Tư liệu liên quan đến bản Kiến nghị 2009 (20)

TẬP ĐOÀN THAN VÀ KHOÁNG SẢN VIỆT NAM ĐÃ HOÀN NGUYÊN TẠI QUẢNG NINH NHƯ THẾ NÀO?

Phạm Công

Tối ngày 22/5/2009 tình cờ bật chương trình truyền hình Việt Nam, hình như chương trình VTV1, tôi bật chậm mất một vài phút, thấy Đài truyền hình Việt Nam đang chiếu một bộ phim phóng sự về các hoạt động hoàn nguyên của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam tại địa bàn Quảng Ninh... Bộ phim kéo dài quãng gần 30 phút.

Tôi đoán đây là đây là bộ phim được quay theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, một nỗ lực nhằm quảng bá và để làm yên lòng dư luận về việc Tập đoàn đang đầu tư khai thác bauxite ở Tây Nguyên, sẽ hoàn nguyên ở Tây Nguyên y như ở Quảng Ninh...

Theo bộ phim thì hiện nay hàng năm Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam đã khai thác tại địa bàn Quảng Ninh 40 triệu tấn than; đồng thời, trong hàng chục năm qua, tập đoàn đã từng bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để làm cái việc hoàn nguyên, tức là hoàn trả lại sự nguyên trạng địa hình, địa mạo và khôi phục thảm thực vật cho vùng đồi núi Quảng Ninh...

Lời bình của bộ phim cho thấy: Tập đoàn Than và Khoáng sản đã có nhiều nỗ lực rất lớn, nhiều sáng kiến, không tiếc công tiếc tiền và hết sức có trách nhiệm với công đoạn kỹ thuật này nhằm khôi phục, trả lại môi trường xanh, sạch, đẹp cho những nơi tập đoàn từng khai thác than tại Quảng Ninh. Nếu người xem nhắm mắt lại và chỉ nghe các số liệu, sự việc, giải pháp, các biện pháp được phát thanh viên thông tin bằng lời thì không chê và trách Tập đoàn Than và Khoáng sản vào đâu được, hoàn toàn tin tưởng vào những gì mà Tập đoàn này đã làm; ác nỗi đây là một bộ phim truyền hình nên cái tác động vào người xem nhiều hơn lại là hình ảnh, những hình ảnh kèm theo lời bình lồ lộ trước mắt người xem lại gần như phản lại ý đồ muốn thanh minh, muốn kể công của Tập đoàn này.

Tôi căng mắt ra xem có được đoạn phim nào, những hình ảnh nào chứng tỏ được môi trường đã được hoàn nguyên độ 30 % thôi, nhưng hoàn toàn không thấy. Từ đầu đến cuối phim chỉ thấy hình ảnh những cây trồng leo ngoeo, lay lắt, cao không quá nửa mét, mọc bám bên những triền núi nham nhở. Chỉ thấy hình ảnh đất đá, đồi núi bị đào san nham nhở, bụi tung đầy trời toả theo những chiếc xe ben đang cõng đất đá và than.

Có thể do những người quay phim truyền hình kém về nghiệp vụ nên không đưa vào ống kính được những hình ảnh chứng minh công lao của Tập đoàn Than và Khoáng sản trong việc hoàn nguyên môi trường tại địa bàn Quảng Ninh; hay thực chất chẳng đào đâu ra được hình ảnh nào để chứng minh rằng môi trường đã được trả về nguyên trạng. Thành ra bộ phim đã gây nên một hiệu ứng trớ trêu, lời và số liệu ngược với hình ảnh được quay kèm làm minh chứng.

Nếu như Tập đoàn Than Khoáng sản đừng làm phim, chỉ tách lời bình ra rồi cho đăng báo thì may ra còn có người tin, đằng này lại "dại dột" cho quay phim, mà phim là hình ảnh nên không thể đánh lừa người xem được. Xem bộ phim trên chúng tôi thấy môi trường Quảng Ninh ở những nơi nào do khai thác than đều  bị phá nát và nham nhở tất. Thực ra không phải qua bộ phim này tôi mới biết được những hậu quả mà đất, biển, trời Quang Ninh đang phải hứng chịu do công nghiệp khai thác than mang lại.

Cách đây mấy hôm nhà văn Dương Hướng có viết một bài đăng trên Trannhuong.com, nhan đề Con quái vật trên bờ Vịnh Bái Tử Long, nói về nhà máy Xi măng Cẩm Phả đang nhả khói mù trời vùng vịnh. Tôi biết khi nhà máy ximăng này được chuẩn bị xây dựng, Tổ chức UNESCO đã có công hàm gửi cho Chính phủ Việt Nam khuyến cáo sẽ rút Vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách di sản văn hoá thế giới nếu cho xây dựng nhà máy xi măng ở đây.

Hồi đó hình như Chính phủ được những nhà đầu tư nhà máy xi măng Cẩm Phả thuyết phục rằng: Chính phủ cứ yên tâm đi, họ sẽ xây dựng một nhà máy xi măng hiện đại bậc nhất thế giới, không mảy may đe doạ làm ô nhiễm môi trường vùng Vịnh. Bằng những hình ảnh do nhà văn Dương Hướng cung cấp, tôi đang lo UNESCO sẽ rút Vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách các Di sản thiên nhiên thế giới, bởi vì tổ chức này đã ra lời khuyến cáo mà phía Việt Nam không để vào tai! UNESCO không phải như những nhà trí thức ký đơn gửi cho các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan này không trả lời cũng chẳng làm gì được.

Một "chiến tích" môi trường gần đây báo chí và một vài cơ quan chức năng lên tiếng tại Vịnh Hạ Long, đó là việc cho đắp con đê-đường để nối đảo Tuần Châu và đất liền. Con đê này đã biến Tuần Châu thành một bán đảo, tạo điều kiện để xây dựng các cơ sở du lịch, thế nhưng hiệu quả của việc xây dựng khu du lịch Tuần Châu còn phải chờ đợi và chưa tương xứng với nguồn vốn đã bỏ ra đầu tư; trong khi đó do việc đắp con đê này mà biến vùng biển quanh Tuần Châu thành một thứ ao tù và nhiều sinh vật biển trước đây sống nhiều ở đây đã tuyệt giống...

Để không mang tiếng là ác ý và vu oán giá hoạ cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, chúng tôi đề nghị Đài truyền hình Việt Nam cho chiếu lại bộ phim này và thông báo cho bà con ở Tây Nguyên, những nơi mà Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam dự kiến sẽ vào khai thác, xem kỹ bộ phim, xem cách hoàn nguyên ở Quảng Ninh có chấp nhận được không.

Đài truyền hình Việt Nam nên chiếu cho Quốc hội và các cơ quan chức năng xem lại bộ phim được quay theo ý đồ và "kịch bản" của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam. Để cho thấy đây không phải là hình ảnh do những nhà khoa học, những trí thức đã ký Kiến nghị, tưởng tượng ra!

P.C.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn