Cáo lỗi cùng thế giới: Những gì xảy ra ở Bắc Kinh SẼ KHÔNG giới hạn tại Bắc Kinh

Minxin Pei, The Diplomat, 22 tháng Mười 2012

Trần Ngọc Cư dịch

Minxin Pei là một giáo sư môn Chính phủ tại Đại học Claremont McKenna và là một nhà nghiên cứu thâm niên không thường trú tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ. Công trình nghiên cứu của ông đã được đăng trên các tạp chí Foreign Policy, Foreign Affairs, The National Interest, Modern China, China Quaterly, Journal of Democracy và trong nhiều sách được biên tập. Nhiều bài xã luận của ông đã xuất hiện trên các báo Financial Times, New York Times, Washington Post, Newsweek International, và International Herald Tribune, cũng như nhiều nhật báo quan trọng khác.

The Diplomat

Một trong những câu hỏi ám ảnh đầu óc của hầu hết các nhà quan sát tình hình Trung Quốc (TQ) hiện nay là, Bắc Kinh sẽ ứng xử thế nào với thế giới bên ngoài khi chính quyền này phải đối diện với một tình hình nội bộ khó khăn hơn nhiều? Trong những thách thức rõ nét mà Trung Quốc sẽ đối phó trong những năm sắp tới có những vấn đề như tính năng động kinh tế đang suy giảm, một cơ cấu làm quyết sách với quyền lực bị tản mác và thiếu ổn định, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, những đòi hỏi cải tổ chính trị ngày càng gia tăng, và nỗi bất bình của dân chúng đối với nguyên trạng (the status quo) đang lan rộng [The status quo còn được dịch ra tiếng lóng là “Vũ Như Cẫn”, ND].

Nói chung, những khó khăn nội bộ này sẽ làm suy giảm các nguồn lực có thể có được để duy trì và bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới, sẽ giới hạn khả năng quân đội Trung Quốc trong nỗ lực hiện đại hóa, và sẽ khiến các lãnh đạo TQ trở nên dè dặt hơn trong việc đảm nhận những trách nhiệm quốc tế và khu vực quan trọng hơn. Điều đáng lo ngại hơn cả là, thái độ ứng xử thất thường của Trung Quốc, do hậu quả của một hỗn hợp gồm thiếu kinh nghiệm lãnh đạo và bất ổn chính trị, rất có thể sẽ đánh dấu cách điều hành chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong những năm tới.

Dựa trên địa vị nổi bật mà Trung Quốc đã nắm giữ trong việc phóng chiếu ảnh hưởng kinh tế của mình khắp thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển có nhiều tài nguyên, người ta có thể cho là hoang tưởng, nếu có ai bảo rằng những khó khăn kinh tế đang ló dạng trong nước có thể hạn chế nghiêm trọng khả năng của Trung Quốc trong việc khẳng định mình như một cường quốc kinh tế thay thế cho phương Tây. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn cái cung cách mà Trung Quốc đã và đang tài trợ các đầu tư của mình tại châu Phi, Trung Á, và châu Mỹ La tinh, người ta sẽ chứng minh được rằng những đầu tư này không những tốn kém, mà lại còn chứa đầy rủi ro. Những khoản trợ cấp và cho vay ưu đãi mà Trung Quốc đã cung cấp cho nhiều nước khác nhau để giành lấy thiện chí của họ ít ra đã lên đến một con số tổng cộng hàng chục tỷ đôla (đây là những con số được báo cáo; không ai biết được con số đích thực). Những khoản vay này được thực hiện vào giai đoạn Trung Quốc có mức tăng trưởng trên 10% và dư thừa tiền mặt để vung vít. Nhưng khi kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu giảm tốc và lượng tiền chảy vào ngân khố của Bắc Kinh giảm đi, thì Chính phủ Trung Quốc hẳn nhiên sẽ không đủ ngân sách để duy trì những mũi tiến công kinh tế và ngoại giao này. Xét về chính trị nội bộ, nếu Nhà nước TQ tiếp tục duy trì một chương trình ngoại viện hào phóng khi dân chúng trong nước đang vật lộn với cuộc sống, thì việc này chắc chắn sẽ kích động những chỉ trích gay gắt từ phía dân chúng. Cách đây không lâu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bị lên án gay gắt khi có tin tiết lộ rằng Trung Quốc đã viện trợ cho Macedonia những xe buýt an toàn để chở học sinh trong khi con em trong nước phải đến trường trên những phương tiện chuyên chở bấp bênh.

Cuộc xâm nhập đầy rủi ro của Trung Quốc vào các nước đang phát triển sẽ gặp phải một trở ngại khác. Hầu hết các dự án tầm cỡ mà Trung Quốc hậu thuẫn tại những nước này được tài trợ do các khoản vay từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc. Dựa vào kinh nghiệm trước đây, nhiều dự án trong số này có khả năng thất bại. Khi chính các ngân hàng Trung Quốc được dự kiến sẽ vật lộn với một loạt nợ không sinh lãi ở trong nước, các ngân hàng này sẽ không muốn tiếp tục tài trợ các dự án có mức rủi ro cao và lợi nhuận thấp như thế ở nước ngoài. Vì thế, mọi người có thể thấy trước, một Trung Quốc suy yếu ở trong nước có nghĩa là một Trung Quốc mất dần ảnh hưởng ở nước ngoài.

Một tổn thất hiển nhiên khác là chiến dịch khoa trương của Trung Quốc để phóng chiếu “quyền lực mềm” (soft power). Được mệnh danh ở trong nước là “dawaixuan” (cuộc tuyên truyền to lớn ở nước ngoài), chiến dịch này đã dẫn đến việc mở rộng sự hiện diện của các phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc khắp thế giới. Tân Hoa Xã, chẳng hạn, đã phát động chương trình tin tức truyền hình bằng tiếng Anh. Tờ lá cải dân tộc chủ nghĩa, Global Times (Hoàn cầu Thời báo), đã thêm một phiên bản tiếng Anh. Tờ báo chính thống China Daily thường xuyên chiếm nguyên một trang quảng cáo trên các tờ The New York Times, The Wall Street Journal, và The Washington Post. Nếu phán đoán từ sự kiện hình ảnh của Trung Quốc đang trở nên tồi tệ khắp thế giới, thì chiến dịch tuyên truyền này đã hoàn toàn thất bại. Khi các vị trưởng ban tuyên truyền của Bắc Kinh tiếp nhận những ngân sách khắc khổ trong vòng một hoặc hai năm tới, thật khó mà tưởng tượng được họ sẽ quyết định phung phí tiền bạc như trước đây.

Ảnh hưởng kinh tế, văn hóa, và ngoại giao đang suy yếu của Trung Quốc, do sự cắt giảm các nguồn lực tài chính gây ra, không phải là nạn nhân duy nhất của những khó khăn trong nước. Giải phóng quân Nhân dân (GPQND), trong gần hai thập niên qua có mức tăng trưởng ngân sách trên 10%, chắc chắn phải tranh đấu nhiều hơn nữa để giành lấy phần mình trong một chiếc bánh nhỏ hơn. Tiến độ của việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc có thể chậm lại. Đối với các nước láng giềng của Trung Quốc, tình hình này sẽ làm cho họ bớt lo lắng. Washington, hẳn nhiên, có thể thở dài nhẹ nhõm. Tuy nhiên, một kết quả như vậy là không có gì chắc chắn. Người ta tưởng tượng được rằng GPQND có thể lấy cớ phải đối phó với chiến lược “xoay trục” của Mỹ và các tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Philippines, và Việt Nam, để đòi hỏi thêm nhiều chi phí quốc phòng. Ví như GPQND có thành công trong đòi hỏi của mình đi nữa, tổ chức này sẽ phải trả một giá đắt bởi vì quân đội Trung Quốc còn phải cạnh tranh với những tập thể chính trị khác có quyền lực không kém, như các doanh nghiệp Nhà nước, guồng máy thư lại, và các chính quyền địa phương, để giành lấy ngân sách đang bị cắt giảm.

Một số nhà quan sát phương Tây có thể vui mừng về những thảm trạng đang chồng chất bên trong Trung Quốc vì chúng sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc và giảm thiểu “mối đe dọa của Trung Quốc”. Nhưng họ cần phải thận trọng về những gì họ đang mong muốn. Một Trung Quốc dù suy yếu vẫn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho trật tự thế giới.

Thiệt hại hiển nhiên khi Trung Quốc bị suy yếu bên trong sẽ là thái độ e ngại của Bắc Kinh trong việc đóng một vai trò xây dựng hơn trong các vấn đề toàn cầu và khu vực. Những người hoài nghi có thể nói rằng các lãnh đạo Trung Quốc, ngay cả trong thời kỳ đất nước thịnh vượng, vẫn nói thì nhiều mà thực hiện thì ít. Mặc dù một số trong những lời chỉ trích đó là đúng sự thực, nhưng nếu đánh giá khách quan hơn, ta sẽ thấy rằng thỉnh thoảng Bắc Kinh cũng đóng một vai trò tích cực nhưng không được nhìn nhận xứng đáng, chẳng hạn trong cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á những năm 1997-98 và trong nỗ lực thúc đẩy tự do mậu dịch khu vực. Thậm chí về Bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh đã gây áp lực khiến Bình Nhưỡng bớt hung hăng hơn trước, kể từ đầu năm 2011 (sau khi không làm điều đó trong năm 2010). Về Iran và Libya, Trung Quốc cũng tránh thọc gậy bánh xe. Về các cuộc thảo luận khí hậu toàn cầu, lập trường đàm phán đang diễn biến của Bắc Kinh cũng cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, ngay cả những đóng góp khiêm nhượng của Trung Quốc cho trật tự thế giới cũng có nguy cơ tan biến nếu các lãnh đạo TQ, vì quá bận tâm với những khủng hoảng trong nước, phải quyết định chấm dứt mọi đóng góp.

Quan niệm thông thường về một Trung Quốc suy yếu là, nước này sẽ trở nên hiếu chiến hơn vì giới lãnh đạo của nó sẽ thấy có lợi trong việc đánh lạc hướng sự chú ý của dân chúng bằng những hô hào về lòng yêu nước và bằng một chính sách đối ngoại hung hăng hơn. Đây là một lối giải thích giản đơn về cung cách ứng xử của Bắc Kinh. Chắc chắn là, những cám dỗ này đang hiện hữu, và người ta có thể dự kiến rằng các lãnh đạo mới của Trung Quốc, vì bị hạn chế bởi thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn liếng chính trị, sẽ lợi dụng những tình cảm dân tộc chủ nghĩa của người dân. Nhưng nói cứng là một chuyện, mà hành động cứng rắn lại là một chuyện khác. Khi chúng ta nghiên cứu kỹ hành vi ứng xử trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong vòng 60 năm qua, chúng ta sẽ thấy rằng Bắc Kinh, dù ăn nói đao to búa lớn, thực ra đã lựa chọn kỹ càng các trận đánh trước khi lâm chiến. Ý thức sâu sắc về các khả năng quân sự hạn chế của mình, các lãnh đạo Trung Quốc đã tránh lao vào những cuộc chiến mà họ biết chắc sẽ thua.

Nếu ta áp dụng tư duy này vào việc phỏng đoán hành vi đối ngoại của Trung Quốc trong những năm sắp tới, chúng ta nắm chắc một điều là Trung Quốc sẽ ở trong một tình trạng bấp bênh (uncertainty). Sự tự tin phát xuất từ một nền kinh tế mạnh và tình hình tương đối ổn định ở trong nước sẽ biến mất, và thái độ tự chế (self-imposed restraints) về các luận điệu sô vanh cũng tiêu tan luôn. Những thách thức nhiều mặt đối với giới lãnh đạo mới -- khả năng kinh tế bị đình đốn, bất ổn xã hội, tình trạng chia rẽ ở chóp bu, và sự phục hưng các lực lượng dân chủ -- sẽ gây ra tình trạng thiếu tập trung và yếu kém chính trị trong việc duy trì kỹ luật đối với nhiều tác nhân có liên quan đến chính sách đối ngoại.của Trung Quốc.Hậu quả của những rắc rối nội bộ chồng chất này, mặc dù không nhất thiết có tác động dữ dội, nhưng chắc chắn sẽ đưa đến một lề thói ứng xử thất thường, gây lo ngại và đặt ra nhiều câu hỏi cho các láng giềng của Trung Quốc và phần còn lại của cộng đồng quốc tế.

M.P.

Nguồn: The Diplomat, 22 tháng Mười 2012

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn