Nguy cơ đối với Việt Nam đến từ Lào và Căm Pu Chia (!?)

http://freelecongdinh.files.wordpress.com/2010/04/chinese_ff_logo.jpgNguyễn Hữu Quý

Có thể bạn đọc giật mình khi mới chỉ đọc bài này ngay từ cái “nhan đề” của nó; thoạt nghe, có thể bạn đọc cho rằng, người viết bài là “phản động” chăng? hoặc có khi lại ghép vào tội “âm mưu của các thế lực thù địch”...

Tưởng có vẻ mâu thuẫn; quan hệ giữa VN và Lào là mối quan hệ “hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện”; còn đối với CPC, không lẽ VN đã chịu bao mất mát, giúp nhân dân CPC khỏi thảm họa diệt chủng; VN đã phải trả một cái giá rất đắt do bị Mỹ và quốc tế bao vây, cấm vận suốt 20 năm từ 1975-1995 với lý do “VN xâm lược CPC”... để rồi đến hôm nay, lý do nào để chúng ta (VN) lại có lúc phải suy nghĩ đến tình trạng này?

Nếu bạn đọc “giật mình” thì có nghĩa người viết bài này có gì “phát hiện mới” chăng? Thực ra, chẳng có gì mới cả, ông cha ta đã rút ra kinh nghiệm từ ngàn xưa nay rồi, thông qua câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”; hoặc như “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” vậy.


1. Nguy cơ đến từ Lào:


Có thể nói, trong 5 quốc gia tiếp giáp với Lào (VN, TQ, Myanma, Thái Lan và CPC) thì VN là nước có ảnh hưởng đặc biệt nhất đối với Lào; so với Lào, VN là một nước lớn (tuy diện tích không lớn hơn là bao nhiêu, VN=331.690 km2 (hạng 65) so với Lào=236.800 km2 (hạng 79), nhưng về dân số tương ứng là 85,79 triệu/6,77 triệu người-năm 2009); về lịch sử, mặc dù không có điều kiện để nghiên cứu, nhưng chắc chắn rằng, Lào nói riêng và các QG tiếp giáp với TQ nói chung, nếu không có một nền văn hiến lâu đời hoặc không có tinh thần dân tộc mạnh mẽ, thì chắc đã bị ghép vào lãnh thổ TQ từ lâu lắm rồi, hoặc muộn nhất cũng như Tây Tạng, Tân Cương vào khoảng giữa thế kỷ trước (thời Mao Trạch Đông).

Vào thời kỳ phong kiến (PK), các triều đại PK nước ta gọi Lào ngày nay là quốc gia “Vạn Tượng”; thời cận đại, ta hay dùng danh từ “Đất nước triệu voi” khi nói về tình hữu nghị anh em và nhất là tình cảm chân thành của nhân dân Lào, các bộ tộc Lào.

Cũng trong thời kỳ PK, nhiều lần các “tộc trưởng” người Lào cũng hay sang “quấy nhiễu” Đại Việt, hoặc chứa chấp các “thủ lĩnh” người Việt chống lại triều đình (thực hiện các cuộc khởi nghĩa). Lào thậm chí, bị các triều đại Nguyên-Mông và sau này là Triều Minh khống chế, bắt hợp tác với các triều đại TQ để xâm lược VN. Riêng triều Trần của Đại Việt đã rất nhiều lần, chính các vị vua phải thân chinh đi dẹp giặc; trong triều đại nhà Trần, mục đích của Đại Việt là dẹp các cuộc đánh phá và quấy nhiễu của quân Ai Lao (Lào) chứ không có mục đích đánh chiếm lấy đất nước này.

Vào thời “Hậu Lê”, các “tộc trưởng” người Lào cũng từng là nơi nương náu của các danh sỹ Đại Việt chống lại triều đình, điển hình là Nguyễn Kim (cha của Nguyễn Hoàng, là người khai sinh ra triều Nguyễn ở Đàng trong sau này) đã giúp nhà Hậu Lê chống lại nhà Mạc để thực hiện công cuộc “Trung hưng” nhà Hậu Lê.

Ngày nay, quan hệ giữa VN-Lào là mối quan hệ hữu nghị “đặc biệt”; nếu ai đã từng đọc cuốn hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo đó, Đại tướng kể về việc một thanh niên cương nghị, thông minh, gặp Đại tướng giữa núi rừng Tây Bắc (thời kháng chiến chống Pháp), nhằm đề nghị được hỗ trợ để xây dựng lực lượng tiến tới giải phóng đất nước Lào... đó chính là Cay-xỏn Phôm-vi-hản, người sau này là Tổng bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào.

Chính vì mối quan hệ “đặc biệt” và gần gũi ấy, cho nên tất cả những tồn tại, bất cập trong xã hội VN hiện nay đều có ảnh hưởng tiêu cực đến đất nước Lào, “gần mực thì đen” được hiểu theo ý nghĩa ấy.

Tình trạng tham nhũng ở Lào cũng không thua kém gì ở VN, đó chính là cơ sở để TQ khai thác trong chiến lược bành trướng của Bắc Kinh; việc hối lộ để mua chuộc quan chức của TQ đối với đối tác nước ngoài là rất thành công, đặc biệt là ở châu Phi.

Tháng 9/2009 giữa TQ và Lào đã nhất trí nâng mối quan hệ song phương thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, kèm theo đó là chiến lược đầu tư, và di dân của TQ vào Lào; ngày nay TQ hiện chiếm lĩnh phần lớn nền kinh tế Lào, từ khai khoáng, nhiệt điện tới cao su, bán lẻ...

Như vậy, không cần phải phân tích thêm, chính do cách tư duy hạn hẹp của VN trong suốt một thời gian dài, chúng ta đã và đang đẩy bạn Lào về phía TQ, Lào dần dần sẽ trở thành “phên dậu” của TQ, hoàn toàn phụ thuộc vào TQ; đặc biệt, do sức mạnh “đồng hóa” của dân tộc Hán, không xa nữa, Lào sẽ là một bàn đạp để TQ tấn công VN bằng đường bộ. Nguy cơ đối với VN đến từ Lào xuất phát từ âm mưu của TQ là khôn lường và không tránh khỏi.

Trong lịch sử, đã hơn một lần “thiên triều” mượn đất của Đại Việt để “hỏi tội” Chiêm Thành, mà thực chất là xâm lược Đại Việt; rồi đây, bài học này sẽ đến đối với trường hợp của Lào. Nói ra điều này, có vẻ “mơ hồ, xa xôi” nhưng tôi dám tin là chuyện sẽ đến trong tương lai; lúc đó, bất luận Lào có đồng ý hay không, trong trường hợp nếu Lào không đồng ý, thì chính Lào sẽ bị TQ thôn tính trước, vì khi đó, TQ đã hoàn toàn “làm chủ” trên đất Lào.

2. Nguy cơ đến từ CPC:


Khác với mối quan hệ VN-Lào; mối quan hệ VN-CPC có những thăng trầm do lịch sử để lại. Những người có lương tri không thể quên được, và không thể không nhắc đến, chính TQ là nước âm mưu thực hiện diệt chủng tại CPC; chỉ trong 4 năm cầm quyền từ 1975 đến 1979, Khmer Đỏ đã tàn sát khoảng 1,7 triệu người CPC; so với dân số CPC thời điểm đó vào khoảng 6,50 triệu người, thì đây là tỷ lệ diệt chủng lớn nhất đối với một dân tộc trong toàn bộ lịch sử nhân loại.

Hiện nay, vẫn còn hàng chục ngàn hài cốt quân tình nguyện VN nằm lại trên đất nước CPC (1) từ thời chiến tranh chống Mỹ đến thời kỳ quân tình nguyện VN rút về nước năm 1989(2).

Bản tin của Đài tiếng nói Hoa kỳ (VOA) ngày 29.3.2010, trong bài “Quan hệ Campuchia-Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn”, cho ta các tin đáng chú ý sau:

- Từ năm 2006 tới nay, Chính phủ ở Phnom Penh đã phê chuẩn các dự án đầu tư của Trung Quốc trị giá khoảng 6 tỷ đô la; và Trung Quốc cũng đã cung cấp cho Campuchia những khoản tài trợ không hoàn lại cùng với những khoản cho vay trị giá hơn 2 tỷ đô la.

- Theo ông Chea Vannath, một phân tích gia độc lập ở Phnom Penh, Campuchia đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của Trung Quốc từ cả ngàn năm trước.

Ông Chea nói thêm: "Điều này cho thấy một mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Từ đó trở đi, bất kể là trong thời kỳ đen tối hay thời kỳ hạnh phúc, Trung Quốc và Campuchia vẫn luôn có một mối quan hệ có thể nói là ngọt bùi có nhau, hay có một mối quan hệ lâu bền. Lúc nào cũng vậy”(3).

- Riêng đối với Thủ tướng Hun Sen thì: “Ông Hun Sen đã tỏ ý hoan nghênh sự gia tăng nhanh chóng của các khoản đầu tư của Trung Quốc. Ông cũng nói rằng những người bạn như Trung Quốc là loại người mà ông muốn có. Vì theo ông, không giống như những nước cấp viện khác, Trung Quốc cung cấp sự giúp đỡ mà không kèm theo điều kiện nào và không tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia”.

Như vậy, người CPC đã có sự chuyển đổi và thay đổi hoàn toàn cái nhìn đối với VN và TQ, theo hướng hoàn toàn bất lợi cho VN.

3. Những hình tượng và viễn cảnh hãi hùng:



- Sức mạnh đồng hóa của dân tộc Hán trong lịch sử để ta liên tưởng đến sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico cuối tháng 4/2010 và đang là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ; nghĩa là, dầu tràn đến đâu là tiêu diệt tất cả các loại sinh vật sống dưới váng dầu đến đó... Nhân sự kiện bạo động của dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương TQ năm 2009, người ta đã đưa ra con số thống kê, vào năm 1949 dân tộc Hán ở Tân Cương vào khoảng 4,5 triệu người và bằng 7,5% dân số ở Tân Cương, nhưng sau 60 năm, dân số này đã gần 50 triệu người và bằng 49% trong cơ cấu dân số tại Tân Cương.

Với Lào và CPC vốn chủ yếu theo đạo Phật, tâm linh hiền hòa, liệu 60 năm nữa có ngoài dự đoán sẽ là “dân tộc thiểu số” ngay trên mảnh đất cha ông mình? Như vậy, hai đất nước và hai dân tộc Lào và CPC trong vòng 100-150 năm nữa có nguy cơ bị tiêu diệt là hoàn toàn có thể (người Myanma cũng đã có cảnh báo tương tự)

- Chỉ trong vòng 3-5 năm nữa, tuyến đường bộ nối từ Vân Nam TQ đi qua Lào xuống CPC và đến vịnh Thái Lan (cảng Sihanoukville-CPC) sẽ hoàn thành, là sự đe dọa nghiêm trọng đối với VN. Cũng cần nói thêm là, TQ đã thuê CPC để “trồng rừng” với thời gian là 99 năm tại biên giới tỉnh Mondolkiri giáp với huyện Ea Súp tỉnh Đăk Lăk và huyện Đăk Mil tỉnh Đăk Nông(4).

- Nhìn vào bản đồ TQ và các nước thuộc lục địa Đông Nam Á (VN, Lào, Myanma, Thái Lan và CPC), ta cứ tưởng tượng: lục địa TQ như thân con bạch tuộc quay mặt về phía Nam, một số vòi của con bạch tuộc sẽ vòng qua “lưỡi bò” ở Biển Đông, các vòi còn lại chia ra thành các nhánh ở hướng phía Tây, trong đó “ưu tiên” dọc theo tuyến đường Vân Nam - Lào - CPC; khi “khởi sự” đối với VN các nhánh này sẽ kết hợp với nhánh đã có sẵn tại mỏ Bô xít ở Đăk Nông. TQ đang cho thấy, một toan tính bao vây VN từ 4 phía.

Nếu như trong kháng chiến chống Mỹ, VN dựa vào đường Trường Sơn huyền thoại, thì trong “cuộc chiến” với ông bạn hữu nghị “4 tốt” điểm mạnh này không còn nữa... điều gì sẽ đến?

- Cũng trên bản đồ này, bản đồ VN như một con cá ngựa bé xíu nằm trong các vòi của con bạch tuộc và sẽ được khép lại tại cảng Sihanoukville; liệu chú cá ngựa VN có đủ khôn ngoan nhưng rất cương quyết như ông cha xưa để né được đòn?

- Nếu ai đã từng xem “Bản đồ TQ hiện đại” được xuất bản vào những năm 40 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến Quốc-Cộng (Quốc dân đảng-Cộng sản) đang còn diễn ra; ngay thời đó Mao (Trạch Đông) đã từng mơ ước đến một TQ như viễn cảnh đã nói trên (nghĩa là gồm toàn bộ diện tích các nước VN, Lào, Thái Lan, Myanma, CPC và ở phía bắc TQ là khoảng 2 triệu km2 vùng Sibiri rộng lớn của nước Nga, mà TQ cho rằng Nga đã “xâm lược” và đã cướp của TQ thời xa xưa).

4. Thay lời kết:



- Nguy cơ bị xâm lược, thảm họa mất nước, sống kiếp nô lệ đối với dân tộc VN ta là rất rõ ràng, hiện hữu; chúng ta cũng không thể trách cứ các bạn Lào và CPC, xem như là “tiên trách kỷ” vậy!? Tất cả các nguy cơ như đã nêu trên do chính người VN chúng ta tạo nên, do chính những sai lầm trong nội tại của người VN. Đã từ rất lâu rồi, những người VN yêu nước đã cảnh báo, bằng những luận chứng khoa học và tấm lòng nhiệt huyết... nhưng thay vì thay đổi, chúng ta lại sử dụng biện pháp ngược lại, bưng bít và che giấu sự thực, để rồi, có thể sẽ sa lầy đến hồi không còn cơ hội cứu vãn!

- Lịch sử thì chỉ có một và trần trụi sự thật; một đời người có thể đạt được tiền tài, danh vọng, quyền lực... bằng sự dối trá; nhưng một dân tộc sẽ không còn tương lai, hoặc bị tiêu diệt nếu được xây dựng trên nền tảng mơ hồ, giả dối, mị dân... đó cũng là lời cảnh báo cuối cùng cho những ai còn đầu óc và chút lương tâm đang nắm vận mệnh dân tộc (5).

Chú thích:



(1) bản thân người viết bài này cũng có một anh trai, đi bộ đội năm 1968 và hy sinh năm 1971 tại CPC, đến nay vẫn chưa có thông tin về hài cốt của anh.

(2) Việc rút quân đội Việt Nam khỏi CPC được hoàn tất ngày 26/9/1989.

(3) cách đây khoảng 20 năm, người viết bài này đã từng đọc một tài liệu đại ý rằng, để thực hiện âm mưu diệt chủng và từng bước thay bằng người TQ tại CPC, TQ đã từng đưa người CPC trong thời Khmer Đỏ sang làm luận án cao học, trong đó nói rằng, nguồn gốc người CPC là từ...TQ!?

(4) huyện Ea Súp có cao độ từ 160-250 m địa hình bằng phẳng, là “vựa lúa” của Đăk Lăk, phía CPC cũng bằng phẳng tương tự, theo địa hình tự nhiên, phía CPC còn thấp hơn Ea Súp, người viết bài này đã từng đi dọc hành lang biên giới và đến một số cọc mốc giữa Ea Súp và CPC, nắm tương đối rõ về địa hình ở khu vực này. TQ có thể che giấu hàng quân đoàn trong điều kiện rừng tự nhiên, nhưng bằng phẳng; chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng quân sự sẽ có chi phí thấp.

(5) Xin tham khảo thêm bài Cuộc khủng hoảng lãnh tụ của Việt Nam và hệ quả xã hội của nó của Hoàng Giang trên boxitvn.blogspot.com ngày 25/5/2010.

30.5.2010



NHQ



HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Phụ lục:

Nhìn về Châu Á: Quan hệ Campuchia-Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn

Trong 5 năm qua các mối quan hệ giữa Campuchia với Trung Quốc đã trở nên chặt chẽ hơn lúc nào hết, trong đó có việc Bắc Kinh đầu tư hàng tỉ đô la vào quốc gia nghèo khó ở Đông Nam Á này. Từ Phnom Penh, thông tín viên Robert Carmichael của đài VOA tường thuật rằng dân chúng Campuchia biết được những lợi ích của sự tăng cường quan hệ nhưng cũng nhận thức những mối rủi ro có thể có.

Robert Carmichael

Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã trở thành nguồn đầu tư ngoại quốc quan trọng nhất của Campuchia. Từ năm 2006 tới nay, chính phủ ở Phnom Penh đã phê chuẩn các dự án đầu tư của Trung Quốc trị giá khoảng 6 tỉ đô la; và Trung Quốc cũng đã cung cấp cho Campuchia những khoản tài trợ không hoàn lại cùng với những khoản cho vay trị giá hơn 2 tỉ đô la.

Những khoản tiền đó là những khoản tiền rất lớn đối với Campuchia, là nước có tổng sản lượng khoảng 10 tỉ đô la.

Mối quan hệ nồng ấm này không phải là một điều mới lạ. Theo ông Chea Vannath, một phân tích gia độc lập ở Phnom Penh, Campuchia đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của Trung Quốc từ cả ngàn năm trước.

Ông Chea nói thêm: "Điều này cho thấy một mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Từ đó trở di, bất kể là trong thời kỳ đen tối hay thời kỳ hạnh phúc, Trung Quốc và Campuchia vẫn luôn có một mối quan hệ có thể nói là ngọt bùi có nhau, hay có một mối quan hệ lâu bền. Lúc nào cũng vậy."

Trong những năm gần đây mối quan hệ này là một trong những mối quan hệ được Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đánh giá cao.

Ông Hun Sen đã tỏ ý hoan nghênh sự gia tăng nhanh chóng của các khoản đầu tư của Trung Quốc. Ông cũng nói rằng những người bạn như Trung Quốc là loại người mà ông muốn có. Vì theo ông, không giống như những nước cấp viện khác, Trung Quốc cung cấp sự giúp đỡ mà không kèm theo điều kiện nào và không tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia.

Ông Cheang Vanrarith là người đứng đầu một tổ chức nghiên cứu ở Phnom Penh có tên là Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia. Ông nói rằng những quyền lợi tài chánh của Trung Quốc ở Campuchia cũng mang lại những lợi ích khác cho Trung Quốc.

Ông Vanarith nhận xét: "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có lẽ nhìn xa hơn những quyền lợi kinh tế để hướng tới những quyền lợi chiến lược trong khu vực này. Vì Trung Quốc thường tự xem mình là trung tâm của vũ trụ. Trung Quốc là trung tâm của khu vực xét về phương diện chiến lược và phương diện kinh tế. Một số người nói rằng đây là sự quay lại quá khứ của Trung Quốc."

Tuy nhiên, một số người cũng tỏ ý lo ngại về ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở Campuchia. Một số người chỉ trích, trong đó có những người đã ra điều trần trước quốc hội Hoa Kỳ hồi gần đây, cho biết rằng tiền bạc mà Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Campuchia rốt cuộc đã lọt vào túi của những công ty quốc doanh của Trung Quốc nhận hợp đồng xây dựng đường xá và các đập thủy điện. Các hợp đồng này không có sự xem xét của công chúng và sự giám sát độc lập nào cả.

Nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã tỏ ý lo ngại về việc Bắc Kinh nhất mực đòi Phnom Penh phải cam kết mua toàn bộ số điện mà các nhà máy thủy điện sản xuất trong vòng 30 năm.

Để thực hiện cam kết này chính phủ Campuchia phải chi tiêu hàng trăm triệu đô la mỗi năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói rằng Phnom Penh phải làm sao để tránh bị mắc kẹt vào những cam kết không có giới hạn rõ ràng, ngõ hầu công cuộc chống nạn nghèo khó khỏi bị phương hại vì những trách nhiệm như vậy.

Bất chấp những mối quan tâm đó, ông Cheang Vanarith cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục nới rộng ảnh hưởng của họ ở Campuchia. Ông nói rằng tình hữu nghị với Trung Quốc mang lại cho Campuchia một sự cân bằng hữu ích đối với những nước khác, chẳng hạn như Thái Lan – là nước xưa nay vẫn có nhiều mối tranh chấp với Campuchia.

Ông Vanarith nói thêm rằng quan hệ với Trung Quốc có ít rủi ro và một phần của khoản tiền viện trợ và đầu tư của Trung Quốc đã đóng góp cho nỗ lực giảm nghèo của Campuchia.

Tuy nhiên các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền nói rằng mối quan hệ này có thể quá đỗi gần gũi và trở thành tai hại. Họ nêu lên sự kiện là Phnom Penh hồi năm ngoái đã quyết định gởi trả 20 người tị nạn Uighurs về Trung Quốc, theo yêu cầu của chính phủ ở Bắc Kinh. Vài ngày sau đó Campuchia nhận được từ Trung Quốc những thỏa thuận trợ giúp kinh tế trị giá 1,2 tỉ đô la.

Hoa Kỳ và các nước khác đã cực lực chỉ trích Campuchia về việc trục xuất những người Uighurs, là những người Hồi giáo thiểu số ở vùng Tân Cương của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Cheang Vanarith cho biết hành động của Campuchia không gây ra thiệt hại kinh tế nào.

Ông Vanarith nói tiếp: "Quả là chúng tôi đã nhận được phản ứng tiêu cực rất mạnh từ phía Hoa kỳ. Nhưng giai đoạn sau này dường như mọi việc đều OK. Tôi có cảm giác là quan hệ song phương giữa Campuchia với Hoa Kỳ đang đi đúng hướng, đang trở lại với tình trạng tốt đẹp."

Tuy nhiên, ông Chea Vannath, nhà phân tích tình hình ở Phnom Penh, cùng với nhiều nhân vật tranh đấu khác, cảm thấy lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với môi trường của Campuchia và đối với những nỗ lực nhằm cải thiện năng lực cai trị của chính phủ và bảo vệ nhân quyền.

Ông Vannath nói: "Đi kèm những khoản tiền của Trung Quốc là sự thiếu minh bạch, thiếu năng lực cai trị dân chủ – không phải chỉ là năng lực cai trị mà thôi mà là năng lực cai trị một cách dân chủ, và sự tham gia của người dân vào công việc của đất nước. Điều đó khiến chúng tôi quan tâm. Vâng, chúng tôi quan tâm tới vấn đề này."

Trong khi đó, chính phủ Campuchia dường như không có sự quan tâm như vậy. Hồi đầu tháng này, Phnom Penh và Bắc Kinh đã đồng ý tiếp tục tăng cường quan hệ và hợp tác trong các dự án phát triển nông nghiệp, du lịch và viễn thông ở Campuchia.

Nguồn: VOA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn