Nhà tưởng niệm nỗi nhục của báo chí

Nguyễn Đình Đăng

Đọc bài viết này của họa sĩ kiêm nhà vật lý Nguyễn Đình Đăng, tự kiểm lại mình, BVN có thể tự hào mình không nằm trong bảng xếp hạng mà Nhà tưởng niệm nỗi nhục của báo chí đã phân cấp bậc cho báo chí thế giới – trong đó có việt Nam – trong việc đưa tin một cách hồ đồ và không thiện chí trước thảm họa nguyên tử ở Fukushima. Hai bài viết của Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn trên BVN không những khẳng định nguy cơ tác hại đến môi trường của nhà máy điện nguyên tử nói chung là thấp so với nhiều thứ ô nhiễm khác mà con người từng gây ra bằng mọi cách ở nhiều nơi trên thế giới, ông còn phân tích độ vững chắc của Nhà máy điện nguyên tử Fukushima cũng như tinh thần trách nhiệm về an toàn của các Kỹ sư Nhật Bản là điều không thể nghi ngờ, dầu rằng sự cố động đất và sóng thần vượt cấp ở Fukushima Daiichi thì cả thế giới chưa có nước nào tiên liệu. “May mà thảm họa nguyên tử lại phát sinh từ một nơi như Nhật Bản vốn có trình độ kỹ thuật rất cao, người Kỹ sư Nhật Bản vừa giỏi kỹ thuật vừa giàu lương tâm, biết quên mình trước phận sự, và Chính phủ Nhật Bản là một Chính phủ biết lấy sự sống của dân làm đầu, chứ nếu chuyện này xảy ra ở những nơi khác, thế giới hẳn còn phải chịu hậu quả ghê gớm hơn rất nhiều” – TS Đoàn đã nói đại ý như vậy đấy.

Bauxite Việt Nam

Trận đánh Chernobyl” là nhan đề bộ phim tài liệu sản xuất năm 2007 nói về tai nạn hạt nhân lớn nhất trong lịch sử do con người gây ra. Đó là vụ nổ lò phản ứng tại Nhà máy điện nguyên tử (NMĐNT) Chernobyl (Ukraine) xày ra vào ngày 26/4/1986. Vụ nổ đã khiến hơn 40 ngàn dân trong vùng giáp nhà máy bị nhiễm bụi phóng xạ gấp 100 lần phóng xạ của hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản, và mây phóng xạ lan khắp châu Âu. Ngoài những tai hoạ khủng khiếp do phóng xạ gây ra, bộ phim còn phát hiện một “nguyên tố” nguy hiểm không kém các nguyên tố phóng xạ như iodine 131, hay cesium 137. Nguyên tố đó có tên là Lie 86 (Dối trá năm 1986). Trong lời giới thiệu của bộ phim có đoạn: “Dựa trên những tài liệu tối mật quốc gia chỉ mới được tiết lộ vào thập niên 1990 khi Liên Xô sụp đổ, bộ phim đã phát giác một sự che giấu có hệ thống sự thật của thảm họa, bao gồm cả khả năng xảy ra một vụ nổ thứ hai do magma nóng chảy trong lò gây ra, mà đám mây phóng xạ có thể biến toàn châu Âu thành vùng đất không thể sinh sống được. Cố gắng của nhà nước Xô Viết nhằm ngăn chặn tai họa này đã kéo dài hơn 7 tháng và đã phải hy sinh số phận của hàng ngàn binh sĩ, thợ mỏ và các công nhân khác”.

Có những người dường như đã vô tình hay hữu ý mà quên mất điều này khi cố cho rằng tai nạn do trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 gây ra tại NMĐNT Fukushima 1 (Nhật Bản) cũng trầm trọng như thậm chí còn hơn thảm hoạ Chernobyl, mặc dù, cho đến giờ, xếp hạng của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đối với tai nạn tại Fukushima vẫn ở mức 5 (Tai nạn gây hậu quả rộng hơn), tức kém mức độ nghiêm trọng do thảm hoạ Chernobyl gây ra tới 100 lần (mức 7, tai nạn trầm trọng, mức cao nhất).

Nhiều tin tức và bình luận giật gân của báo chí trên toàn thế giới trong hơn 3 tuần qua, kể từ sau  khi xảy ra trận đại động đất và sóng thần tại vùng Đông Bắc Nhật Bản, đã khiến không ít người Nhật và người ngoại quốc… bám trụ ở lại nước Nhật cảm thấy phiền lòng. Một blogger người ngoại quốc sống tại Nhật thậm chí đã mở một trang wiki có tên “Nhà tưởng niệm nỗi nhục của báo chí” để liệt kê và xếp hạng tồi tệ những bài báo liên quan tới trận động đất vừa qua. Theo blogger này, những bài báo và nhà báo tồi tệ là những bài báo / nhà báo đã góp phần

- kích động hoảng loạn trong dân chúng trên toàn cầu về năng lượng hạt nhân (bất kể là ủng hộ hay chống đối)

- kích động hoảng loạn trong dân chúng trên toàn cầu về “Trời ơi, hạt nhân nguyên tử, chúng ta sắp chết hết đến  nơi rồi!”

- gây hoang mang cho gia đình, những người thân, bạn bè của những người ngoại quốc hiện sống  tại Nhật. Một số người ngoại quốc đã phải rời Nhật Bản không phải vì họ lo sợ nguy hiểm, mà chỉ vì phải làm yên lòng gia đình, người thân của họ ở quê nhà, luôn giục giã họ phải bỏ nước Nhật chạy đi… lánh nạn.

- gây thiệt hại về kinh tế cho Nhật Bản vì đã khiến các công ty nước ngoài rút nhân viên của họ về nước, thậm chí đóng cửa các cơ sở tại Tokyo vì sợ… “phóng xạ”.

- mô tả và đánh giá người Nhật một cách sai lầm theo khuôn mẫu lười nhác của mình.

Trên cơ sở đó, trang web đã đưa ra 11 mức từ 1 đến 11 theo thứ tự tăng của độ vi phạm để xếp hạng tồi tệ của các bài báo:

1 – 2: Không cố tình mà chỉ dựa trên thông tin không tốt nhưng có vẻ có lý;

3 – 4: Không có ác ý, mà chỉ do hiểu sai tình huống;

5 – 6: Báo cáo mà không kiểm tra lại những sự kiện có thể dễ dàng kiểm tra do lười nhác hơn là có ác ý, hoặc viết một bài báo vặt vãnh ngu xuẩn trên nền bi kịch của nhân loại;

7 – 8: Không kiểm tra sự kiện, đăng tin đồn thay cho sự kiện, kể các chuyện giật gân thay cho sự thực;

9: Gây hoang mang, sợ hãi;

10: Gây hoang mang một cách điên loạn kèm thành kiến về chủng tộc/văn hóa/chính trị;

11: Ma giáo.

Trong số các hãng truyền thông và nhà báo bị trang web này xếp hạng tồi tệ nhất (hạng 10) có các kênh truyền hình và nhà báo của Pháp như TF1, France 2, AFP, Anh như Daily Telegraph, Hoa Kỳ như CNN, v.v.

Dựa trên bảng xếp loại trên đây, bạn đọc cũng có thể xếp hạng truyền thông trong nước liên quan tới vụ động đất và sóng thần ở Nhật. Theo chủ quan của tôi, nhiều bài đăng trên các phương tiện truyền thông Việt Nam dễ dàng rơi vào một trong các mức từ trung bình trở lên (từ 5 tới  9), đặc biệt là những bài dịch lại một cách mù quáng các bài đăng trên các báo ngoại quốc của Pháp, Trung Quốc, v.v. ví dụ như bài “Nhật còn 48 giờ để tránh một Chernobyl?” (đăng tại Vietnamnet ngày 17/3/2011). Bài này và nhiều bài khác trên báo chí Việt Nam cộng với sự im hơi lặng tiếng của các “chuyên gia” về NMĐNT của Việt Nam hay “bình loạn” của một số người đã buộc tôi phải viết bài “Fukushima 1 không phải là Chernobyl thứ hai”, mặc dù cho đến trước ngày 11/3/2011, cũng như nhiều người khác, tôi còn chưa biết cái lò phản ứng tại Fukushima mặt mũi ra sao [1].

Trang wiki nói trên còn nêu tên các anh hùng trong trận động đất. Trong số các anh hùng đó có

- các công nhân tại NMĐNT Fukushima,

- binh lính lực lượng phòng vệ Nhật Bản,

- lính cứu hỏa,

- các y bác sĩ, hộ lý, những người tình nguyện giúp người bị nạn,

- toàn thể nhân dân Nhật Bản,

- Miki Endo, 25 tuổi, nữ nhân viên của Ban Xử trí Khủng hoảng thuộc Tòa thị chính thành phố Minami Sanriku, đã hy sinh tính mạng của mình để cứu sống 7000 dân. Thành phố Minami Sanriku có tất cả 17000 dân. Mười ngàn trong số họ đã bị sóng thần cuốn đi. Miki đã không rời vị trí của mình trước microphone tại Tòa Thị chính thành phố để thông báo liên tục vào loa truyền thanh cho nhân dân chạy đi lánh nạn, cho đến khi sóng thần đen ngòm bao trùm lên toàn thành phố, ập vào Tòa Thị chính cuốn Miki đi. Ông Taeza Haga, 61 tuổi, một trong số 7.000 người được tiếng nói của Miki Endo cứu sống, đã kể lại cho mẹ của Miki rằng, ngay sau khi nghe thấy tiếng Miki thông báo, ông đã nhảy vào xe hơi của mình và phóng thẳng lên chỗ cao lánh nạn. “Suốt trên đường chạy, tôi đã nghe thấy tiếng cuả cháu”, ông nói. Cho đến nay người ta vẫn chưa tìm thấy xác của Miki. Bạn có thể nghe tiếng của Miki Endo tại đây.

- Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người đã không bỏ nước Nhật chạy, mà ngược lại, chạy đến đứng cạnh Thủ tướng Nhật Naoto Kan trong giờ phút nước Nhật cần sự giúp đỡ. Trong lời cảm ơn, Naoto Kan đã nói với Sarkozy câu ngạn ngữ Nhật Bản “Người bạn đến trong ngày mưa là người bạn đích thực” (雨の時に集まってくれる友こそ、真の友).

- Takeshi Hirata, một chính trị gia địa phương thuộc thành phố Oofunato, tỉnh Iwate. Ông Hirata đã qua đời 9 ngày trước khi xảy ra trận động đất và sóng thần 11/3/2011 nhưng ông đã cứu sống 71 học sinh trường tiểu học Okirai thoát chết. Khi còn sống, Hirata đã liên tục đấu tranh đòi chính quyền địa phương cấp 4 triệu yen (47,600 USD) để xây một lối thoát hiểm khẩn cấp từ tầng 2 của trường tới vách đá gần nhất để tránh sóng thần. Cuối cùng lối thoát hiểm đã được xây xong vào tháng 12 năm 2010. Nhờ lối thoát hiểm này mà 71 đứa trẻ đã kịp chạy được lên núi, trước khi sóng thần ập tới cuốn bay cả lối thoát hiểm đi.

*

Sáng nay Trung tâm Máy gia tốc Nishina của RIKEN họp đầu năm tài chính. Chúng tôi đứng im lặng cúi đầu 1 phút mặc niệm các nạn nhân của trận động đất và sóng thần. Trong lời phát biểu mở đầu cuộc họp, Giám đốc trung tâm Hideto En’yo nói: “Có lẽ một số trong chúng ta hơi sững sờ trước cảnh hàng ngàn người ngoại quốc bỏ nước Nhật chạy. Chúng ta nên thông cảm với họ. Chính chúng ta cũng đã từng làm như vậy sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Hoa Kỳ. Còn đối với những người ngoại quốc đã ở lại với chúng ta, chúng ta biết ơn họ”.

Trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản đã khiến thế giới kinh ngạc trước thái độ bình tĩnh và tự trọng, nói tóm lại là liêm sỉ của người Nhật – một phẩm chất cao quý mà thiếu nó xã hội này sẽ chỉ còn chỗ cho sự sa đọa. Dường như phẩm chất đó được mọi người Nhật coi là lẽ tự nhiên, từ những người bình thường như cô gái Miki Endo, tuổi chỉ trạc tuổi con trai tôi, mà sự hy sinh của cô đã khiến không ít người, trong đó có tôi, ngộ ra sự tầm thường bé nhỏ đến vô nghĩa của những gì mà mình từng lầm tưởng là “vĩ đại”  trong cuộc đời này. Tại một số nước “đang phát triển” hiện nay, khi đồng tiền – cái thứ mà Shakespeare [2] từng gọi là con đĩ của toàn nhân loại – đã khiến không ít người trở nên hợm hĩnh mà tuyên bố rằng: “Cái gì không mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”, hành vi của những người như Miki Endo là một câu trả lời rõ ràng: “Tiền không mua được liêm sỉ”. Phải chăng chỉ đến khi nào mỗi chúng ta đều hành xử theo liêm sỉ, theo lương tâm của mình, thì mới không còn những trang wiki kiểu như đã nói đến trong bài này, và những nhà tưởng niệm nỗi nhục của báo chí cũng như của các lĩnh vực khác như chính trị, giáo dục, khoa học, v.v., hay những nguyên tố phóng xạ kiểu Lie 86, cũng sẽ theo nó mà biến mất?

Ở Tokyo hoa anh đào lại bắt đầu nở rực rỡ khắp nơi. Những đốm hoa trắng bừng lên dưới vòm trời Tự do xanh ngắt. Còn ở Hà Nội quê hương tôi ngày hôm nay, một người đồng niên với tôi, ông Cù Huy Hà Vũ, Tiến sĩ luật khoa từ Đại học Sorbonne, vừa bị kết án 7 năm tù chỉ vì đã công khai phát biểu ý kiến của mình về tự do và dân chủ.

Tokyo 4/4/2011

N.Đ.Đ

[1] Bài viết tôi đăng trên blog cá nhân của mình sau đó đã được một số báo trong nước copied lại, dĩ nhiên là kèm theo cả lỗi trong bản đầu tiên. Tôi đã liên hệ với các báo đăng bài của tôi đề nghị họ sửa lại.  Tất nhiên, tôi không thể nào liên hệ với tất cả các bloggers đã copied bản đầu tiên với yêu cầu tương tự. Vì thế, nhân đây đề nghị các bloggers, sau khi đọc bài này, hay upload lại bài viết nói trên của tôi dùng bản đã được hiệu đính hiện posted tại

Nguyendinhdang.wordpress.com

[2] William Shakespeare từng viết về đồng tiền như sau trong Timon of Athens:

This yellow slave

Will knit and break religions, bless the accursed;

Make the hoar leprosy adored, place thieves

And give them title, knee and approbation

With senators on the bench: This is it

That makes the wappen’d widow wed again; (…)

Thou common whore of mankind, that put’st odds

Among the rout of nations.

Nguồn: Nguyendinhdang.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn