loạt các doanh nhân chính trị gây rối đang tìm cách trục lợi tại địa phương. Không ai trong bọn họ đủ mạnh để lật đổ Sa hoàng ở Moscow nhưng ai cũng mong muốn tước bỏ quyền lực và uy thế của nhà nước được chừng nào hay chừng nấy. Hậu quả có thể làm tê liệt chính phủ và làm suy yếu uy thế quân sự của Nga ở Ukraine. Theo thời gian, Prigozhin chuyển từ chỉ trích việc thi hành sang mục đích của cuộc chiến. Chiến bại có thể là mối đe dọa sống còn đối với niềm tự hào của Nga chứ không phải đối với chính nước Nga – điều đó đã được công khai hóa, và không thể lấy lại lời nói ấy được.

 

Chuẩn bị cho tình huống tệ nhất

 

Putin và những kẻ thân tín của ông ta có thể cố đổ lỗi cho người ngoài cuộc là nguyên nhân cuộc nổi loạn của Prigozhin. Nhưng ngay cả đối với một chế độ đã thành thạo trong tài nghệ đổ mọi lỗi lầm cho phương Tây, điều này vẫn là một thất thố khó tránh. Washington hầu như không có đòn bẩy nào trong chính trị Nga, và đây không phải là năm 1991, khi Tổng thống George H. W. Bush tới Ukraine, trong bài phát biểu “gà Kyiv” nổi tiếng của ông, đã khuyến nghị rằng cuộc cách mạng nên diễn ra chậm lại. Sự bất ổn bên trong nước Nga không phải là điều Hoa Kỳ có thể bật tắt tùy ý. Tuy nhiên, nó có thể được sử dụng để đem lại hiệu quả tốt trên chiến trường Ukraine. Sau cuộc nổi loạn này sẽ là một tình trạng phân tâm, đổ lỗi cho nhau và vô cùng bấp bênh, vì Putin không chỉ xử lý công việc để đưa mọi thứ trở lại bình thường mà còn phải đối đầu với mối sỉ nhục ông ta vừa gánh chịu và sự trả thù ông ta có thể sẽ quyết tâm theo đuổi hòng trừng trị “kẻ bội phản”.  Toàn những công tác khó có thể giải quyết nhanh chóng.

 

Mặc dù trong những tuần lễ gần đây, Ukraine đã phát động cuộc phản công vốn được chờ đợi từ lâu, nhưng họ không có nhiều bước tiến quân sự lớn lao nào kể từ tháng 11 năm 2022. Ở nhiều nơi, binh lính Nga cố thủ, và cuộc phản công cho đến nay vẫn diễn ra chậm chạp. Sẵn sàng tấn công vào các vị trí của Nga, tinh thần chiến đấu của Ukraine cao, họ có nhiều người cam kết ủng hộ, và một sách lược rõ ràng. Nếu không có bất ổn chính trị, vị thế quân sự của Nga ở Ukraine về bản chất là bấp bênh. Với bất ổn chính trị, nó có thể sụp đổ.

 

Trải nghiệm cận-kề-cái-chết của Putin là một nghịch lý đối với Hoa Kỳ và các đồng minh. Chế độ của ông ta là vấn đề an ninh hàng đầu đối với châu Âu, việc ông ta rời khỏi vũ đài quốc tế, bất cứ khi nào xảy ra, sẽ chẳng ai nuối tiếc. Tuy nhiên, một nước Nga thời hậu-Putin – có thể đến sớm hơn nhiều so với dự kiến chỉ mới một tuần trước đây – đòi hỏi thận trọng cao độ và kế hoạch cẩn thận.

 

Sự bất ổn ở Nga không hẳn chỉ ở lại bên trong nước Nga

 

Trong khi người ta hy vọng điều tốt đẹp nhất, đó là chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và một nước Nga bớt độc tài, nhưng cũng hợp lý khi người ta chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất: một nhà lãnh đạo Nga cực đoan hơn Putin và công khai là cánh hữu, phản động hơn Putin, một người nào đó có nhiều kinh nghiệm quân sự hơn Putin, một người được định hình bởi sự tàn khốc của chiến tranh. Vào tháng 2 năm 2022, Putin nhúng tay vào một cuộc chiến tranh tội ác. Sẽ không có công lý nếu xem ông ta là nạn nhân chính trị của cuộc chiến này, nhưng kẻ kế nhiệm ông ta không có chọn lựa nào khác ngoài vai trò một đứa con của cuộc chiến. Chiến tranh thường nảy sinh ra những đứa con rắc rối.

 

Hoa Kỳ và đồng minh sẽ phải tiếp quản và tìm cách giảm thiểu những hậu quả tai hại của sự bất ổn ở Nga. Trong mọi phân cảnh, phương Tây cần tìm kiếm sự minh bạch trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân của Nga và khả năng vũ khí hủy diệt hàng loạt lan rộng, phải đưa ra những tín hiệu họ không có ý định đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga. Đồng thời, phương Tây phải phát đi thông điệp răn đe mạnh mẽ, tập trung vào việc bảo vệ NATO và các đối tác. Bất ổn ở Nga không hẳn chỉ ở lại Nga. Nó có thể lan rộng khắp khu vực, từ Armenia đến Belarus.

 

Cuộc binh biến của Prigozhin là bài học lịch sử tái diễn. Có lẽ đây là nước Nga năm 1905, cuộc cách mạng nhỏ trước cuộc cách mạng lớn. Hoặc đó là nước Nga vào tháng 2 năm 1917, dưới sức ép chính trị vì chiến tranh, như chính Putin đã ám chỉ. Có thể đây chính là Liên Xô năm 1991, biến Putin thành một phiên bản của Gorbachev, một người bị định mệnh đưa đẩy đến chỗ đánh mất cả một đế quốc.

 

Một so sánh đúng đắn hơn khi đặt Prigozhin vào vai trò của Stenka Razin, một người nổi dậy chống lại quyền lực của Sa hoàng, người đã tập hợp một đội quân nông dân và đem quân từ miền nam nước Nga tiến đến Moscow vào năm 1670-71. Razin cuối cùng bị bắt và bị xé xác tại Quảng trường Đỏ. Nhưng ông đã trở thành một nhân vật huyền thoại bất tử trong văn hóa dân gian chính trị Nga. Ông đã lột trần sự yếu kém của chế độ Nga hoàng vào thời của mình, và trong nhiều thế kỷ tiếp theo, những người khác đã lấy hứng khởi từ câu chuyện của ông. Đối với những kẻ chuyên quyền ở Nga, đây là một bài học rõ ràng: ngay cả một cuộc nổi loạn bất thành cũng gieo mầm cho những nỗ lực trong tương lai.

 

L. F. & M. K.

 

---

 

- Liana Fix là một “Fellow for Europe” tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

 

- Michael Kimmage là Giáo sư Sử học tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và là Cộng tác viên cấp cao phi-thường-trú tại Chương trình Châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Ban hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nơi ông nắm giữ hồ sơ về Nga/Ukraine.

 

Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn