Sinh nhầm thế kỷ và sống nhầm chỗ

Nguyễn Văn Tuấn

image Đọc bản tin viết về sự việc thầy Đỗ Việt Khoa sắp bỏ nghề giáo mà thấy buồn nôn. Buồn không phải vì chuyện thầy Khoa bỏ ngành Giáo dục (mà tôi cho là một quyết định hết sức đúng), nhưng vì câu hỏi "được gì, mất gì". Câu hỏi gì mà tàn nhẫn thế! Nhưng nó (câu hỏi) phản ảnh cái động cơ đằng sau của mọi việc làm trong xã hội VN ngày nay. Người nào hăng say tích cực quá, người khác sẽ đặt câu hỏi "chắc được gì đằng sau"; người nào đấu tranh chống tiêu cực (như thầy Khoa) cũng bị dèm pha "được gì". Nếu ai cũng nghĩ "được gì, mất gì" thì chẳng ai làm từ thiện, chẳng ai lo chuyện công, chẳng có lý tưởng gì cả; tất cả chỉ vì quyền lợi vật chất đằng sau. Một xã hội gồm toàn những người như thế thì thật là dã man. Trong entry này, mời các bác bạn đọc vài ý kiến của tôi và của hai người rất đặc biệt...

Tin thầy Đỗ Việt Khoa bỏ nghề giáo có lẽ chẳng làm ai ngạc nhiên, nhưng người ta vẫn thấy buồn buồn.  Không ngạc nhiên là vì sau khi thầy Khoa can đảm vạch ra những tiêu cực trong ngành giáo dục nói chung và thi cử nói riêng, thầy và gia đình đã hứng chịu biết bao tai tiếng do những kẻ không lạ tung ra.  Nguy hiểm hơn, người ta còn mướn cả côn đồ hành hung thầy. Có khi người của trường học thầy đang công tác chẳng giấu diếm mặt mũi, ngang nhiên đến nhà hành hung thầy. Trong môi trường Việt Nam độc hại như thế, tôi đoán thầy khó mà “sống” được với đồng nghiệp trong trường.  Tôi chợt nhớ đến câu của một bạn đọc ở một đại học Hà Nội viết cho tôi rằng “Trong thế giới người gù, thì người thẳng lưng bị coi là dị dạng”.  Thầy Khoa là một “dị dạng” trong quần thể của những người gù.  Nhưng sự việc thầy Khoa bỏ dạy học (hay có người chơi chữ là “mất dạy” [học]) vẫn là một tín hiệu cho thấy nền giáo dục nước nhà thiếu lành mạnh. Do đó, sự ra đi của thầy Khoa khỏi ngành giáo dục là chuyện có thể đoán được dù nó để lại một dấu ấn buồn.

Trái lại với nhiều người, tôi nghĩ rằng thầy ĐVK đã chọn đúng hướng đi: nên rời cái trường học đó. Thầy đã gióng lên một tiếng chuông báo động tình trạng tiêu cực trong giáo dục. Cả nước ai cũng biết. Thầy đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình. Thầy không còn gì hối tiếc phải rời bỏ một môi trường độc hại, trù dập, và thù hằn đó. Thầy nên mừng vì sẽ thoát khỏi cái môi trường giả dối của những người gù.

Trước thầy Khoa, có thầy Nguyễn Thiện Nhân cũng rời ngành Giáo dục.  Lúc mới nhậm chức Bộ trưởng, thầy Nhân cũng rầm rộ phát động phong trào “By vọng, nhưng qua vài năm tại chức, như chúng ta thấy, thầy cũng… bó tay. Thầy Nhân cũng bỏ ngành Giáo dục mà đi. Nhưng khác với thầy Khoa chưa biết mình sắp làm gì, thầy Nhân hình như có một tương lai xán lạn hơn đang chờ thầy.

clip_image003
.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã từng được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khen tặng vì thành tích chống tiêu cực

Nhưng sự ra đi của thầy Khoa và những sự kiện mang tính bạo lực xảy ra cho cá nhân thầy làm cho chúng ta phải suy nghĩ về xã hội hiện nay. Một người can đảm đứng lên tố cáo tiêu cực, được đông đảo người dân cả nước ủng hộ, nhưng trong thực tế thầy là một người rất cô đơn. Đồng nghiệp trước mặt thầy thì lên tiếng ủng hộ, còn sau lưng thầy thì im lặng hay nói xấu thầy. Qua báo chí, người ta có cảm giác có hàng triệu người ủng hộ việc làm của thầy, nhưng những người này không bảo vệ được thầy khỏi những bàn tay của những kẻ ác ôn tìm cách hãm hại thầy và gia đình thầy. Ngay cả Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thoạt đầu cũng tỏ vẻ quan tâm đến thầy, mà cuối cùng vẫn không làm gì được cho thầy, không bảo vệ quyền được nói thật của thầy. Trường hợp của thầy Khoa có lẽ là tín hiệu mà xã hội Việt Nam muốn gửi ra: đừng có dại dột vạch trần tiêu cực trong giáo dục ở Việt Nam. Một xã hội mà trong đó kẻ ác ngang nhiên lộng hành, còn người lương thiện bị trù dập; một xã hội bất lực trước cái ác và không bảo vệ được người ngay kẻ thẳng thì nên xem đó là xã hội gì?

Câu chuyện của thầy Khoa làm tôi nhớ đến chuyện bên Tây, nhưng kết cục thì khác nhiều so với kết cục của thầy Khoa. AB là một chuyên gia về bệnh lí học và Giảng sư cao cấp (senior lecturer) của một đại học lớn và danh tiếng bên Anh; sếp của anh ta là Giáo sư RE, một chuyên gia nội tiết chuyên về loãng xương, cũng là người rất nổi tiếng trong lĩnh vực xương. Khoảng 4 năm trước, AB tố cáo sếp của anh vi phạm đạo đức khoa học.  Số là RE trình bày một nghiên cứu trong một hội nghị chuyên ngành (sau này công bố thành bài báo khoa học) với những dữ liệu mà AB không đồng ý, vì anh ta là người trực tiếp làm phân tích markers mà chưa thấy những dữ liệu đó. AB làm lớn chuyện, đòi hỏi xem dữ liệu đó ở đâu ra, và đại học mở cuộc điều tra. Kết quả điều tra cho thấy RE chịu ảnh hưởng của công ty dược trong việc phân tích dữ liệu, và đã có vài sơ suất (chẳng hạn như ký tên tuyên bố là người giữ dữ liệu, nhưng thực tế thì công ty giữ). Sự nghiệp của RE bị tổn hại nặng nề, bị giáng chức hành chính, nhưng AB thì vẫn phây phây, vẫn làm trong đại học. Tôi đều biết 2 người này vì có thời từng viết chương sách chung. Hai năm trước hai người “chạm trán” trong hội nghị quốc tế và họ vẫn đối xử lịch sự với nhau dù không thoải mái lắm. Đó là bên Anh, nơi mà người ta có “cơ chế” cho những người dám nói thật, thậm chí dám tố cáo cả sếp của mình (như trường hợp tôi vừa kể) mà không phải chịu những đợt hành hung và ám hại như trường hợp của thầy Khoa. Nhìn như thế để chúng ta thấy thầy Khoa sinh nhầm thế kỷ và sống nhầm chỗ.

NVT

PS. Xin mời đọc lời bình của GS. Nguyễn Huệ Chi với bài viết của Người buôn gió (http://boxitvn.blogspot.com/2010/05/uoc-gi-va-mat-gi.html):

Một lời bình phẩm cay chua tưởng cào xé đến tận tim gan phế phủ, nhưng khốn thay đó lại là sự thật. Còn nhớ ngày xưa tôi có xem cuốn truyện dịch Thế giới người mù kể chuyện một thanh niên sáng mắt bị lạc vào một thung lũng, trong đó là cả một cộng đồng người mù đang sống. Bản tính hăng hái, thương người, anh hòa nhập nhanh chóng với cộng đồng người mù ấy, được họ cưu mang, dựng cho một căn nhà, và cưới cho một cô vợ mù. Nhưng rồi dần dần, những điều anh mách bảo cho tập thể cư dân này dựa vào đôi mắt nhìn xa trông rộng của anh, làm họ đâm nghi ngờ và ghen ghét, ngỡ anh là một phù thủy, một người không hiểu vì sao lại khác với mình. Cuối cùng họ nhờ cô vợ của anh ngấm ngầm dò tìm và cô tìm ra nguyên nhân là ở đôi mắt khác người của anh. Thế là họ bàn nhau tìm cách bắt anh để dùng dao khoét đi cái vật nó là nguyên nhân làm cho anh thấy những điều cộng đồng không thấy. May sao anh dò ra được âm mưu đó và bằng mọi giá trốn thoát khỏi thung lũng.

Hiện tại, công đồng người Việt đang ở vào tình cảnh oái oăm của một “thế giới người mù” chăng? Tôi không tin điều đó. Người Việt Nam vốn có sức sống cường tráng trong mấy nghìn năm lịch sử quyết không thể là một tộc người yếu kém giác quan “nhìn” đến nỗi phải rơi vào thảm kịch triệt tiêu những người sáng mắt. Nhưng quả là trong một thời đoạn đặc biệt, có những yếu tố ngẫu nhiên đóng vai trò chi phối làm cho một dân tộc bỗng nhiên mất phương hướng khiến phải trả cái giá rất đắt. Yếu tố ngẫu nhiên trở thành gánh nặng đối với dân tộc chúng ta là gì? Người Buôn Gió không tiện giải thích và chúng ta cũng không ai cần giải thích, bởi từ bao nhiêu lâu nó đã sờ sờ ra đấy như một sức ám ảnh. Oái oăm là “cái không hợp lý” vẫn cứ tồn tại và dân tộc này vẫn cứ phải oằn lưng gánh chịu.

Nguyễn Huệ Chi

Nguồn: Theo blog Nguyenvantuan

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn