Số phận chung

Lê Học Lãnh Vân 

 Thy Thao Nguyen

 ...Nhìn xã hội như vậy, tôi rất thương. Thương cả xã hội, thương từng cá nhân và thương riêng thân mình! ...

Cùng một suy nghĩ, nên đọc những dòng trên, nhìn về quê hương, buồn muốn khóc 

Xin cám ơn tác giả! 

Thập niên 1980, người Việt xuất ngoại được thế giới đối xử như với những dân tộc bình thường khác. Bước sang thập niên 1990, tình cảm và cách ứng xử của họ có khác, không được như trước. Việc này có lẽ bắt đầu khi báo chí Canada lên tiếng vào thập niên 1990 về việc người Việt di tản sang Canada trồng cần-sa trong nhà riêng. 

Càng về sau, mức độ tôn trọng người Việt càng giảm, điều này những người nhạy cảm dễ nhận ra. Thực trạng đáng buồn này được phản ánh phần nào qua chỉ số Henley đo độ mạnh của hộ chiếu (passport) một quốc gia. Công dân cầm hộ chiếu mạnh có thể nhập cảnh nhiều quốc gia khác mà không cần thị thực (visa), người cầm hộ chiếu yếu thì phải cần thị thực để nhập cảnh. Hộ chiếu Việt Nam rất yếu, so sánh với các quốc gia trong khối ASEAN, năm 2024, hộ chiếu Việt Nam chỉ mạnh hơn Lào và Miến Điện, yếu hơn, thua xa tất cả các quốc gia còn lại, kể cả Cam-pu-chia! 

Bất kỳ người Việt nào, nông dân, công nhân, binh lính, trí thức, bần cố nông, đảng viên, quan chức hay dân thường, cầm hộ chiếu Việt Nam thì chịu chung cách đối xử với hộ chiếu đó. Điều này cho thấy môi trường và điều kiện của quốc gia ảnh hưởng tới công dân như thế nào. 

Trong cái không khí đó, xã hội Việt Nam lại không có sự thoải mái cá nhân mà nghiêng về tính “bè”. Chữ “bè” dùng đây có nghĩa tập thể thế nào thì cá nhân phải giông giống thế, khác biệt là bị cô lập. Xã hội sính bằng cấp thì cá nhân phải có bằng cấp! Xã hội sính danh hiệu thì cá nhân phải có danh hiệu!

Có một nhà giáo có lòng với học sinh và có hoài bão với nghề. Anh là sĩ quan biệt phái thời Việt Nam Cộng Hòa. Để thực hiện hoài bão, anh cần một danh hiệu để chứng minh là nhà giáo chế độ mới. 

Quan điểm của anh về sự phong danh hiệu là người được phong không phải xin xỏ, nộp đơn gì cả, cứ làm việc thật gương mẫu, thật tốt rồi người chung quanh, cấp trên thấy vượt tiêu chuẩn thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền phong. Theo anh, cách tự đề nghị được phong làm yếu, hèn con người đi. Nơi phong danh hiệu có trách nhiệm tìm người xứng đáng để phong, để vinh danh! Vậy nhưng, sau nhiều cân nhắc anh vẫn phải đi tìm danh hiệu! Đây là thí dụ khác cho thấy môi trường xã hội ảnh hưởng tới thái độ sống cá nhân tới mức nào! Và cũng cho thấy mỗi người mỗi cảnh!

Chắc rằng trong xã hội còn người cứng cỏi, và tôi khâm phục họ. Nhưng con số đông hơn là những người dù không thích cũng phải làm theo lề thói. Cho dù cá nhân có không muốn, người ta cũng phải sống vì gia đình, vợ, con. Dưới áp lực vừa của xã hội chung, vừa của đời sống riêng tư, mấy người có thể đứng thẳng theo ý mình?

Ngoài ra, trên thực tế, khi sống quá lâu trong môi trường với nhiều giá trị bị thay đổi, bị đảo lộn, một người sẽ chịu ảnh hưởng ít hay nhiều, mặt này hay mặt khác. Khi phải phân biệt một điều nên làm hay không, họ dễ tơ-lơ-mơ giữa kiến thức được học từ lâu với thực tế không còn như trước nữa!

Nhìn xã hội như vậy, tôi rất thương. Thương cả xã hội, thương từng cá nhân và thương riêng thân mình! 

Sự canh tân, cải tiến xã hội cần được tiến hành ở cấp độ xã hội, nghĩa là ở cách quản lý xã hội. Khi xã hội thay đổi, tâm lý, tập quán xã hội thay đổi theo, con người sẽ thích nghi tương ứng.

Những thành viên cùng chịu một số phần chung nên cùng góp sức thoát khỏi những phần không mong muốn. Trong cộng đồng luôn có nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau, quyền lợi khác nhau, tính ý khác nhau. Nếu các thành viên ít thông cảm nhau, cứ phê phán, tranh chấp những điều vụn vặt với nhau, e rằng tất cả sẽ là cua trong một rổ, kiến cùng dưới đáy chén, dễ bị dẫn dắt dư luận và ngày thoát khỏi số phần chậm tiến càng lâu hơn!

Nhớ lời cụ Hoàng Xuân Hãn cuối thập niên 1980, ý chánh như sau: “Cải Cách Ruộng Đất là sai lầm của người chịu trách nhiệm. Lẽ ra đối tượng phải là xã hội, mục tiêu là thay đổi hệ thống quản lý ruộng đất, người ta lại xem cá nhân là đối tượng và mục tiêu là trừng trị, tiêu diệt cá nhân. Hậu quả thảm khốc của cuộc Cải Cách Ruộng Đất thì ai cũng biết. Tuy nhiên người dân cũng có phần trách nhiệm. Nếu lúc bình thường người dân tử tế, bao dung nhau hơn thì khi xã hội biến đổi cũng khó xảy ra thảm họa tày trời!”.

Nhìn thế sự mà nhớ những lời văng vẳng của bậc hiền nhân, chúng có xa lắm với thời cuộc hôm nay không?

TB: Tối qua, đang kết thúc tút này thì nhận được tin nhắn của một nhà báo đàn anh...

- Mỗi tuần một scandal đủ để quên đời...

- Quên gì anh?

- Quên thực trạng kinh tế, quên đời vất vả...

 

Ngày 30 tháng 11 năm 2024 

L.H.L.V.

Nguồn: FB LVan Le

  

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn