Bàn về Văn hóa

Peter Pho 

Bạn “phây” Tống Ngọc Chung còm (comment) rằng: “Thánh chém! Chém một bài về văn hoá đi anh, rất muốn được xem góc nhìn của anh về văn hoá, có cần phải như ông thứ trưởng này không ạ”. Ý bạn Chung muốn nói về phát ngôn của Thứ trưởng Đoàn Văn Việt rằng phải cần có tiền để chấn hưng văn hóa: “350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hóa là cấp thiết”. Đồng thời ông nói: “Việt Nam hiện nay hầu như vắng bóng tác phẩm tầm khu vực và thế giới. Ngành Văn hóa mong muốn đầu tư sáng tác để có những tác phẩm đỉnh cao, tầm cỡ, mang sức sống thời đại, nhất là trong văn học, nghệ thuật, hội họa. Nội dung này cần nguồn lực lớn, đầu tư nhiều năm chứ không đơn giản là tổ chức cho văn nghệ sĩ những chuyến thực tế hay trại viết trong vài tuần, vài tháng”.

Trên mạng cũng đã có quá nhiều bài bình luận về vấn đề này. Có một bài rất hay là bài của Chau Doan với tiêu đề “Không thể chấn hưng văn hoá nếu không hiểu điều này!”. Chau Doan với lập luận sắc bén chỉ ra được một trong những cốt lõi chính của vấn đề. Ở đây xin không lặp lại những ý các bạn đã gợi ra, mà chỉ xin bổ sung vài ý của riêng, tuy chỉ có thể gọi là góp vui thôi chứ không thể đem đến nghị trường để bàn luận. Bởi “văn hóa nghị trường” có bản sắc riêng của nó, là nơi tôn nghiêm, tập trung nhiều giới tinh hoa.

Nói về văn hoá thì phức tạp lắm, nhìn vào đâu cũng mang hai chữ “văn hoá”. Từ văn hoá ứng xử cho đến các thể loại văn hoá khác như văn hoá ẩm thực, văn hoá vỉa hè, văn hoá đi xe, văn hoá trên phây, văn hoá thưởng trà, văn hoá cà phê, văn hoá học đường, văn hoá giao tiếp, văn hoá bo, văn hoá đánh golf… đấy thuộc về những văn hoá trên nền tảng đạo đức. Nhưng trong quá trình phát triển của nhân loại mặt xấu của con người cũng được đưa vào văn hoá, ví dụ trong tiếng Anh có violence culture, rape culture, lad culture, homosexual culture… tức văn hóa bạo lực, văn hóa hiếp dâm, văn hóa đồng tính luyến ái…

Khái niệm văn hóa là vô cùng phức tạp, vô cùng đa dạng, có vài trăm khái niệm và định nghĩa khác nhau về văn hóa. Các vị làm văn hóa nên đi sâu tìm hiểu về văn hóa, và định hướng rõ ràng, chúng ta muốn chấn hưng thể loại văn hóa nào? Không thể nói chung chung được, nói không rõ ràng thì số tiền đưa ra cũng sẽ không rõ ràng. Có lẽ văn hóa các vị muốn nói ở đây là văn hóa ứng xử và văn học nghệ thuật. Văn hóa ứng xử của người Việt lão cho là đã đạt tiêu chuẩn tốt trở lên. Dân Việt lễ độ, nhiệt tình, mến khách, không thô lỗ hung bạo như nhiều chủng tộc man rợ khác trên thế giới. Ông cha ta đã để lại một di sản ứng xử từ trong nhà đến học đường, xã hội, có phép tắc, lễ độ, có trên dưới rõ ràng. Chúng ta chỉ cần biên soạn lại những nguyên tắc đạo đức ấy đưa vào sách giáo khoa, đưa vào giảng dạy. Từ gia đình đến nhà trường đều chú trọng dy bảo thế hệ sau của mình, dần dần văn hóa sẽ nẩy mầm nở hoa ăn sâu vào tiềm thức con người. “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” là vậy. Chứ không thể bỏ tiền để mua văn hóa, để thay đổi văn hóa được. Trên thực tế, gia đình nào càng có tiền càng lơ là việc dy bảo con cái thì đa số các thằng con lớn lên đều mất dy. Cậy tiền cậy của ăn chơi đàng điếm, khoe mẽ, hút sách dẫn đến hư hỏng. Ngược lại những đứa trẻ con nhà nghèo lại biết thân biết phận, tự khép mình lại, kính trên nhường dưới, chịu khó, chịu khổ cố gắng học hành vươn lên. Những tấm gương của các nhân vật thành công đều xuất thân từ nhà nghèo. Cái khó bó cái khôn, văn hóa được tích lũy bởi tháng ngày rèn luyện và đào thải, bỏ cái xấu, giữ cái tốt, chứ không phải có tiền mới vực được văn hóa lên. Nó là một thứ ẩn chứa trong tinh thần chứ không từ vật chất mà ra. Văn hóa cũng không thể hô khẩu hiệu, giăng biểu ngữ, xây tượng đài rồi nhìn vào đấy mà có văn hóa. Văn hóa là sự lan tỏa từ nền tảng gia đình, nhà trường, cộng đồng, tự nhiên mà hình thành, không thể nhồi nhét, cưỡng bức để có văn hóa. 

Không thể cầm một nắm tiền vứt vào mặt kẻ khác rồi hô biến thành văn hóa thì nó sẽ văn hóa. Kiểu như: “Hey, tao cho mày tiền, mày sống cho có văn hóa nghe!”. Thằng cầm tiền sung sướng nghĩ bụng: “Văn, văn cái …, bố mày đói lép dạ dày rồi đây. Cầm tiền đi nhậu bữa cho no nê rồi tính”. Đấy, vấn đề cấp bách hiện này là làm thế nào để dân giàu lên, nghĩ cách để dân có việc làm, để họ có tiền, giải quyết cơm no áo ấm chứ không phải giải quyết vấn đề văn hóa mà họ đã mập mờ có nền tảng. Có thực mới vực được đạo. Đói meo thì giảng về đạo lý gì họ cũng đếch nghe vô. Mà phú quý thì tự nhiên sẽ sinh lễ nghĩa. Khi mà cả xã hội giàu lên tinh thần của mọi người đồng loạt nâng cấp. Họ tự nghiệm ra phải hành xử thế nào cho có văn hóa. Họ sẽ cảm thấy xấu hổ nếu mình kém văn minh trong cộng đồng. Ở Mỹ, khi lái xe đến những đoạn đường hoang vu không bóng người, lão vẫn dừng xe chờ đèn đỏ. Đấy là văn hóa với một bề dày liên đới với luật lệ, nguyên tắc sống được hình thành từ trên xuống dưới trong một xã hội văn minh.

Còn về khía cạnh về: “… đầu tư sáng tác để có những tác phẩm đỉnh cao, tầm cỡ, mang sức sống thời đại, nhất là trong văn học, nghệ thuật, hội họa”,  xin thưa là nếu có tiền mà viết được văn học, sáng tác được nghệ thuật hội họa thì các vị thần Hy Lạp cũng cười rớt quai hàm. Giải Nobel văn học chắc chỉ có Mỹ chiếm hết, vì thằng Mỹ nhiều tiền để đầu tư vào sáng tác văn học nghệ thuật…

Từ cổ đến kim các nhà văn nhà thơ tiếng tăm lừng lẫy đa số đều xuất thân bần hàn. Có thằng trọc phú nào trở thành nhà văn nổi tiếng không? Có nhốt các ông nhà văn lại trong trại sáng tác vỗ béo đến một năm thì tôi cũng cam đoan không thể viết nổi ra một tác phẩm cao, tầm cỡ chinh phục được độc giả xứ Việt chứ chưa thể bốc phét đến mức làm rung chuyển thế giới được. Đầu tư đến mấy cũng như nước đổ đầu vịt mà thôi! Văn là nghệ thuật, là bẩm sinh, là linh cảm, là khí thiêng trời đất hun đúc ra một cây viết có thể hô phong hoán vũ ngả nghiêng đất trời. Văn đàn Việt Nam hiện nay liệu có nhà văn nào để phải ngả mũ không đây?

Văn hoá là cái không nhìn thấy nếu không muốn dùng từ ảo. Tiền là của cải thực chất. Đem cái thực đầu tư vào cái ảo là viển vông. Xin để 350.000 tỷ đồng để chấn hưng kinh tế, đem lại công ăn việc làm cho người dân từ miền xuôi đến miền ngược. Khi họ đã không lo lắng về đời sống cơm áo gạo tiền thì văn hóa sẽ hình thành; 350.000 tỷ đồng này tập trung khai thác nguồn du lịch Việt Nam là có lý, đáng để đầu tư và rất cấp bách, phù hợp với một đất nước có nhiều tài nguyên du lịch như nước ta. Lão tôi sẵn sàng đem trí tuệ và kinh nghiệm của mình cống hiến cho sự nghiệp làm cho dân giàu nước mạnh một cách thiết thực, chứ đừng ảo, quá ảo, nhìn không ra, vơ không được, tốn tiền mà chẳng được cái tích sự gì!

P.P.

Nguồn: FB Peter Pho

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn