Triều Nguyễn quản lý Sơn Trà như thế nào?

Nguyễn Dị Cổ Báo Quảng Nam

Ngày nay ai cũng biết Sơn Trà là “con mắt Đông Dương”, “khu xung yếu”. Trước đây, vào thời nhà Nguyễn, việc quản lý Sơn Trà hết sức nghiêm mật, cấm ngặt tàu bè nước ngoài đậu đỗ, cư trú làm ăn.

Sơn Trà vốn được nhắc đến sớm trong các thư tịch cổ của quốc gia và quốc tế. Vào thế kỷ thứ 15, vua Lê Thánh Tông khi mang quân chinh phạt Chiêm Thành, dừng chân tại cửa biển Hải Vân, đã làm một bài thơ, trong đó câu: “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền/(Gió ru thuyền Lộ canh năm/Đồng Long đêm lặng, bóng trăng xế tà - Ngô Linh Ngọc dịch).

Đồng Long tức chỉ Vũng Thùng dưới chân bán đảo Sơn Trà. Lộ Hạc tức những nước thuộc quần đảo Malacca. Điều này cho thấy vùng cửa biển Sơn Trà từ gần 600 năm trước đã là nơi giao thương quốc tế quan trọng. Thích Đại Sán, thiền sư Trung Quốc được chúa Nguyễn mời sang Đàng Trong vào thế kỷ thứ 17, cũng ghi chép phong cảnh Sơn Trà trong tác phẩm Hải ngoại kỷ sự, trong đó có thông tin về những loài vượn nhảy nhót ở bán đảo này. Trong thơ Phan Thanh Giản cũng có “tiếng vượn kêu không ngớt” ở nơi đây.

Điểm trọng yếu

Triều Nguyễn từ sớm đã nhận thức vai trò quan trọng của Sơn Trà, được ghi trong chính sử: “chỗ trọng yếu không đâu bằng vụng Trà Sơn”, là “chỗ trọng địa của bờ biển”. Lúc bấy giờ, triều Nguyễn cũng có một quan niệm hết sức cương quyết, không chấp nhận đánh đổi Sơn Trà để lấy kinh tế ngoại thương. Vua Minh Mạng nhấn mạnh: “hải cương là nơi quan yếu, sao lại cho người ngoài được”, khi có sứ giả của ngoại quốc đến hiến sản vật và dâng đơn xin lập phố buôn ở Trà Sơn. Ở thời điểm khác, vua cũng nhắc nhở: “Thuyền người Tây dương đến buôn bán, chỉ cho thả neo đậu ở vụng Trà Sơn, đổi chác mua bán xong xuôi, lại bắt chở thuyền đi, không hề cho lên bờ ở lâu, nhân dân sở tại cũng không cho cùng họ trao đổi riêng”, thể hiện triết lý trị nước “việc ngăn lấp từ khi mới chớm ra, đề phòng từ khi còn nhỏ mọn”.

Năm 1830, Quốc trưởng Hoa Kỳ cử hai người đến xin “giao hiếu và thông thương”, vua sai Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức tiếp vấn, rồi bảo quan Thương bạc trả lời, đại ý là “nước ấy muốn xin thông thương, cố nhiên là ta (vua Minh Mạng - NV) không ngăn trở, nhưng phải tuân theo pháp luật đã định. Từ nay, nếu có đến buôn bán thì cho đỗ ở vụng Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng”. Thuyền buôn của Pháp, Anh cũng đến cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1835, 1840, đều thả neo ở vụng Trà Sơn. Sau này, các đại thần triều Tự Đức cũng nhận thấy người Tây dương đến Sơn Trà “chẳng qua để cầu lợi thôi”, “muốn lập phố xá ở Trà Sơn để buôn bán sinh lợi”.

Triều đình nhà Nguyễn nhiều lần xây dựng và sửa chữa các cơ sở phong hỏa đài trên bán đảo Sơn Trà, cốt để khi có động thì đốt lửa báo tin. Ngoài ra, vua “cho là chỗ vụng Trà Sơn ở đầu cửa biển Đà Nẵng là chỗ trọng địa, công việc phòng bị nên phải mười phần chu đáo cẩn mật”. Vua sai Nguyễn Công Trứ đi thị sát “một dải núi ven bờ biển, chỗ nào xung yếu mà địa thế hơi bằng phẳng nên đặt pháo đài, để cho trên bờ dưới thuyền chiếu ứng với nhau được” rồi vẽ bản đồ dâng lên nhà vua. Sau đó Nguyễn Công Trứ xin xây dựng pháo đài hình bầu dục (dài 57 trượng, ngang 7 trượng) trên đảo Mỏ Diều với địa thế 4 mặt rộng rãi, đối diện với pháo đài Định Hải. Phía đông pháo đài mở một cửa, ven cửa xây lũy đá, trong dựng trại lính kho lương. Cuối cùng, đặt lầu trông ngắm ở đài đốt lửa cũ tại núi Trà Sơn, chế cấp cờ hiệu để lâm thời treo lên làm hiệu. Sau Nguyễn Tri Phương lại đề xuất: “Đảo Mỏ Diều nguyên từ núi Trà nhô ra, trông chếch về phía đầu nguồn Cu Đê. Nếu xây pháo đài hình bầu dục thì không những thấp méo nhiều đoạn, (…) xin đổi xây làm pháo đài tròn, đường kính 9 trượng, đặt 27 cỗ súng lớn. Kho thuốc súng, kho lương, trại lính đều làm ở trong đài, cho được chỉnh và tiện”. Vua theo lời rồi “sai phái 200 biền binh đến chỗ bãi cát Trà Sơn, chọn chỗ cao ráo làm một xưởng ngói (10 gian 2 chái)”, tổ chức biên ngũ “1 suất đội, 1 thư lại, 20 biền binh, 3 lính pháo thủ”. Triều Nguyễn đặt tên cho các đảo hàng ngoài cửa biển Đà Nẵng, tức bán đảo Sơn Trà, gọi là đảo Ngữ Hải.

Phòng thủ nghiêm ngặt

Việc phòng bị hải cương dưới triều Nguyễn cần hết sức nghiêm ngặt. Do vậy triều đình rất coi trọng việc nghiêm trị quan viên phụ trách ở Sơn Trà, thường xuyên ban hành quy định “nếu làm sai sót thì theo nặng nhẹ mà xử trị”. Theo đó, đã có những người bị “đánh ngay 100 trượng, đóng gông 10 ngày” vì cái tội không nhận dạng rõ, “xem xét không đúng” thuyền của ngoại quốc (Pháp) và thuyền Thủy sư của nước ta, trong khi đã được trang bị đầy đủ “kính thiên lý là để dùng trông xa cho rõ”. Hay như viên quan Nguyễn Văn Lượng đã bị nhà vua phạt 1 tháng lương, vì không giữ đúng nghi thức trong việc quản lý tàu bè cập vịnh Sơn Trà. Năm 1838, có một thuyền kiểu lạ (toàn thân sắc đen, 2 cột buồm đều nhau, đầu thuyền giống như cái ngà voi) ở “phận biển đảo Trà Sơn” nhưng quan viên tỉnh Quảng Nam đã không tâu lên, liền bị vua quở trách, “tạm cho ghi lỗi một lần, bắt phải tìm cách dẹp bắt”. Vua Thiệu Trị đã xử phạt Lãnh binh Nguyễn Đức Chung và Thự Tuần phủ Phạm Duy Trinh khi để cho tàu của người Pháp “vào đỗ ở vụng Trà Sơn, chúng lên bờ căng bạt đóng quân, bắn hơn 60 phát súng lớn” vào năm 1841. Vua Tự Đức từng sai chém tướng sĩ khi những người này hoảng sợ bỏ chạy vì tiếng súng ở vùng Trà Sơn, để làm gương cho mọi người. Đi đôi với phạt thì cũng có thưởng. Một người dân tỉnh Quảng Nam đã được thưởng 10 quan tiền khi “bắt được một cỗ súng Quá sơn bằng đồng ở chân núi Trà Sơn (nặng 74 cân, đường kính nòng súng 1 tấc, thông trường 1 thước 9 tấc 7 phân)”. Những người “đóng lâu (ở Sơn Trà – NV) để làm việc, đều thưởng trước một tháng lương bằng tiền”.

Sơn Trà trong quan niệm của mọi người dưới thời Nguyễn còn là một trong những vùng đất thiêng, “tương truyền trên núi có ngọc, đêm đến thường chiếu sáng xuống biển”. Cho nên đương thời, Sơn phòng sứ tỉnh Quảng Nam là Nguyễn Tạo đã đề nghị lên triều đình cho ngăn cấm những núi có tiếng (Trà Sơn và Ngũ Hành Sơn), tức không cho khai thác đá, gỗ, củi, than, “để cho mạch đất hồi lại”. Vua Tự Đức còn sai quan đến tế thần Trà Sơn như là một trong những vị thần chủ để cầu mong sự an định cho quốc gia, dân tộc.

Các vua triều Nguyễn đã hết sức coi trọng vị thế của Sơn Trà, cho quy hoạch và quy định cụ thể việc giao thương, xây dựng các căn cứ quân sự, và thể hiện quan niệm tâm linh truyền thống về linh khí núi sông; khắc hình cửa biển Đà Nẵng ở chân núi Sơn Trà vào đỉnh đồng Dụ đỉnh - đặt tại Đại Nội. 

Sơn Trà hết sức đặc biệt. Đó là lý do vì sao mà người Pháp trước đây đã nổ súng tấn công Việt Nam đầu tiên tại đây và người Mỹ cũng đã chiếm giữ vị trí này.

Chiến hạm Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng (9.1858). Nguồn: Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng


N.D.C.

Nguồn: Nghiencuuquocte.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn