“Em biết cách học”

Phạm Toàn

Báo cáo tại Hội thảo công bố sách giáo khoa tiểu học 2012 của nhóm Cánh Buồm

(Tổ chức ngày 6 tháng 10-2012 tại L’Espace – Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội)

Hôm nay tại Hội trưởng này[1], trong vòng bốn năm đây là dịp hội thảo lần thứ tư, lần này nhóm biên soạn sách giáo khoa Cánh Buồm vui mừng báo cáo trước toàn xã hội những cuốn sách tiểu học nhóm đã hoàn thành, bao gồm:

- Sách Tiếng Việt (lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 lớp 5);

- Sách Văn (lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 lớp 5);

- Sách Lối sống (lớp 1, lớp 2, lớp 3);

- Sách Tiếng Anh (lớp 1, lớp 2);

- Sách Khoa học và Công nghệ (lớp 1).

Ra đời vào cuối năm 2009[2], đây là những sản phẩm lãng mạn của một nhóm thiện nguyện chưa đến mười thành viên.

Tại sao lại tập hợp nhau để soạn sách giáo khoa tiểu học? Tường trình đầy đủ về việc làm này trước toàn xã hội là điều cần thiết – vì đó là trình ra một hệ thống khái niệm giáo dục đổi mới[3].

1. Làm mẫu

Không chỉ riêng nhóm Cánh Buồm mà cả xã hội, từ các nhà trí thức danh tiếng đến những phụ huynh học sinh bình thường đều chung một nhận định: nền giáo dục nước nhà đang đại khủng hoảng.

Có nhận định cực đoan còn cho rằng nếu không thoát ra được cơn khủng hoảng này, đó sẽ là cuộc tự sát tập thể – ý tưởng quyết liệt này cho rằng Việt Nam đang đứng trước lựa chọn Giáo dục hay là Chết [4].

Tiếc thay, trong khi dư luận xã hội dường như nhất trí coi hiện tình Giáo dục là đại khủng hoảng, thì lại không đạt được sự nhất trí về hướng đi và giải pháp cho một cuộc khủng hoảng đã quá sức chịu đựng.

Chưa kể là, ngay cả khi đạt được một sự “nhất trí” nào đó về lý thuyết, thì vẫn còn đó việc cụ thể hóa lý thuyết thành chương trình học và sách giáo khoa, đồng thời vẫn còn bỏ ngỏ vô số giải pháp về tổ chức sư phạm (chưa kể giải pháp cho việc bảo đảm đời sống vật chất của giáo viên).

Nhóm Cánh Buồm cho rằng trong mớ bòng bong đó, hãy chọn làm mẫu một công việc ích lợi cụ thể, hãy “làm một điều tích cực để chống tiêu cực[5], một công việc thể hiện cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn giáo dục.

Công việc làm mẫu có ích và cụ thể đó chính là một bộ sách giáo khoa bậc tiểu học, để qua đó mọi người có thể thấy một cách tương đối dễ hiểu những câu trả lời cho những câu hỏi như: Giáo dục là gì? Bậc học là gì? Bậc tiểu học là gì? Chương trình học là gì? Sách giáo khoa là gì? v.v.

2. Giáo dục

Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng sống còn của sự nghiệp giáo dục đối với đất nước.

Nhưng lại có những luồng ý kiến khác nhau liên quan đến sứ mệnh của Giáo dục, mà ít nhất có ba ý kiến như sau.

Một luồng ý kiến phản đối dùng Giáo dục phục vụ cho một hệ ý thức – vì cách làm này nô dịch hóa thân phận con người về tinh thần. Có tiếng nói đòi “thế tục hóa” Giáo dục[6], gợi nhớ lại bước tiến lịch sử của thời Khai sáng châu Âu khi đòi Nhà trường phải được tách ra khỏi Nhà thờ.

Một luồng ý kiến phản đối dùng Giáo dục phục vụ cho việc gây dựng lực lượng lao động phát triển kinh tế – cách làm này nô dịch hóa thân phận con người về vật chất đã đành, và con người ấy cũng bị nô dịch hóa cả về tinh thần khi nó không còn chọn lựa khác nữa.

Một luồng ý kiến cực đoan hơn nữa, cho rằng từng cá nhân con người với mỗi trẻ em là một “nhà trường” của chính nó, chống lại mọi hình thức nhà trường hiện hữu, lập luận rằng nhà trường nào thì cũng “đồng phục hóa” con người[7].

Nhóm Cánh Buồm quan niệm sứ mệnh của nhà trường là như sau: nó giúp thanh thiếu niên vượt qua trình độ tư duy tiền khoa học để bước sang trình độ tư duy khoa học[8].

Tư duy tiền khoa học là đặc trưng của kiểu người bán khai trong lịch sử tiến hóa nhân loại, kiểu người tương tự như giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ trước tuổi học đường. Tư duy tiền khoa học (cụ thể) biết quan sát, biết thu thập số liệu, biết phân tích số liệu, và biết ứng dụng các kết luận từ đó – song như vậy vẫn không đủ!

Tư duy khoa học (trừu tượng) là đặc trưng của kiểu người đương đại nhất thiết phải vươn tới – là tư duy của con người tự do, người có tinh thần trách nhiệm và có năng lực để chịu trách nhiệm, và đó cũng là con người có tâm hồn phong phú.

Từng con người tự do ấy, nhờ được một nhà trường chân chính tổ chức cho nó phát triển tự do, con người ấy sẽ có chọn lựa đối với cái hệ ý thức nó cần, và cũng có cả sự chọn lựa về cách thức xây dựng thể chế kinh tế-chính trị-xã hội được nó đánh giá là hợp lý nhất đối với cộng đồng.

Nhà trường có nhiệm vụ và phải vươn lên để có đủ điều kiện đào tạo thanh thiếu niên đạt tới trình độ tư duy tự lập đó. Từng gia đình, dù có điều kiện đầy đủ nhất, cũng khó có thể tự tổ chức “nhà trường” riêng cho con em mình.

Vấn đề vướng mắc khiến nhà trường chưa bao giờ mang đầy đủ tính thuyết phục, nó vẫn chưa đủ sức tổ chức tạo ra tư duy khoa học theo yêu cầu cao nhất cho thanh thiếu niên – nhà trường cho tới nay giỏi lắm là đủ sức tạo tư duy cụ thể cho con em. Nhà trường ấy đang bị xã hội phê phán mạnh mẽ.

Vì thế mới cần đến cải cách giáo dục.

3. Hiện đại hoá

Cải cách giáo dục là tối cần thiết. Nhưng cải cách theo định hướng nào?

Xã hội đang hết sức bi quan và hoang mang trước nền giáo dục trì trệ. Trạng thái tâm lý xã hội đó tác động sang việc đi tìm một nguyên lý chung nhất cho công cuộc cải cách giáo dục.

Trước hết, có nguyên lý vọng ngoại, dưới nhãn mác hội nhập, muốn sao chép chương trình và sách của nước ngoài. Nguyên lý này khuyến khích cuộc đào tẩu về giáo dục đưa con em ra học ở nước ngoài từ rất sớm, tạo cơ hội mở trường “quốc tế”, và mở tràn lan các kiểu loại tư thục vì lợi nhuận[9].

Tiếp theo, có nguyên lý vọng cổ, luyến tiếc quá khứ, muốn nền giáo dục mới phải phát triển những “cái hay cái đẹp” của các ý tưởng giáo dục Nho giáo, hoặc đòi hỏi “phát huy” những điều “tốt đẹp” trong các thực tiễn giáo dục cũ (từ thời Pháp thuộc cho tới thời Việt Nam Công hòa)[10].

Cả nguyên lý vọng ngoại lẫn vọng cổ đều quên rằng, giả sử các nền giáo dục được nêu gương là tuyệt vời chăng nữa, thì cách tạo ra những “vụ gặt” đó đều đã hết thời, hoặc đã khác xa những điều kiện của thời hiện đại, và muốn tạo ra một “vụ mùa” mới đòi hỏi cách canh tác mới, hợp thung thổ, không thể tùy thích.

Sau nữa, có nguyên lý chiết trung, đua nở từ các thiết chế giáo dục tư thục cho tới các tổ chức nghiên cứu giáo dục “xã hội hóa” khác nhau – mỗi tổ chức tranh nhau đưa ra những khẩu hiệu “chân kiềng” đầy tính chất câu khách[11].

Nhóm Cánh Buồm cho rằng nguyên lý chỉ đạo toàn bộ công cuộc giáo dục mới (triệt để cải cách) sẽ chỉ cần đến một và chỉ một yếu tố sống còn cho dân tộc, đó là nguyên lý Hiện Đại Hóa.

Hiện đại là mục tiêu và Hiện đại hóa là phương pháp dẫn đến mục tiêu.

Lý lẽ của Cánh Buồm rất phân minh: dân tộc ta, đất nước ta phải hiện đại hóa để sống còn, thì nền giáo dục của dân tộc ta, của đất nước ta, cũng phải theo quỹ đạo đó, phải hiện đại hóa.

Chỉ với một chút khác biệt trong nhận thức đối với khái niệm “hiện đại”:

- “Hiện đại” không xuất hiện ngay một lần như của Trời ban cho, mà được gây dựng dần dần, nên mới chọn Hiện Đại hóa óa thay cho Hiện Đại cụt lủn;thay vì “hiện đại” gọn lỏn;Hiện đại hóa H

- Hiện đại hóa không do vay mượn, sao chép, mà xuất hiện dần dần trên một nền tảng vật chất là công cuộc công nghiệp hóa ở ngay chốn này;

- Công cuộc công nghiệp hóa không chỉ là những nhà xưởng bề thế và các sản phẩm công nghiệp, mà nhất thiết phải tạo ra trong tinh thần con người một sản phẩm đặc biệt: cái văn hóa công nghiệp đặc trưng ở kỷ luật làm việc như một thói quen, một lối sống đạo đức[12].

4. Lý thuyết hoạt động

Một xã hội hiện đại hóa xuất hiện dần dần qua những thành tựu vật chất – công cuộc công nghiệp hóa[13].

Một nhà trường hiện đại hóa cũng xuất hiện dần dần qua nhiều thay đổi, bắt đầu từ sự thay đổi lối lao động học đường căn bản nhất, đó là sự tham gia của học sinh vào công cuộc tự giáo dục thay vì nhận sự giáo dục một chiều ban phát từ giáo viên và các bề trên.

Công cuộc tự giáo dục sẽ diễn ra trong công việc tự học, qua những nhiệm vụ rõ rệt, qua những việc làm và qua cả những thao tác học tập có thể kiểm soát được với độ tin cậy cao.

Công việc dạy học của nhà giáo từ đây sẽ diễn ra không qua việc giảng giải rồi yêu cầu người học ghi nhớ và nhắc lại, mà dạy học là công việc tổ chức các hành động học của trẻ em[14].

Cùng với công việc tổ chức một nền giáo dục hiện đại hóa, cần xác định cái khái niệm cao đạo thường được nhắc đi nhắc lại: nhà trường là nơi dạy người.

Một đứa trẻ nên người trong nền giáo dục hiện đại hóa không nhờ nó ngoan ngoãn “lắng tai nghe lấy mấy lời ru” của mẹ và của cô giáo; một em bé nên người là nhờ em biết cách học – cái CÁCH HỌC không do nhồi nhét mà có, cái cách học hình thành dần dần do nhà trường chủ động tổ chức tạo ra thành một năng lực của người học.

Cách học theo phương thức nhà trường liên quan đến sự phân chia nhiệm vụ mỗi bậc học trong nền giáo dục phổ thông.

· Bậc Mẫu giáo có nhiệm vụ chuẩn bị con trẻ vào trường phổ thông.

Cách học ở bậc này là những trò chơi giúp các cháu hoàn thiện cơ bắp và hoàn thiện cơ quan phát âm (hết nói ngọng) và hoàn thiện các giác quan (nhất là tai nghe và mắt nhìn).

· Bậc Tiểu học mở đầu giai đoạn học theo phương thức nhà trường có nhiệm vụ tổ chức cho trẻ em chiếm lĩnh phương pháp học.

Cách học ở bậc học này là biết phân biệt các phương pháp khác nhau để chiếm lĩnh các đối tượng khác nhau: khoa học, nghệ thuật, lối sống.

· Bậc Trung học có nhiệm vụ hoặc là (a) chuẩn bị cho thanh thiếu niên vào loại trường để nghiên cứu hoặc là (b) chuẩn bị cho thanh thiếu niên vào trường học nghề.

Cách học tương ứng sẽ là (a) giúp các em tự trau giồi kiến thức và có phương pháp học theo lối tập nghiên cứu, và (b) giúp các em tự trau giồi kiến thức và có phương pháp học theo lối hành dụng.

· Bậc Đại học có nhiệm vụ tổ chức cho sinh viên tập độc lập nghiên cứu.

· Bậc Sau đại học có nhiệm vụ tổ chức cho nghiên cứu sinh hoàn toàn độc lập nghiên cứu.

Chúng ta sẽ đi sâu vào chỉ một bậc Tiểu học đã.

5. Tiểu học – bậc phương pháp

Phương pháp học là nội dung của nhà trường ở bậc tiểu học. Sứ mệnh của bậc tiểu học là tổ chức việc học cho trẻ em sao cho các em BIẾT CÁCH HỌC.

Giai đoạn học Mẫu giáo (ở gia đình hoặc ở trường) là “bậc học” không bắt buộc. Các nước phát triển phương Tây gọi đó là giai đoạn “tiền học đường” (pre-school). Nó hàm ý chỉ khi đi học lớp Một thì từ đó mới bắt đầu giai đoạn “học đường”, giai đoạn nhà trường “bắt buộc”.

Từ lớp Một, trẻ em được học để tổ chức tư duy của mình sao cho từ giai đoạn tiền khoa học (tư duy cụ thể) chuyển hẳn sang được giai đoạn khoa học (tư duy trừu tượng).

Tư duy không hình thành nhờ những lời khuyên nhủ. Tư duy hình thành nhờ tiến hành công việc tự học, tự giáo dục.

Nói đến tự học không có nghĩa là “thả nổi” cho trẻ em tự vẫy vùng như việc tự học của người lớn. Nội dung “tự học” ở bậc tiểu học là cách thức nhà trường từ bỏ lối giảng giải để thay vào đó là tổ chức các hoạt động học của trẻ em.

Thay cho lời giảng giải, các hoạt động học trong mỗi tiết học diễn ra bằng các việc làm sau:

- Việc 1: giao nhiệm vụ. Giáo viên giao nhiệm vụ của tiết học cho học sinh thực hiện. Kết thúc công việc này là một sản phẩm do chính tay học sinh làm ra (tìm ra).

- Việc 2: làm mẫu thao tác học. Giáo viên làm mẫu cái thao tác học để nhờ đó mà làm xong nhiệm vụ (tạo ra sản phẩm) – thí dụ làm mẫu thao tác phát âm, thao tác phân tích …

Tiếp đó, học sinh tiến hành các thao tác học, được chia ra như sau:

· Thao tác với vật thật để học cách phân tích mẫu[15].

· Thao tác vật chất, cụ thể, bằng cơ bắp với các vật liệu – có kèm theo lời nói mô tả thao tác mình đang tiến hành.

· Thao tác thầm, nhắm mắt nghĩ trong đầu những việc đã làm, suy nghĩ về kết quả đã tìm ra[16].

- Việc 3: thu hoạch. Học sinh tự trình bày những điều đã tìm ra. Việc ghi nhận các kết quả (sản phẩm) không nhất thiết phải bằng lời, hoặc bằng cách ghi bài, càng không bao giờ bằng cách chép bài theo lời tóm tắt của giáo viên.

Học sinh sẽ tự ghi lại sản phẩm của mình bằng vài cách, thí dụ:

· Tự “ghi” bằng đóng kịch, kịch câm, kịch nói.

· Tự “ghi” bằng vẽ, vẽ tranh, làm tranh truyện.

· Tự ghi bằng sưu tầm, điều tra.

· Tự ghi bằng tổ chức tranh luận, thậm chí tự tổ chức diễn đàn Hội thảo khoa học (từ lớp 5).

· Tự “ghi” nhận thức bằng lời nói và sau đó là bài tự viết[17].

6. Đối tượng [18]

Muốn tổ chức việc học của học sinh tiểu học thành bậc học phương pháp học do các em tự thực hiện những việc làm và thao tác sao cho hoàn thành nhiệm vụ tiết học được giao, nhà sư phạm nhất thiết phải phân biệt được đối tượng học sinh phải chiếm lĩnh.

Trong cuộc sống, các đối tượng tồn tại ở dạng những đồ vật dửng dưng, khách quan, dưới dạng những vật tự nó. Khi con người có nhu cầu, có động cơ đến với các đồ vật nào đó, cái đồ vật (chose, thing) ấy trở thành cái đối tượng (objet, object) để tìm hiểu – sau đó, trong trường hợp may mắn, để chiếm lĩnh.

Đồ vật thì nhiều, càng ngày càng nhiều trước con mắt của ta, người học sinh không tài nào chiếm lĩnh được tất cả các đồ vật theo lối năng nhặt chặt bị. Khi thu gom lại thành những đối tượng, con người sẽ chiếm lĩnh chúng theo các phạm trù không thể lẫn lộn.

Ba phạm trù đối tượng để học sinh chiếm lĩnh là Khoa học, Nghệ thuật, Đạo đức.

Đến đây, lại có thể định nghĩa thêm như sau: phương pháp để học sinh tiểu học chiếm lĩnh được gửi trong cách làm ra từng loại sản phẩm. Cách làm ra ba loại sản phẩm khoa học, nghệ thuật và đạo đức khác nhau như sau:

- Sản phẩm khoa học được làm ra gửi trong các khái niệm khoa học mang tính chất chính xác, chặt chẽ, lô gich.

- Sản phẩm nghệ thuật được làm ra gửi trong các ẩn dụ mà trình độ tường minh cao nhất có thể là một ngữ pháp nghệ thuật tạo thành bởi tưởng tượng, liên tưởng và bố cục.

- Sản phẩm đạo đức được làm ra gửi trong mối quan hệ được xây dựng theo hướng tốt đẹp giữa người với người.

Và để sư phạm hóa được tiến trình chiếm lĩnh ba đối tượng khác nhau ở bậc tiểu học, lại có thể thu gọn hơn nữa theo định hướng việc làm – làm mà học, làm thì học – như sau:

- Phương pháp làm ra sản phẩm khoa học có thể thực hiện theo cách làm lại những việc làm và thao tác nhà khoa học đã thực hiện khi họ chiếm lĩnh một đối tượng nhất định.

- Phương pháp làm ra sản phẩm nghệ thuật có thể thực hiện theo cách làm lại những việc làm và thao tác người nghệ sĩ đã thực hiện khi họ tạo ra một tác phẩm nghệ thuật.

- Phương pháp làm ra sản phẩm đạo đức có thể thực hiện theo cách làm lại những việc làm và thao tác nhà hoạt động xã hội đã thực hiện khi họ tổ chức cuộc sống chung cho một cộng đồng nhất định.

7. Tiếng Việt

Theo những điều phát biểu cho tới lúc này, phương pháp “học” tiếng Việt ở bậc tiểu học được gửi trong cách thức nhà ngôn ngữ học khám phá các vật liệu tiếng Việt để quy tập các vật liệu kia vào từng nhóm khái niệm ngôn ngữ học.

Vào thời điểm thế kỷ 17, tiếng Việt đã được ghi lại bằng chữ Nôm. Các nhà ngôn ngữ học phương Tây đã không dùng chữ Nôm[19], mà dùng những ký hiệu a b c để tạo ra một hình thức ghi tiếng Việt khác, hiện đang được dùng chính thức.

Trẻ em làm lại quá trình đó như thế nào?

Ở lớp Một, khi trẻ em đến trường bắt đầu học tiếng Việt, các em đã nói năng khá thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ đó. Nhiệm vụ lúc này là tìm cách ghi lại tiếng nói đó. Nhắc lại điều đã phát biểu ở bên trên, các em sẽ “quy tập” vật liệu tiếng Việt vào nhóm khái niệm ngữ âm học.

Làm công việc này, chính là các em làm lại công việc các nhà ngôn ngữ học khi bắt đầu đến với tiếng Việt hồi thế kỷ thứ 17: tìm cách ghi lại cái ngôn ngữ ấy.

Các nhà ngôn ngữ học phương Tây làm công việc ghi tiếng Việt trong nhiều chục năm mới xong (1620 đến 1626 và 1631 đến 1648), và trong quá trình làm việc, họ gặp không biết bao nhiêu sai lầm[20].

Vào những năm 1960 thế kỷ trước, nhóm nhà ngôn ngữ học ở Đại học tổng hợp Hà Nội đã tổng kết ngữ âm học tiếng Việt.

Vào những năm 1980 thế kỷ trước, nhà tâm lý học Hồ Ngọc Đại ở Trường thực nghiệm giáo dục phổ thông Giảng Võ, Hà Nội đã biến tổng kết ngữ âm học tiếng Việt trên thành quy trình chặt chẽ giúp học sinh làm lại một cách chắc chắn, dễ dàng[21].

Nhà sư phạm hiện đại giúp trẻ em tránh được những sai phạm của người đi trước, và tổ chức toàn bộ công việc ghi âm tiếng Việt đó của trẻ em chỉ diễn rá trong vòng 5-6 tháng.

Kể từ lớp Hai trở đi, học sinh “làm lại” những việc làm và thao tác ngôn ngữ học với vật liệu tiếng Việt như thế nào?

Ta biết rằng, sau khi các nhà ngôn ngữ học phương Tây đã tạo ra cách ghi tiếng Việt bằng bộ chữ cái a b c, sau khi đã có công cụ ghi chép đó, họ tiến hành sưu tầm từ ngữ và cách diễn đạt tiếng Việt.

Trong hơn hai trăm năm, các nhà ngôn ngữ học cả phương Tây lẫn người Việt đã làm ra gần một chục bộ từ điển và vô số sách sưu tầm tác phẩm truyền khẩu tiếng Việt… tiếp đến việc ra đời vô số nhà xuất bản và báo chí… [22].

Cách học của học sinh lớp Hai trong một năm học sẽ “làm lại” thế nào công việc kéo dài hơn hai thế kỷ đó? Con đường “làm lại” sẽ thu gọn trong những bước tổng quát như sau: Tín hiệu học (các loại tín hiệu, rồi đến tín hiệu ngôn ngữ, dừng lại ở đơn vị từ) – Từ thuần Việt (có từ xa xưa liên quan đến ĂN, LÀM, Ở, GIA ĐÌNH, và ĐÁNH GIÁ) – Từ ghép thuần Việt (ghép hợp nghĩa, ghép phân nghĩa, từ láy) – Từ Hán Việt – Từ mượn của phương Tây.

Lên lớp Ba, học sinh khám phá phương diện cú pháp tiếng Việt về hai mặt cú pháp của Câu tiếng Việt và lô gich của Câu tiếng Việt.

Lên lớp Bốn, các em khám phá văn bản tiếng Việt để có thể tự tạo ra một văn bản.

Lên lớp Năm, các em học vận dụng toàn bộ những điều đã chiếm lĩnh về ngôn ngữ học tiếng Việt vào các loại hình ngôn ngữ trong xã hội: ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ đời thường.

Năng lực ngôn ngữ của học sinh tiểu học, giả định học theo sách Tiếng Việt của nhóm Cánh Buồm, sẽ khó có thể chỉ là biết đọc biết viết hoặc đọc thông viết thạo mà đó sẽ là những em nhỏ tuy tuổi 11, 12, song tư duy ngôn ngữ học thì sẽ cao hơn rất nhiều những đầu óc đơn giản chủ nghĩa của người lớn[23].

Đó là nhờ cách học bằng việc làm chứ không học bằng nghe giảng về cái hay cái đẹp của tiếng mẹ đẻ.

8. Nghệ thuật

Đối với môn Văn, mà nhóm Cánh Buồm xác định như môn học giáo dục hành vi và tư duy nghệ thuật, thì cách học bằng việc làm hoàn toàn có ưu thế, hơn hẳn cách học bằng nghe bình giảng và cảm thụ về cái đẹp của văn chương.

Nhóm Cánh Buồm xác định ngay từ định nghĩa nghệ thuật là cách làm ra cái đẹp ẩn dụ bằng những vật liệu khác nhau: vật liệu âm thanh trong âm nhạc, vật liệu cơ thể trong nhảy múa, vật liệu màu sắc và hình khối trong hội họa (và điêu khắc, kiến trúc), và vật liệu bằng lời trong loại hình trữ tình (thơ), tự sự (văn xuôi) và kịch[24].

Xác định người học chỉ có thể có năng lực và tư duy nghệ thuật một khi bắt tay làm ra sản phẩm nghệ thuật nên nhóm Cánh Buồm định hướng học “Văn” theo lối làm lại các hành động, thao tác, và tư duy mà người nghệ sĩ đã thực hiện.

Chắt lọc ra từ các hành động và thao tác ấy một bộ khung chỉ đạo chúng, ta được một ngữ pháp nghệ thuật. Ngữ pháp này gồm các yếu tố tưởng tượng, liên tưởng và bố cục.

Ngữ pháp đó hoạt động xung quanh một yếu tố tinh thần ở người nghệ sĩ chân chính: một lòng đồng cảm với thân phận con người. Lòng đồng cảm này ở người nghệ sĩ khiến người đó có được cảm hứng sáng tạo nghệ thuật chân chính.

Xin đừng nghĩ những nội dung như vừa kể ra là cao siêu. Đó là yêu cầu tối thiểu để một học sinh tiểu học chiếm lĩnh được đối tượng nghệ thuật.

Theo hướng đi này, học sinh lớp Một được giáo dục lòng đồng cảm thông qua những trò chơi đóng vai.

Học sinh lớp Hai được học thao tác tưởng tượng thông qua việc học cách tạo ra các hình tượng coi như là căn cốt của bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào.

Học sinh lớp Ba được học thao tác liên tưởng thông qua việc học cách thay đổi các hình tượng, thay đổi ngôn từ, coi như là “kỹ thuật” tạo ra một ý cho bất kỳ hình tượng nào của tác phẩm nghệ thuật.

Học sinh lớp Bốn được học thao tác bố cục thông qua việc học luật sáng tác cơ bản với những thể loại văn học cơ bản – thể thơ Đường luật, tác phẩm kể chuyện bằng văn xuôi, tác phẩm kịch, nghệ thuật sắp đặt – coi như là những “quy định kỹ thuật” giúp tác giả tạo ra một chủ đề mang một tư tưởng gửi trong bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào.

Học sinh lớp Năm được học dùng bộ ngữ pháp nghệ thuật đã học vào việc tạo ra các loại hình nghệ thuật cơ bản: âm nhạc, nhảy múa, hội họa, trữ tình (thơ), tự sự (văn xuôi) và kịch.

Mục đích việc học này không nhằm đào tạo các nhà văn và nghệ sĩ. Đây hoàn toàn là phương thức làm mà học – làm thì học qua đó trẻ em sẽ vào đời không “nói leo” về nghệ thuật, mà là người có một tâm hồn thực sự phong phú nhờ năng lực thực thụ biết tạo ra những ẩn dụ nghệ thuật từ ngay trong quá trình học.

9. Đạo đức

Có nhiều lý do để môn học giảng giải áp đặt một chiều xưa nay có tên là Luân lý, hoặc Đạo đức, hoặc Công dân giáo dục khó có đất tồn tại trong một nền giáo dục hiện đại hóa.

Trước hết, đó là vì sự phát triển của mọi xã hội đương thời khiến con người bị buộc phải đứng trước ít nhất ba chọn lựa với ít nhất ba trào lưu đạo đức.

Một trào lưu đại diện cho “sức mạnh của quá khứ”. Một trào lưu đại diện cho “sức mạnh cưỡng lại quá khứ”. Một trào lưu đang đi tìm “bến đỗ đạo đức” cho cá nhân mình và cho cả thế hệ mình.

Trong nhà trường, thanh thiếu niên bộc lộ phản ứng khác nhau, trước hết là vì sách giáo khoa và chương trình giáo dục đạo đức không đáp ứng nhu cầu sống và tâm lý của các em.

Ta buộc phải trở lại xem xét những nghiên cứu (như của Jean Piaget chẳng hạn) để cho người lớn có được một cách nhìn hiện đại vào quan điểm của trẻ em đối với vấn đề đạo đức[25].

Hệ thống giáo dục cải cách theo hướng hiện đại hóa của Cánh Buồm tiếp nối những thành tựu của hệ thống Công nghệ Giáo dục bằng việc thay đổi môn học cũ thành môn Giáo dục Lối sống.

Tuy nhiên, môn Lối sống của Cánh Buồm cũng đã thay toàn bộ nội dung Giáo dục Lối sống của Công nghệ Giáo dục bằng định hướng mới: tổ chức cho học sinh có tinh thần và khả năng tạo ra một cuộc sống mới của mình và của cộng đồng theo nguyên tắc ĐỒNG THUẬN.

Lớp Một: đồng thuận (giữa giáo viên, phụ huynh và trẻ em) để tổ chức cuộc sống TỰ LẬP của con em.

Lớp Hai: đồng thuận để tổ chức cuộc sống mới trong CỘNG ĐỒNG (khái niệm cộng đồng ở dạng khái quát nhất).

Lớp Ba: đồng thuận để tổ chức cuộc sống mới trong cộng đồng GIA ĐÌNH.

Lớp Bốn: đồng thuận để tổ chức cuộc sống mới trong cộng đồng TỔ QUỐC.

Lớp Năm: đồng thuận để tổ chức cuộc sống mới trong cộng đồng NHÂN LOẠI.

10. Ngoại ngữ

Trong việc dạy tiếng nước ngoài, từ lớp mẫu giáo đến các trường phổ thông, trường học nghề, nhất là các trung tâm ngoại ngữ ngoài nhà trường, đâu đâu cũng nói đến giao tiếp. Giáo viên rất khổ với cái “bóng ma” giao tiếp này!

Là ma, vì không ai định hình cho rõ cách làm như thế nào để đạt được năng lực giao tiếp. Càng khó khi “định hướng” lại như sau: lấy giao tiếp nuôi giao tiếp.[26]

Đường lối gọi là giao tiếp sinh ra từ đầu năm 1944. Người Mỹ tính toán năm 1945 sẽ là năm quyết định Thế chiến II. Mỹ đã nhìn xa chuẩn bị tiếp quản cả cái thế giới rộng lớn này – gần nửa triệu sĩ quan được cấp tốc đào tạo để đủ sức "giao tiếp" bằng ngoại ngữ.

Đường lối "giao tiếp" cho phép diễn đạt sai cấu trúc miễn là đôi bên hiểu nhau. Nó nhấn mạnh vào ngôn ngữ nói. Nó nhấn mạnh vào ý nghĩa thực dụng. Đường lối đó càng được củng cố khi hết Thế chiến II, vào những năm 1950 thế kỷ trước, có những làn sóng di dân, chuyển vùng để kiếm sống[27].

Đường lối giao tiếp này có thể không sai với người học lớn tuổi cần học nhanh, dùng ngay. Nhưng áp dụng cho đông đảo trẻ em đủ thời giờ học trong 10 năm, 12 năm, liệu nó có chắc đúng[28]?

Phải có một hướng đi và cách làm khác để thay đổi cách dạy tiếng nước ngoài.

Trước hết, cần xác định trẻ em 6 tuổi đến trường phổ thông học ngoại ngữ nhằm mục đích gì?

Đó là để học lấy một cách thức và có được một công cụ hòa nhập vào với một nền văn hóa xa lạ. Nhu cầu hòa nhập này giúp mở mang dân trí hiện đại hóa đất nước.

Xác định mục đích như thế, sẽ thấy cách học cấp tốc (intensive) là hoàn toàn không thích hợp với người học nhỏ tuổi. Thâm nhập, hòa nhập đàng hoàng với một nền văn hóa khác là điều hoàn toàn không giống vượt biên kiếm sống.

Vậy nên, đường lối học ngoại ngữ phải thay đổi, đường lối ấy nên là sự kết hợp chặt chẽ giữa Cấu trúc và Chức năng. Chức năng (giao tiếp) chỉ có thể thực hiện được một cách tự nhiên, không vội vã, nhờ am tường cái ngôn ngữ nước ngoài được học. Phát âm sai, vốn từ không đủ và dùng không chuẩn, cú pháp vụng dại, và không hiểu tính cách dân tộc của "người khác", thì không giao tiếp được!

Sách học tiếng Anh của nhóm Cấnh Buồm được soạn theo định hướng sau:

Bậc tiểu học: học để chiếm lĩnh tiếng Anh cơ bản.

Lớp Một: Âm – Từ – Trò chơi ngôn ngữ. Nội dung đó được hiểu như sau: ngay từ lớp 1 phải học phát âm tiếng Anh cho đúng – các âm đó gửi trong các từ tiếng Anh nên đây là cơ hội học khoảng 200-250 từ tiếng Anh – và để giúp cho việc học không nhàm chán, sẽ có nhiều trò chơi ngôn ngữ, trò chơi giao tiếp.

Lớp Hai: Từ loại tiếng Anh – Trò chơi ngôn ngữ. Nội dung đó được hiểu như sau: củng cố năng lực phát âm học từ lớp Một, tăng cường số vốn từ lên khoảng 400 từ tiếng Anh – và có thêm nhiều trò chơi ngôn ngữ, trò chơi giao tiếp.

Lớp Ba: Câu tiếng Anh – Cách tạo ra các kiểu câu tiếng Anh. Trò chơi ngôn ngữ. Trò chơi giao tiếp.

Lớp Bốn: Bài tiếng Anh – Cách tạo ra đoạn văn và bài văn tiếng Anh.

Lớp Năm: Văn hóa Anh – Sơ lược về truyền thống Anh. Thói quen giao tiếp và ứng xử của người Anh. Văn, thơ, họa, nhạc, kịch trong văn hóa Anh.

11. Sư phạm

Khi bộ sách cải cách theo chương trình năm 2000 ra đời, bộ sách đó được hỗ trợ bằng pháp lý, hiểu giản dị là cả nước chỉ dùng chung một chương trình và một bộ sách.

Bộ sách CT-2000 bắt đầu dùng phổ biến từ năm 2004, thì năm 2008 đã có lời kêu gọi “giảm tải”. Cho đến ngày mở đầu năm học mới 2011-2012, vẫn còn chỉ thị “giảm tải sâu” đối với CT-2000.

Cho đến hôm nay, khi đã sang năm học 2012-2013, trước sự bế tắc hoàn toàn của công việc “giảm tải sâu”, dư luận đã vào hùa với luồng ý kiến đòi một chương trình nhiều bộ sách.

Thực ra thì luồng ý kiến xác đáng hơn cả bây giờ là nhiều chương trình nhiều bộ sách. Bởi vì cả chương trình và sách là sự thể hiện của một tư duy giáo dục. Một chương trình bất cập thì dù có thay đổi sách giáo khoa đến bao nhiêu cũng bó tay mà thôi.

Bộ sách giáo khoa bậc tiểu học của nhóm Cánh Buồm là giải pháp nghiệp vụ của một tư tưởng sư phạm khác. Đây là một chương trình khác thể hiện thành một bộ sách giáo khoa khác. Bộ sách giáo khoa Cánh Buồm không tự giao nhiệm vụ thực hiện CT-2000 hiện hành.

Bộ sách giáo khoa tiểu học Cánh Buồm mong muốn được triển khai vào thực tiễn. Với kỳ vọng “làm một điều tích cực để chống tiêu cực”, nhóm Cánh Buồm cũng cho rằng “làm ra một sản phẩm cụ thể thay thế cái cần thay thế là cách thức phản biện xã hội có trách nhiệm”.

Song những người biên soạn hoàn toàn không kỳ vọng nhận được một sự thừa nhận về mặt hành chính, vì đây là một bộ sách mang một trình độ tư duy giáo dục khác hẳn.

Vì thế, bộ sách này hướng về cá nhân những người sử dụng: các nhà giáo, các vị phụ huynh, những nhà nghiên cứu khoa học giáo dục.

Việc công bố trọn gói bộ sách này là có chủ đích giúp những người dùng sách có cái nhìn theo chiều dọc – đủ sức hình dung con em học xong bộ sách này sẽ trở thành những cá thể có trình độ tư duy và năng lực thực tiễn ra sao.

Người dùng sách cũng hình dung con em sẽ dùng các thao tác tự học để tự chiếm lĩnh phương pháp học như thế nào qua bộ sách này. Các thao tác đó được hướng dẫn bằng lời ngay trong sách và khi gặp những khái niệm quan trọng thì còn có thêm hình minh họa cách học.

Nhiều đoạn trong các sách giáo khoa tiểu học Cánh Buồm còn khéo léo trình bày cả những kiến thức cơ bản để người dạy có thêm điều kiện dắt dẫn quá trình con em chiếm lĩnh đối tượng.

Nói cách khác, bộ sách giáo khoa tiểu học Cánh Buồm được soạn tạm thời để dùng chung cho cả người học và người hướng dẫn.

Tập thể tác giả hình dung sẽ có bộ sách giáo khoa sư phạm chỉ rõ cái lý thuyết đã tạo ra bộ sách này, để người dạy con em hiểu rõ về lý luận vì sao cần phải thực hiện cung cách dạy học không giống trước đây.

Bộ sách giáo khoa Tiểu học Cánh Buồm cũng có thể dùng cho các học sinh lớp trên, vì theo chương trình và sách dành cho các em học chưa bao giờ có những nội dung và cách học như ta bắt gặp trong bộ sách mới này.

12. Biết ơn

Nhóm Cánh Buồm năm nay ba tuổi. Trong ba năm qua, các thành viên của Nhóm vừa làm vừa học để bổ khuyết những điều chưa bao giờ được học ở trường sư phạm, lại vừa kiếm sống vừa làm công việc biên soạn sách thiện nguyện để thỏa mãn lý tưởng đóng góp cho cuộc cải cách giáo dục.

Một vài ân nhân lớn cần ngỏ lời cám ơn nhân dịp này.

Trung tâm L’Espace của Pháp tại Hà Nội đã giúp đỡ công việc của nhóm Cánh Buồm hơn mức chu đáo. Lần giới thiệu sách tiểu học này, L’Espace còn cho mượn sảnh để triển lãm hình minh họa đen trắng các sách giáo khoa mới. L’Espace đã tạo cho Cánh Buồm một diễn đàn với sự am hiểu chỉ bắt gặp ở những nhà văn hóa[29].

Trường phổ thông Nguyễn Văn Huyên ngay từ năm 2010 đã mời nhóm Cánh Buồm tới dạy sách mới vào các buổi chiều[30]. Trường còn cho nhóm Cánh Buồm mượn một phòng học lớn để làm trụ sở của nhóm. Tại Hội thảo Tự học – Tự giáo dục năm 2011, trường còn cho học sinh tham gia đóng kịch với nhóm Cánh Buồm, đêm diễn cũng ở hội trường L’Espace, đơn sơ nhưng gây được thiện cảm.

Sách giáo khoa tiểu học do Nhóm Cánh Buồm bỏ tiền in với sự bảo trợ về tinh thần của Nhà xuất bản Tri thức, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Nhân dịp này, xin ngỏ lời chân thành cám ơn những nhà hảo tâm đã giúp cho việc in sách trong ba năm nay:

- Giáo sư Hoàng Tụy

- Thái Văn Cầu, kỹ sư không gian

- Nguyễn Trần Bạt, doanh nhân (tặng hai lần)

- Giáng Vân, nhà thơ, nhà báo

- Nguyễn Viết Dũng, Thư ký đề án

- Lê Quốc Quân, luật sư

- Đoàn Minh Tuấn, nhà giáo về hưu

- Nhà văn Phạm Lưu Vũ

- Nguyễn Trần Diễm Linh, giáo viên

- Nguyễn Ngọc Điệp, giáo viên

- Hoàng Hưng, nhà thơ,

- Nguyễn Thị Mười, phu nhân nhà thơ Hoàng Hưng

- Trung tâm L’Espace

- Bác sĩ Nguyễn Kim Cương và bà Hoàng Minh Ngọc

- Gia đình Trung tướng Trần Độ

- Nhà báo Trung Dân

- Nguyễn An Kiều, doanh nhân

- Hai gia đình Đan Mạch và Na Uy ở Việt Nam (giấu tên)

- Ba thành viên nhóm Cánh Buồm

Với các nhà hảo tâm, nhóm Cánh Buồm biết ơn một, thì nhóm sẽ biết ơn gấp bội những ân nhân sẽ mua sách và dùng sách của Nhóm. Chắc chắn con em các vị sẽ thích học sách Cánh Buồm, chắc chắn quý vị sẽ thích mỗi ngày cùng “chơi” với con em bằng những bài luyện tập thú vị, khiến chúng tôi thấy rõ điều mong ước lý tưởng của mình: Giáo dục đem hạnh phúc đến từng gia đình[31] [32].

Xin cám ơn.

P.T.

CHÚ THÍCH

[1] Đây là cuộc Hội thảo lần thứ tư. Các cuộc hội thảo trước đây:

- Hội thảo Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em (tháng 11 năm 2009) như một tuyên ngôn của nhóm Cánh Buồm về định hướng tâm lý học giáo dục chỉ đạo quá trình soạn lại bộ sách giáo khoa tiểu học mới;

- Hội thảo Cháo Lớp Một (tháng 11 năm 2010) giới thiệu 5 cuốn sách lớp Một như một thăm dò và đánh động dư luận xã hội;

- Hội thảo Tự học – Tự giáo dục (tháng 10 năm 2011) như một thăm dò nữa cho định hướng hiện đại hóa nền Giáo dục nước nhà.

Ngoài ra, còn có Hội thảo Một cánh buồm – một nền giáo dục hiện đại hóa (tháng 4 năm 2012) tại viện IDECAF thành phố Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục thăm dò định hướng công cuộc Cải cách Giáo dục mà nhóm Cánh Buồm đeo đuổi.

[2] Nhóm Cánh Buồm ra đời cuối năm 2009 trước cuộc Hội thảo Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em. Các thành viên nhóm Cánh Buồm không cố định. Có thể tham khảo báo Tia sáng số đầu tháng 8-2012 (từ trang 24-35) và vào trang mạng hiendai.edu.vn để tìm hiểu về nhóm này.

Một vài chi tiết đáng chú ý như sau. Trước năm 2009, người có sáng kiến lập ra nhóm biên soạn này đã thử nhiều cách để tổ chức biên soạn lại sách giáo khoa tiểu học nhưng không thành công. Một cơ may vào mùa hè năm 2009, giáo sư Hồ Ngọc Đại nhờ nhà giáo Phạm Toàn huấn luyện 20 “ứng viên” về Viện Công nghệ Giáo dục để triển khai sách tiếng Việt lớp 1 lên miền núi. Sau cuộc huấn luyện 2 tuần, kế hoạch tuyển dụng không thành. Ai về nhà nấy, trừ bốn người ở lại thành lập hạt nhân ban đầu của nhóm Cánh Buồm. Trong số bốn người đó, nay còn lại ba người: Nguyễn Thị Thanh Hải, Đinh Phương Thảo, Vũ Thị Như Quỳnh. Sau đó, có lúc số thành viên của nhóm lên gần 20. Con số dao động theo lượt người đến học việc, thử việc, và tiếp tục trụ lại hoặc ra đi.

[3] Xin tham khảo Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại, Tri thức xuất bản, Hà Nội, 2012. Nội dung Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại đã được trình bày tại Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 3 năm 2010.

[4] Hồ Như Hiển, “Thay đổi giáo dục hay là chết?” Theo Blog Hồ Như Hiển, http://blog.yahoo.com/_IBDF37GINNJ5HGTPFWEKGYY544/articles/400548

[5] Xin coi trên trang mạng của nhóm Cánh Buồm hiendai.edu.vnTạo ra một cái mẫu khả thi - thân phận của công việc nghiên cứu khoa họcBài nói ngày 27 tháng 9 năm 2010 tại Trung tâm L'Espace. Kèm bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh. Nguồn: http://hiendai.edu.vn/danhmuc.php?cat=3&post=115

[6] Một ý lớn trong bài nói của giáo sư Hoàng Tụy tại Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 5 năm 2010, sau cuộc báo cáo đã dẫn ở chú thích (3).

[7] Xin coi: Bé 9 tuổi vẽ tranh người lớn giật mình

http://www.baomoi.com/Be-9-tuoi-ve-tranh-nguoi-lon-giat-minh/52/8279413.epi

và : Trò chuyện với bố nuôi cậu bé 9 tuổi không đến trường

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/70684/tro-chuyen-voi-bo-nuoi-cau-be-9-tuoi-khong-den-truong.html

[8] Coi: Gaston Bachelard, La formation de l'esprit scientifique (Sự hình thành tư duy khoa học), xuất bản lần thứ tư, Nhà xuất bản triết học J. Vrin, Paris, 1960, trang7, trang 8.

G. Bachelard chia các trạng thái phát triển tư duy cá thể người thành:

a/ trạng thái cụ thể, qua đó tư duy con người vui đùa với những hình ảnh đầu tiên thu nhận được của hiện tượng, tụng ca sự đẹp đẽ và thống nhất của Thiên nhiên phong phú; tiếp đó là

b/ trạng thái cụ thể-trừu tượng, lúc này kinh nghiệm sẵn có đã có thêm những sơ đồ hình học và một triết học về sự giản đơn của sự vật. Tư duy con người cá thể vào lúc này vẫn còn đầy nghịch lí, nó vừa tin vào sự trừu tượng hóa mà nó đã nhận thức ra, và nó cũng vừa hoài nghi và muốn dựa vào trục giác có tính chất an toàn hơn; tiếp đó nữa là

c/ trạng thái trừu tượng qua đó tư duy tiến hành thu thập thông tin mà không cần dựa vào trực giác nữa.

[9] Nhiều tiếng nói đang cất lên tập trung ca ngợi nền giáo dục Phần Lan – cũng như trước đây từng ca ngợi Giáo dục Cộng hòa dân chr Đức. Mấy thí dụ:

- Giải mã kỳ tích giáo dục Phần Lan - vietnamnet.vn

- Huyền thoại Giáo dục Phần Lan - reds.vn

- Phần Lan có nền giáo dục tốt nhất thế giới - www.baomoi.com

- Câu chuyện về nền giáo dục tuyệt vời ở Phần Lan - giadinh.net.vn

- Nền giáo dục tại Phần Lan - kenhtuyensinh.vn

- Học gì ở nền giáo dục Phần Lan - tuoitre.vn

- Bảy yếu tố giúp Giáo dục Phần Lan thành công - bantingiaoduc.hoasen.edu.vn.

- Phần Lan - Nền Giáo Dục Bậc Nhất Thế giới. - osc.edu.vn-

[10] Blog Hai Lúa giới thiệu khá kỹ về nền giáo dục Việt Nam cộng hòa, tập trung vào triết lý giáo dục và cách thực thi triết lý đó.

[11] Gần như là mỗi trường tư thục và mỗi tổ chức kinh doanh đều có khẩu hiệu của mình làm thành bộ “tam bình” (triptych), kiểu như “Dân chủ, Khoa học, Khai sáng”, hoặc “Tiên tiến, Dân tộc, Khai minh”, hoặc “Hội nhập, Tiên tiến, Khai phóng”, vv…

[12] Văn hóa hiện đại biểu hiện ở lối sống mới: kỷ luật lao động theo bản thiết kế, kỷ luật hợp tác như một lẽ sống để có sản phẩm hoàn chỉnh, kỷ luật bảo đảm chất lượng sản phẩm như một thói quen.

[13] Ta nên nghi ngờ những kế hoạch, những chỉ thị và những cam kết đến một thời hạn nhất định (năm 2020, năm 2030… chẳng hạn) nước Việt Nam sẽ thành một nước hiện đại! Một xã hội hiện đại hóa sẽ không diễn ra theo lối ăn xổi như vậy.

[14] Ta có quyền nghi ngờ những lời mời chào “trang thiết bị hiện đại” của nhiều trường học “hiện đại” do đó học sinh có thể rơi vào nguy cơ chỉ thụ động ngồi nhìn giáo viên biểu diễn “kỹ thuật hiện đại”, trái ngược với tiêu chuẩn “hiện đại” là làm, làm thì học, làm mà học (cách thức nhóm Cánh BUồm dịch khái niệm learning by doing).

[15] Thí dụ để tìm ra các nguyên âm, thì nguyên âm [a] là vật thật làm mẫu.

[16] Những giải pháp triển khai cụ thể trong thực tiễn dạy học các thao tác học, do Hồ Ngọc Đại tạo ra và ứng dụng có hiệu quả trong hệ thống trường thực nghiệm Công nghệ Giáo dục.

[17] Nhiều cách ghi bài để học sinh tự chọn theo cái “trí khôn” mạnh nhất của các em, được gợi ra từ công trình của nhà tâm lý học đương thời Mỹ Howard Gardner. Coi: Howard Gardner, Cơ cấu trí khôn – Lý thuyết trí khôn nhiều thành phần, Phạm Toàn dịch, Giáo dục, 1997, 1998, Tri thức tái bản có bổ sung 2012.

[18] Tác giả báo cáo hết sức biết ơn Giáo sư Tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại, nhà sáng lập ngạch Công nghệ Giáo dục ở Việt Nam về những ý tưởng trong mục Đối tượng này. Mấu chốt của khoa sư phạm hiện đại nằm trong việc phân biệt đối tượng chiếm lĩnh nhờ đó mà tổ chức được những việc làm và thao tác thích hợp cho học sinh thực hiện. Các thành viên nhóm Cánh Buồm nhờ nghiên cứu kỹ khái niệm đối tượng đã có thể trình ra trước xã hội bộ sách tiểu học. Một lần nữa, cám ơn giáo sư Hồ Ngọc Đại.

[19] May mắn cho dân tộc Việt Nam là chữ Nôm đã không trở thành chữ viết chính thức! Vì muốn nắm được chữ Nôm, người học phải biết chữ Nho và phải biết luật cấu tạo chữ Nôm về đại thể gồm một ký hiệu cả tiếng bằng chữ Nho ghi “nghĩa” và một ký hiệu cả tiếng cũng bằng chữ Nho ghi “âm”. Chính cái ký hiệu ghi âm này gây rắc rồi nhất, khiến cho chữ Nôm mang tiếng không hoàn toàn oan ức Nôm na (tức na ná) là cham ách qué.

[20] Theo tài liệu của linh mục Đỗ Quang Chính “Lịch sử chữ quốc ngữ” (Dũng Lạc, Sài Gòn, 1950), ban đầu các nhà ngữ âm học phương Tây còn cho rằng tiếng Việt là tiếng đa âm tiết. Do coi tiếng Việt là đa âm tiết, các vị đó cũng coi nhẹ các thanh của tiếng Việt cho tới khi gặp rắc rối với thanh [ (đòi ăn cá được ăn cà, ra lệnh chặt tre về làm rạp thì người nghe hiểu là chặt (đầu) trẻ (nhỏ) ] thì các vị mới vỡ nhẽ.

[21] Hồ Ngọc Đại đã tạo ra một quy trình học ngữ âm tiếng Việt lớp Một hết sức hào hoa với các bước chính như sau: (1) tách lời thành tiếng (2) tiếng giống nhau, tiếng khác nhau (3) tiếng tách làm hai phần (4) tiếng có vần là âm chính (5) tiếng có vần là âm đệm và âm chính (6) tiếng có vần là âm chính và âm cuối (7) tiếng có vần là âm đệm, âm chính và âm cuối … Sách tiếng Việt lớp Một của Hồ Ngọc Đại sau một vài năm bị “phân biệt đối xử”, đã trở lại với các tỉnh khó khăn (miền núi, dân tộc thiểu số), năm học 2012-2013 đã thực hiện ở 16 tỉnh với nhiều chục nghìn học sinh.

[22] Nổi bật là những công trình từ điển của học giả Tây phương như A. de Rhodes, của Taberd, … và của các học giả người Việt như Paulus Huỳnh Tịnh Của, của Petrus Trương Vĩnh Ký … Bên cạnh đó, những công trình nghiên cứu và sư tầm của Huỳnh Tịnh Của và Petrus Trương Vĩnh Ký về truyện nôm khuyết danh, về cách nói năng cư xử của người Việt Nam … đều có thể tính vào kho tàng từ vựng Việt.

Có lẽ cũng cần lưu ý rằng các công trình nghiên cứu từ điển sẽ còn nối tiếp đến tận thời Đào Duy Anh, Hoàng Phê sau này… Và bên cạnh đó là những công trình thực tiễn (các nhà xuất bản và các tòa báo do Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Đình Long, Vũ Đình Hòe … chủ trương đã buộc việc nghiên cứu cú pháp tiếng Việt phải được xúc tiến (với Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Lân, và sau này với Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Kim Thản, Hoàng Tuệ, … .

[23] Những người lớn tốt bụng và nhiều quyền lực luôn luôn có ý thức duy trì trẻ em ở trạng thái trẻ em như chính các vị người lớn đạo cao đức trọng đó.

[24] Xin nhấn mạnh yếu tố làm ra cái đẹp ẩn dụ khác với sự tán róc về nghệ thuật nơi phòng trà.

Xin vui lòng tham khảo: Quyết định 2493-GD-ĐT ngày 25-7-1995, và các tài liệu ban hành kèm và Quyết định 3049-GD-ĐT ngày 1-9-1995, liên quan đến mục tiêu, kế hoạch, chương trình Cao đẳng Sư phạm đào tạo giáo viên tiểu họcmục tiêu, kế hoạch, khung chương trình đào tạo giáo viên tiểu học lên trình độ Cao đẳng Sư phạm kèm theo một số bộ sách gốc đã được Hội đồng thẩm định sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu làm sách dùng chung cho các trường Cao đẳng sư phạm toàn quốc, (trong đó có các nội dung giáo dục âm nhạc và hội họa – chúng tôi nhấn mạnh).

Các tài liệu sư phạm đó đề ra việc cho giáo sinh học "khái quát nghệ thuật âm nhạc thế giới", "giới thiệu và nghe tác phẩm một số nhạc sĩ tiêu biểu như J. S. Bach, Mô-da, Bê-hô-ven, Su-be, Sô-panh, Tsai-cốp-xki"..., học các "khuynh hướng âm nhạc hiện đại (Jazz, Pop, Rock)", và "nhạc phi điệu tính"! Các tài liệu này thiếu hẳn phần đào tạo giáo sinh tự tay làm ra âm nhạc để có tư duy âm nhạc đích thực. Phần chương trình Mỹ thuật dự kiến cho học Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam và thế giới, "đi sâu vào giới thiệu danh hoạ và tác phẩm tiêu biểu của một số khuynh hướng nghệ thuật", "phân tích tác phẩm hội hoạ và điêu khắc", v.v...

[25] Piaget Jean, Khái niệm đạo đức ở trẻ em. Từ năm 2012, nhóm Cánh Buồm tiếp nhận sáng kiến của thành viên mới, nhà giáo, nhà thơ Hoàng Hưng, tổ chức dịch các sách tâm lý học cơ bản của Jean Piaget và của Howard Gardner. Các thành viên Cánh Buồm mới Dương Tường, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Viết Dũng … cùng tham gia dịch. Sẽ ra mắt sớm: Sự hình thành trí khôn trẻ em, Trẻ em tái cấu trúc hiện thực như thế nào trong tâm lý mình, Khái niệm đạo đức ở trẻ em …

[26] "… giao tiếp không phải là phương pháp, cũng chẳng phải "đường lối". Nó là cách tiếp cận trong việc giảng dạy ngoại ngữ.” [ … ] “giao tiếp là cách tiếp cận hợp lý nhất, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi nhất khi dạy và học một ngoại ngữ.” “Gọi là cách tiếp cận bởi người ta xem giao tiếp vừa là mục tiêu vừa là biện pháp để đạt đến mục tiêu này. Còn không xem nó là phương pháp bởi có thể sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau của các phương pháp trước đó, miễn sao đạt tới mục tiêu sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp.” (Báo Tuổi trẻ cuối tuần, số ra ngày 25-9-2010).

[27] Người Mỹ nói rõ: "đi vào vùng Trung Phi nói hơn 500 thổ ngữ, bạn không thể bỏ ra quá một tuần chỉ ngồi học tiếng..." Còn làn sóng di dân đã thúc đẩy tiến trình học ngoại ngữ theo "cách tiếp cận giao tiếp" vì "người di dân không thể chờ lâu hơn ba tháng để có một việc làm".

[28] Thêm một ý cần nói: sách tiếng Anh của nhóm Cánh Buồm không đả kích các chủ trương dạy tiếng nước ngoài khác. Ai muốn cho con em học “giao tiếp” nhanh và thực sự có điều kiện làm việc đó, xin cứ tùy nghi. Chỉ xin các nhà mô phạm hãy ngừng dùng những thống kê để kêu ca những yếu kém của giáo viên, coi giáo viên kém cỏi là trở lực cho công cuộc giao tiếp! Nhóm Cánh Buồm tuyên bố xin “bao thầu” tất cả giáo viên tiếng Anh như hiện có và cùng các giáo viên đó thay đổi tình trạng học tiếng Anh trong cuộc giáo dục cải cách theo hướng hiện đại hóa.

[29] Nhân dịp này, cần nói lời cám ơn tới đạo diễn Phạm Quốc Trọng đã vô tư, nhiệt tình, không một chút do dự tính toán, dù rất bận nhưng vẫn bỏ rất nhiều thời gian giúp các em học sinh Nguyễn Văn Huyên diễn vở Chuyện Dế Mèn.

[30] Gồm các lớp tiểu học. Trong qua trình soạn sách, nhóm Cánh Buồm cũng được trường Nguyễn Văn Huyên cho phép dùng sách mới soạn của mình để thử nghiệm việc bồi bổ kiến thức nhằm “lấp lỗ hổng” cho học sinh lớp 6 và lớp 10.

[31] Chúng tôi có “bằng chứng” về niềm hạnh phúc mẹ dùng sách Cánh Buồm chơi với con bằng những bài luyện tập buổi tối qua trường hợp cô Đỗ Thị Minh Nguyệt, cán bộ làm việc tại Trung tâm L’Espace, Hà Nội.

[32] Xin coi trong trang hiendai.edu.vn bài viết sau “Giáo dục phải đưa hạnh phúc đến từng gia đình”, http://hiendai.edu.vn/danhmuc.php?cat=3&post=330

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn