Phải thay đổi thể chế quản lý nông nghiệp

Tô Văn Trường

Trong lịch sử phát triển, Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trên mặt trận vũ trang chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập tự chủ của mình. Kinh nghiệm này được đúc kết và vận dụng một cách có hiệu quả.

Nhưng trên mặt trận kinh tế, có thể khẳng định đây là lĩnh vực… yếu nhất của dân tộc Việt Nam.

Tuy có thành tích và truyền thống phát triển kinh tế, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt xuất phát từ “đặc thù” một đất nước nông nghiệp truyền thống, tư duy làng xã và óc tư hữu tủn mủn, manh mún, nước ta vẫn dừng lại ở trình độ sản xuất nhỏ. Nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa chỉ được du nhập vào Việt Nam bởi người Pháp, nhưng lại chưa thực sự bén rễ để phát triển thành mô hình, tâm lý và tập quán kinh doanh.

Mày mò trên con đường phát triển kinh tế thị trường, khi đất nước đổi mới cơ chế quản lý, nhưng sự thiếu lý luận về hình thái và mô hình kinh tế mới, cộng với tư duy sản xuất thời bao cấp còn rơi rớt nặng, và sức ì của ý thức hệ tư tưởng, đã dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trên lĩnh vực này.

Nhìn lại quá trình phát triển nông nghiệp

Ngay từ trước năm 1975, miền Nam đã hình thành tầng lớp nông dân tiểu chủ, có tập quán sản xuất hàng hoá cao, hệ thống tiếp thị thương mại, công nghiệp nhẹ phát triển, hệ thống ngân hàng, tài chính hiện diện khá đầy đủ.

Sau ngày thống nhất đất nước, hào khí chiến thắng của cả dân tộc cùng với cơ sở vật chất, cơ chế sản xuất theo xu thế thị trường ở miền Nam đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 1976 đạt mức kỷ lục là 16,8%. Có ý kiến cho rằng thời kỳ đó, giá như Việt Nam cũng áp dụng một thời gian “một đất nước hai chế độ” như Trung Quốc thực hiện ở Hồng Kông và Ma Cao chắc nước ta không rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế.

Giá như thời đó chúng ta nhớ đến vị danh tướng Napoleon của Pháp, người không biết sợ là gì, khi được hỏi: “Điều gì làm ngài sợ nhất?”, đã nói: Sợ nhất là sau khi chiến thắng làm ru ngủ con người, quên đi những thiếu sót, khuyết điểm, không cẩn trọng để bước vào cuộc chiến mới. Tất nhiên, lịch sử không bao giờ có hai từ “giá như”.

Miền Nam nước ta vừa ra khỏi chiến tranh đã trải qua sóng gió của hợp tác hoá và cải tạo kinh tế tư bản, tư doanh. Các chương trình đưa dân thành thị đi phát triển các vùng kinh tế mới, cùng với một số biện pháp sai lầm trong quản lý kinh tế đã tách người lao động và quản lý ra khỏi tư liệu sản xuất, thực sự chuyển nền kinh tế thị trường sang kinh tế chỉ huy bao cấp.

Ngay từ năm 1999 đã có cảnh báo về hạn chế của quy mô nông hộ miền Bắc 2000 m2, miền Nam 10 nghìn m2 (1 ha), công lao động 20 nghìn đồng/ngày, vật tư tăng cao theo cơ chế thị trường, manh nha nhóm lợi ích chèn ép quyền lợi của nông dân. Năm 2003 có Nghị quyết 03 về kinh tế trang trại là loại hình mới trong nông nghiệp, là xu thế phát triển của thế giới. Tiếc thay, nó đã bị “chết yểu” ở Việt Nam vì không có môi trường phát triển, chính sách hỗ trợ các trang trại không đi vào cuộc sống.

Bế tắc hiện nay: “Nghe nhạc hiệu, đoán chương trình”

Ngày nay, nhìn lại nền nông nghiệp ở Việt Nam sau giai đoạn cởi trói, thăng hoa, có thể thấy đang có nguy cơ thụt lùi. Trước hiện tượng nhiều nơi người nông dân bỏ ruộng, người ta mới lại tranh luận về “tái cấu trúc nền nông nghiệp”! Vấn đề bắt nông dân chịu trách nhiệm đối với an ninh lương thực của cả nước và thậm chí cả thế giới như lâu nay ta vẫn làm, là sai lầm không đáng có mà nhiều người đã nói từ lâu, nhưng không ai trong giới lãnh đạo chịu trách nhiệm thừa nhận.

Bên cạnh phải hy sinh cho an ninh lương thực của cả nước, người nông dân Việt Nam còn phải chịu rất nhiều khoản đóng góp cho xây dựng hạ tầng cơ sở và phát triển nông thôn mà lẽ ra thuộc trách nhiệm của nhà nước. Theo kết quả điều tra của Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trên cả nước, bình quân mỗi hộ nông dân phải chịu 30-40 khoản đóng góp, với mức 250 nghìn - 800 nghìn đồng/năm. Hai khoản nông dân phải đóng nặng nhất là xây dựng giao thông nông thôn và trường học, bình quân 672-872 nghìn đồng/hộ/năm. Chịu áp lực nhiều khoản chi phí như thế, nông dân nhiều nơi bỏ ruộng không có gì lạ!

Trước đây đã lâu, tôi có đọc tài liệu của một Viện Nghiên cứu ngành nông nghiệp, sau khi phân tích bằng các luận cứ khoa học và thực tế, đã đưa ra khuyến cáo chỉ nên giữ 3,2 triệu ha đất lúa. Trớ trêu là sau khi vừa mới “hùng hồn” diễn thuyết ở một cuộc hội thảo về việc chỉ nên giữ 3,2 triệu ha đất lúa, thì vài hôm sau họ đã phải đăng đàn nói “giữ 3,8 triệu ha đất lúa là quyết định đúng đắn” vì đó là chủ trương của Bộ không cần bàn cãi nữa. Có nghĩa cấp tham mưu cũng phải "nghe nhạc hiệu, đoán chương trình"!

Đây là "chuyện hàng ngày ở huyện" rồi. Các quan chức tham mưu phần lớn chẳng ai dám nói lên suy nghĩ của mình, chỉ tìm cách làm vừa lòng cấp trên, phục vụ cho mục đích chính trị, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của người nông dân. Tới nay, chỉ sau rất nhiều năm càng sản xuất càng lỗ và người trồng lúa bị đẩy vào bước đường cùng, có nguy cơ phải bỏ ruộng hàng loạt, thì người ta mới đặt lại vấn đề giữ bao nhiêu đất lúa là đủ?

Tập trung vào cây lúa, tăng mạnh sản lượng lúa là sai lầm. Khi đời sống tăng lên, người ta ăn ít gạo đi và ăn nhiều hơn các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Trong khi nguồn cung tăng mạnh mà tiêu dùng lại không tăng, thậm chí giảm thì giá gạo chắc chắn sẽ giảm hoặc không thể tăng. Nguồn cung tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp và tư thương tìm cách dìm giá thu mua. Diện tích đất manh mún, nông dân không được tổ chức, không có tiếng nói và bị chèn ép ở cả hai đầu: giá đầu vào không ngừng tăng trong khi giá đầu ra không tăng mà chỉ giảm là tình trạng phổ biến của ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam hiện nay.

Một điểm nữa, là không thể tách rời nông nghiệp khỏi chiều hướng phát triển quá trình đô thị hóa. Nông dân hiện nay là 70%, một ngày nào đó sẽ phải giảm xuống 20-30%.

Các giải pháp

Để Việt Nam tiếp tục có nền kinh tế xã hội ổn định, phát triển nhanh, mạnh, bền vững nhất là sau khi gia nhập WTO, rõ ràng các biện pháp áp dụng trong thời kỳ đổi mới ngày càng bộc lộ những hạn chế. Bởi vì từ “đổi mới” có tính chất “cởi trói”, sửa sai,đến hội nhập là cả quá trình, đặc biệt phụ thuộc rất lớn vào hệ thống chính trị của quốc gia.

Đổi mới, về nội hàm chỉ có giá trị nhất thời bởi vì bản thân nó chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách, nổi cộm, có nghĩa là phần ngọn. Trong các năm qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là ở Châu Âu, người ta thường nhắc nhiều đến từ “PERESTROIKA” được dịch là “cải tổ”. Thực chất, cần hiểu “PERE” là làm lại, “STROIKA” là xây dựng, nếu dịch đúng nghĩa là “tái cấu trúc” hay nói nôm na là xây dựng lại từ nền móng.

Về lĩnh vực nông nghiệp, tôi đồng tình chia sẻ với quan điểm của PGS Vũ Trọng Khải, cần tái cấu trúc chứ không phải chỉ tái cơ cấu. Chỉ có tái cấu trúc mới tạo nền móng xác định lại chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng mới, thay đổi thể chế quản lý cả vĩ mô và vi mô, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa từ trang trại đến bàn ăn. Không thể phát triển nông nghiệp chỉ bằng các cánh đồng mẫu lớn, nông dân nhỏ mà phải cần có cả những nông dân lớn. Có nghĩa là phải tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong đó phần giá trị tăng lên phải được chia sẻ công bằng với nông dân.

Nhìn xa hơn phải sửa lại Hiến pháp theo ý nguyện của người dân, sửa Luật Đất đai thay đổi theo mối quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo. Tạo điều kiện thuận lợi để đưa các thành tựu nghiên cứu khoa học chuyển giao áp dụng vào thực tế .

Trước mắt, rà soát tháo gỡ các rào cản, nút thắt, coi trọng quy hoạch xác định loại giống cây trồng chủ lực theo đặc thù thế mạnh của từng vùng sản xuất. Giảm dần các diện tích trồng lúa vừa tốn nước, vừa kém hiệu quả ở các vùng trung du núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên. Đồng bằng sông Cửu Long đã ổn định 300 nghìn ha cây ăn trái, 400 nghìn ha thủy sản và 1,9 triệu ha lúa.

Cần chuyển 500 nghìn ha lúa truyền thống ven biển sang trồng lúa thơm chất lượng cao. Khi đặt ra bài toán phát triển nông nghiệp cần phải tính đến “bài toán ngược”, là căn cứ vào khả năng cung cấp nguồn nước để đưa ra quy mô, loại cây phù hợp với kinh tế thị trường và hiệu quả kinh tế. Cần khẩn trương xem xét, nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ các chính sách và giải pháp khắc phục trong dịp sơ kết Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tam nông vv...

Tái cấu trúc về nông nghiệp phải đi sau tái cấu trúc nền kinh tế quốc dân. Quan trọng hơn, phải gắn với sự quyết liệt đổi thay tích cực thể chế quản lý, cả về kinh tế chính trị và xã hội môi trường.

T.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn