Cách Mạng Cam


Người hùng Ukraine trong cuộc “Cách mạng Cam” năm 2004, Victor Yushchenko, chỉ nhận được hơn 5% số phiếu bầu, thua xa hai đối thủ. Ngay từ năm 2005, dân chúng đã bắt đầu thất vọng khi thấy Yushchenko chưa đưa lại được cho họ những gì đã hứa. Và sau 5 năm nhân dân Ukraine đã “sửa chữa sai lầm”.

Có người giải thích thất bại của Yushchenko là “cả tin vào phương Tây”, có người cho là ông đã “giỡn mặt con gấu Nga thời Putin”. Rõ ràng là Yushchenko đã không giỏi “đi dây” trước một tay hàng xóm đang nắm van khí đốt và cứ chực đến khi giá rét nhất lại cắt gaz lò sưởi của dân Ukraine. Thất bại của ông Yushchenko nhắc lại thất bại của Lech Walesa. Năm 1995, người dân Ba Lan cũng đã không tái bỏ phiếu cho người hùng Công đoàn Đoàn kết Walesa. Cho dù, cuộc Cách mạng mà ông tiến hành ở Ba Lan không dễ dàng như “Cách mạng Cam”. Phong trào mà ông lãnh đạo trong suốt thập niên 80, có khi đã phải trả giá bằng tù đày và máu. Nhưng người hùng trong đấu tranh không có nghĩa là khi nắm được chính quyền sẽ không làm cho dân thất vọng, người dân sẽ đổi thay khi không thấy hài lòng.

Không chỉ ở Ba Lan hay Ukraine mà ở hầu hết các nước Đông Âu, người dân đã không hoàn toàn hài lòng với những gì mà “dân chủ kiểu phương Tây” mang lại. Nhưng, không hài lòng một cách công khai và thể hiện nó bằng quyền bỏ phiếu là điều mà trước đây ở Đông Âu không bao giờ tồn tại. Năm 2005, khi người dân bắt đầu tụ tập kêu ca chính quyền mà họ vừa dựng lên, một bộ trưởng Ukraine, ông Yuriy Lustenko, đã trấn an: “Chúng ta đã từng đứng đây không phải vì lương, tiền hưu trí hay một mẩu xúc xích, thậm chí không phải vì người mà chúng ta bầu lên làm tổng thống, mà vì tự do”. Không hẳn là người dân Ukraine không hiểu bản chất của “Cách mạng Cam” như Lustenko, nhưng người dân không đóng đinh lý tưởng của họ vào chính quyền mà họ từng ủng hộ. Người dân làm cách mạng là để tìm kiếm tự do chứ không phải tìm kiếm quyền bính trọn đời cho các nhà lãnh đạo. Người dân sẽ sử dụng “tự do” để chọn ai có thể đem đến “xúc xích với tiền lương”.

Cả Walesa và Yushchenko đều thất cử sau chỉ một nhiệm kỳ. Một nhiệm kỳ là không đủ dài để một nhà đối lập tích lũy kinh nghiệm nắm quyền lãnh đạo quốc gia. Một nhiệm kỳ cũng rất ngắn để người dân sống trong môi trường bị bưng bít quá lâu trưởng thành về dân chủ. Dân trí thấp thì thật khó để vận hành dân chủ, nhưng nếu như không có dân chủ thì muôn đời dân trí cũng không được nâng lên, cho dù cả nước được “nền giáo dục vâng lời” cấp bằng tiến sỹ. Người dân ở các nước dân chủ, nhất là các nước mới có dân chủ một hai nhiệm kỳ, lựa chọn người lãnh đạo sai là một khả năng không nhỏ. Nhưng, khả năng lớn hơn là họ có cơ hội và có quyền để sửa sai. Thất bại mới đây ở Ukraine có thể chỉ là thất bại của Yushchenko chứ không phải là của nhân dân hay “Cách mạng Cam”. Bi kịch lớn nhất cho một quốc gia không phải là có cách mạng hay không mà là khi nhận ra thành quả bị tước đoạt mà người dân không làm gì được.

Huy Đức
Ô SIN // 23.01.2010

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn