Nguy cơ khủng hoảng đang phủ bóng đen ở Biển Đông

Michael J. Mazarr Foreign Affairs ngày 09 tháng 02 năm 2024

Biên dịch: Đinh Tùng Lâm | Hiệu đính: Vân Phạm

Hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu Philippines. Ảnh: Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines

Khi Trung Quốc ngày càng đe dọa sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan thì Hoa Kỳ đang tập trung một cách đúng đắn vào nguy cơ xung đột trên hòn đảo này. Dù vậy, vẫn có nguy cơ xảy ra khủng hoảng, đối đầu và thậm chí chiến tranh ở một khu vực khác – Biển Đông. Trung Quốc đang tích cực theo đuổi các yêu sách của mình trên khắp vùng biển, nơi có hơn 3 nghìn tỷ USD giá trị thương mại được vận chuyển qua đó mỗi năm. Trong thập kỷ qua, Bắc Kinh đã xây dựng các căn cứ quân sự trên một loạt đảo nhân tạo và quấy rối các quốc gia khác có yêu sách chủ quyền trên biển. Gần đây nhất, nước này đã làm tăng nguy cơ xảy ra thảm họa khi chặn tàu và máy bay của Hoa Kỳ và các đồng minh một cách không an toàn.

Căng thẳng đặc biệt nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Philippines trong cuộc đối đầu kéo dài ở Bãi Cỏ Mây. Trong nhiều năm, Philippines đã duy trì yêu sách đối với rạn san hô chìm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này thông qua một tiền đồn tạm thời – tàu đổ bộ xe tăng Sierra Madre đã mắc cạn 25 năm trước. Trong năm qua, các tàu Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng, tia laser và những cú đâm va để đe dọa các nhiệm vụ tiếp tế của Philippines.

Với tình hình tàu Sierra Madre có nguy cơ hư hỏng nặng, Philippines sẽ sớm cần xây dựng lại tiền đồn, một bước đi mà Bắc Kinh sẽ không chấp nhận. Trong khi đó, vào tháng Giêng, Philippines đã công bố kế hoạch củng cố tới 9 khu vực biển tranh chấp dưới sự kiểm soát của nước này. Tất cả những điều này làm cho nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp ở Biển Đông cao hơn bao giờ hết – và Hoa Kỳ đã nhiều lần hứa sẽ tuân thủ Hiệp ước phòng thủ chung Hoa Kỳ - Philippines năm 1951. Nếu Bắc Kinh tấn công trực tiếp các tàu của Philippines, Washington sẽ bị buộc phải đáp trả.

Điều phức tạp hơn là, bất kỳ cuộc khủng hoảng nào ở Biển Đông trong tương lai đều có thể làm nổi bật một điểm yếu rõ ràng trong chiến lược lớn hơn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc: thiếu tầm nhìn rõ ràng về thành công. Các quan chức Hoa Kỳ đã nói rằng họ không cố gắng tạo ra một sự chuyển đổi kiểu Chiến tranh Lạnh đối với hệ thống Trung Quốc, chẳng hạn như sự chấm dứt sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hoa Kỳ khó có thể đạt được chiến thắng toàn diện trong cuộc chiến với Trung Quốc. Kết quả là, Washington đã không thể xác định được sự thành công trông như thế nào và chiến lược của Hoa Kỳ được thiết kế như thế nào để đạt được thành công đó. Những thiếu sót này có thể sẽ là vấn đề trung tâm trong một cuộc khủng hoảng mới, khi Washington sẽ cố gắng đáp trả để đạt được tiến bộ về các mục tiêu dài hạn rõ ràng. 

Trong ngắn hạn, một cuộc đối đầu quân sự dường như khó xảy ra, một phần vì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc và củng cố quyền kiểm soát chính trị trong nước, đã thể hiện mong muốn giảm bớt căng thẳng với Hoa Kỳ. Nhưng những sự cố hàng hải và hành động khiêu khích thường xuyên hơn bao giờ hết ở Biển Đông gần như sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng. Khủng hoảng khi xảy ra sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, chứng minh rằng chỉ phản đối sức mạnh và tham vọng của Trung Quốc sẽ không đủ để duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược kéo dài một thập kỷ, dù bằng cách dựng lên các rào cản đối với khả năng và ảnh hưởng của Bắc Kinh hay tăng cường răn đe.

Trong chiến lược rộng lớn hơn đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ phải cạnh tranh mạnh mẽ, nhưng cũng phải đặt nền móng cho mối quan hệ ổn định với Bắc Kinh mà đến một lúc nào đó có thể chuyển sang hình thức cùng tồn tại, tôn trọng lẫn nhau. Đây là kết quả trung hạn đáng tin cậy duy nhất của sự cạnh tranh Mỹ - Trung mà không đi tới  chiến tranh. Đối với Hoa Kỳ, điều này có nghĩa là kết hợp sự cản trở với các cách tiếp cận đa phương quả quyết để giải quyết các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc. Một cuộc khủng hoảng ở Biển Đông sẽ tạo ra một cơ hội nguy hiểm nhưng không thể bỏ qua để đi theo hướng này.

KỊCH BẢN TRÊN BIỂN

Thật dễ dàng để phóng đại ý định thống trị thế giới của Trung Quốc. Kết hợp giữa mở rộng năng lực hàng hải, chủ nghĩa dân tộc và lợi ích cố hữu của nhà nước độc đảng đã tạo ra một kiểu hành vi ở Bắc Kinh, thường trông giống như một nỗ lực giành bá quyền, nhưng có thể cũng chỉ là quán tính như bất kỳ kế hoạch chính thức nào nhằm giành quyền bá chủ toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay khó có thể phủ nhận rằng Bắc Kinh đang tìm cách trở thành cường quốc thống trị Châu Á và muốn thực hiện quyền phủ quyết đối với các hành động quân sự và địa chính trị quan trọng nhất của các nước khác. Một phần quan trọng của chương trình nghị sự này là nỗ lực của Trung Quốc nhằm buộc các bên tranh chấp đối địch ở Biển Đông phải nhường bước. 

Khả năng chấp nhận rủi ro của Bắc Kinh trong chiến dịch này dường như đang tăng lên. Trong những năm gần đây, nước này đã đẩy nhanh tốc độ các hành động cưỡng chế không chỉ đối với Philippines mà còn với cả Indonesia và Việt Nam. Theo một báo cáo từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể các hành động nguy hiểm gần tàu và máy bay của Hoa Kỳ và đồng minh: chỉ trong hai năm qua, tàu và máy bay Trung Quốc đã gây ra gần 300 sự cố như vậy, nhiều hơn tổng số của cả thập kỷ trước. Và kể từ giữa năm 2023, Trung Quốc đã liên tục đuổi theo các tàu Philippines đang cố gắng tiếp tế cho Sierra Madre. Do đó, tranh chấp Biển Đông đã trở thành một phép thử về khả năng áp đặt ý chí của một cường quốc chuyên quyền lên các nước láng giềng nhỏ hơn.

Biển Đông cũng là nơi đang đưa ra phán quyết về sự sẵn sàng của Washington có đứng về phía những nước chống lại sự bắt nạt của Bắc Kinh. Để báo hiệu cam kết này, Hoa Kỳ đã củng cố vị thế trong khu vực. kể từ năm 2019,  Hoa Kỳ luôn khẳng định rằng hiệp ước phòng thủ Hoa Kỳ - Philippines bao gồm các cuộc tấn công vào lực lượng vũ trang, tàu công cộng hoặc máy bay của Philippines. Hoa Kỳ đã tổ chức các cuộc tuần tra và tập trận chung với Úc, Canada và Nhật Bản hay tiến hành các hoạt động tự do hàng hải gần Bãi Cỏ Mây lần đầu tiên vào tháng 12. Washington cũng công bố viện trợ quân sự và thương vụ vũ khí mới cho Philippines để đảm bảo an ninh hàng hải và tự vệ. Tuy nhiên, vẫn có quan niệm cho rằng Trung Quốc đang dần dần giành được quyền kiểm soát vùng biển và một cuộc khủng hoảng mới sẽ đặt ra một thử thách quan trọng đối với các cam kết của Hoa Kỳ.

Tập Cận Bình có những lý do chính đáng để kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc trong thời điểm hiện tại: tăng trưởng chậm lại, lĩnh vực bất động sản gặp khủng hoảng, chứng khoán sụt giảm, niềm tin của người tiêu dùng giảm sút và nỗ lực chống tham nhũng leo thang, gợi ý có những vấn đề chính trị sâu sắc hơn. Vì lợi ích của mình, Bắc Kinh cũng có thể cảm nhận mình đang quá hiếu chiến và có thể không muốn thách thức Hoa Kỳ trong năm bầu cử. Do đó, Trung Quốc có thể bớt hiếu chiến hơn trong thời điểm hiện tại. Nhưng thực tế mang tính cấu trúc của các tranh chấp ở Biển Đông – diễn biến va chạm ở Bãi Cỏ Mây, sự kiên quyết của Hoa Kỳ trong việc thực hiện các chuyến hải hành và không hành, sự tái diễn các cuộc đụng độ về quyền đánh bắt cá và thăm dò năng lượng – dường như chắc chắn sẽ dẫn đến leo thang hơn nữa. Khi điều đó xảy ra, Hoa Kỳ có thể quyết định cần phản ứng mạnh mẽ hơn trước. Dù muốn hay không, việc phản đối sự cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông hiện là một cách nổi bật để đo lường quyết tâm của Hoa Kỳ. Không gian để Washington chơi trò chơi dài hạn đang thu hẹp lại.

Một cuộc khủng hoảng mới ở Biển Đông có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Nó có thể được khởi đầu bởi một động thái bất ngờ của Trung Quốc nhằm quân sự hóa Bãi cạn Scarborough, một đảo san hô khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines bị Trung Quốc chiếm giữ vào năm 2012. Hoặc khủng hoảng có thể liên quan đến một cuộc đụng độ chết người ở Sierra Madre, hoặc có lẽ là một vụ va chạm trên không do máy bay Trung Quốc di chuyển gần máy bay Hoa Kỳ hoặc đồng minh trong khu vực. Khi một cuộc khủng hoảng như vậy xảy ra, Hoa Kỳ sẽ có rất nhiều biện pháp ứng phó để lựa chọn nhằm hình thành một phản ứng mạnh mẽ hơn.

Dựa trên các mối quan hệ quân sự ngày càng tăng, Washington có thể triển khai lực lượng quân sự đến hiện trường xung đột và trực tiếp hỗ trợ các đồng minh của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có thể triển khai một chiến dịch thông tin, bao gồm cả việc tiết lộ thông tin tình báo có chọn lọc, để làm nổi bật sự hiếu chiến của Trung Quốc và tạo ra phản ứng toàn cầu. Hoa Kỳ cũng có thể mở rộng hơn nữa sự hiện diện quân sự trong khu vực và công bố một loạt cuộc tập trận mới ở vùng biển tranh chấp; tổ chức một nỗ lực đa phương để tăng cường viện trợ quân sự và bán vũ khí cho các đối tác trong khu vực và nhanh chóng xây dựng các chương trình hợp tác phòng thủ mới, như chương trình triển khai số lượng lớn máy bay không người lái giá rẻ trên không và trên biển; xem xét mở rộng có chọn lọc các đảm bảo an ninh với lập luận, ví dụ như coi rằng các động thái gây hấn chống lại tài sản của Việt Nam là mối đe dọa đối với an ninh quốc tế, giúp biện minh cho một số hình thức phản ứng của Hoa Kỳ.

Vì vậy, một phần của giải pháp đối phó với khủng hoảng của Hoa Kỳ là phải truyền sức mạnh và cam kết cho các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, cũng như cho Bắc Kinh. Đã đến lúc Hoa Kỳ gửi đi một thông điệp cứng rắn hơn về những giới hạn mà Washington và các đồng minh sẽ chấp nhận khi Trung Quốc từng chút một tranh giành quyền kiểm soát khu vực.

BƯỚC ĐỆM CHO NHỮNG THOẢ THUẬN

Tuy nhiên, ngoài việc chỉ trừng phạt Trung Quốc vì hành vi gây hấn, Hoa Kỳ có thể sử dụng một cuộc khủng hoảng mới để thực hiện những bước đi thăm dò nhưng quan trọng nhằm vượt qua sự cạnh tranh tổng bằng không hiện tại. Khi Chiến tranh Lạnh tiến triển, Hoa Kỳ và Liên Xô đã đạt được những tiến bộ không liên tục nhưng quan trọng trong việc ổn định mối quan hệ hai bên, chẳng hạn như bằng cách thiết lập Hiệp ước Nam Cực, Hiệp ước cấm thử nghiệm, Hiệp ước về sử dụng hòa bình ngoài vũ trụ và nhiều đường dây nóng và quy định về quy tắc tham chiến quân sự. Những thỏa thuận này dần dần xây dựng ý thức khoan dung lẫn nhau, củng cố các mối quan hệ ngoại giao và đặt ra giới hạn cho một số khu vực cạnh tranh nhất định. Sau đó, các hiệp định quan trọng hơn – bao gồm Hiệp ước Helsinki và các thỏa thuận vũ khí hạt nhân lớn – đã hạn chế cạnh tranh theo những cách sâu sắc hơn. Quá trình này mất nhiều thập kỷ và đầy rẫy những khủng hoảng và lo sợ chiến tranh, nhưng điều này giúp tăng khả năng răn đe trong nỗ lực lâu dài của Hoa Kỳ để đưa Chiến tranh Lạnh đến một kết thúc thắng lợi và hòa bình. 

Người ta nói rằng công thức cho chiến lược Trung Quốc của Hoa Kỳ do Ngoại trưởng Antony Blinken đưa ra – “đầu tư, liên kết và cạnh tranh” – không bao gồm một trụ cột rõ ràng nhằm xây dựng các nền tảng cho sự cùng chung sống. Cách tiếp cận của Hoa Kỳ dường như cho rằng việc kiểm soát tham vọng của Trung Quốc sẽ đủ để tạo ra sự ổn định và khi căng thẳng gia tăng, một loạt các cuộc đối thoại song phương – như đang diễn ra hiện nay – có thể xoa dịu mối quan hệ. Nhưng đó là một cách đặc biệt và đầy rủi ro để giảm bớt sự cạnh tranh lớn. Thiếu vắng những sáng kiến ngoại giao lớn hơn, thật cám dỗ khi tin rằng sự răn đe lẫn nhau sẽ đủ để giữ cho xung đột chỉ ở mức một loạt tranh cãi được tiếp cận ở mức lịch sự. Việc Washington dựa vào ý tưởng cho rằng khả năng phán đoán đúng đắn sẽ giúp giải quyết căng thẳng có thể gây ra một loạt khủng hoảng căng thẳng không hồi kết.

Lỗ hổng trong chiến lược của Hoa Kỳ – sẵn sàng nỗ lực và thỏa hiệp nghiêm túc để tìm ra một thỏa thuận bền vững về một số vấn đề quan trọng – cũng là một tiền đề quan trọng cho sự thành công dài hạn trong cuộc cạnh tranh. Như đã từng xảy ra trước đây với các cặp đối thủ, Hoa Kỳ cuối cùng có thể lèo lái cuộc cạnh tranh với Trung Quốc vào một mối quan hệ ít nghi ngờ thù địch và tin cậy hơn. Cạnh tranh và răn đe là rất quan trọng đối với một kết quả như vậy: Các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải tin chắc rằng quyền lực bá chủ không phải là một lựa chọn. Nhưng lịch sử cho thấy rằng bất kỳ con đường nào dẫn đến hòa giải cuối cùng cũng phải bao gồm các thỏa thuận chính thức nhằm tạo ra một thế giới trong đó cả hai bên đều cảm thấy an toàn.

Trong một nghiên cứu của RAND năm 2019, các đồng nghiệp và tôi đã xem xét các yếu tố có xu hướng làm dịu sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Điều quan trọng nhất là cái có thể được gọi là nguyên trạng chung – một tình huống trong đó hai bên đồng ý, ít nhất là trong một khoảng thời gian đáng kể, về các yếu tố của một trật tự mang lại lợi ích sống còn cho cả hai. Một ví dụ điển hình có thể là nhiều hiệp định và đàm phán – bao gồm Thoả thuận Bốn bên về Berlin năm 1971, Hiệp ước Helsinki năm 1975 và các các cuộc đàm phán Cắt giảm Lực lượng Tương hỗ và Cân bằng bắt đầu vào năm 1973 – đã ngụ ý rằng sự đồng thuận về một số yếu tố của tình trạng hòa bình hiện tại ở Châu Âu đang được đưa ra. Tất nhiên, sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô vẫn tiếp tục. Ví dụ, chính quyền Reagan đã tìm cách chấm dứt sự cai trị của Liên Xô tại các nước vệ tinh Đông Âu. Nhưng đã xuất hiện một loạt quy tắc chính thức và không chính thức đặt ra những giới hạn quan trọng cho cuộc cạnh tranh. Những tầm nhìn chung như vậy thường không nảy sinh chỉ vì hai quốc gia đã kiệt sức vì cạnh tranh với nhau mà đòi hỏi mỗi bên phải nỗ lực có ý thức để phát triển các sáng kiến nhằm xoa dịu sự đối đầu. Bất chấp sự tiếp cận khiêm tốn với Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo, những nỗ lực nghiêm túc nhằm theo đuổi những thỏa thuận như vậy phần lớn vẫn vắng bóng trong chiến lược của Washington ngày nay.

Sự thiếu sót này có thể hiểu được: những nỗ lực như vậy dường như vô nghĩa chừng nào các nhà lãnh đạo Trung Quốc không sẵn lòng chấp nhận bất kỳ hiện trạng ổn định nào cản trở tham vọng của nước này. Không giống như Liên Xô đã mệt mỏi những năm 1970, Trung Quốc vẫn đang trên đà phát triển quyền lực và không nhận thấy sự cần thiết phải theo đuổi tình trạng hòa dịu với đối thủ chính của mình, ít nhất là chưa. Nhưng Hoa Kỳ cần kiểm tra giới hạn của sự cởi mở của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về các vấn đề then chốt, chẳng hạn như tình trạng của Biển Đông. Ngay cả khi điều này không tạo ra các thỏa thuận ngắn hạn, việc theo đuổi các hiệp định cụ thể có thể chứng tỏ sự sẵn sàng chấp nhận các giải pháp lâu dài tôn trọng lợi ích của Trung Quốc – và chứng minh cho người khác thấy rằng chiến lược của Hoa Kỳ không chỉ là cạnh tranh và đối kháng.

XÂY DỰNG NỀN TẢNG

Cú sốc và nỗi sợ hãi do cuộc khủng hoảng lớn ở Biển Đông tạo ra có thể mang lại cơ hội quan trọng để thúc đẩy một khuôn khổ như vậy cho khu vực. Ngay cả khi Hoa Kỳ phản ứng một cách mạnh mẽ và đáng tin cậy trong cuộc khủng hoảng, nước này có thể kêu gọi một hội nghị ngoại giao đa phương, toàn diện về các vấn đề Biển Đông, bao gồm các yêu sách lãnh thổ và hàng hải, khai thác tài nguyên thiên nhiên, cạn kiệt nguồn cá và sự hiện diện của quân đội bên ngoài. Washington có thể lập luận rằng cuộc khủng hoảng chứng tỏ rằng các tranh chấp khu vực đang dẫn đến đối đầu bạo lực và đã đến lúc phải thúc đẩy các nguyên tắc chung sống hòa bình.

Lập trường của Hoa Kỳ về sáng kiến ngoại giao như vậy có thể được xây dựng dựa trên một số nền tảng, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, phán quyết La Hay năm 2016 về các yêu sách khu vực và nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nhằm đạt được một bộ quy tắc ứng xử sẽ giúp nêu rõ các quy tắc điều chỉnh việc theo đuổi lợi ích lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông. Vào tháng 7, Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí thực hiện những nỗ lực mới hướng tới một bộ quy tắc như vậy vào năm 2026. Nhiều người sẽ hoài nghi về tiềm năng đạt được bất kỳ thỏa thuận nào: Trung Quốc bác bỏ phán quyết của La Hay và đã sử dụng quy trình quy tắc ứng xử để trì hoãn hành động trong khi Bắc Kinh liên tục áp đặt quyền kiểm soát đối với khu vực.

Nhưng với một cuộc khủng hoảng mới là bằng chứng, Hoa Kỳ có thể lập luận rằng lần này thì khác: thế giới đang hướng tới một loạt các cuộc đối đầu đầy nguy hiểm, và giải pháp thay thế duy nhất là thiết lập một hiện trạng chung bình đẳng cho khu vực. Hoa Kỳ sẽ cần sự hỗ trợ đa phương mạnh mẽ cho một sáng kiến như vậy – không chỉ từ các nước ở Đông Nam Á mà còn từ các nước Châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác. Và Washington sẽ phải sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ của riêng mình, chẳng hạn như đưa ra thông báo trước về các hải trình  quân sự và thậm chí có thể giới hạn các cuộc tập trận quân sự do Hoa Kỳ dẫn đầu ở Biển Đông.

Trung Quốc sẽ cảnh giác và phản kháng, coi lời đề nghị này là một âm mưu khác của Hoa Kỳ nhằm làm suy yếu tham vọng của nước này. Nhưng mối nguy hiểm do cuộc khủng hoảng và làn sóng yêu cầu đàm phán toàn cầu mới có thể buộc Bắc Kinh phải linh hoạt hơn. Hơn nữa, những phản ứng ngoại giao và quân sự mà Hoa Kỳ đã hứa trước cuộc khủng hoảng có thể đặt Bắc Kinh vào tình thế tiến thoái lưỡng nan rõ ràng: giải pháp thay thế cho giải pháp đàm phán sẽ là gia tăng sự hiện diện và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực. Hơn nữa, việc cố gắng cũng có lợi, ngay cả khi nỗ lực đó thất bại lúc đầu. Washington có thể chứng minh rõ ràng cường quốc nào mới thực sự quan tâm đến việc chung sống hòa bình, và ngay cả các thỏa thuận ổn định một phần và hạn chế cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Xây dựng hiện trạng chung là công việc của nhiều thập kỷ chứ không phải hàng tháng hay hàng năm.

Một sáng kiến ngoại giao như vậy tạo ra những kết quả rõ ràng, sẽ có tác động lan tỏa ra ngoài mối quan hệ Mỹ - Trung. Hoa Kỳ sẽ thực hiện một bước quan trọng trong chính sách đối ngoại hàng đầu: dẫn dắt thế giới hướng tới một trật tự quốc tế mới mẻ, đa phương hơn, một trật tự ít lấy Hoa Kỳ làm trung tâm hơn nhưng vẫn phản ánh các chuẩn mực và cấu trúc quốc tế quan trọng nhất đối với lợi ích của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã đưa thế giới thoát khỏi thảm họa sang hình thức chung sống và ổn định mới trước đây. Nếu căng thẳng hiện nay ở Biển Đông leo thang thành một cuộc đối đầu lớn, nước này sẽ có cơ hội lặp lại điều đó.

M.J.M. 

---

Michael J. Mazarr là Nhà khoa học chính trị cấp cao tại Tập đoàn RAND. Bài viết gốc được đăng trên Tạp chí Foreign Affairs tại https://www.foreignaffairs.com/united-states/looming-crisis-south-china-sea.

Đinh Tùng Lâm và TS. Vân Phạm lần lượt là cộng tác viên và thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn