Sự mâu thuẫn của chế định bị hại trong pháp luật hình sự hiện hành

LS. Hà Huy Sơn

Theo khoản 1 điều 51 “Người bị hại” của Bộ luật tố tụng hình sự 2003, quy định:

“Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra.”

Như vậy, người bị hại chỉ là cá nhân chứ không thể là tổ chức. Vì chỉ có cá nhân mới có “thể chất, tinh thần”, cái mà tổ chức không có. Hơn nữa, trong thực tế tiến hành tố tụng, tổ chức chưa bao giờ được coi là người bị hại.

Một chân lý hiển nhiên là: Đã không có người bị hại thì không có tội phạm.

Các điều 258, 281 và 296 của Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009, lại quy định:

Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 296. Tội ra quyết định trái pháp luật

1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Như vậy, “Nhà nước, tổ chức, xã hội” không phải là cá nhân lại mặc nhiên được coi là người bị hại để lấy đó làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự cho các bị can, bị cáo. Hay làm căn cứ để kết án ai đó là tội phạm.

Đây mâu thuẫn nghiêm trọng về mặt logic hình thức của chế định bị hại giữa luật hình thức và luật nội dung của pháp luật hình sự hiện hành. Nội dung quy định tại các điều 258, 281 và 296 của Bộ luật hình sự hiện nay không mang tính định lượng mà mang tính định tính, rất mơ hồ. Nó là nguồn gốc dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng pháp luật một cách chủ quan, tùy tiện trong không ít các trường hợp từ trước cho đến nay. Hậu quả là có xảy ra các oan sai cũng rất khó sửa sai. Do đó, việc sửa đổi Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự cần phải thống nhất về mặt logic hình thức chế định “người bị hại”:

+ Hoặc trong Bộ luật tố tụng hình sự người bị hại phải bao gồm cá nhân, tổ chức;

+ Hoặc trong Bộ luật hình sự bỏ tổ chức (Nhà nước, tổ chức, xã hội) là người bị hại.

Tôi cho rằng trong khi chưa sửa đổi, bổ sung được 02 bộ luật nêu trên thì Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao cần ra nghị quyết hướng dẫn để khắc phục ngay tình trạng mâu thuẫn này.

Hà Nội, ngày 27/02/2015

H.H.S

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn