Thư ngỏ nhân dịp Đại hội 12 Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguyễn Đình Cống

Kính gửi toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam,

Kính thưa các đồng chí,

Nhân dịp Đảng sắp họp Đại hội 12, cũng nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng, tôi xin góp một số ý kiến về tổ chức và chủ thuyết. Trước đây (vào tháng 9 năm 2014), tôi đã viết thư ngỏ trình bày đề nghị về việc soạn văn kiện và bầu đại biểu, chuẩn bị cho Đại hội sắp tới. Bài “Góp ý kiến chuẩn bị Đại hội 12 Đảng Cộng sản Việt Nam”, đã đăng trên Bauxite Việt Nam và gửi cho hòm thư bạn đọc của Trung ương Đảng).

Tôi không viết về thành tích của Đảng không phải vì không biết mà là vì về điều này Đảng đã tổng kết và công bố đầy đủ, toàn thể nhân dân đã biết rõ. Thư góp ý là nhằm phát hiện những chỗ yếu, những vấn đề cần sửa chữa hoặc thay đổi để Đảng trở nên tốt hơn. Những vấn đề này có một số đảng viên biết rõ hơn tôi mà đã hoặc chưa nói ra, tuy vậy vẫn còn nhiều người chưa biết, nên biết. Biết để suy nghĩ và hành động nhằm góp phần xây dựng Đảng trong sạch hơn, vững mạnh hơn. Tôi cũng được dạy rằng “Nghe ca tụng thì sướng nhưng không có lợi gì. Nghe góp ý về thiếu sót thì khó chịu nhưng biết được thì mới có ích”.

1-Về tổ chức: Đảng hiện có một số đảng viên rất lớn, khoảng trên 3 triệu. Số lượng đông nhưng sức không mạnh vì một số đã quá già yếu, người có chức quyền thì một số không ít thoái hóa, biến chất, một số thiếu tích cực,thiếu gương mẫu, chỉ còn một tỷ lệ tương đối bé là còn giữ được sự trung thực, liêm khiết, gương mẫu. Hàng năm các chi bộ vẫn họp tổng kết, bình chọn và xếp loại đảng viên, theo báo cáo thì số xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm tỷ lệ rất cao nhưng đó là những số liệu không đúng thực tế. Nguyên nhân yếu kém của đảng viên bắt nguồn từ khi kết nạp. Để kết nạp một đảng viên phải dựa vào hai điều kiện: điều kiện cần (Đảng có thật sự cần kết nạp người này không?) và điều kiện đủ (người này đã đạt được tiêu chuẩn để gia nhập Đảng chưa?). Thời gian đầu Đảng khá quan tâm đến điều kiện cần, kết nạp được nhiều đảng viên xứng đáng, nhưng rồi trong một thời gian khá dài người ta tuyên truyền rất mạnh việc vào Đảng là vinh dự rất lớn, là tạo cơ sở vững chắc về chính trị để thăng quan tiến chức, điều lệ và các chi bộ lại chỉ nhằm chủ yếu vào điều kiện đủ để xét kết nạp mà coi nhẹ điều kiện cần nên đã tạo môi trường tốt cho một số phần tử cơ hội vào Đảng. Bọn cơ hội này một số leo cao, trở thành những kẻ thoái hóa, biến chất, độc quyền, tham nhũng, một số khác chỉ trở thành những kẻ ù lì, không gương mẫu, chẳng tích cực vì đã thỏa mãn nhu cầu đạt danh hiệu đảng viên. Cả hai loại đều làm hại Đảng rất nhiều. Việc tuyên truyền và kết nạp đảng viên như vừa nêu là sai nhiều hơn đúng.

Lại đặt ra danh hiệu “mấy chục năm tuổi đảng”. Danh hiệu này một thời có tính động viên nhưng hiện nay đã trở thành một thứ gần như là “bổng lộc” để khuyến khích những người thích danh vị. Điều này làm nặng thêm tâm lý sống lâu lên lão làng, nhiều đảng viên đã sức cùng lực kiệt rồi mà không muốn nghỉ sinh hoạt, cố tăng được số năm tuổi đảng để có được “vinh dự hão”, để được nhận một khoản trợ cấp và được nhắc đến trong điếu văn. Việc dựa vào thời gian để đánh giá thành tích, công trạng rồi xét danh hiệu và khen thưởng là việc làm lợi bất cập hại, việc vô tình hoặc cố ý đồng nhất số năm tuổi đảng với phẩm chất con người là một sai lầm. Cũng có một số thuộc loại “gừng càng già càng cay” nhưng một số không ít thì càng già không những càng thủ cựu, vô tích sự mà càng cản trở sự đổi mới.

Tổ chức Đảng chặt chẽ, rộng khắp như hiện nay là theo đảng cách mạng kiểu mới của Lênin, nó rất phù hợp với giai đoạn làm cách mạng và chiến tranh. Trong thời bình, đảng cầm quyền mà vẫn duy trì cách tổ chức như vậy là không còn phù hợp, không cần thiết. Hệ thống cơ quan Đảng các cấp, các ngành đặt bên cạnh hoặc bên trên hệ thống chính quyền giống như là một chính quyền khác, gây nên nhiều lãng phí, hiệu quả công việc thấp.

Việc sinh hoạt của chi bộ hàng tháng tại nhiều đơn vị và đặc biệt là tại các tổ dân phố (với số đông đảng viên hưu trí) thường không có nội dung quan trọng mà phần lớn chỉ bàn và thông báo chuyện tầm phào, những việc như vậy chỉ cần trưởng thôn, tổ trưởng dân phố chú ý một chút là giải quyết được chứ chẳng cần gì đến sự họp hành và thảo luận của chi bộ, chẳng cần gì đến “sự lãnh đạo sáng suốt” của chi ủy.

Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu xem xét lại cách tổ chức của Đảng sao cho phù hợp với tình hình mới nhằm nâng cao hiệu suất và chất lượng công tác.

2- Về chủ thuyết: Trong lúc nhân dân Liên Xô và các nước Đông Âu đã từ bỏ chủ nghĩa Mác Lênin (CNML), trong lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc bên ngoài vẫn treo ảnh của Mác và Mao nhưng bên trong đã bỏ lý thuyết của các ông và chủ trương “đảng của ba đại diện” với “mèo trắng, mèo đen”, trong lúc Cuba lặng lẽ, từ từ rời xa chủ nghĩa xã hội và bắt tay thân thiện với Mỹ thì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tuyên bố kiên trì CNML. Tôi nghĩ đó là một sự nhầm lẫn tai hại.

Nhớ lại, vào năm 1943 đến 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh rất muốn nhận được sự ủng hộ của Mỹ và đội Tuyên truyền giải phóng của Võ Nguyên Giáp đã nhận được viện trợ về vũ khí và huấn luyện, liên quân Việt Mỹ đã được thành lập và hoạt động một thời gian. Chủ tịch đã ba lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ mà không được trả lời. Tôi đoán Hồ Chí Minh cho giải tán Đảng Cộng sản vào tháng 11 năm 1945 là nhằm tranh thủ Mỹ vì ông biết là trong hội nghị tam cường (Liên Xô, Mỹ, Anh) năm 1943 tổng thống Roosevelt tỏ ý ủng hộ các nước thuộc địa của Pháp giành độc lập, mà Mỹ hồi đó không ưa gì cộng sản. Việc năm 1943 Stalin cho giải tán tổ chức Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) chắc cũng nhằm mục đích tranh thủ sự ủng hộ của Anh, Mỹ. Việc Stalin giải tán Quốc tế Cộng sản là thật, nhưng việc Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán là không thật mà chỉ rút vào hoạt động bí mật. Đó là một nước cờ, tưởng là cao nhưng hóa ra quá thấp vì không đánh lừa được tình báo Mỹ. Nếu hồi ấy không làm việc đánh lừa, vẫn giữ nguyên tổ chức mà đổi tên đảng, chỉ tập trung vào mục tiêu độc lập dân tộc, từ bỏ đường lối cộng sản, thì chưa biết lịch sử sẽ như thế nào. Tôi đoán là Tổng thống Mỹ biết Cộng sản Việt Nam đánh lừa nên không trả lời các thư của Hồ Chí Minh và rồi chúng ta đã bị Mao Trạch Đông lừa, quy Mỹ thành kẻ thù số một, kẻ thù lâu dài. Chúng ta quy kết Mỹ gây chiến tranh xâm lược Việt Nam nhưng Mỹ chưa bao giờ công nhận điều đó mà cho là họ chỉ giúp đồng minh ngăn chặn họa cộng sản.

Chúng ta tưởng nhầm là nhờ CNML mà đã thắng lợi trong cách mạng và chiến tranh, nhưng nghĩ cho thật kỹ thì không phải thế, mà cứ mỗi lần cố vận dụng CNML là một lần thất bại, làm đẩy lùi nền kinh tế và làm suy đồi đạo đức. Tôi cho rằng trong lúc Liên Xô và Đông Âu từ bỏ CNML mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn quyết tâm theo đến cùng là do bị mắc lừa tập đoàn cộng sản Trung Quốc. Họ lừa cho Việt Nam kiên trì đường lối cộng sản để rồi bị lệ thuộc hoàn toàn vào họ. Chúng ta tuy có quan hệ ngoại giao và kinh tế với nhiều nước nhưng xét ra đó chỉ là quan hệ bè bạn bình thường theo kiểu “ Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”. Hiện tại trong số các nước lớn chúng ta không có bạn thân thiết cùng chí hướng . Tôi nghĩ Đảng nên tổ chức các cuộc hội thảo rộng rãi, công khai và thật sự dân chủ để những ai có ý kiến bảo vệ hoặc phê phán CNML đều được tự do phát biểu, tự do tranh luận, như thế mới thật sự biết CNML đúng sai ở chỗ nào. Riêng bản thân, tôi thấy CNML sai nhiều hơn đúng, mang lại cho nhân loại lợi ít hại nhiều. Nước Việt Nam, để phát triển bền vững thì cần từ bỏ CNML. Về vấn đề này tôi đã viết và công bố bài “Một số nhầm lẫn của Mác” và bài “Đuổi hổ cửa trước, rước sói cửa sau”.

3- Đề nghị: Một khi Đảng từ bỏ CNML thì không nên giữ tên Đảng Cộng sản nữa mà cần đổi tên, ví dụ lấy lại tên Đảng Lao động chẳng hạn. Về tổ chức, cần nghiên cứu chuyển từ một đảng làm cách mạng thành một đảng chính trị cầm quyền. Không nên giữ lại trong đảng quá nhiều đảng viên già yếu và để họ khỏi băn khoăn thì nên bỏ luôn danh hiệu mấy chục năm tuổi đảng. Nên giảm bớt các tổ chức đảng ở cơ sở, giảm bớt các ban ngành của đảng. Lương cán bộ của đảng, trụ sở và các chi tiêu cho đảng chỉ lấy từ ngân sách công khai của đảng, không lấy từ tiền thuế của dân.

Hiện tại toàn Đảng, toàn dân đang trông chờ vào sự chuyển biến tích cực của lãnh đạo Đảng trong việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội 12 theo hướng đặt quyền lợi của dân tộc lên trên chủ thuyết đã lỗi thời. Tôi nghĩ, chỉ có việc Đảng quyết tâm từ bỏ sự toàn trị, xây dựng một thể chế chính trị thật sự dân chủ với tam quyền phân lập, với các tổ chức xã hội dân sự thì mới mong có đủ sức mạnh để chống lại nạn tham nhũng (nguyên nhân gần, trực tiếp gây ra nhiều tệ nạn khác của xã hội), để phát triển đất nước đúng hướng. Muốn thế Đảng phải dựa vào ba lực lượng chủ yếu của xã hội là đội ngũ công chức, trí thức và doanh nhân. Đối với công chức thì quan trọng nhất là loại bỏ triệt để nạn mua bán quan tước, nạn chạy chức chạy quyền, đề cao trình độ, trách nhiệm và liêm chính. Đối với trí thức và doanh nhân thì tạo ra môi trường tự do dân chủ để họ phát huy năng lực.

Đảng có thật sự đặt quyền lợi dân tộc lên trên thì mới giữ được lòng tin của nhân dân và mới giữ được sự lãnh đạo lâu dài.

(Thư này cũng được gửi đến các địa chỉ: dangcongsan@cpv.org.vn và bandoc.dcsvn@gmail.com)

N. Đ. C.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn