Việt Nam: Cuba hay Mông Cổ?

Hiếu Chân/Người Việt

Ngay sau khi kết thúc chuyến đi tới Tây Bán Cầu (Hoa Kỳ và Cuba) từ ngày 21 đến 27 Tháng Chín, ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước Việt Nam, đã vội vã lên đường công du tới Mông Cổ, Pháp và Ireland từ 30 Tháng Chín đến 7 Tháng Mười.

Trong hai chuyến đi dài ngày này, ông Tô Lâm viếng thăm chính thức hai quốc gia từng có quá khứ Cộng sản giống Việt Nam nhưng đã chọn hai con đường khác nhau và hiện đã ở hai giai đoạn phát triển khác nhau. Chuyến thăm Cuba (ngày 26 và 27 Tháng Chín) và Mông Cổ (30 Tháng Chín và 1 Tháng Mười) của ông Tô Lâm chỉ là hoạt động ngoại giao bình thường hay có mục đích tìm bài học cho con đường đi của Việt Nam trong “kỷ nguyên mới?”.

Ulaanbaatar là thủ đô và thành phố lớn nhất của Mông Cổ, nơi cư trú của khoảng 45% dân số đất nước. Mông Cổ tự hào là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. (Hình minh họa: Taylor Weidman/Getty Images).

Trước năm 1989, cả Việt Nam, Cuba và Mông Cổ đều là nước xã hội chủ nghĩa, phụ thuộc vào “anh cả đỏ Liên Xô” cả về chính trị, quân sự lẫn kinh tế. Cả ba nước đều đặt mục tiêu tối hậu là xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo toàn diện của một đảng cộng sản duy nhất, thực hành nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và tước đoạt của người dân cả quyền tự do chính trị và tự do dân sự. 

Nay thì tình hình đã hoàn toàn khác.

Năm 1990 Liên Xô tan rã và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Trong khi Cuba kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa dưới ách cai trị sắt máu của gia tộc Fidel Castro, Việt Nam theo đuôi Trung Quốc cải cách kinh tế theo thị trường nhưng kiên trì chế độ độc đảng về chính trị, thì Mông Cổ đã có sự thay đổi ngoạn mục từ độc tài sang dân chủ như nhiều quốc gia cựu cộng sản Đông Âu.

Về mặt kinh tế, trong ba nước thì hiện Mông Cổ là nước phát triển nhất, thu nhập bình quân đầu người cao nhất, còn Cuba là kém nhất dù nền kinh tế của cả ba nước đều đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.

Theo dữ kiện trong The World Factbook của CIA, thu nhập bình quân đầu người của Mông Cổ năm 2023 là $16300, cao gấp rưỡi Việt Nam và gấp đôi Cuba. Mỗi khi thăm Cuba, các lãnh đạo Việt Nam thường tặng hàng ngàn tấn gạo cùng máy điện toán, cho thấy Cuba đang rất thiếu thốn nhu yếu phẩm.

Nhưng đáng chú ý là trong ba thập niên qua, người Mông Cổ đã xây dựng được một xã hội tự do, trái ngược hẳn với thể chế độc tài của Cuba và Việt Nam. Tổ chức nghiên cứu về tự do Freedom House vừa đưa ra bảng đánh giá tình trạng tự do, dân chủ của tất cả các nước năm 2024, trong đó Mông Cổ xếp vị trí cao. Ở mục Điểm số Tự do Toàn cầu (Global Freedom Scores), Mông Cổ có tổng cộng 84 điểm, quyền tự do chính trị (political rights) được 36 điểm và tự do dân sự (civil liberties) được 48 điểm. Số điểm về tự do của Mông Cổ không chênh lệch nhiều so với Hoa Kỳ – quốc gia tự do nhất thế giới (điểm số lần lượt là 8333 và 50 điểm).

Ở cực bên kia, Việt Nam có tổng điểm tự do 19 điểm, tự do chính trị 4 điểm còn quyền tự do dân sự chỉ 15 điểm, xếp loại “không tự do” (not free). Cuba còn thê thảm hơn, với tổng điểm 12, tự do chính trị chỉ 1 điểm và tự do dân sự được 11 điểm, cùng nhóm với Nga (13 điểm) và Trung Quốc (9 điểm).

Quyền tự do có quan hệ mật thiết với phát triển kinh tế bền vững, với sự thịnh vượng của quốc gia và của từng cá nhân. Mông Cổ là nước nhỏ nằm sâu trong lục địa Châu Á, bị kẹp giữa hai cường quốc nguyên tử, không có biển và khí hậu vô cùng khắc nghiệt nhưng nhờ thể chế tự do nên kinh tế tăng trưởng. Cuba và Việt Nam có khí hậu nhiệt đới thích hợp với canh tác nông nghiệp, có bờ biển dài và giao thương quốc tế thuận lợi nhưng bị độc tài kìm hãm nên vật vã mãi mà chưa tiến lên được.

Nếu là nhà lãnh đạo thực sự cầu thị và mong muốn cải cách hẳn ông Tô Lâm phải biết giữa Cuba và Mông Cổ, ông nên đưa Việt Nam theo hướng nào.

*

Mông Cổ không tự nhiên là nước tự do. Nhiều thế kỷ là phiên thuộc của nhà Thanh bên Trung Quốc, rồi là chư hầu của Liên Xô theo đúng đường lối cai trị đẫm máu của Joseph Stalin, Mông Cổ chỉ thật sự nếm mùi độc lập năm 1990 khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng cũng trong năm 1990 đó, chính trị Mông Cổ trải qua một cơn địa chấn, làm thay đổi hẳn số phận của dân tộc vốn quen sống du mục trên các thảo nguyên bát ngát này.

Sự sụp đổ của Liên Xô có nghĩa là nguồn tài trợ cho Mông Cổ chấm dứt; đồng thời tư tưởng cải cách, dân chủ hóa của nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev cũng ảnh hưởng mạnh tới nhiều đảng viên của Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (Mongolia People’s Revolutionary Party - MPRP) cầm quyền, làm dấy lên trào lưu đòi cải cách trong nội bộ đảng.

Chắc nhiều người còn nhớ thời gian ấy ở Việt Nam cũng có một hiện tượng tương tự, đòi “cởi trói,” đòi “mở cửa,” “đa nguyên” khi nhiều đảng viên cao cấp của Đảng CSVN đặt niềm tin vào sự thức thời của ông Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Các ông Trần Xuân Bách – Ủy viên Bộ Chính trị, ông Trần Độ – trưởng Ban Tư tưởng và Văn hóa Trung ương… là tiêu biểu của trào lưu ấy.

Cái khác là ở chỗ, thanh niên sinh viên Mông Cổ bất mãn với tình trạng thất nghiệp tràn lan và kinh tế kiệt quệ đã đứng dậy, phong trào phản kháng mạnh mẽ, đòi đảng MPRP cầm quyền phải từ bỏ độc quyền chính trị, hợp pháp hóa hệ thống đa nguyên, tự do báo chí, bầu cử tự do và kinh tế thị trường. Hàng loạt các cuộc biểu tình ôn hòa, bất bạo động với hàng ngàn thanh niên tham dự đã diễn ra hằng tuần ngay tại trung tâm thủ đô Ulaanbaatar.

Từ trong phong trào phản kháng, một số đảng chính trị đối lập đã hình thành như Đảng Dân chủ Mông Cổ (Mongolia Democratic Party - MDP), Phong trào Dân chủ Xã hội (Democratic Socialist Movement - DSM), Liên đoàn Tân Tiến bộ (New Progressive Union - NPU), Liên đoàn Sinh viên Mông Cổ (Mongolia Students Union)…

Các tổ chức này kết hợp với nhau, cùng nhắm mục tiêu là cải cách luật pháp (legal reform) để dân chủ hoá đất nước. Họ đòi Đảng Cộng sản cầm quyền MPRP phải từ bỏ đặc quyền là “giai cấp tiên phong, lãnh đạo xã hội” được ghi trong Hiến pháp Mông Cổ, tương tự như Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam do Đảng CSVN ban hành năm 2013. Họ yêu cầu giải tán quốc hội, yêu cầu chính phủ từ chức, tái bầu cử quốc hội có sự tham gia của các thành phần dân chúng và biên soạn một hiến pháp mới. Những cuộc biểu tình tuần hành diễn ra liên tục từ Tháng Giêng, 1990 đến hết năm, hình thành một sức ép chính trị khủng khiếp.

Sức ép chính trị của phong trào quần chúng chưa chắc dẫn tới sự thay đổi nếu không có sự hưởng ứng từ bên trong đảng cầm quyền. Sự sụp đổ của Liên Xô và ảnh hưởng của tư tưởng Gorbachev đã làm phân hóa sâu sắc nội bộ của Đảng Cộng sản MPRP cầm quyền, giữa những người giáo điều cứng rắn và những người cải cách mà phần thắng nghiêng về phe đổi mới.

Có thể thấy một sự phân hóa như vậy cũng đang âm thầm diễn ra trong nội bộ Đảng CSVN ở Hà Nội mà giới chức lãnh đạo đảng thường lên án là “tự chuyển hoá”, “tự diễn biến”. Đã có không ít những đảng viên Đảng CSVN chức vụ cao, có danh tiếng, lên tiếng đòi thay đổi, đòi từ bỏ Chủ nghĩa Cộng sản lỗi thời, thực hiện cải cách thể chế chính trị để đất nước tiến lên.

Sau nhiều cuộc đấu tranh vật vã, ngày 12 Tháng Ba, 1990, ông Jambyn Batmunkh, Tổng Bí thư đảng MPRP kiêm Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ tuyên bố Bộ Chính trị của Đảng MPRP sẽ từ chức, từ bỏ đặc quyền lãnh đạo và sẽ tổ chức cuộc bầu cử quốc hội mới như yêu cầu của các lực lượng dân chủ. Phiên họp bất thường ngày 21 Tháng Ba của Quốc hội Mông Cổ chính thức hóa việc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng MPRP trong hiến pháp, thừa nhận đa nguyên chính trị.

Đảng MPRP cũng quyết định thay đổi điều lệ và danh xưng từ “Đảng Cách mạng Nhân dân Mông Cổ Marxist-Leninist” thành “Đảng Nhân dân Mông Cổ” (Mongolia People’s Party - MPP), từ bỏ đặc quyền sử dụng ngân sách nhà nước và đặc quyền kiểm soát bộ máy chính phủ, quân đội và công an. Từ đó Đảng MPP hoạt động như một chính đảng bình thường trong một xã hội đa đảng, cạnh tranh với các đảng chính trị khác để giành sự ủng hộ của người dân dù thực tế Đảng MPP có nhiều lợi thế hơn vì có sẵn mạng lưới đảng viên và cơ sở ở từng thôn làng khắp cả nước.

Cuối Tháng Bảy, 1990, Mông Cổ tổ chức cuộc bầu cử quốc hội tự do và đa đảng đầu tiên, bầu hạ viện với 430 dân biểu và thượng viện với 50 nghị sĩ, chức danh Chủ tịch nước được đổi thành Tổng thống. Có 2.413 ứng cử viên thuộc sáu đảng chính trị ra tranh cử, 1 triệu cử tri (trong tổng dân số 2,2 triệu người) đi bỏ phiếu từ 22 đến 29 Tháng Chín, 1990. Kết quả đảng MPP – tức là Đảng Cộng sản MPRP cũ – giành được 60% số phiếu bầu và 86% số ghế trong quốc hội; các đảng đối lập chiếm 40% số phiếu còn lại.

Trong phiên họp đầu tiên ngày 3 Tháng Chín 1990, Quốc hội Mông Cổ bầu ra bộ máy lãnh đạo mới, trong đó các chức tổng thống và thủ tướng thuộc về Đảng MPP, còn các chức phó tổng thống, phó thủ tướng thuộc về các đảng đối lập. Như vậy sau năm 1990, Đảng Cộng sản Mông Cổ đã không mất quyền lực mà chỉ phải hợp tác và chịu sự kiểm soát của đối lập để tránh độc quyền và họ đã chiến thắng.

Tháng Giêng 1992, Quốc hội Mông Cổ thông qua bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên, có hiệu lực đến ngày nay.

Thế là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội kéo dài 70 năm của Mông Cổ đã kết thúc, một nhà nước dân chủ và tự do, đa nguyên và đa đảng được hình thành. Nhà nước đó tôn trọng quyền tự do chính trị và tự do dân sự của công dân, quyền lực nhà nước được kiểm soát và một nền kinh tế thị trường được vận hành hiệu quả từ năm 1990 đến nay.

***

Ông Tô Lâm đang nắm quyền lực “tuyệt đối” ở Việt Nam. Chuyến đi Cuba và Mông Cổ bày ra trước mắt ông hình ảnh đối lập hết sức rõ ràng và không khó chọn lựa. Nếu ông kiên trì theo con đường của Cuba hoặc theo Trung Quốc – nước có dã tâm biến Việt Nam thành chư hầu – thì chẳng có gì phải bàn. Còn nếu ông quyết khởi đầu một “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” như ông mới tuyên bố, thì Mông Cổ là bài học đáng được áp dụng.

Việc ông cần làm ngay là trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, từ bỏ đặc quyền “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” của Đảng CSVN, tôn trọng sự khác biệt, chấp nhận đa nguyên chính trị và bầu cử tự do như Đảng MPRP Mông Cổ đã làm 30 năm trước. Được như vậy, ông và đảng của ông chẳng những không mất quyền lực mà còn có thể vang danh sử sách.

Nếu không làm như vậy thì những lời tuyên bố kiểu “Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại” mà ông nói tại đại học Columbia University mấy hôm trước cũng chỉ là thứ ngôn từ tuyên giáo mị dân rẻ tiền, không thuyết phục được ai. 

H.C.

Nguồn: Nguoi-viet.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn