Mỹ thành ‘đối tác chiến lược’ của Việt Nam?

BBC

Ông Đinh Hoàng Thắng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, trả lời phỏng vấn của VNN ngày 17-2-2010, đã mạnh dạn lên tiếng đề xuất yêu cầu cần sớm nâng cấp quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam lên hàng đối tác chiến lược. Chỉ vài ngày sau, bài trả lời của ông được lặng lẽ rút xuống. Có thể là một quả bóng tung lên để thử rồi rút ngay lại, mà cũng có thể là một áp lực từ đâu đó gần hoặc xa, chính trị là thế, biết đâu. Nhưng lời nói gió bay, cái gì đã nằm trong tâm thức dân Việt thì không thể quên, cứ thế lan đi, lan rộng mãi. Và BVN là một trong những trang mạng đã giữ được nguyên vẹn những lời gan ruột của ông Đinh Hoàng Thắng để có dịp hôm nay đưa lên, ngay sau lời bình luận của phóng viên hãng BBC.
Thật ra, trong khoảng giữa cuối năm 2009, BVN đã đề cập vấn đề này, một giải pháp theo chúng tôi gần như là duy nhất để giúp Việt Nam thoát khỏi tình thế bị bao vây, o ép bởi người anh em “16 chữ vàng” phương Bắc. Giờ đây, tình thế càng rõ rệt hơn cho việc nhìn nhận xu thế khách quan của yêu cầu không cưỡng nổi ấy. Chỉ những ai đang muốn giấu con bài chưa đến lúc ngả ra “ù”, hoặc những kẻ điếc đặc trước tiếng Non Sông đang réo gọi, thì mới làm bộ ngu ngơ không biết gì.
Bauxite Việt Nam


Hạm trưởng Lê Bá Hùng dẫn tàu USS Lassen thăm cảng Đà Nẵng hôm 7/11/2008.
Ông Đinh Hoàng Thắng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, từng nói trong cuộc trả lời phỏng vấn báo trong nước rằng Hoa Kỳ có khả năng duy trì ổn định tại vùng Đông Nam Á.
“Việt Nam cần Hoa Kỳ đóng vai trò đối trọng trong việc đương đầu với các tham vọng lẫn thách thức truyền thống và phi truyền thống trong khu vực”, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói trong cuộc trả lời phỏng vấn mạng VietnamNet ngày 17/2.
Chưa đầy một ngày sau, bài phỏng vấn này đã bị rút xuống. Tuy vậy, một số website khác ở Việt Nam vẫn lưu giữ bài viết này.
Ông Thắng cho rằng nếu đứng trên quan niệm địa chính trị, “một trong những ‘đối tác chiến lược’ hàng đầu của Việt Nam hiện nay phải là Hoa Kỳ”.
Tổng kết của Bộ Ngoại giao Hà Nội cho thấy Việt Nam hiện nay có quan hệ ‘đối tác chiến lược’ với Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc. Và Tây Ban Nha.

“Hoa Kỳ và Việt Nam cùng có chung nhiều lợi ích chiến lược, trong số đó có cả việc duy trì quân bình lực lượng ở Đông Nam Á” – Raymond Burghardt, cựu ĐS Mỹ tại VN
Nhà ngoại giao thâm niên, nguyên trưởng nhóm Tư vấn lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhắc đến phát biểu của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt về quan tâm chiến lược chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
“Hoa Kỳ và Việt Nam cùng có chung nhiều lợi ích chiến lược, trong số đó có cả việc duy trì quân bình lực lượng ở Đông Nam Á”.
Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch tiểu ban Đông Nam Á-TBD, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ từng tỏ ý quan ngại Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự tại Biển Đông thời gian gần đây.
Theo ông Đinh Hoàng Thắng, chính trị gia từ đảng Dân chủ Mỹ muốn Hoa Kỳ có vai trò rõ ràng hơn trong tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải tại Biển Đông. Và ông trích phát biểu của Jim Webb: “Hoa Kỳ cần xác định rõ ràng, chi tiết và cụ thể công việc bảo vệ chủ quyền của các quốc gia trong khu vực này”.
Khi nào xảy ra?
Nhu cầu tìm kiếm đồng minh từ phía Việt Nam là có, nhu cầu từ phía Mỹ cũng được xác định, vậy khi nào ‘quan hệ chiến lược’ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mới xảy ra?
Ông Đinh Hoàng Thắng đặt kỳ vọng vào 2010, thời điểm hai nước kỷ niệm 15 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
“Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ nhân dịp 15 năm hai nước thiết lập bang giao (1995-2010) lại đúng vào thời điểm Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội 11 sẽ là một tín hiệu quan trọng cho thấy tầm nhìn toàn cầu của lãnh đạo hai nước”.
Trong thập kỷ tới, nhà ngoại giao Việt Nam nói, “cục diện thế giới và khu vực có quá nhiều yếu tố bấp bênh”.


Nhiều chiến hạm Mỹ đã tới thăm Việt Nam, như USS Vandergrift năm 2003.
Sự trỗi dậy (nhiều mặt) của Trung Quốc và Ấn Độ, theo ông Thắng, sẽ gây ra một số thay đổi lớn, “đến mức diện mạo của cái trật tự được kiến tạo và xây dựng từ sau Thế chiến thứ hai sẽ không tồn tại nữa”.
Để đối ứng với tình trạng này, ông Thắng đề nghị Việt Nam khẩn trương “hoàn thiện khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước lớn”, coi các quan hệ này “là nền móng chắc chắn và bền vững trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập”.
“Con thuyền Việt Nam giữa một đại dương mênh mông sóng dữ phải biết tự trang bị cho mình nhiều “phao cứu hộ”, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nói.
“Phải thiết lập cho được “một hệ thống truyền tin” trong suốt để cả khi sóng yên biển lặng lẫn khi hữu sự, chúng ta có bạn bè đối tác, tạo thêm càng nhiều thế và lực cho ta càng tốt”.
Tuy nhiên khơi thông quan hệ Việt Mỹ không phải là chuyện dễ dàng. Trong lúc quan hệ quốc tế diễn tiến một cách nhanh chóng, quan hệ Việt–Mỹ diễn ra một cách chậm chạp, theo phái viên VietnamNet.
“Phải mất 20 năm quan hệ này mới được bình thường hóa hoàn toàn (1975-1995), và đến 2010 này đã là 15 năm rồi nhưng bang giao hai phía vẫn “vó câu khấp khểnh bánh xe gập gềnh”, tờ báo điện tử viết.
‘Quá chậm’
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về Việt Nam và Đông Dương học tại Đại học George Mason ở Washington DC đồng ý với nhận định quan hệ Việt Mỹ diễn tiến quá chậm. Ông cho rằng chậm trễ như vậy trong bang giao là do phía Việt Nam.
Nguyễn Mạnh Hùng: Từ lâu lắm rồi VN quan tâm đến nước Mỹ như là đe dọa về diễn biến hòa bình. Suốt từ năm 1990 trở đi, Việt Nam coi Mỹ là diễn biến hòa bình thành ra đi sát với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không phải là người dễ chơi. Đến đầu thế kỷ 21, nhất là từ 2001 trở đi đến những năm 2005, 2006 đe dọa của TQ đối với Việt Nam nó lớn hơn diễn biến hòa bình.
Do vậy giới ngoại giao Việt Nam phải quyết định rõ ràng, cái gì là cái đe dọa nhiều nhất cho VN? Đe dọa từ Trung Quốc hay là đe dọa từ diễn biến hòa bình. Khi mà giải quyết vấn đề đó xong rồi thì mới đặt quan hệ ngoại giao giữa VN và Mỹ trên cái căn bản đó được.
Bài trả lời phỏng vấn của ông Đinh Hoàng Thắng giống như đưa ra quả bóng thăm dò. Phải nói cái thời điểm này rất quan trọng. Hai bên đã làm đối tác quốc phòng rồi thì bây giờ phải có những định chế rõ rệt đi. Để làm thêm nữa.
Chưa đầy một năm nữa Việt Nam sẽ họp Đại hội Đảng. Ông Đinh Hoàng Thắng có vẻ kêu gọi sự đồng thuận trong Đảng. Đồng thuận xong rồi thì Đảng mới chuẩn bị nhân sự để thi hành quyết định ấy, trong Đại hội sắp tới. Tức là sắp xếp người để vào cái Đại hội đó, sắp xếp người vào chức vụ để thi hành cái quyết định đó.
Vấn đề đặt ra từ giờ đến lúc đó phải có quyết định rõ rệt muốn đi theo đường nào.
BBC: Hà Nội đang đón chờ chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton từ tháng Tư trở đi. Và hy vọng tổng thống Mỹ Barak Obama sẽ thăm Việt Nam trong thời gian nước này giữ chức Chủ tịch khối Asean. Chuyện đó có xảy ra không, thưa Giáo sư?


Thiếu tá hải quân Hoa Kỳ người Mỹ gốc Việt Lê Bá Hùng trong buồng lái của chiến hạm USS Lassen.
Nguyễn Mạnh Hùng: Ông Obama có nhiều quan tâm lắm. Cái nghị trình ngoại giao của Mỹ là rất lớn. Đối với Việt Nam phải có cái gì ghê gớm lắm ông ta mới qua, chẳng hạn như biến chuyển to lớn, VN có cái quyết định gì ghê gớm lắm, hay ở Đông Nam Á có biến chuyển lớn lắm.
Người Mỹ có nói rằng ở Asean, một đằng các anh lo chơi với Trung Quốc, một đằng các anh cứ lo “chống Mỹ cứu nước” thì không thể được. Bây giờ anh muốn chơi với tôi thì anh phải thực tâm hơn. Nếu anh thực tâm hơn thì anh phải giải quyết cho tôi những vấn đề chúng tôi thắc mắc, vấn đề làm cho chúng tôi phiền lòng. Là bởi vì nếu chúng tôi đi với anh, có hai việc sẽ xảy ra đó là Trung Quốc họ sẽ không bằng lòng. Cái thứ hai là Quốc hội Mỹ sẽ không bằng lòng. Thì anh phải làm cho chúng tôi vui vẻ để tôi có thể nói cho Quốc hội của tôi được.
Cho nên nhân quyền sẽ luôn là một vấn đề chứ chẳng phải không, nó sẽ ở đó. Tuy rằng hai bên phải tìm cách “quản lý” cái việc đó. Không phải một trở ngại, nhưng nó sẽ là yếu tố đóng góp tích cực vào việc tăng cường chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Việt Nam.
BBC: Việt Nam có thể chơi nước cờ tay ba, Việt Nam-Mỹ-Trung Quốc như thế nào để lợi dụng được cả hai, thưa Giáo sư?
Nguyễn Mạnh Hùng: Khi người ta làm chiến lược người ta cần biết đâu là đe dọa lớn nhất đối với mình và tìm cách đối phó. Ngày xưa họ nói Mỹ là đe dọa thì bây giờ Mỹ hết đe dọa rồi. Cho nên mình phải quyết định. Và phải chăng Việt Nam cần phải lợi dụng cái mối quan hệ tay ba, giữa VN, Mỹ và TQ để có thể thủ lợi.
Trước hết nói Mỹ quan tâm đến Biển Đông, khi mà Việt Nam lừng khừng thì Hoa Kỳ đã thiết lập xong quan hệ với các nước xung quanh rồi. Những nước này lớn, mạnh và trung thành với Mỹ hơn. Ví dụ như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản. Hay Singapore. Ngay cả Thái Lan nữa, Hoa Kỳ có quan hệ tốt hơn Việt Nam. Chế độ chính trị thích hợp hơn. Và được Quốc hội Mỹ thoải mái hơn. Cho nên Việt Nam cũng chỉ là thứ yếu thôi. Nếu phải chọn một trong hai nước cộng sản, thì Trung Quốc có cái lợi vì họ là nước lớn. Nhưng vì Việt Nam là nước nhỏ cho nên cũng có cái lợi, đó là Mỹ không coi VN là đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh của họ. Và cũng không thể là kẻ thù của Mỹ được. Cho nên đối với Mỹ, Mỹ thấy thoải mái với VN hơn.
Về phương diện cải tổ chính trị, VN là nước nhỏ cho nên dễ cải tổ chính trị hơn Trung Quốc, thành ra đó là yếu tố tích cực để có thể tác động đến bang giao Việt Mỹ. Như tôi từng nói lịch trình của ông Obama khá bận, chỉ khi nào, chỗ nào có cái gì ghê gớm lắm ông mới sang thôi. Thành ra nó sẽ tùy thuộc vào ba điểm. Thứ nhất là chuyến thăm Việt Nam của bà Clinton, xem cái tác động của khối Asean ra làm sao. Sau này thì ông Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng có thể thăm Mỹ để bàn về vấn đề nguyên tử. Hai cái điểm này, cộng thêm một điểm nữa là xem có cái gì tác động thêm đối với VN không, thì bấy giờ ông Obama mới quyết định sang thăm Việt Nam được. Từ giờ đến lúc đó có nhiều yếu tố xảy ra mình không thể biết được. Mình chỉ có thể đoán rằng nghị trình ngoại giao của Mỹ thì dày đặc. Và cái vấn về Việt Nam thì không ở cao lắm. Thậm chí còn là thấp. Hai yếu tố này cho ta thấy có hy vọng nhưng không hy vọng nhiều. Cả đại sứ Mỹ tại VN, Michael Michalak cũng đã nói, ông sẽ cố gắng nhưng không hy vọng nhiều.
Nguồn: bbc.co.uk
Dưới đây là nguyên văn bài trả lời phỏng vấn VietNamNet của ông Đinh Hoàng Thắng vào ngày 17-2-2010, bài này đã bị rút xuống sau đó:

Ngoại giao Canh Dần: Nâng cấp quan hệ đối tác

Tuần Việt Nam
“Nhìn con đường phía trước, đặc biệt trong năm Canh Dần, tôi đoan chắc sẽ không hẳn là một con đường tơ lụa”- ông Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan.
LTS: Hôm nay, ông Đinh Hoàng Thắng (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao) đã dành cho Tuanvietnam một cuộc trò chuyện. Sau đây là câu chuyện bên lề cuộc gặp đầu năm của chúng tôi với ông về ngoại giao Việt Nam:
- Chúc mừng ông nhân dịp năm mới và cám ơn ông đã tới dự buổi gặp mặt đầu Xuân. Câu hỏi trước tiên, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của Ngoại giao Việt Nam trong năm qua?
Xin cám ơn lời chúc mừng của VietNamNet. Tôi không muốn lặp lại ở đây những gì mà VietNamNet và nhiều tờ báo tên tuổi khác trong và ngoài nước đã đánh giá về các thành tựu nổi bật của ngoại giao Việt Nam năm qua. Thành tựu thì bao giờ cũng nhiều “bố – mẹ”, chỉ có khó khăn, thất bại mới là những trẻ mồ côi! Ngoại giao Việt Nam năm 2009 đã có rất nhiều “bố – mẹ”, nhưng con đường phía trước, đặc biệt trong năm Canh Dần, tôi đoán chắc sẽ không hẳn là một con đường tơ lụa!


Con thuyền Việt Nam giữa một đại dương mênh mông sóng dữ phải biết tự trang bị cho mình nhiều "phao cứu hộ".
- Ông có vẻ hoài nghi và bi quan trước tình hình?
Tôi không hoài nghi và bi quan, tôi là người lạc quan lịch sử. Tôi chia sẻ với hầu hết các đánh giá của chính thống lẫn của giới truyền thông về những thành tựu to lớn trong năm qua. Nhưng với tư cách là một công dân, tôi ấn tượng nhất bởi hai sự kiện cùng xảy ra trong một ngày. Đó là ngày 25/12 năm ngoái. Cùng trong một ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bàn chuyện mua sắm tàu ngầm ở Nga và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh bàn chuyện hợp tác quân sự với Mỹ.
Là công dân của một đất nước tuy không nhỏ, nhưng cũng chưa phải là nước lớn, thấy lãnh đạo lo toan chuyện mua sắm vũ khí hiện đại để tăng cường “sức mạnh cứng”, đáp ứng những thách thức mới của tình hình, thấy an tâm và phần nào đỡ thấy bị sỉ nhục. Người dân Việt Nam có thêm niềm tin vào lãnh đạo đất nước trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Tuy nhiên, việc mở rộng hợp tác chỉ ở chừng mực như vậy, với hai cường quốc như vậy, thì mới chỉ là thắng lợi một nửa của ngoại giao mà thôi. Chúng ta nên nhớ, nếu phải tiếp tục lao vào một cuộc chạy đua vũ trang trong bối cảnh đời sống kinh tế – chính trị toàn cầu và của đất nước như hiện nay thì đấy sẽ là một điều rất đáng để suy nghĩ đối với ngoại giao Việt Nam.
- Vậy theo ông, Ngoại giao Việt Nam cần phải làm gì trong bối cảnh như vậy?
Với tư cách là nghiên cứu viên độc lập về quan hệ quốc tế, hơn bao giờ hết, lúc này, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Ngoại giao là phải tìm mọi cách có thể, gấp rút, càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt, thiết lập thêm, củng cố lại, triển khai một cách thật hiệu quả hệ thống các quan hệ đối tác toàn diện và chiến lược giữa Việt Nam với các nước, nhất là các nước lớn, các tập đoàn toàn cầu, các tổ chức quốc tế, các công ty đa quốc gia, các tổ chức khu vực.
Con thuyền Việt Nam giữa một đại dương mênh mông sóng dữ phải biết tự trang bị cho mình nhiều “phao cứu hộ”, phải thiết lập cho được một “hệ thống truyền tin trong suốt”, để cả khi sóng yên biển lặng lẫn khi hữu sự, chúng ta có bạn bè, có đối tác, tạo thêm càng nhiều thế và lực cho ta càng tốt.
- Thì ông không thấy Bộ Ngoại giao vừa tổng kết xong, trong năm 2009 Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với một số nước lên tầm cao mới. Từ quan hệ “hữu nghị hợp tác” lên quan hệ “đối tác chiến lược” với hai nước quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc. Cùng với các “đối tác chiến lược” lâu niên hơn là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, vừa qua, Việt Nam thêm được Nhật Bản, Hàn Quốc, và đặc biệt là Tây Ban Nha,thành viên Liên hiệp Châu Âu đầu tiên nâng cấp quan hệ “đối tác chiến lược” với ta, mở đường cho các nước EU khác như Pháp, Anh, Đức?
Vâng, tôi có thấy và tôi cho đó là những thành tựu rất quan trọng, rất đáng ngưỡng mộ đứng về mặt thống kê thành tích. Nhưng đứng trên quan niệm địa chính trị, một trong những “đối tác chiến lược” hàng đầu của Việt Nam hiện nay phải là Hoa Kỳ. Trước khi chào từ biệt cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để lên đường về nước, đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam Pete Peterson có nêu vấn đề này ra.


Việt Nam và Hoa Kỳ có thể trở thành "đối tác chiến lược" của nhau. Ảnh: vietbao.vn
Ngay từ thời điểm cách đây hơn cả chục năm, cả “nhà ngoại giao-chú rể” lẫn vị Thủ tướng có thể nói là lâu năm nhất trong các Thủ tướng ở ta đều nhất trí với nhau là Việt Nam và Hoa Kỳ có thể trở thành “đối tác chiến lược” của nhau! Sau này, một quan chức ngoại giao cao cấp khác của Mỹ, ông Raymond Burnhardt cũng từng nhấn mạnh: “Hoa Kỳ và Việt Nam cùng có chung nhiều lợi ích chiến lược, trong số đó có cả vệc duy trì quân bình lực lượng ở Đông Nam Á”.
Nhưng đáng chú ý nhất là phải kể đến tuyên bố mới đây của Chủ tịch Tiểu Ban Đông Nam Á Thái Bình Dương, Uỷ Ban Đối ngoại Thượng Viện Mỹ Jim Webb (lại cũng là một chàng rể Việt Nam nữa!) trong cuộc họp báo ngày 19/8 năm ngoái tại Hà Nội, khi ông này đề cập tới những tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông vừa qua: “Hoa Kỳ cần xác định rõ ràng, chi tiết và cụ thể công việc bảo vệ chủ quyền của các quốc gia trong khu vực này. Tôi không ám chỉ một đối đầu quân sự, nhưng tôi muốn nói đến vai trò của ngoại giao. Với tư cách của một quốc gia, ý muốn của Hoa Kỳ sẽ trở thành một lực lượng cân bằng – nhưng không phải để chống đối mà là để quân bình – đối với Trung Quốc trong vùng này”.
Kết hợp với nhiều nguồn nguồn tin khác nhau từ giữa năm ngoái đến nay, chúng ta đều thấy, cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam dường như đã đồng ý với nhau trên căn bản rằng, Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam cần Hoa Kỳ đóng vai trò đối trọng trong việc đương đầu với các tham vọng lẫn những thách thức truyền thống và phi truyền thống trong khu vực. Vấn đề còn lại là Ngoại giao hai nước phải làm thế nào để biến nhận thức chung này thành “lộ trình” cụ thể nhằm kết thúc nhanh chóng tiến trình xây dựng quan hệ “đối tác chiến lược”.
- Ông có cho rằng chúng ta sẽ gặp khó khăn từ phía Trung Quốc khi chúng ta muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ?
Có và Không! Có là vì Việt Nam trong tương quan Trung-Mỹ là cả một vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp đối với quan hệ giữa ba nước. Đây là một chủ đề đã và đang tốn không ít giấy mực của các “think tank”, các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là chiếm nhiều sự quan tâm của cả lãnh đạo ba nước và lãnh đạo của nhiều nước liên quan khác.
Còn không là vì vấn đề sẽ trở nên hữu lý và Trung Quốc, ít nhất là bề ngoài, khó có thể ngăn cản được những bước tiến để đi đến một sự nâng cấp như vậy, nếu Ngoại giao Việt Nam thành công trong việc làm cho Trung Quốc hiểu rõ việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ không hề làm tổn hại đến lợi ích của nước thứ ba. Đấy là chưa nói, một sự nâng cấp như thế sẽ là một đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phồn vinh chung của khu vực.
Và một môi trường quốc tế như vậy thì chính bản thân Trung Quốc cũng cần đến! Sự trỗi dậy của Trung Quốc, như chính Trung Quốc nhiều lần tuyên bố, đó là sự trỗi dậy trong hòa bình, chứ không phải “trỗi dậy” như kiểu nước Đức quốc xã hay nước Ý phát xít trước đây. Hơn thế nữa, bản thân Trung Quốc cũng đang nổ lực củng cố và xây đắp các quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ, từ địa hạt chính trị – kinh tế đến an ninh – quốc phòng.
Đương nhiên, việc thuyết phục con rồng Trung Quốc đang trên đà trở thành siêu cường, lại đúng vào thời điểm cuộc kéo co giữa hai lực sỹ đang vào hồi cao trào (xìcăngđan Google ở Trung Quốc, Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, tiếp Đạt Lai Lạt Ma, đòi nâng đồng Nhân dân tệ…) là một việc không dễ dàng. Không ít người bi quan cho rằng có thể đấy là sứ mệnh bất khả thi của ngoại giao Việt Nam. Tôi ở vào góc nhìn trung dung hơn, nhưng xin được nhắc lại ý tứ từ đầu câu chuyện, đây sẽ không hẳn là một con đường tơ lụa cho Ngoại giao Việt Nam năm Canh Dần này!
- Theo ông dự đoán, một sự kiện quan trọng như thế này của ngoại giao Việt Nam khi nào sẽ xảy ra?
Tuy là đầu năm nhưng tôi không muốn “lấy lá số”. Có điều, có cứng mới đứng được đầu gió! Cục diện thế giới và khu vực trong kỷ nguyên tới có quá nhiều yếu tố bấp bênh.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc, của Ấn Độ và của nhiều cường quốc khác chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến trật tự quốc tế đang hình thành, bởi vì bản thân trật tự này cũng đang chuyển đổi. Cả hai tiến trình đều đang vận động này sẽ phân kỳ hay hội tụ nhau ở đoạn nào trong diễn tiến của hệ thống quốc tế, điều này chưa ai có thể đoán trước được! Nhưng chắc chắn, hệ thống quốc tế trong khoảng 5 đến 10 năm tới sẽ có nhiều chuyển hóa, đến mức diện mạo của cái trật tự được kiến tạo và xây dựng từ sau Thế chiến hai sẽ không còn có thể nhận ra nữa.
Có một số kịch bản khả dĩ để ứng phó với tình trạng chuyển đổi này, nhưng một trong những kịch bản tối ưu và thiết thực nhất, theo tôi, đó là nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ các quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước lớn và các đối tác lớn. Đây sẽ là một trong những nền móng chắc chắn nhất, bền vững nhất để chúng ta tự tin triển khai tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập.
- Vâng, nhưng như ông cũng thấy, cho dù các mối quan hệ quốc tế ngày càng diễn biến với tốc độ gia tốc, nhưng quan hệ Việt – Mỹ vẫn phải mất 20 năm mới được bình thường hóa hoàn toàn (1975 – 1995), và đến 2010 này đã 15 năm rồi nhưng bang giao hai phía vẫn “vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh”. Ông có thể trả lời thẳng vào câu hỏi của chúng tôi?
Tôi nghĩ không chóng thì chầy, sự kiện quan trọng này sẽ diễn ra sớm! Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ nhân dịp mười lăm năm hai nước thiết lập bang giao (1995 – 2010), lại đúng vào thời điểm Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội 11 sẽ là một tín hiệu quan trọng cho thấy tầm nhìn toàn cầu của lãnh đạo hai nước.
Đây sẽ là một thông điệp rõ rệt nhất gửi cho thế giới để bên ngoài thấy được sự đoàn kết trên dưới một lòng và sự đồng thuận trong ngoài một ý của những con dân đất Việt mỗi khi thời thế thay đổi. Đây cũng là phương cách tốt nhất để các nước hiểu rõ thực chất đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, một bộ phận không thể tách rời trong sự nghiệp Đổi mới của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
- Xin cám ơn ông và mong rằng, Tuần Việt Nam sẽ còn có nhiều dịp trao đổi với ông về các vấn đề quốc tế và hoạt động đối ngoại của Việt Nam.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn