Bình luận của trang Ba Sàm về Nghị định 72 (tiếp theo)

(Trích tin Chủ nhật)

Xin bàn tiếp về Nghị định 72, phần này nói tới việc từ sự không rõ ràng trong văn bản pháp luật dẫn tới những giải thích tùy tiện của cơ quan quản lý.

Từ văn bản không rõ ràng:

+ Như bình luận hôm qua đã nêu, theo “Điều 3. Giải thích từ ngữ” của NĐ72, và cả của Luật công nghệ thông tin thì “trang thông tin điện tử” là các website. Vậy “trang thông tin điện tử cá nhân” đương nhiên là các trang web cá nhân, không phải là các blog, hay mini blog trên Facebook và các mạng xã hội.

+ Thế nhưng ở Điều 20. Phân loại trang thông tin điện tử, khoản 4 lại có thêm một khái niệm mù mờ, rằng “trang thông tin điện tử cá nhân”“trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội …”. Câu này vừa không ổn về ngôn từ (AI“thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội”?) , vừa không rõ loại “trang thông tin cá nhân” trên mạng xã hội là website hay blog. Bởi theo giải thích từ ngữ thì phải là website, nhưng trong thực tế thì trên các mạng xã hội gần như chỉ có các blog mà thôi.

+ Cũng ở Điều 20, khoản 4 nêu “trang thông tin điện tử cá nhân là… không cung cấp thông tin tổng hợp”. Như vậy điều khoản vừa nêu, cũng như 4 khoản khác, nằm trong phần “phân loại”, có thể được hiểu như là một định nghĩa, hoàn toàn không mang ý nghĩa như quy định bắt buộc, nhất là khi nó chỉ có chữ “không”, mà không phải là “không được”, “cấm”, “nghiêm cấm”.

Tới giải thích tùy tiện:

+ Mặc dù từ NĐ72 cho tới Luật Công nghệ thông tin đều đã rõ “trang thông tin điện tử cá nhân” là các website, thế nhưng ông Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử vẫn mặc nhiên coi các blog và mini blog trên Facebook cũng thuộc diện này: “Với những trang thông tin cá nhân như blog, Facebook… ông Bảo cho biết…” (VNEconomy, 1/8/2913).

+ Chỉ với chữ “không” mang tính chất “định nghĩa” ở Điều 20 nói trên khi đề cập tới việc gọi là “cung cấp thông tin tổng hợp”, nhưng lại đã được ông Cục trưởng diễn giải thành “không được” – mang tính cấm đoán: “Theo ông Bảo, trang cá nhân không được cung cấp thông tin tổng hợp, bởi như thế thì sẽ thành trang thông tin điện tử tổng hợp”.

+ Sự tùy tiện và tự mâu thuẫn thể hiện thêm khi trên Thanh niên có đoạn: “Trả lời báo chí chiều 1.8, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho biết đây là điều khoản được sử dụng để phân loại các loại hình trang TTĐT và không mang ý nghĩa ngăn cấm việc “cung cấp thông tin tổng hợp” của chủ sở hữu trang thông tin cá nhân”.

clip_image002

Cũng lại chính ông Cục trưởng đã “mở lối” một cách rất tùy hứng, rằng “không ai cấm trang thông tin cá nhân chia sẻ, nhưng cá nhân chia sẻ thông tin thì phải chỉ dẫn đường link đến cơ quan sản xuất thông tin”“trang thông tin điện tử cá nhân khi trích một mẩu bài báo, một vấn đề nào đó và dẫn link và hoàn toàn có quyền bình luận nhưng phải chịu trách nhiệm về bình luận ấy” (VNEconomy, 1/8/2913). Có nghĩa nếu muốn trích bài báo nào đó, thì chỉ được trích “một mẩu” thôi, thì không bị coi là “thông tin tổng hợp”? Còn ở một đoạn phỏng vấn khác, ông lại nói: “Họ có thể copy một đoạn rồi dẫn link, còn copy cả bài thì không được…” (VNExpress, 1/8/2013). Vậy là chúng ta sẽ phải chờ xem người ta định nghĩa thế nào là “một mẩu”, “một đoạn” trong một cuộc phỏng vấn khác, hoặc ưu ái hơn thì sẽ có hẳn một định nghĩa trong thông tư hướng dẫn sẽ có trong tương lai?

+ Sự “tùy hứng” còn được thể hiện từ khái niệm mù mờ qua giải thích từ ngữ trong văn bản NĐ, rằng “thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin…” (Điều 3, khoản 19), nhưng đã được ông Cục trưởng phát triển ra thành: “… không được dẫn thông tin tổng hợp, tức là không được trích dẫn thông tin từ các cơ quan báo chí hay các trang web của cơ quan nhà nước” (VNExpress, 31/7/2913). Có nghĩa, theo như NĐ72, thì nếu như có ai đó lấy tin từ vài nhân chứng là các blogger chứng kiến một vụ đụng xe ngoài phố, rồi “tổng hợp” lại, đưa lên blog của mình, như thế cũng sẽ được gọi là “thông tin tổng hợp, là sẽ bị “cấm”. Nhưng với riêng ông Cục trưởng, thì phải là lấy tin từ nhiều báo, trang web cơ quan nhà nước mới là “thông tin tổng hợp”

+ Ngoài ra, dường như lại còn có cả việc “mở lối” cho các “trang thông tin cá nhân” nào thực hiện “tổng hợp thông tin”, thay vì xử phạt tức khắc: “Theo ông Bảo, không ai cấm trang thông tin cá nhân trở thành trang thông tin tổng hợp, nhưng với điều kiện phải thoả mãn các quy định, như phải thành lập doanh nghiệp, tổ chức, phải có nhân sự quản lý, có đủ khả năng tài chính…” (VNExpress, 1/8/2013). Có nghĩa, khi phát hiện “trang thông tin cá nhân” nào đó lại thực hiện “thông tin tổng hợp”, thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu chủ trang làm thủ tục chuyển nó thành “trang thông tin tổng hợp”?

Trong những thủ tục đó, việc thành lập “tổ chức” sẽ phải được hiểu như thế nào? “Tổ chức” ở nước ngoài, trên mạng, hay như … CLB bóng đá NO-U thì có được không, hay phải là “tổ chức quốc doanh” của VN? Bởi vì trong Điều 20, khoản 2, cũng như Điều 3 Giải thích từ ngữ, không nói rõ thế nào thì được gọi là “tổ chức”. Và còn nhiều “điều kiện” khác nữa, nó được hướng dẫn ở văn bản nào để các chủ trang theo đó mà thực hiện?

Để rồi sẽ áp dụng tùy thích?

Để thấy, từ một vài câu chữ ngắn ngủi, không rõ ràng trong một Nghị định của Chính phủ, nhưng đã được các quan chức cấp dưới phát triển ra thành những “quy định chi tiết” theo ý kiến chủ quan của mình, chỉ qua những cuộc phỏng vấn, đề từ đây họ “đưa luật đi vào cuộc sống”, để xử phạt, thậm chí bắt bớ?

Trong khi đó, với một người hiểu ít nhiều về hệ thống pháp luật VN lâu nay, qua những trả lời báo chí ở trên, có thể hình dung sẽ phải có một thông tư riêng cho các blog cá nhân, như Thông tư 07 kèm NĐ97 cách đây 5 năm.

Thế nhưng, chưa nghe các quan chức Bộ 4T nói về thông tư đó, ngoài việc cho biết sẽ có thông tư về “cung cấp thông tin công cộng qua biên giới”. Còn ở một tờ báo khác, thì dường như lại đem tới “hy vọng” sẽ có một thông tư riêng khác cho việc “đăng tải thông tin tổng hợp”: “Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng, điều khoản này trong Nghị định 72 mới chỉ đề ra nguyên tắc chung nhất. Trên cơ sở nguyên tắc đó, Chính phủ đã giao Bộ TT-TT tiếp tục ban hành các hướng dẫn cụ thể liên quan” (Thanh niên, 1/8/2013).

Như vậy, họ cứ để NĐ72 treo lơ lửng trên đầu dân chúng theo kiểu này, với hàng vạn, triệu blogger, người dùng Facebook, … luôn mang cảm giác mình rất có thể bị “phạm tội”, bị xử lý bất cứ lúc nào mà không hiểu phải tránh “vi phạm” bằng cách nào.

(Kỳ sau bàn về xử lý các trang tin mạo danh).

B.S.

Nguồn: basam.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn