Đừng quay lại ‘độc quyền’ sách giáo khoa

Tô Văn Trường

Việc yêu cầu Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK vào lúc này vừa đi ngược lại Nghị quyết 122 cũng của Quốc hội mới được khoá trước ban hành, vừa không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước như quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Giáo dục và Nghị định số 86 ngày 24/10/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GDĐT, lại vừa không phù hợp với thực tế và dễ dẫn đến hậu quả xoá bỏ xã hội hoá, quay trở lại tình trạng độc quyền trong lĩnh vực SGK.

Vấn đề sách giáo khoa là một mớ bòng bong, đi một chặng đường dài rồi vẫn trong tình trạng “đi mắc núi, ở lại mắc sông”!

Theo phản ánh của báo chí, chiều 27/7/2023, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) với Chính phủ, đã xuất hiện những ý kiến trái chiều về việc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức biên soạn một bộ SGK “của Bộ”.

Có đại biểu cho rằng vẫn cần phải có một bộ SGK do Bộ biên soạn như quy định tại Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khoá XIII.

Còn theo đại biểu Trần Văn Lâm, trước hết, cần đánh giá và xác định lại quan điểm sử dụng SGK trong chương trình mới. Nếu coi SGK chỉ là một tài liệu dạy học thì cần cởi mở hơn trong biên soạn SGK, để thị trường tự quyết định; học sinh sử dụng sách nào cũng được, không cần thống nhất trong toàn trường, toàn tỉnh. Nhưng nếu vẫn xem SGK là căn cứ quan trọng để dạy học như trước thì nên chăng cần quay lại có một bộ SGK thống nhất.

Vấn đề sách giáo khoa đi một chặng đường dài rồi vẫn trong tình trạng “đi mắc núi, ở lại mắc sông”!

Cần nhắc lại là điểm mới nhất về SGK theo quy định tại Nghị quyết 88 của Quốc hội là: “Thực hiện xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Đây là giải pháp huy động nguồn lực xã hội để không ngừng nâng cao chất lượng SGK, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân và chống độc quyền trong lĩnh vực này; phù hợp với xu hướng quốc tế.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng của Nghị quyết 29 về “xây dựng nền giáo dục mở”, “đa dạng hoá tài liệu học tập” và quan điểm về phát triển giáo dục của Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”.

Tuy nhiên, cùng với quy định về xã hội hoá việc biên soạn SGK, Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng viết: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

Theo lời văn và tinh thần của Nghị quyết thì yêu cầu Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK là để đề phòng trường hợp các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hoá không biên soạn đủ đầu sách cho các môn học theo quy định của chương trình GDPT.

Tới nay, trường hợp đó không xảy ra. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Thực hiện chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK, đến nay đã có nhiều tổ chức, cá nhân liên kết với nhiều nhà xuất bản có chức năng xuất bản SGK để tổ chức biên soạn, đề nghị thẩm định SGK. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT đã có nhiều SGK được phê duyệt đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, SGK mới”.

Theo yêu cầu “Bộ sách giáo khoa do Bộ tổ chức biên soạn” được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn” thì đây không phải là bộ sách “chuẩn”. Quan niệm phải có một bộ sách “chuẩn” là quan niệm không còn phù hợp với chủ trương xã hội hoá.

Hình như những lý do dẫn đến yêu cầu Bộ đứng ra biên soạn một bộ SGK không thuyết phục được Bộ trưởng nên ông đề nghị Đoàn giám sát phải làm rõ căn cứ vào điều gì từ thực tiễn cho thấy cần Bộ biên soạn một bộ sách; nếu làm sẽ giải quyết được những bất cập, thiếu sót gì.

Theo đó mới nên cân nhắc thực hiện việc này. Bởi hiện tại việc thay sách đã đi gần hết chặng đường, việc có một bộ sách của Bộ vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách giữa chừng rất lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) với Chính phủ

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Quốc hội nên cân nhắc hoặc bỏ yêu cầu Bộ GDĐT biên soạn một bộ SGK. Thực ra, việc này đã được quy định tại Nghị quyết số 122 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khoá XIV: “Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”.

Việc yêu cầu Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK vào lúc này vừa đi ngược lại Nghị quyết 122 cũng của Quốc hội mới được khoá trước ban hành, vừa không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước như quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Giáo dục và Nghị định số 86 ngày 24/10/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GDĐT, lại vừa không phù hợp với thực tế và dễ dẫn đến hậu quả xoá bỏ xã hội hoá, quay trở lại tình trạng độc quyền trong lĩnh vực SGK.

Trách nhiệm này không thể xem thường và chắc chắn sẽ được các hội nghị cuối nhiệm kỳ của Đảng, Quốc hội và Chính phủ mổ xẻ.

Cũng có ý kiến tại cuộc họp đề nghị Bộ GDĐT chọn những quyển SGK chất lượng nhất từ ba bộ sách hiện nay, làm thành bộ sách “chuẩn” của Bộ.

Về nguyên tắc, điều này không đúng với tinh thần đổi mới “một chương trình, nhiều SGK”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong lần đổi mới này, vai trò của SGK đã thay đổi: Từ chỗ lấy SGK làm chuẩn để dạy học và kiểm tra, đánh giá, việc dạy học, kiểm tra đánh giá phải dựa theo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình. Như vậy, mỗi quyển SGK không còn giữ vai trò “pháp lệnh” như quan niệm trước đây mà chỉ là một trong các tài liệu được giáo viên lựa chọn để dạy và học.

Thực hiện chủ trương xã hội hoá việc biên soạn SGK, rồi đây sẽ không chỉ có ba bộ SGK như giai đoạn đầu đổi mới này mà có thể có một số tổ chức, cá nhân, trong đó có giáo viên các cấp học, biên soạn những bộ sách hoặc quyển sách mới phù hợp hơn với đối tượng học sinh mỗi vùng, mỗi thời kỳ. Đó cũng là điều bình thường ở nhiều nước phát triển.

Về thực tế, rất khó chọn được một cách công bằng, khách quan (cũng giống như tình hình nhiều địa phương chọn SGK theo chỉ đạo hiện nay). Hơn nữa, tập hợp những quyển sách từ những bộ sách khác nhau thành một bộ sách “của Bộ” sẽ không bảo đảm được sự liên kết ngang, liên kết dọc giữa các quyển sách, các môn học.

Về hậu quả, điều nghiêm trọng nhất là sẽ xoá bỏ xã hội hoá, quay trở lại tình trạng độc quyền. Giao cho Bộ đứng ra làm hẳn một bộ sách mới hay chọn một số sách đã có làm thành SGK của Bộ đều không tránh được hậu quả này.

Hơn thế nữa, giải pháp này dễ dẫn đến mất đoàn kết giữa các các đơn vị làm SGK và tác giả SGK, có khả năng gây hỗn loạn ở một lĩnh vực vốn đã không mấy yên lành.

Lời kết

Giao Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK “chuẩn” là một thay đổi chính sách rất lớn, Quốc hội và Chính phủ cần tổ chức đánh giá tác động thật cẩn trọng trước khi đi đến bất cứ thay đổi nào.

Việc Bộ GDĐT cần làm bây giờ và toàn dân cần quan tâm, góp ý là hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vì nếu không thay đổi cách thi sẽ khó có thể thực hiện được Chương trình GDPT mới.

Bên cạnh đó, Bộ cũng cần chỉ đạo biên soạn SGK cho một số đối tượng đặc biệt, như học sinh khiếm thị, không để thầy cô những trường này phải mày mò làm sách tốn kém, vất vả.

T.V.T.

Nguồn: Tuần Việt Nam

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn