Giáo thọ cư sĩ dòng tu Tiếp hiện được trao tặng Huân chương Quốc gia Pháp

Thục-Quyên

Ngày 14.05.2023, lồng trong khung cảnh  đại lễ VESAK (Phật Đản) tại Chùa Quốc tế Vincennes, Paris, chị Chân Tuệ Uyển (Võ Thị Minh Tri) Giáo thọ cư sĩ thuộc dòng tu Tiếp Hiện, một học trò của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đã được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Quốc gia Pháp -  Chevalier de l´Ordre National du Mérite - (1)

Huân chương Quốc gia Pháp do Tổng thống Charles de Gaulle lập ra năm 1963, là một trong hai huân chương lớn cấp quốc gia của Pháp, được chia thành 5 bậc từ cao đến thấp, để vinh danh những công trạng xuất sắc đạt được trong khi đảm nhận một chức năng công cộng, dân sự hoặc quân sự. Huân chương Hiệp sĩ “Chevalier” xếp bậc thứ 5.

Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Hải ngoại và Tôn giáo, Gérald Darmanin, đã thay mặt Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trao tặng huân chương, trước sự hiện diện của các đại diện chính quyền thành phố Paris, Chủ tịch Tổng hội Phật giáo Pháp cùng các chư tôn đức lãnh đạo tinh thần các cộng đồng phật tử thuộc mọi truyền thống tại Pháp, cũng như vị chủ trì nhà thờ Hồi giáo chính của Paris, vị Phó Chủ tịch Liên đoàn Tin lành, Bề trên Tổng quyền Thừa sai Paris, Đại diện đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Paris, Đại diện Chính thống giáo Rumani tại thủ đô, Đại diện Chánh Giáo sĩ Do Thái tại Pháp.

Từ cộng đồng người Việt tại Pháp có sự hiện diện của các vị xuất gia từ các chùa Khánh Anh, Khuông Việt và thiền viện Hơi Thở Nhẹ thuộc Đạo tràng Mai thôn (Làng Mai).

Bộ trưởng G.Darmanin mở đầu bài phát biểu bằng một câu của Paul Valéry, một nhà giáo, nhà tư tưởng và chính trị gia Pháp:

"Thực tế ổn định những ý tưởng, tâm linh cao quý hoá những việc làm" và nhấn mạnh:

"Nước Pháp có một truyền thống, một mảnh đất màu mỡ cho Tinh Thần dưới mọi hình thức, từ tôn giáo đến triết học, từ những ô cửa sổ kính màu rực rỡ của các Thánh đường đến ánh sáng sắc bén của lý trí . Chính trong bối cảnh thuận lợi này mà tại Pháp, Phật giáo đã nẩy mầm, hé nở và lớn mạnh, dưới sự hướng dẫn của các bậc hiền triết đến từ châu Á, và nay được tiếp nối bởi những người Pháp đã được giáo lý của Đức Phật khai tâm".

Ông Darmanin ca ngợi sự đóng góp quý báu của Giáo thọ Minh Tri-Chân Tuệ Uyển vào những tiến triển của Tổng hội Phật Giáo Pháp trong suốt khoảng thời gian từ 2003 tới nay, giúp Tổng hội trở thành một gạch nối giữa những phật tử gốc Á châu và những phật tử sinh ra tại Pháp. Chị đã lần lượt giữ những vai trò điều hành cũng như Phó chủ tịch, Chủ tịch và thành viên rất tích cực của Hội đồng Quản trị.

Sự đóng góp này cũng chính nhờ con đường tâm linh đồng thời là con đường đạo đức trong cuộc sống của Giáo thọ Minh Tri-Chân Tuệ Uyển, khai sáng và dẫn dắt bởi Thiền sư Thích Nhất Hạnh, mang đến nền hoà bình cho "chính mình và những người chung quanh mình", thúc đẩy bởi khả năng phát hiện vẻ đẹp trong mọi sự vật, và ý nguyện “Xin cho tôi là người bảo vệ những người bị bỏ rơi, người dẫn đường cho những người đi bộ, là con thuyền, con tàu và là cây cầu cho những ai muốn vượt qua dòng nước.”

Vai trò hoà bình của tôn giáo tại các nước Âu châu

Nhân sự tham dự đông đảo tại buổi lễ trao huân chương, Bộ trưởng Darmanin đã bày tỏ với tất cả các nhà lãnh đạo của các giáo phái hiện diện, lòng biết ơn đối với công việc to lớn mà những tôn giáo đang gánh vác trong xã hội.

“Một nước Cộng hoà Pháp thế tục không có nghĩa là chống lại các tôn giáo. Trái lại, cùng nhau, chúng ta chịu trách nhiệm bảo vệ quyền tự do lương tâm và quyền tự do tôn giáo …nuôi dưỡng hòa bình giữa các tôn giáo, giữa các tín đồ, giữa các công dân, nền hoà bình mà mọi người dân Pháp đều khao khát…”

Tại Cộng hoà liên bang Đức, ý tưởng cùng hợp tác chịu trách nhiệm bảo vệ sự bình an trong xã hội được Chính phủ thể hiện bằng cách ủng hộ Thiền sư Nhất Hạnh tòa nhà quân đội Đức đã từng dùng làm Trung tâm Chuyển đổi (Zentrum für Transformation der Bundeswehr) cùng hơn 5ha đất để thành lập Viện Phật học Ứng dụng tại Waldbröl, một thành phố nằm giữa nước Đức và thuận tiện dễ tiếp cận từ các nước Âu châu khác.

Mong rằng Quê hương Việt Nam của Thầy đủ sáng suốt để học phương cách tạo dựng bình an thịnh vượng trong xã hội của những nước này.

Dòng tu Tiếp Hiện:

Tiếp hiện (Tiếp có nghĩa tiếp xúc, tiếp nhận, tiếp nối; Hiện có nghĩa là hiện tại, thực hiện)

Dòng tu Tiếp hiện là một dòng tu quốc tế, theo phái Phật giáo dấn thân, do Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập tại Việt Nam vào tháng 2 năm 1966. Tên của dòng tu bằng tiếng Anh là The Order of Interbeing, tiếng Pháp là L’ordre de l’interêtre. Dòng tu này dành cho người xuất gia cũng như người tại gia, nam cũng như nữ, tu tập để chuyển hóa tự thân và cùng hoạt động trong xã hội với lý tưởng phụng sự.

Giáo thọ cư sĩ của dòng tu Tiếp Hiện (2) là người sống tại gia đã được Thầy Nhất Hạnh truyền đăng, nhận lãnh trách nhiệm gieo rắc những hạt giống lành và chia sẻ những pháp môn thực tập thiết thực cho những ai cần đến, để những người đó có khả năng chuyển hóa khổ đau và mang lại hạnh phúc, vững chãi và thảnh thơi cho chính họ.

Để làm được công việc này, vị Giáo thọ cần có khả năng lắng nghe và ái ngữ, hiểu và thương. Công việc này không hề cản trở việc mưu sinh và thành lập gia đình của vị Giáo thọ cư sĩ.

(1) https://www.youtube.com/watch?v=WKzsK1uD1tI (phút 10:23)

(2) https://langmai.org/tham-van-duong/tu-hoc/de-tro-thanh-giao-tho-cu-si-cua-lang-mai/

T.Q.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn