Mấy trao đổi nhỏ với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu về vấn đề sách giáo khoa mới

Thái Hạo 

Trên trang Facebook cá nhân của mình, Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu có bài “Những sai lầm mang tính nguyên tắc trong biên soạn sách giáo khoa mới”. Xét thấy bài viết đề cập và mổ xẻ một vấn đề quan trọng trong bối cảnh nền giáo dục đang tròng trành này, với tư cách là một người quan tâm đến giáo dục, tôi cũng nhân đây mà mượn sự trao đổi với TS Chu để nói lên quan điểm của mình.

Bàn về sách giáo khoa mới, bài viết của TS Chu có 5 mục lớn, nhưng tựu trung có thể khái quát lại trong 3 nội dung: thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Tinh thần của bài viết là Sách giáo khoa mới “bộc lộ những sai sót nghiêm trọng. Những sai sót ấy “là hậu quả tất yếu từ những sai lầm mang tính nguyên tắc về cách tiếp cận trong thiết lập cơ chế soạn SGK”.

Bài viết của tác giả khá dài, đề cập đến nhiều nội dung phong phú, vì thế sẽ bất tiện nếu bám theo từng câu chữ để trao đổi. Cho nên, tôi sẽ lảy ra những nội dung mà mình cho là cốt lõi, từ đó sẽ trình bày quan điểm về những vấn đề có liên quan cũng như nêu nhìn nhận chung của bản thân về nội dung được đề cập.

***

Trước tiên, cũng như TS Nguyễn Ngọc Chu, tôi thấy sách giáo khoa mới, ít nhất là trong môn Tiếng Việt và Ngữ văn vốn thuộc chuyên ngành của tôi, còn có những hạn chế, những ‘hạt sạn’. Điều này vừa khó tránh khỏi nhưng cũng là điều phải hết sức tránh và cần hoàn thiện ngay trong lần tái bản gần nhất.

Tuy nhiên, trong những trình bày của tác giả, có những điểm tôi thấy vẫn cần phải được xem xét lại một cách thận trọng hơn.

I. Về mấy nội dung cụ thể

1. Trong phần nêu hạn chế, TS Chu đưa ra nhận định đầu tiên: “Hạn chế chỉ một chương trình khung và một tổng chủ biên”. Ông viết “Quy định một bộ khung chương trình duy nhất cho giáo dục là ràng buộc tiến hoá. Tự do học thuật cần nhiều chương trình”.

Giáo dục Mỹ có bao nhiêu chương trình? Thực ra dùng chữ “chương trình” trong trường hợp này cũng không chính xác lắm vì Mỹ gọi là “Tiêu chuẩn học tập”, nghĩa là nó “lỏng lẻo” và đơn giản hơn “chương trình” nhiều. Ở Mỹ có bao nhiêu bang thì có bấy nhiêu Tiêu chuẩn học tập! 

Tuy nhiên vấn đề không chỉ có thế. Đến năm 2012, sau suốt quá trình lịch sử độc lập về Tiêu chuẩn học tập giữa các bang, thì trước sự bộc lộ những bất cập quá lớn của nó, một “Tiêu chuẩn cốt lõi” đã ra đời. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, hơn 40 bang đã theo cùng các tiêu chuẩn học tập trên toàn quốc, thay vì tự mình lập nên tiêu chuẩn riêng. Trong cuộc tranh cử tổng thống, ông D. Trump tuyên bố sẽ xóa bỏ cái Tiêu chuẩn cốt lõi này. Tuy nhiên ông đã không làm được điều đó trong suốt nhiệm kỳ của mình. 

Nghĩa là gì? Ngay cả Hoa Kỳ, một quốc gia vốn theo nhiều “chương trình” nhưng đến hiện tại lại đi ngược để về chỗ một chương trình. Lý do là gì? Viết hết ra thì dài, nhưng tựu trung là nó chống được sự “thống trị” của các bang lớn lên vấn đề nội dung sách giáo khoa lẫn giá cả của chúng và nhiều vấn đề khác nữa.

Như vậy, đề xuất nhiều chương trình khung của TS Nguyễn Ngọc Chu cũng rất cần sự tham chiếu để thấy chiều đi của các nước văn minh.

2. Vấn đề hạn chế vì chỉ có một tổng chủ biên. Theo tôi, không một người nào có thẩm quyền chuyên môn trong cả mười mấy môn học, đó là chưa kể trong mỗi môn lại có những phân ngành mà không phải nhà khoa học nào cũng am tường tất cả. Cho nên, nếu muốn tìm một tổng chủ biên bách khoa, e khó hơn lên trời.

Vậy, nên giải quyết vấn đề này thế nào? Phân công nhiệm vụ. Tổng chủ biên không phải người sẽ can thiệp vào tri thức chuyên ngành của từng môn học, mà ông ta sẽ thiết kế cái khung chung nhất dựa trên các tri thức về Giáo dục học chứ không phải kiến thức chuyên ngành. Như vậy, nhà chuyên môn cần đặt vào vị trí tổng chủ biên là một nhà Giáo dục học chứ không phải một nhà bách khoa. Còn việc GS Nguyễn Minh Thuyết có đủ năng lực để đứng ở vị trí tổng chủ biên ấy hay không, tôi xin phép không lạm bàn.

3. Hạn chế thứ ba mà TS Chu nêu lên là “Nhìn vào chủ nhân của các bộ SGK và các tác giả SGK, thì biết đây là sân chơi khép kín của một nhóm người chơi. Đây là rào cản đối với tự do học thuật, mà hệ quả là không cho ra đời được những bộ SGK tốt”.

Sách giáo khoa mới được viết trên tinh thần xã hội hóa, nghĩa là do tư nhân soạn, tư nhân bán, còn Bộ GD-ĐT là người duyệt, quyết định chúng có được ra thị trường và được phép sử dụng hay không. Nghĩa là về mặt nguyên tắc thì đây không phải là sân chơi khép kín của một nhóm người.

Tôi không biết có vấn đề lợi ích nhóm gì trong các mối quan hệ này hay không, vì không có thông tin xác thực, tuy nhiên với tinh thần “Một chương trình, nhiều bộ sách” thì nó có nghĩa là mọi người đều có thể viết sách, chỉ cần sách được duyệt và một nhà xuất bản đồng ý hợp tác in. 

Duy chỉ có điều đáng tiếc nhất ở đây, là tinh thần “Một chương trình, nhiều bộ sách” này đã bị thực hiện không trọn vẹn, thay vì “nhiều” thì cuối cùng chỉ chốt lại có 3 bộ. Đó có lẽ là một thất bại hay một bước lùi trên con đường hiện đại hóa giáo dục Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, tôi vẫn hi vọng rằng, trong tương lai, cái chữ “nhiều” ấy sẽ được mang đúng ngữ nghĩa của nó, là mỗi nhà giáo đều có quyền viết và bán sách của mình, mọi vấn đề còn lại là do chất lượng sách và thị trường quyết định.

4. Hạn chế thứ tư mà tác giả nêu lên, là bởi vì cả một tập thể viết sách giáo khoa cho nên dẫn đến việc cho ra đời những bộ sách dở. Vì, theo ông, “Không có sách giáo khoa xuất sắc nào - được viết bởi 5-7 tác giả. Những bộ sách giáo khoa xuất sắc nhất - tuyệt đại đa số là của 1 tác giả, một số rất ít có 2 tác giả”.

Theo tôi, nhận định này của tác giả cần được kiểm chứng. Ví dụ, như ở Úc, thì thấy số sách giáo khoa do một tác giả độc lập biên soạn chiếm khá nhiều, tuy nhiên Sách vỡ lòng tập đọc cho lớp 1 của Nxb HMH được sử dụng ở nhiều học khu nước Mỹ có tới 15 tác giả.

Hình do GS Trần Quốc Anh cung cấp

Đáng chú ý hơn, cuốn Toán lớp 3 ở Nhật, theo một hình chụp danh sách tác giả, chúng tôi đếm được tới 94 cái tên! Cuốn Quốc văn cũng tương tự. Mà chắc hiếm ai nói giáo dục Nhật Bản hay sách giáo khoa của quốc gia này hỏng cả. Đáng tiếc là hiện chúng tôi chưa liên hệ lại với được với người cung cấp để xin ảnh trang bìa của sách, nên chưa tiện đưa hình lên. Chúng tôi sẽ cập nhật khi có thêm thông tin.

Một ví dụ khác, dẫn từ status của GS Hoàng Dũng: “Cuốn "World History: Patterns of Interaction" (Lịch sử Thế giới: Mô hình Tương tác). Đây là cuốn giáo khoa về lịch sử thế giới, dùng để dạy cho lớp 9 hoặc lớp 10 của bậc trung học phổ thông tại Hoa Kỳ, được sử dụng rất rộng rãi và được đánh giá cao.

Cuốn sách có năm tác giả. Ngoài ra, còn có các nhà tư vấn về nội dung (9 người), về đa văn hóa (5 người), một đội ngũ các thầy cô đọc góp ý (22 người); các thầy cô tư vấn (38 người), thậm chí huy động cả học sinh (27 em) đọc giúp.

Như thế, đội ngũ tham gia đông đảo và không chỉ là tác giả cuốn sách.

Tất nhiên, không thiếu những cuốn sách giáo khoa mà tác giả chỉ có một hai người. Nhưng những cuốn được viết bởi năm bảy tác giả không phải là không có. Và đánh giá chất lượng sách thì phải căn cứ vào nội dung của chính cuốn sách” (Hết trích).

Cuốn World History: Patterns of Interaction (Lịch sử Thế giới: Mô hình Tương tác)

Xin dẫn thêm sách Toán của Mỹ. Hình dưới là hai cuốn, đều các nhóm tác giả lần lượt là 4 và 5 người biên soạn. Đó là chưa kể những thành phần khác không xuất hiện trên bìa sách.

Hình do thầy giáo dạy Toán-Mỹ Võ Quốc Vương cung cấp

Và nói đâu xa, bộ sách Quốc văn giáo khoa thư của Việt Nam do nhóm 4 tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thuận biên soạn, đến nay đã gần 100 năm nhưng vẫn được coi như mẫu mực.

Vậy, câu chuyện là phải xem lại cái logic giữa chất lượng sách giáo khoa và số lượng tác giả, ở đây rõ ràng nó không phải mối quan hệ nhân quả kiểu tỉ lệ nghịch. Mỗi lựa chọn đều có ưu và nhược riêng, vì thế, có lẽ vấn đề nằm ở chỗ khi làm việc nhóm thì sự lên kế hoạch, phân công và hợp tác là quan trọng, chứ không phải cứ mỗi người viết một cuốn thì tốt hơn nhiều người cùng viết!

5. Hạn chế thứ năm mà tác giả nêu lên là sự chi phối của lợi ích kinh tế. Tác giả viết “Tất cả các nguyên nhân trên đều chịu sự điều phối của nguyên nhân bao trùm là lợi ích kinh tế. Lợi ích kinh tế mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Chính lợi ích kinh tế đã đưa SGK mới đến tình trạng hiện nay”. Quan điểm này của tác giả còn được lặp lại nhiều lần dưới những cách nói khác nhau, như “chừng nào còn đếm trang để tính kinh phí thì sách giáo khoa còn bị tiếp tục vẽ rồng vẽ rắn”.

Đầu tiên, cần nhắc lại một lần nữa rằng, sách giáo khoa cho Chương trình giáo dục mới (2018) là được biên soạn trên nguyên tắc xã hội hóa. Vì thế, ngoài vấn đề tri thức và giáo dục ra, nó tất yếu phải vận động theo quy luật thị trường, đó là vấn đề không cần bàn cãi.

Ở Mỹ sách giáo khoa có giá cả thế nào? Trung bình khoảng 100 đôla/quyển! So với Việt Nam khoảng trên dưới 20 nghìn đồng thì có nghĩa là sách giáo khoa ở Mỹ đắt gấp trăm lần. Và nó dày, rất dày, một cuốn sách Toán phổ thông có thể lên đến cả nghìn trang, gấp nhiều lần sách của Việt Nam.

Vậy khác nhau chỗ nào? Đắt đỏ như vậy nhưng may, học sinh Mỹ không phải tự bỏ tiền mua sách. Sách là do nhà trường/địa phương mua và cho học sinh mượn. Sách để tại trường, không đem về nhà. Học sinh chỉ phải đền tiền nếu làm mất hoặc hỏng sách.

Ngành sách giáo khoa ở Mỹ là một ngành kinh doanh béo bở với thị trường như năm 2017, chỉ riêng sách giáo khoa từ mầm non đến hết lớp 12 đã tạo ra doanh thu 3,62 t đôla cho các nhà xuất bản. Lưu ý, đó là sách cũ còn dùng lại được vì học sinh học xong thì trả lại, nghĩa là chỉ tính phần mua mới, mua thêm mỗi năm.

Còn về chuyện TS Chu cho rằng các tác giả Việt Nam cố tình viết cho dài để bán đắt thì cũng xin lưu ý một nguyên tắc chi trả nhuận bút như sau: nhuận bút được trả theo số tiết chứ không theo số trang. Nghĩa là với cách trả tiền ấy, viết càng dài thì càng... dại, chứ chả được lợi lộc gì. 

6. Về việc sửa văn của người khác. Đối với vấn đề này, tôi nghĩ tiện nhất có lẽ là tham khảo bài viết của GS Hoàng Dũng đã đăng trên FB cách đây 2 năm. Ông viết: “Thực tế cho thấy khó lòng tìm được một văn bản truyện (với thơ thì khác) vừa đúng với ý đồ biên soạn của các tác giả sách giáo khoa, vừa không quá khó đối với trình độ học sinh, lại vừa trong phạm vi độ dài quy định. Cho nên, đối với phần lớn các văn bản truyện, bộ sách giáo khoa nào cho cấp Tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp, cũng phải cắt gọt, chỉnh sửa. Việc dạy nguyên bản (không chỉnh sửa) các văn bản truyện chỉ khả thi đối với sách giáo khoa cho cấp Trung học. Nếu không cắt gọt, chỉnh sửa thì các tác giả sách giáo khoa Tiểu học chỉ còn một cách: tự mình viết văn bản. Mà cách này chưa nói chuyện bất khả thi, chắc gì đã tốt hơn!”. Tôi còn nói thêm: “Những ai đã quen thuộc với cách biên soạn sách giáo khoa đều hiểu như thế”. 

Mời đọc bài đầy đủ của GS Hoàng Dũng ở đây.

Còn một số nội dung khác mà tôi cũng chưa hoàn toàn nhất trí với tác giả Nguyễn Ngọc Chu, tuy nhiên vì bài viết đã quá dài, nên xin tạm gác lại, hoặc nếu sau này có điều kiện sẽ trao đổi sau.

II. Mấy suy nghĩ về sách giáo khoa mới 

1. Về nguyên tắc chung

Theo tôi, sách giáo khoa được biên soạn trên tinh thần xã hội hóa, đó là một bước đi đúng. Hãy để tư nhân làm sách, phá thế độc quyền, thị trường sẽ tự vận động theo quy luật cung cầu và quy luật giá trị khách quan vốn có của nó. 

Điều này không những là một bài toán kinh tế hợp lý mà hơn thế, nó kích thích sáng tạo, tạo ra đa dạng sự lựa chọn cho người dạy và người học, giúp đào thải các bộ sách kém chất lượng theo đúng quy luật khách quan một khi sự cạnh tranh lành mạnh được đảm bảo.

Xin nói rộng thêm về cách làm của Mỹ đối với việc viết sách, bán sách, mua sách và dùng sách giáo khoa. Sách do nhiều nhà xuất bản tư nhân ấn hành, nội dung các sách thường không giống nhau – tất nhiên rồi, còn việc chọn in của tác giả/nhóm tác giả nào đó là việc riêng giữa họ (NXB) và tác giả. 

Sau khi sách đã “tràn ngập thị trường” thì các nhà trường hoặc hoặc sở/hạt giáo dục địa phương sẽ tiến hành mua. Đầu tiên là sẽ có một nhóm chuyên gia đứng ra chọn, sau đó đưa lên cho công chúng xem, ai có ý kiến gì thì nêu ra, sau một thời gian ấn định nếu những sách ấy được chấp nhận thì nhà nước sẽ quyết định mua, và giao về cho nhà trường quản lý. Đến lượt mình, nhà trường sẽ cho học sinh mượn, học xong, cuối ngày để lại trường, hết năm thì trả lại. 

Sách giáo khoa ở Mỹ “thay đổi xoành xoạch”, bởi như đã nói, trước 2012 thì mỗi tiểu bang có một bộ Tiêu chuẩn học tập riêng và các nhà xuất bản thì thay mới sách liên tục, vì thế các nhà trường cũng sẽ phải cập nhật. Sau 2012, dù đã có bộ Tiêu chuẩn cốt lõi nhưng không phải dành cho tất cả các môn học, và nó cũng không cứng nhắc cho nên sách cũng vẫn thay đổi luôn luôn.

Một điều nữa, là ở Mỹ, sách giáo khoa tuy đã có nhiều bộ nhưng chính nó lại cũng chỉ là một trong các loại học liệu rất đa dạng và phong phú được tập hợp trong thư viện. Và học sinh Mỹ có thể cả tháng trời không hề đụng tới sách giáo khoa!

Như vậy, cái mà chúng ta cần “bắt chước” các nước tiên tiến, là hãy để thị trường tự vận động, viết hay viết dở gì kệ họ, nhưng chọn là quyền của nhà nước/nhà trường/và người dân. Như vậy, vừa không phải nhọc công can thiệp vào việc viết lách của tư nhân mà vừa chọn được những bộ sách tốt do sự đa dạng của thị trường mang lại. Thứ nữa, là nhà nước nên đầu tư mua sách giáo khoa và cho học sinh mượn/thuê với giá rẻ, không bắt các em phải tự bỏ tiền mua sách nữa. Làm như thế vừa đỡ lãng phí một nguồn lực quốc gia khổng lồ mỗi năm, vừa dạy được cho học sinh cách bảo quản và trân trọng sách vở, giúp giảm gánh nặng cho người dân.

2. Về những điểm sáng của sách giáo khoa mới

Tôi là người trực tiếp học chương trình giáo dục và sách giáo khoa cũ, lúc đi dạy thì dạy bộ sách giáo khoa mới hơn (bộ 2000), cho đến nay thì tôi đang được cầm bộ sách giáo khoa mới nhất trên tay. Xin có mấy nhận xét như sau.

Sách giáo khoa cũ (2000) trong “Yêu cầu cần đạt” ghi ngay trong sách Ngữ văn 10 Tập Hai, bài đầu tiên, Phú sông Bạch Đằng: Qua những hoài niệm về quá khứ, thấy được niềm tự hào về truyền thống của dân tộc và tư tưởng nhân văn của tác giả với việc đề cao vai trò, vị trí của tác giả trong lịch sử; Nắm được đặc trưng cơ bản của thể phú về các mặt kết cấu, hình tượng nghệ thuật, lời văn, đồng thời thấy được những đặc sắc nghệ thuật của Phú sông Bạch Đằng (hết). “Thấy được”, “nắm được”, tức là chỉ có yêu cầu về mặt kiến thức. Cũng có nghĩa, nó lấy kiến thức làm mục tiêu gần như duy nhất của môn học. 

Điều này có lẽ không còn phải bàn cãi nhiều nữa, đó là một sự lạc hậu và hạn chế quá lớn. Một lần có người muốn test trí thông minh của Einstein, và hỏi ông về vận tốc của âm thanh. Ông trả lời: Cái này có trong sách mà!

Ngày nay, với sự hỗ trợ của máy tính và mạng internet, dù kiến thức chưa bao giờ bị coi nhẹ nhưng nó đã tìm được một kho lưu trữ vạn năng và tiện lợi hơn rất nhiều so với việc chất tất cả vào đầu óc con người. Giáo dục, lúc này, cần dạy con người ta biết cách tư duy (chứ không phải chỉ ghi nhớ), và từ đó “phát triển phẩm chất và năng lực” như chương trình và sách giáo khoa 2018 đang đề ra và theo đuổi. Tôi cho rằng, cách đặt mục tiêu giáo dục của chương trình mới (được cụ thể qua sách giáo khoa) là đúng đắn, tiến bộ.

3. Về mấy điểm tiến bộ trong chương trình mới

Thứ nhất là Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng mở. Nó không quy định quá chi tiết, để từ đó, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong giảng dạy. Chưa bao giờ giáo viên có nhiều “quyền bính” trên bục giảng như bây giờ.

Nếu trước kia giáo viên cơ bản chỉ là người thuộc bài trước học trò, đi dạy là nói lại sách giáo khoa như người truyền thánh chỉ thì nay họ đã có quyền thiết kế lại bài học, tự mình xây dựng ngữ liệu, được tự chủ trong kiểm tra đánh giá... Địa vị chuyên môn của người thầy được nâng lên chưa từng thấy.

Thứ hai, đối với môn Ngữ văn, việc thi ngữ liệu ngoài sách giáo khoa là một thay đổi lớn và có ý nghĩa nhiều mặt. Một khi việc học là để phát triển phẩm chất và năng lực (chứ không phải thuộc bài) thì thi bên ngoài SGK sẽ giúp đắc lực trong việc tiêu diệt văn mẫu, kích thích học thật, giá trị thật; tạo tiền đề cho con người suy nghĩ độc lập và hướng đến làm người tự do.

Chương trình được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các k năng đọc, viết, nói và nghe. Đây là mục tiêu và cách thức tổ chức đúng đắn, vì học môn Ngữ văn là học tiếng Việt, trong đó có tiếng Việt văn chương. Nếu còn sa đà vào việc ê a ngâm ngợi thơ phú thì môn học sẽ còn đi chệch hướng, biến môn Ngữ văn trở thành một môn bình văn, và đẩy đi xa hơn nữa là một môn phê bình văn học.

Còn nhiều lý do nữa khiến tôi ủng hộ chương trình này, nhưng tạm nêu ra chừng ấy đã. Tất nhiên vẫn có những hạn chế, những "hạt sạn" khó tránh khỏi, tuy nhiên trong hoàn cảnh trước mắt, chúng ta cần nắm lấy những mặt tích cực căn bản ấy, và tận dụng hết mức có thể đồng thời không ngừng hoàn thiện những hạn chế.

III. Tạm kết

Khi đi dạy, vì đã quá chán ngán với lối dạy - học cũ mang tính văn mẫu, thuộc lòng và trì trệ, tôi thúc đẩy và bắt tay vào thay đổi, nhưng cũng ngay lúc đó tôi nhận ra, có nhiều lực cản hơn tôi tưởng, mà trong đó chính giáo viên và ngay cả những người đang kêu gào đối mới mới là những người sợ hãi cái mới nhiều nhất. Rất khó để đẩy họ bước đi. Họ không có niềm tin, một phần; phần khác là lười; và phần lớn hơn là tìm cách chạy trốn.

Nhiều người nói phải “xóa bài làm lại”, tôi chẳng tin. Tôi chẳng tin khi cơ hội được trao vào tay và đang khá an toàn như thế này mà họ còn bỏ chạy, thì trước một đống đổ nát, họ sẽ xông vào dọn dẹp và nhặt từng viên gạch để xây nên tòa nhà mới sao? Khó tin!

Chương trình giáo dục mới đang trao những cơ hội mới vào tay mỗi giáo viên và cũng là cơ hội cho cả xã hội, khước từ và quay lưng thì dễ, bắt tay vào với từng chút vôi vữa, gạch ngói, đó mới là việc khó làm. Nhưng phải làm, nếu muốn những đổi thay trong giá trị làm người, làm nghề.

T.H.

Bài đã đăng trên Văn Việthttp://vanviet.info/.../may-trao-doi-nho-voi-tien-si.../

Tác giả gửi BVN

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn