CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 6)



Tác giả: Victor Sebestyen
 Dịch giả:  Phan Trinh

 CHƯƠNG 4
ANH THỢ ĐIỆN WALESA - CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT, 1980-1981

ĐÌNH CÔNG VÌ ANNA - LECH TRỞ LẠI - CHIẾM GIỮ NHÀ MÁY - LÃNH ĐẠO CÂU GIỜ - GÓI THỎA THUẬN - NGỘ NHẬN VÀ HỖN ĐỘN - LECH WALESA - RỜI QUÊ LÊN PHỐ, CÔNG GIÁO, CHỐNG NGA - “QUÝ TỘC” TỒI, TAI NẠN, NHẾCH NHÁC - GIA ĐÌNH TRONG BIẾN ĐỘNG - VỠ MỘNG VỚI LÃNH TỤ - LÀN SÓNG ĐÌNH CÔNG 1976, SA THẢI, ĐÀN ÁP - CÔNG AN TRẢ THÙ - ĐẾN VỚI TRÍ THỨC - LIÊN MINH TRÍ THỨC, CÔNG NHÂN, GIÁO SĨ - KHÔNG MUỐN LẬT ĐỔ, CHỈ CẦN ĐỘC LẬP - SAU 16/8/1980: BA TUẦN TỔNG ĐÌNH CÔNG - CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT CHÍNH THỨC RA ĐỜI - BREZHNEV LO NGẠI - LÃNH ĐẠO LIÊN XÔ GIÀ YẾU - UỐNG THUỐC VỚI VODKA - CUỐI ĐỜI PHÙ PHIẾM - CHE ĐẬY BỆNH TẬT - BỘ BA ANDROPOV, GROMYKO, USTINOV - CHỈ THỊ BA LAN PHẢN CÔNG - MOSCOW MẤT KIÊN NHẪN - TẤN CÔNG QUÂN SỰ? - CUỘC CÁCH MẠNG TINH THẦN - ÔN HÒA: “ĐỪNG ĐỐT ĐẢNG ỦY, HÃY LẬP ỦY BAN” - ĐÒI HỎI VỪA PHẢI - TIN ĐỒN “TRAI GÁI” – 1981: LIÊN XÔ CHỜ BA LAN RA TAY
***


Gdansk. Thứ năm, ngày 14 tháng 8, năm 1980
                                                                   
ĐÌNH CÔNG VÌ ANNA
1.
MẶC DÙ ANNA WALENTYNOWYCZ được mọi người quý mến và rõ là đã bị xử tệ, nhưng khi đưa ra lời kêu gọi đình công, những nhà hoạt động tại Gdansk vẫn không biết công nhân sẽ phản ứng ra sao. Vào những ngày hè, các thành phố lớn ven bờ Biển Baltic thường lặng lẽ, và lãnh đạo Đảng tại đây dường như nghĩ rằng giai đoạn bất ổn vì đình công vào mùa xuân hè năm 1980 cũng vừa qua.
Nhưng, những ngày sau khi Anna bị sa thải, hàng trăm truyền đơn kêu gọi đình công đã được phân phát trên các chuyến xe điện và xe lửa đưa đón công nhân từ những chung cư ngoại ô thành phố đến Xưởng Đóng tàu Lenin. Theo dự tính, cuộc đình công sẽ bắt đầu lúc bình minh ngày 14/8/1980.
2.
6 giờ sáng, khi ca làm việc đầu tiên chính thức bắt đầu, khoảng 100 công nhân bắt đầu diễu hành băng qua khoảng đất rộng bên trong xưởng đóng tàu.
Một số mang theo biểu ngữ đòi trả lại việc làm cho Anna, một số khác lớn tiếng kêu gọi các công nhân khác tham gia. Tuy không nhiều người tham gia nhưng ban lãnh đạo xưởng đóng tàu bắt đầu lo lắng.
30 phút sau, có 500 công nhân tham gia cuộc biểu tình. Đám đông tiến đến Cổng số 2, một trong những lối ra vào chính của xưởng máy, và sắp sửa diễu hành xuống phố. Nhưng đám đông bỗng chần chừ vì nhớ rằng cũng trong một cuộc tuần hành vào trung tâm Gdansk vào tháng 12/1970, 44 công nhân đã bị giết chết.
Giám đốc xưởng đóng tàu, ông Klemens Gniech, lúc này leo lên chiếc cần trục cạnh đó để nói chuyện với họ. Giám đốc Gniech là một người năng động, cứng rắn, khá trung dung, ông được nhiều công nhân tôn trọng, thậm chí ưa chuộng. Bằng lời nói nhẹ nhàng, ông hứa sẽ thảo luận về các yêu sách của công nhân, với điều kiện mọi người trở lại làm việc.
Đã có lúc công nhân bên dưới tỏ vẻ thuận chiều. Có người bàn tán ý định trở lại làm việc.
*
LECH TRỞ LẠI
3.
Đúng lúc này, một người thấp, đẫy đà, râu mép rậm cũng leo lên cần trục, đứng cạnh ông Gniech.
Người đàn ông vỗ vai Gniech, hỏi: “Ông có nhớ tôi không?”, rồi giải thích: “Tôi đã làm ở đây 10 năm và giờ vẫn thấy mình là công nhân Xưởng Đóng tàu Lenin. Anh em công nhân ở đây tin tôi, dù tôi đã mất việc bốn năm rồi”. Người đàn ông đó là Lech Walesa.
Walesa nói tiếp về vụ Anna và nhu cầu cần phải có một công đoàn độc lập. Và rồi Walesa kêu gọi mọi người tiến hành “đình công bằng cách chiếm giữ nhà máy” [occupation strike - đình công chiếm giữ].
Lập tức, một ủy ban đình công được thành lập, với Walesa đứng đầu. Gniech không còn cách nào khác phải rút lui. Gniech đồng ý sẽ thương lượng, và để chứng tỏ thiện chí, ông phái chiếc Volga đen bóng loáng của ông đến nhà đón Anna Walentynowycz đến dự cuộc thương lượng.[i]
*
CHIẾM GIỮ NHÀ MÁY
4.
Hình thức đình công bằng cách chiếm giữ nhà máy là một trong những vũ khí thành công nhất được Công đoàn Đoàn kết sử dụng trong những năm sau đó.
Đó là một chiến thuật được tính toán cẩn thận nhằm bảo vệ công nhân không bị công an tấn công ngoài đường phố. Chiến thuật này cũng tạo áp lực lên chính quyền, vì để giành lại một nhà máy với hàng trăm công nhân chiếm giữ bên trong có lẽ phải dùng đến quân đội – một việc rất tốn kém, có thể gây đổ máu và chỉ những chế độ bạo ngược nhất mới dám làm.
Đình công chiếm giữ còn những ưu điểm khác, đó là công nhân sẽ chiếm giữ những máy móc có giá trị trong nhà máy như những con tin, và như vậy ngăn giới chủ nhân mướn những công nhân “đi đêm” (bỏ đình công) vào làm chui. Về tâm lý, giữ vững tinh thần đấu tranh của công nhân là điều rất quan trọng, và việc này sẽ dễ dàng hơn khi công nhân gắn bó bên nhau làm chung nhiệm vụ chiếm giữ nhà máy. Hành vi này còn cho công nhân thấy họ có thể thực sự làm chủ nơi mình làm việc.
5.
Cuộc đình công lan ra nhanh chóng. Chỉ trong vài giờ, công nhân các nhà máy ở Gdynia, cách đó vài cây số, cũng đình công đồng hành. Không lâu sau, toàn bộ 50.000 công nhân tại Gdansk đình công đồng hành.
Chính quyền lập tức cho cắt tất cả đường liên lạc điện thoại nối liền các đô thị ven Biển Baltic với thế giới bên ngoài, nhưng đó là một cố gắng vô ích để hạn chế đình công lan nhanh.
Dĩ nhiên, truyền hình và đài phát thanh không hề nhắc đến các cuộc đình công, nhưng mọi người ở Ba Lan đều biết.
*
LÃNH ĐẠO CÂU GIỜ
6.
Trong lúc Walesa và các lãnh đạo đình công khác hội ý riêng với Gniech trong phòng họp tại trung tâm y tế và sức khỏe của xưởng đóng tàu, điều kiện sinh hoạt của công nhân đình công chiếm đóng xưởng máy dần kém đi.
Trong đêm đầu tiên, hơn 2.500 công nhân phải ngủ trên nệm xốp và trên các băng ghế trong hội trường chính hoặc trạm xá. Không khí khá ngột ngạt, mọi người chờ đợi trong căng thẳng và nhiều lo sợ, khác với không khí của một cuộc cách mạng.
Walesa tuyên bố với Gniech: “Chúng tôi đòi hỏi điều kiện làm việc tốt hơn, được tăng lương và quyền được đình công”. Không ai nói đến việc “thách thức Chủ nghĩa cộng sản”. Mức ủng hộ của công nhân dành cho đình công dao động tùy diễn biến cuộc thương lượng giữa hai bên. Gniech được lãnh đạo Đảng ở Warsaw và ở địa phương chỉ đạo phải kéo dài thời gian, rồi đưa ra những nhượng bộ vừa đủ để có thỏa thuận. Mục tiêu của họ là chia để trị, như vẫn làm suốt chục năm trước. Họ tìm cách đạt những thỏa thuận riêng với các nhóm công nhân khác nhau để công nhân không đoàn kết được. Vào tháng 8/1980, chiến thuật này suýt nữa thành công.[ii]
*
GÓI THỎA THUẬN
7.
Thời điểm then chốt đến vào ngày đình công thứ ba, ngày 16/8/1980.
Sáng sớm hôm đó, ủy ban đình công do Walesa đứng đầu chấp nhận gói thỏa thuận do Gniech đưa ra. Thỏa thuận gồm các khoản: Anna Walentynowycz và Walesa được trở lại làm việc ở xưởng đóng tàu; tăng lương mỗi công nhân thêm 2.000 zloty một tháng (khoảng 7%); tăng các khoản trợ cấp cho gia đình công nhân lên gần bằng mức trợ cấp cho gia đình công an; không được trừng trị hay quấy nhiễu bất cứ ai tham gia đình công.
Một điểm khó thương lượng là đòi hỏi xây đài tưởng niệm cho công nhân thiệt mạng vào tháng 12/1970. Trong buổi thương lượng sáng thứ bảy hôm đó, giữa tình hình càng lúc càng căng trên cả nước Ba Lan, giới lãnh đạo Đảng lâm vào thế kẹt rất cần đạt được một thỏa thuận, nên cả yêu sách có tính biểu tượng lớn lao kia cũng được chấp thuận.
*
NGỘ NHẬN VÀ HỖN ĐỘN
8.
Nhưng, khi hai bên vừa bắt tay kết thúc thương lượng thì thỏa thuận gần như đã đổ vỡ giữa những ngộ nhận và hỗn độn, với diễn biến như sau.
Thương lượng xong, Gniech loan báo trên hệ thống loa phát thanh trong xưởng máy rằng đình công đã chấm dứt. Walesa vung bàn tay nắm chặt lên cao, tuyên bố: “Chúng ta đã thắng”. Nhưng lập tức, ông thấy có điều không ổn.
Trong khi nhiều nhóm công nhân bắt đầu ra cổng để về nhà, một số khác trong đám đông lại bắt đầu la to những cụm từ gay gắt như “Phản bội!”, “Bán đứng!”.
Đám đông chao đảo. Họ bị cuốn theo người đại diện của những công nhân ngành nghề khác tại Gdansk cùng tham gia đình công. Những người này xem công nhân Xưởng Đóng tàu Lenin – nơi thuê đông công nhân nhất – như đại diện cho công nhân toàn vùng để đạt được những thỏa thuận có lợi cho tất cả, chứ không chỉ có lợi cho công nhân đóng tàu.
Chị Henryka Krzywonos, một phụ nữ phốp pháp, tóc ngắn, cầm đầu giới tài xế xe điện tại Gdansk trong nhiều năm, tuy không giỏi ăn nói nhưng vẫn có thể nêu quan điểm của mình vừa mạch lạc vừa mạnh mẽ. Chị kêu gọi công nhân xưởng đóng tàu “Đừng bán rẻ quyền lợi của mình, cũng đừng bỏ rơi các đồng chí trong cơn hoạn nạn”. Chị nói công nhân đóng tàu không được để công nhân các ngành khác bị chế độ chia rẽ rồi hạ gục từng nhóm một, từng ngành một. Chị nói: “Nếu các bạn bỏ rơi chúng tôi, chúng tôi sẽ thua. Xe điện làm sao đụng độ xe tăng!” Mọi người vỗ tay cổ vũ chị nồng nhiệt.
Walesa đáp lời: “Đúng vậy. Nếu đại đa số chấp thuận, chúng ta sẽ tiếp tục đình công. Ai muốn tiếp tục?”.
Mọi người tại chỗ đồng thanh: “Chúng tôi!”.
Walesa hỏi tiếp: “Ai không muốn tiếp tục?”.
Tất cả im lặng.
Walesa kết luận: “Vậy, chúng ta sẽ tiếp tục đình công, đó sẽ là cuộc đình công trong đoàn kết. Tôi sẽ là người cuối cùng rời xưởng máy”.[iii]
***
LECH WALESA
9.
Lech Walesa là người lãnh đạo cuộc “cách mạng công nhân” đúng nghĩa đầu tiên trong lịch sử. Nếu những người Bolshevik vào tháng 10/1917 đã giành được quyền lực nhân danh giai cấp vô sản, thì phải chờ đến khi có Lech Walesa, một công nhân bình thường với những khả năng lạ thường, lịch sử mới thấy “quyền lực công nhân” đúng nghĩa được sử dụng ra sao để chống lại hậu duệ của chính những người Bolshevik.
Walesa sinh ngày 29/9/1943, trong một làng nhỏ ở Popowo, khoảng 150 cây số phía tây bắc thủ đô Warsaw. Walesa chưa từng gặp cha mình. Sau khi sinh con, người cha, ông Boelek Walesa, làm nghề thợ mộc, đã bị bắt vào trại tập trung lao động của Đức Quốc xã, và sau 18 tháng ở trại, ông qua đời. Mẹ Walesa, bà Feliksa, tái hôn với em của người chồng quá cố, một tập tục quen thuộc ở Ba Lan lúc bấy giờ.
Walesa rất ghét cha kế vì cho rằng ông là người “chỉ biết có tiền”. Walesa và ba anh em cùng cha không hòa thuận được với ba người con trai của cha kế. Walesa sau này kể rằng sự bất hòa trong gia đình “là một gánh nặng đè lên cả tuổi thơ tôi”.
10.
Người mẹ Feliksa rất sùng đạo. Walesa thường nói: “Tôi bú tôn giáo từ vú mẹ tôi”. Từ khi còn rất trẻ, ông đã ghét sống ở quê nghèo. Ông bà ngoại của Walesa từng mua 150 héc-ta đất, nhưng tất cả đã mất thời Đức chiếm đóng. Walesa lớn lên trong nghèo khó vùng nông thôn, nhà cửa chỉ là căn chòi mái gỗ dột nát hiếm khi được sửa chữa, nhà cũng chỉ có hai phòng, cho hai người lớn và bảy đứa trẻ.
Lech Walesa là con dân tiêu biểu của nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, vừa đầy ắp hy vọng, vừa đắng ngắt thất vọng. Quan hệ giữa “dân và nước” chỉ ngọt ngào được lúc đầu, vì một điểm chung. Đó là khi Walesa cùng đông đảo bạn trẻ Ba Lan muốn rời bỏ đời sống khốn khó ở nông thôn, Đảng và nhà nước cũng mơ đảo lại trật tự, đưa dân rời quê lên phố để xây dựng một giai cấp công nhân đô thị, vốn trung thành với Chủ nghĩa cộng sản hơn nông dân nghèo. Họ đạt được mục tiêu đầu: Ba Lan được công nghiệp hóa với tốc độc chóng mặt, nhưng mục tiêu sau thì không.
*
RỜI QUÊ LÊN PHỐ, CÔNG GIÁO, CHỐNG NGA
11.
Walesa học không tốt khi còn trên ghế nhà trường. Cậu học trò Walesa thông minh sắc sảo nhưng khó tập trung và không có hứng thú học tập. Khi xong tiểu học, với kết quả suýt rớt, cậu liền rời Popowo và từ đó về sau không bao giờ trở lại.
Cậu đến thành phố lớn gần nhất, Lipno, học nghề để dễ tìm việc làm. Ban đầu, cậu học nghề thợ máy, nhưng sau lại học làm thợ điện. Tại Lipno, cậu tìm được việc tại POM, một trạm chuyên sửa chữa thiết bị nông nghiệp.
Năm 1964, thanh niên Walesa bắt đầu hai năm quân ngũ, và lên được cấp bậc hạ sĩ. Có lúc Walesa muốn ở lại quân ngũ nhưng sau lại bỏ ý định.
Rồi Walesa dọn đến Gdansk – trước được gọi là cảng tự do Danzig – theo làn sóng di dân thời hậu chiến khi hàng triệu người Ba Lan rời quê lên phố. Cuộc di dân hậu chiến đã diễn ra làm hai đợt. Đợt đầu tiên ngay sau 1945, khi Ba Lan thu hồi lãnh thổ bị quân Đức chiếm đóng, những người Đức sống trong vùng đã bị trục xuất một cách hung bạo, nhường chỗ cho di dân Ba Lan từ nông thôn đến. Đợt thứ hai trong thập niên 1960, gồm những người như Walesa rời nông thôn lên thành phố trong kế hoạch của Đảng Cộng sản nhằm biến Ba Lan thành một đất nước xã hội chủ nghĩa công nghiệp hiện đại.
Năm 1967, Walesa tìm được việc làm tại Xưởng Đóng tàu Lenin, lúc đó đang phát triển nhanh. Bạn bè công nhân biết đến Walesa như một thanh niên giàu năng lượng, thích nói và láu lỉnh, nhưng không có lập trường chính trị gì đáng kể. Walesa chỉ có một số ý tưởng cơ bản về chính trị, những ý tưởng này không thay đổi từ hồi niên thiếu.
Walesa là người Công giáo thuần thành, chống Nga một cách bản năng như hầu hết dân Ba Lan, đồng thời dị ứng với những thông tin tuyên truyền chính thống. Thời gian này, Walesa theo Chủ nghĩa xã hội, nhưng không vì ý thức hệ. Walesa không thích, cũng không thể, nói năng huyên thuyên về những giáo điều Mác-Lê, nhưng lại rất chú ý đến một phần thực dụng của Chủ nghĩa xã hội, đến ý tưởng thành lập một nhà nước của công nhân. Walesa tin vào vai trò đứng đầu của giai cấp công nhân, và tiếp tục tin như vậy trong hai thập niên kế tiếp.
*
“QUÝ TỘC” TỒI, TAI NẠN, NHẾCH NHÁC
12.
Khi bắt đầu làm việc tại Xưởng Đóng tàu Lenin Walesa được gia nhập hàng “quý tộc” trong giai cấp vô sản Ba Lan. Công nhân tại đây có mức lương cao nhất trong toàn ngành công nghiệp. Thế nhưng, tuy lương “quý tộc”, điều kiện sinh hoạt lại vô cùng tồi tệ.
Phần lớn nhà máy và hầm mỏ tại Ba Lan khiến ta nhớ đến tình trạng bi đát của công nhân nước Anh trong truyện của Charles Dickens hơn là nghĩ đến tới xã hội không tưởng của Karl Marx.
Theo lời Walesa, Xưởng Đóng tàu Lenin
“trông như một nhà máy đầy những người ăn mặc nhếch nhác bẩn thỉu, nhưng lại không thể vào nhà vệ sinh để rửa ráy hoặc đi đái. Vì để xuống tầng trệt đi vệ sinh, phải mất ít nhất nửa giờ, nên chúng tôi cứ thế xả ở bất cứ chỗ nào có thể. Bạn không thể tưởng tượng được những điều kiện như thế làm nhục công nhân ra sao”.[iv]
13.
Tiêu chuẩn an toàn lao động cũng rất tệ hại. Tai nạn xảy ra thường xuyên. Gần như người ta không quan tâm gì đến an toàn và tính mạng của công nhân.
Chẳng bao lâu sau khi Walesa bắt đầu làm tại xưởng đóng tàu thì xảy ra tai nạn nghiêm trọng liên quan đến chiếc tàu Knonopnicka, một tàu đánh cá được lắp ráp trong năm 1967. Sự việc tóm tắt như sau:
Tiến độ việc lắp ráp tàu đã quá chậm trễ, nên 2.000 công nhân phải vào cuộc để làm cho xong. Những quy định an toàn – dù trên lý thuyết luôn hoàn hảo – hoàn toàn bị xếp xó trong giai đoạn cuối cùng. Xăng rò rỉ vào thân tàu và bắt lửa từ mỏ hàn, gây ra một tiếng nổ kinh hoàng. 22 người thợ điện đồng nghiệp của Walesa chết cháy.
Walesa thoát nạn, nhưng tai nạn này đã thay đổi ông sâu sắc. Ông trở nên nghiêm túc hơn và chú ý nhiều hơn đến chính trị, nhất là về các quyền của công nhân. Lần đầu tiên trong đời, ông tích cực tham gia hoạt động trong nghiệp đoàn chính thức của xưởng máy, tham gia ủy ban y tế và an toàn công xưởng.
14.
Điều kiện sinh sống bên ngoài nhà máy cũng nhếch nhác tương tự. Công nhân trẻ chưa lập gia đình sống trong các nhà trọ tập thể, ba bốn người ở chung một phòng. Bếp và nhà tắm nằm cuối hành lang dài để tập thể dùng chung. Đó là những nơi ở xấu xí, tồi tàn, bẩn thỉu.
Khu công nhân nam thường xuyên có đánh nhau, nhất là vào những ngày phát lương, là ngày theo thói quen đã thành nếp ở Ba Lan, công nhân nhận lương xong là tụ tập nhậu nhẹt, uống vodka tiêu sầu.
Các khu dân cư bao quanh khu tập thể công nhân thảm hại không kém, tối tăm không đèn chiếu, đường đất bụi hay lầy lội, đầy vỏ chai vỡ và rác rưởi vương vãi. Dịch vụ công cộng kém cỏi đến xấu hổ.
***
GIA ĐÌNH TRONG BIẾN ĐỘNG
15.
Năm 1969, Walesa gặp rồi nhanh chóng kết hôn với một thiếu nữ thon nhỏ, tóc sậm, nhìn dễ vỡ nhưng cá tính mạnh mẽ và kiên quyết. Đó là cô Miroslawa Golos, mắt nâu, da nhạt, mới đôi mươi nhưng nhìn trẻ hơn tuổi, làm công cho một cửa hàng hoa gần xưởng đóng tàu.
Cô là con một gia đình nông dân nghèo, và giống như Walesa, gia đình cô ở một làng quê nhỏ tên là Krypy, cách Gdansk vài cây số. Cô nhiều lần bỏ học vì phải giúp gia đình việc đồng áng và chưa học xong tiểu học. Nhưng cô thông minh, thực tế, thẳng như đếm.
Cô là một người Công giáo hết sức ngoan đạo và vì thế cũng ghét Cộng sản như Walesa, nhưng cô ghét vì lý do tôn giáo, vì Cộng sản vô thần. Ít lâu sau lần gặp đầu tiên, Walesa muốn cô dùng tên đệm, Danuta (hay Danka), cho gọn.
16.
Walesa vừa có con đầu lòng khi cuộc bạo loạn vì khan hiếm thực phẩm nổ ra vào tháng 12/1970. Lúc đó, ông đang là đại diện công nhân trong công đoàn chính thức, nhưng chỉ giữ một vai nhỏ trong các cuộc đình công. Tuy không là một tiếng nói cấp tiến, nhưng ông quyết tâm không để cho sự hy sinh của những công nhân đóng tàu Gdansk đã “tử đạo” bị quên lãng.
Những cuộc chống đối năm đó đã làm cho lãnh tụ Đảng Cộng sản Wladislaw Gomulka, nắm quyền từ năm 1956, mất chức và làm chấn động chế độ.
Chuyện của Gomulka là một trong những câu chuyện thú vị nhất về người Mác-xít Đông Âu, vì khi vừa nắm quyền, vốn là một người cực kỳ thông minh, ông đã dũng cảm đi con đường độc lập tránh xa Moscow. Nhưng càng về sau ông càng bảo thủ, bảo thủ hơn cả những ông chủ ở Điện Kremlin. Ông cũng thất bại không giải quyết được những thảm họa có tính hệ thống và tình trạng gần phá sản của kinh tế Ba Lan.
*
VỠ MỘNG VỚI LÃNH TỤ
17.
Khi Gomulka bị loại, Walesa đã đặt nhiều hy vọng vào một lãnh tụ Cộng sản khác vừa lên nắm quyền là Edward Gierek. Ông ngưỡng mộ phong cách thẳng thắn, không màu mè của Giereck, người cũng xuất thân lao động tay chân. Phần lớn lãnh đạo Cộng sản Ba Lan xuất thân trí thức – một giai cấp mà Walesa, nói chung, không ưa và thường gán cho họ những nhãn hiệu như “bọn mất nết, hống hách, giả hình”.
Nhưng rồi Walesa cũng nhanh chóng vỡ mộng với Gierek, bất kể xuất thân vô sản. Gierek không làm được gì hơn các vị tiền nhiệm để ngăn chặn Ba Lan khỏi tụt hậu. Ông cố lấy lòng dân bằng cách từng bước cải thiện mức sống và ổn định giá cả, nhưng chỉ thành công ngắn. Ông thường cay cú nói riêng với các trợ lý rằng: “Ta sẽ cho chúng thịt và hứa hẹn các kiểu, bấy nhiêu đó cũng đủ để chúng im lặng … tiếp tục nhét xúc xích vào miệng”.
Nhưng, giải pháp này cũng chỉ có giá trị trong một thời gian ngắn, sau đó Gierek chỉ còn cách duy nhất để cải thiện mức sống – bao cấp thực phẩm và tăng lương công nhân – là vay mượn thật nhiều tiền từ phương Tây.
*
LÀN SÓNG ĐÌNH CÔNG 1976, SA THẢI, ĐÀN ÁP
18.
Tình trạng này không thể kéo dài. Vào tháng 6/1976, Gierek đối đầu với cuộc khủng hoảng tài chính mới. Dù rất hiểu cái giá phải trả về chính trị nhưng ông không còn cách nào khác là phải cho tăng giá nhu yếu phẩm – tăng giá bánh mì và sữa lên 60%, tăng giá thịt 69%, tăng giá đường 100%. Số liệu thống kê chính thức của nhà nước cũng cho thấy giá sinh hoạt tăng gần 1/5.
Đúng như dự đoán, làn sóng đình công bắt đầu nổ ra, dọc bờ Biển Baltic, tại thủ đô Warsaw và các nơi khác.
Lúc này, Walesa đã ở vị trí trung tâm các sự kiện. Ông bắt đầu diễn thuyết thường xuyên trước những đám đông lớn, và thấy rằng, dù học ít, ông rất có tài ăn nói. Ông khôn ngoan, dí dỏm, có lúc hơi thô lỗ, có lúc rất máu lửa, và luôn ăn nói như một công nhân bình thường, như một người đúng nghĩa là của quần chúng. Ông nói năng tuyệt vời khi ứng khẩu, nhưng khi phải đọc bài viết sẵn ông lại khô cứng. Ông mạnh mẽ đả kích các nghiệp đoàn quốc doanh rằng họ không đại diện cho công nhân mà chỉ đại diện nhà nước.
Một lần thuyết trình nẩy lửa vào mùa hè năm ấy đã khiến ông gặp rắc rối. Ông được gọi lên phòng giám đốc xưởng đóng tàu. Trước mặt ông là Klemens Gniech, vừa về làm giám đốc, cùng hai nhân viên mật vụ Ba Lan SB đứng hai bên. Họ yêu cầu Walesa không được phát biểu trước công chúng nữa. Ông từ chối. An ninh xưởng đóng tàu đến lôi ông ra khỏi cổng xưởng. Một tháng sau, ông nhận được giấy sa thải chính thức.[v]
Ở những nơi khác tại Ba Lan, hoạt động công nghiệp gần như bị đình hoãn. Công nhân tại đại công xưởng sản xuất máy kéo Ursus, ngoại ô Warsaw, một trong những nhà máy lớn nhất nước, đã tuần hành đến trục đường hỏa xa liên lục địa và chặn đứng Tuyến Tốc hành Paris-Moscow.
Tại Radom, thành phố vùng tây nam Ba Lan, công nhân tại một nhà máy sản xuất vũ khí đình công. Ngày 25/6/1976, khi công nhân biểu tình trên đường phố đòi được thương lượng với lãnh đạo nhà máy, công an đã dùng súng bán tự động bắn vào đám đông. Có 17 người chết và hơn 2.000 người bị bắt.
Đêm đó, Thủ tướng Piotr Jaroszewicz, với dáng vẻ cực kỳ lo lắng, đã xuất hiện trên truyền hình và loan báo rằng ông rút lại quyết định tăng giá “để nghiên cứu thêm và để tham khảo ý kiến công nhân”.
Quyết định này giúp vãn hồi trật tự và công nhân dần trở lại nhà máy làm việc.
*
CÔNG AN TRẢ THÙ
19.
Nhưng, công an và mật vụ bắt đầu trả thù công nhân tại Ursus và Radom.
Những tuần sau đó, hầu hết trong số hàng ngàn người bị bắt vừa kể đã bị đánh đập và tra tấn trong những trại tù khác nhau, hoặc trong những “trung tâm phục hồi nhân phẩm” được vội vã dựng lên. Hàng trăm người bị buộc chịu nhục hình, phải đi giữa hai hàng côn đồ cầm gậy đánh đập họ, được gọi một cách mỉa mai là đi “đường khỏe”.
Tuy Walesa thoát nạn, không phải chịu nhục hình, nhưng trong những năm kế tiếp, ông kể: “Tôi bị công an bắt ít nhất cũng 100 lần”. Ông thường bị bắt để thẩm vấn ngắn. Có lúc ông bị lệnh giam 48 tiếng cùng các lãnh tụ công nhân khác.
Ông làm đủ việc lớn nhỏ để kiếm sống bằng nghề thợ điện, nhưng vẫn gặp khó khăn vì gia đình đông miệng ăn hơn. Sau, ông tìm được chân thợ máy cơ khí tại nhà máy ZREMB chuyên sản xuất nông cơ. Ông cũng làm thêm ngoài giờ, sửa xe cũ kiếm thêm thu nhập.
*
ĐẾN VỚI TRÍ THỨC
20.
Walesa bắt đầu tự học, học lý thuyết chính trị, kinh tế, lịch sử và luật. Dù không thích giới trí thức, ông rất tin vào việc trao giồi kiến thức. Tuy vẻ ngoài bình dân, ăn nói bộc trực, nhưng thực ra ông khôn khéo và hiểu biết hơn nhiều người vẫn tưởng.
Walesa bắt đầu đến dự các buổi họp mặt do một nhóm trí thức bất đồng tổ chức.
Nhóm có tên là KOR, hay Ủy ban Bảo vệ Công nhân (Komitet Orbrony Robotnikow). Người đứng đầu KOR là triết gia xuất sắc Jacek Kuron và sử gia kiêm nhà báo Adam Michnik. Cả hai từng là đảng viên Đảng Cộng sản nhưng đều đã ở tù vì bị kết tội xúi giục gây rối.
Thực ra, chỉ vì dám phê phán Đảng Cộng sản, xuất phát từ lập trường cánh tả lý tưởng, mà họ bị tù. Kuron chẳng hạn, lập luận rằng đế quốc Xô-viết đang nằm trong tay một giai cấp quyền lực mới, và việc họ làm không mang lại ích lợi cho ai ngoài lợi ích của chính họ. Ông thích một cuộc cách mạng có thể tẩy trừ khỏi xã hội bọn “cán bộ sâu mọt ăn bám” và thành lập một xã hội đúng nghĩa của công nhân. Dĩ nhiên, bọn cán bộ sâu mọt kia trả thù và thế là Kuron bị ba năm tù.
***
LIÊN MINH TRÍ THỨC, CÔNG NHÂN, GIÁO SĨ
21.
Mục tiêu cấp bách nhất của KOR là giúp bảo vệ các công nhân từ Radom và Ursus bị tù sau các cuộc bạo loạn năm 1976. KOR chính là tổ chức đầu tiên trong khối xã hội chủ nghĩa có chức năng này. Thành viên hoạt động của KOR – nhanh chóng lên đến 150 người – giúp đỡ tài chính và pháp lý cho các gia đình công nhân bị giam cầm.
Mục tiêu và tầm nhìn lâu dài của KOR là tạo ra sự liên kết giữa giới trí thức và công nhân – Kuron và các bạn ông tin rằng liên minh trí thức và công nhân là cách duy nhất để có thể thách thức Chủ nghĩa cộng sản.
Đó là ý tưởng có sức hấp dẫn mãnh liệt với người lãnh tụ công nhân đang định hình Lech Walesa.
Một trong những dự án thành công nhất của KOR là việc thành lập những “đại học bay”. Việc dạy đại học ở nước Ba Lan Cộng sản luôn giáo điều, cứng nhắc và giảng viên bị theo dõi chặt chẽ. KOR lập ra một bản phân công với những người tự nguyện ủng hộ, họ là các nhà văn, nhà khoa bảng, nhà tư tưởng, và họ thay nhau đi khắp nơi trong nước để tổ chức những nhóm thảo luận với công nhân. Các “bài giảng” cũng được dạy chui tại nhà riêng.
22.
Tổng Giám mục Karol Wojtyla (vị Giáo hoàng tương lai, lúc này đang là Tổng Giám mục Krakow) và một số nhỏ các linh mục Công giáo khác bắt đầu kết nối với những người đứng đầu KOR. Wojtyla thường xuyên đi từ Krakow, ăn mặc như thường dân, đến Warsaw gặp họ trong căn hộ của nhà văn Bohdan Cywinski. Điều này có ý nghĩa lớn vì trước đây giới giáo sĩ Công giáo, với truyền thống bảo thủ, và giới trí thức thiên tả, nhiều người gốc Do Thái, vẫn e ngại lẫn nhau.
Ngày càng có nhiều người biết về vị Tổng Giám mục ủng hộ KOR. Đến tháng 5/1978, khi Stanislaw Pyjas, một sinh viên hoạt động cho chi nhánh KOR tại Krakow, chết trong lúc bị mật vụ tạm giữ, Tổng Giám mục Wojtyla đã cử hành một thánh lễ trọng thể cầu nguyện cho anh trước đông đảo giáo dân, số giáo dân dự lễ được cho là lên đến 20.000 người.
*
KHÔNG MUỐN LẬT ĐỔ, CHỈ CẦN ĐỘC LẬP
23.
KOR là tổ chức đỡ đầu cho Công đoàn Độc lập [Vùng biển] -  tiền thân của Công đoàn Đoàn kết - mà Lech Walesa và Anna Walentynowycz tham gia từ khi thành lập.
Walesa tuy được đông đảo công nhân ở Gdansk biết đến, nhưng lúc đầu không được xem như người lãnh đạo Công đoàn. Ai cũng nghĩ người lãnh đạo sẽ là ông Andrzej Gwiazda, 45 tuổi, một người kín đáo, kiên quyết, người đã lên kế hoạch cho cuộc đình công tại xưởng đóng tàu và chuẩn bị hầu hết mọi việc cho cuộc đình công. Trong hai năm trước đó, ông là phát ngôn viên chính của phong trào công đoàn độc lập tại Gdansk.
Cả hai người ghét nhau ra mặt. Họ cũng khác nhau mọi mặt. Gwiazda có ánh mắt sắc bén, nghiêm khắc, có đam mê cháy bỏng và là người cấp tiến đúng nghĩa. Walesa lại xuề xòa, dễ gần, ông cũng là một người thực tế, có thể thương lượng được, một người biết cách thỏa hiệp. Adam Michnik thường nói: “Lech là chính trị gia 100%”.[vi]
Gwiazda, cũng như người vợ cứng rắn không kém của ông là bà Joanna, đứng ra tổ chức các cuộc họp của Công đoàn Độc lập, trả lời điện thoại, sao chép văn bản và làm các việc giấy tờ. Gwiazda viết những thông điệp nóng bỏng kêu gọi mọi người ủng hộ Anna Walentynowycz và tận tay đưa đến mọi người. Ông hình dung mình sẽ lãnh đạo cuộc đình công.
Nhưng tất cả đã thay đổi, vào giây phút Walesa leo qua hàng rào bao quanh Xưởng Đóng tàu Lenin sáng sớm ngày 14/8/1980 và trở về với bạn bè công nhân. Từ giây phút đó đến suốt một thập niên sau, ông trở thành lãnh đạo đương nhiên của phong trào công nhân Ba Lan.
Vượt qua Gwiazda là chuyện nhỏ. Chuyện lớn và khó hơn nằm ở những gì sẽ đến. Mục tiêu của Walesa không phải là lật đổ chế độ, mà là tạo áp lực vừa đủ buộc chính quyền công nhận và cho phép Công đoàn Độc lập được chính thức hoạt động. Walesa sợ Liên Xô sẽ đưa xe tăng vào can thiệp, như họ từng làm từ sau Thế Chiến II, mỗi khi thấy một chế độ thân tín bị đe dọa nghiêm trọng. Cũng vì vậy, Walesa và các bạn phải thận trọng không đưa ra những đòi hỏi quá mức. Họ nhấn mạnh họ không lãnh đạo một cuộc nổi dậy, mà lãnh đạo một vụ tranh chấp công nghiệp, và họ cũng không muốn có thêm công nhân Ba Lan nào phải “tử đạo” nữa.[vii]
***
SAU 16/8/1980: BA TUẦN TỔNG ĐÌNH CÔNG
24.
Trong ba tuần sau đó [sau ngày 16/8/1980], Ba Lan gần như tê liệt vì tổng đình công. Xe lửa không chạy, xe tải không di chuyển trên đường phố, những chuyến xe chở thực phẩm không đến được Warsaw và các thành phố khác. Lần này, cuộc đình công được tổ chức chặt chẽ, chính quyền không ly gián được lực lượng công nhân như trước, cũng không đạt được thỏa thuận riêng nào.
Tổng Bí thư Gierek, càng tuyệt vọng và lo âu cho vị trí của mình, đã phải gửi các quan chức hàng đầu đến Gdansk để điều đình. Việc này cũng vô tình công nhận vai trò của Walesa như lãnh tụ của công nhân đình công.
Về phần mình, Walesa chứng tỏ ông là người sắc sảo và có mưu lược trong cách dàn xếp xung đột. Gạt qua một bên ý kiến chủ quan về giới trí thức, ông cho mời hai trí thức từ Warsaw đến làm cố vấn và giúp xem xét chi tiết văn bản thỏa thuận với chính quyền đang được soạn thảo.
Ông thường nói nửa đùa nửa thật, chủ yếu cho quần chúng nghe, rằng: “Chúng tôi chỉ là công nhân, trong khi các nhà thương lượng phía nhà nước đều khôn khéo. Chúng tôi cần người giúp”. Và người giúp Walesa là Bronislaw Geremek, một học giả chuyên lịch sử trung cổ có thói quen hút ống píp, và Tadeusz Mazowiecki, biên tập tạp chí Công giáo Wiez, người có quan hệ rất tốt với Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II. Họ đến Gdansk và bắt đầu làm cố vấn thân cận cho Walesa.[viii]
*
CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT CHÍNH THỨC RA ĐỜI
25.
Một thỏa thuận mang tính lịch sử cuối cùng đã được ký kết vào ngày 31/8/1980 tại Gdansk.
Thỏa thuận Gdansk cho phép công nhân, và đây là lần đầu tiên một việc như thế diễn ra trong khối Cộng sản, được quyền có lãnh đạo do công nhân bầu lên, được quyền thành lập những hội đoàn độc lập, và được quyền đình công.
Đối với Walesa, đây là nhũng nhượng bộ then chốt của những người Cộng sản. Ông nói: “Chúng tôi không è cổ ra chỉ để kiếm thêm vài ngàn đồng zloty. Đây mới thực là những mục tiêu xứng đáng có được”.
Một tháng sau, chính quyền Ba Lan hợp thức hóa Công đoàn Độc lập mới, lúc bấy giờ có tên chính thức là Công đoàn Đoàn kết (Sodidarsnoc).
Walesa giành được một chiến thắng lạ thường và trở thành cái tên quen thuộc được khắp nơi trên thế giới nhắc đến.
***
BREZHNEV LO NGẠI
26.
Diễn biến này làm các yếu nhân tại điện Kremlin thất kinh. Dân Ba Lan đang thách thức huyền thoại thiêng liêng nhất của đế quốc, đó là huyền thoại Liên Xô đại diện cho giai cấp lao động toàn thế giới.
Họ kinh ngạc và lo ngại vì khẩu hiệu Công đoàn Đoàn kết đang dùng ít nhiều mượn từ khẩu hiệu của Marx và Engels, “Công nhân mọi nhà máy, đoàn kết lại!” Họ nổi giận với những tay chân thân tín họ dựng lên ở Warsaw, thay vì làm theo lệnh Moscow và thay mặt cho Moscow, những người Cộng sản tại Ba Lan lại tỏ ra yếu kém và bất lực.
Thực ra, sóng gió ở Ba Lan không phải chuyện lạ nếu nhìn từ Điện Kremlin. Đã nhiều năm, Ba Lan là thuộc địa trúc trắc nhất, khó giữ trật tự nhất, dù là trật tự xã hội chủ nghĩa.
Ba Lan là thuộc địa lớn nhất, với 40 triệu dân, lại nằm cạnh các nước cộng hòa Xô-viết mà sự trung thành với Liên Xô còn đáng ngờ. Các thủ lĩnh Đảng ở Moscow lo ngại rằng “căn bệnh truyền nhiễm” có tên Công đoàn Đoàn kết sẽ lan rộng và trở thành bệnh dịch ở ngay nội địa Liên bang Xô-viết. Chẳng đâu xa, ngay các nước cộng hòa trực thuộc Liên Xô, như Lithuania và Latvia, đã bắt đầu có người bất đồng lên tiếng về những điều được Đảng xem là “tà đạo”, như đòi hỏi thành lập công đoàn độc lập trong các nước cộng hòa Baltic.
Về quân sự, Ba Lan cũng được xem như có vị trí quyết định sinh tử về mặt chiến lược, vì là tuyến đường hậu cần chủ chốt phục vụ cho 200.000 quân Liên Xô đóng tại Đông Đức.
*
LÃNH ĐẠO LIÊN XÔ GIÀ YẾU
27.
Nhưng, các thủ lĩnh Liên Xô lúc bấy giờ lại là những người tuổi già sức yếu, thiếu quyết tâm và kém trí tưởng tượng nên khó có thể đương đầu với cuộc khủng hoảng họ biết là đang diễn ra.
Những người nắm quyền ở Kremlin lúc đó đều đang sấp xỉ 70 hay 80 với sức khỏe yếu. “Sếp lớn” – giống một “trùm” tội phạm (capo dei capi, đầu não mọi đầu não) hơn là một Sa hoàng kiểu mới – vẫn là Leonid Brezhnev, lúc đó đã 76 tuổi. Mọi thủ lĩnh khác đều chiều theo ý ông, cả khi ông lâm vào tình trạng lú lẫn vì già và chỉ tỉnh táo làm việc được khoảng hơn một tiếng mỗi ngày. Không có quyết định quan trọng nào mà không phải được ông duyệt với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Vào những năm cuối đời, ông trở nên một gương mặt tượng trưng cho sự lố bịch, nhưng lại nắm quyền một trong hai siêu cường thế giới.
Không phải lúc nào ông cũng thế, vì trong hơn 10 năm, từ khi lên nắm quyền năm 1964 thay thế Nikita Khrushchev, ông là một nhân vật hoạt động sôi nổi, tạo ấn tượng mạnh và khá đa tài. Tuy không là một trí thức nhưng ông rất hiểu bản chất của quyền lực chính trị, và không ai biết rõ hơn ông chế độ Xô-viết tồn tại dựa trên điều gì.
*
UỐNG THUỐC VỚI VODKA
28.
Brezhnev từng to như gấu, thể lực cường tráng. Nhưng từ năm 1974, ông bắt đầu mắc chứng xơ cứng động mạch não, nhiều lần đột quỵ, ngã nhào khi đi và líu lưỡi khi nói. Những lúc căng thẳng tột độ, ông có thể ngất xỉu hay mất trí nhớ.
Bệnh làm ông thay đổi tính nết. Khi còn sung sức, ông là người có duyên, dễ gần, vui tính, hài hước. Khi thần kinh suy tàn, ông thành một lão già cáu kỉnh, rất dễ rơi vào trạng thái bi quan thái quá và có thể đột ngột khóc không vì lý do gì rõ ràng. Ông cũng bắt đầu mất ngủ thường xuyên.
Bệnh còn trầm trọng hơn vì Brezhnev phải uống thuốc ngủ và các loại thuốc an thần có dược chất từ thuốc phiện. Có lúc uống thuốc quá nhiều ông bị hôn mê, rồi sau đó là những ngày dài uể oải, phờ phạc. Bác sĩ ngưng cho thuốc, nhưng bọn nịnh thần quanh ông lại giấu bác sĩ và cứ đưa thuốc cho ông uống.
Lúc nào cũng vậy, uống thuốc là ông uống với rượu vodka nhãn hiệu Zubrovka ông thích. Các bác sĩ và nhân viên an ninh có trách nhiệm khi biết tật xấu này đã tìm cách làm loãng vodka bằng nước lọc. Nhưng, nhiều lần Brezhnev đã nhìn chằm chằm ly rượu mà than:Ly vodka này có gì đó kỳ kỳ, cậu ạ!
Bác sĩ trưởng tại điện Kremlin, Yevgeni Chazov, sau này nhận xét rằng tình trạng sức khỏe suy nhược của Brezhnev đã “góp phần làm cho hàng ngũ lãnh đạo quốc gia sụp đổ”.[ix]
*
CUỐI ĐỜI PHÙ PHIẾM
29.
Hầu hết thời gian trong ngày Brezhnev phải nằm trên chiếc đi-văng trong phòng riêng, bên cạnh có người thân tín trông nom. Người chủ chốt trong số họ ông bạn lâu năm Konstantin Chernenko, người được Brezhnev chọn đứng đầu danh sách cán bộ nòng cốt của Đảng Cộng sản.
Khi còn trẻ, Brezhnev thích lái xe ô-tô tốc độ nhanh. Ông có cả bộ sưu tập khủng các loại BMW, loại xe ông thường lái với tốc độ cao đến nguy hiểm trên những con đường uốn lượn ven biển quanh biệt thự của ông tại Crimea. Còn bây giờ, thú vui của ông là ngồi chơi cờ đô-mi-nô với cận vệ Alexandra Ryabenko.
Càng ngày ông càng vướng vào những điều phù phiếm. Đến lúc chết, ông có được một bộ sưu tập lớn các loại huy chương và bằng khen, nhiều hơn tổng số huy chương và bằng khen mà cả Lenin, Stalin lẫn Khrushchev nhận được.
Nhiều cuốn sách được viết riêng về thành tích thời chiến của ông, xem chúng như những đóng góp quan trọng trong việc đánh đổ Hitler. Thực ra, thành tích thời chiến của ông không có gì đáng kể, và các tác giả thánh sử kia đã gượng ép tô hồng chúng một cách ngu xuẩn.
*
CHE ĐẬY BỆNH TẬT
30.
Mặc dù Brezhnev rõ ràng là đang suy sụp nghiêm trọng, sự thật về sức khỏe của ông đã được giấu kín như bí mật nhà nước, chỉ vài người tay trong tại Điện Kremlin, vài người thân trong gia đình và vài cận vệ đã cam kết im lặng mới được biết. Nhiều việc đã được thực hiện để giấu kín mức độ suy nhược thật của Brezhnev trước dân chúng Liên Xô, cũng để chuẩn bị cho ông tiếp tục xuất hiện trước công chúng.
Trong những ngày lễ lớn của chế độ, như Lễ Lao động 1/5 hay ngày kỷ niệm Cách mạng Bolshevik 7/11, người ta phải dùng những máy nâng đặc biệt để giúp ông leo lên đứng trên ban-công Lăng Lenin ở Quảng trường Đỏ. Ông muốn công chúng nhìn thấy mình và cho thế giới bên ngoài biết rằng Liên Xô vẫn nằm trong tay những người bình an vô sự.
Ông cố gắng để có thể đọc diễn văn thường xuyên, mặc dù sau này các bác sĩ của ông thú nhận họ không biết ông có đủ sức rời bục diễn thuyết khi đọc xong hay không. Những người viết diễn văn cho ông cũng được dặn không được dùng bất cứ chữ nào khiến ông phải líu lưỡi khi phát âm.
Các bác sĩ mang theo trang thiết bị hồi sinh phải bám theo ông mọi nơi mọi lúc. Chaziv, bác sĩ riêng của Brezhnev, đã bị cuốn theo trò che đậy này một cách miễn cưỡng. Về sau, vị bác sĩ này tiết lộ rằng: “việc che giấu tình trạng sức khỏe của Tổng Bí thư không chỉ là một màn kịch lừa bịp, mà còn là trò độc ác nữa”.[x]
*
BỘ BA ANDROPOV, GROMYKO, USTINOV
31.
Có một bộ ba thủ lĩnh Đảng, độc quyền điều hành sinh hoạt thường ngày tại Liên Xô lúc bấy giờ, đó là: Andropov, Gromyko, và Ustinov.
Yuri Andropov người kế vị đương nhiên cho chức Tổng Bí thư, thay Brezhnev. Chưa từng có bất cứ trùm mật vụ KGB nào leo lên được đỉnh cao quyền lực Liên Xô như Andropov. Nhưng ông trùm gián điệp quỷ quyệt 69 tuổi này đã phải lên kế hoạch cẩn thận trong nhiều năm trời để có được vị trí hôm nay.
Andropov là người không còn thời giờ để mất, được chẩn đoán mắc bệnh thận nặng, ông biết mình không sống được bao lâu nữa. Ông là người đầu tiên được báo cho biết tình hình sức khỏe của Brezhnev, nhưng lại giữ kín thông tin này cho riêng mình trong một thời gian dài, và biện minh cho ý đồ của mình bằng cách lập luận với bác sĩ Chazov rằng: “Vì ổn định của đất nước và của Đảng, vì quyền lợi của nhân dân, chúng ta phải giữ kín việc này. Nếu một cuộc tranh giành quyền lực diễn ra trong tình trạng hỗn loạn vô chính phủ - trong lúc không có hàng ngũ lãnh đạo mạnh - thì kinh tế sẽ sụp đổ sau đó toàn hệ thống sẽ sụp đổ”.[xi]
Andropov có khả năng phân tích tình hình sắc sảo và rất nhạy cảm với nguy cơ “đánh mất” một nước chư hầu nào đó ở Đông Âu. Ông chính là Đại sứ Xô-viết tại Hungary vào thời điểm năm 1956 và đã giữ vai trò quan trọng trong việc đàn áp dã man cuộc Nổi dậy 1956 làm chết 2.500 người Hungary. Năm 1968, ông cũng là người mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ việc đàn áp Mùa xuân Praha.
Nhân vật thứ hai trong bộ ba lãnh đạo là Andrei Gromyko, 71 tuổi, đã làm Bộ trưởng Ngoại giao được một phần tư thế kỷ, đại diện cho bộ mặt cứng rắn không lay chuyển của ngoại giao Xô-viết. Ông thường được các chính quyền nối tiếp nhau ở phương Tây gọi là “Đồng chí Nyet” ồng chí “Không”).
Người thứ ba là Thống chế Dmitri Ustinov, 72 tuổi, Bộ trưởng Quốc phòng, người chủ trương kỷ luật trên hết và có những quan điểm rất bảo thủ. Ông từng là người hùng được ca tụng trong Thế Chiến II - ở Liên Xô được gọi là Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại - nhưng không nhờ chiến đấu.
Ông được ca tụng vì đã tổ chức rất hiệu quả cuộc di tản các cơ sở công nghiệp quốc phòng Xô-viết đến Siberia ở miền đông, việc này góp phần quan trọng giúp Nga chiến thắng trong Thế Chiến II. Ông vẫn tin nhiệm vụ của mình là nói lên tiếng nói đại diện cho phức hợp công nghiệp quân sự Liên Xô. Cũng nên nhắc là vào thời điểm 1980, Liên Xô sản xuất mỗi năm 350 chiến đấu cơ, 2.600 xe tăng với đại pháo hạng nặng, và 350 hỏa tiễn hạt nhân.
***
CHỈ THỊ BA LAN PHẢN CÔNG
32.
Lãnh đạo Liên Xô đối mặt với vấn đề then chốt là phải làm gì với tình hình Ba Lan, và vấn đề đã phải đưa lên cấp cao nhất quyết định. Mặc dù Brezhnev chỉ có thể tập trung trí óc một lúc ngắn và sức lực suy yếu, nhưng những quyết định quan trọng nhất vẫn phải do ông đưa ra.
Các lãnh tụ Liên Xô biết rõ từng giai đoạn của cuộc thỏa thuận giữa Gierek và Công đoàn Đoàn kết. Họ được quan chức Cộng sản Ba Lan và đại diện Liên Xô ở Ba Lan, Đại sứ Boris Aristov, thông báo đầy đủ vụ việc. Họ không thích những điều khoản trong Thỏa thuận Gdansk, nhưng bất đắc dĩ phải chấp nhận. Như Đại sứ Aristov báo cáo, đó là cách duy nhất để Ba Lan trở lại bình thường.
33.
Thỏa thuận Gdansk chưa ráo mực thì các đầu lĩnh Liên Xô đã tìm cách phá hoại nó. Họ xem thỏa thuận chỉ là một bước lùi chiến thuật.
Andropov ra lệnh cho thuộc hạ tại trụ sở mật vụ Lubyanka soạn thảo huấn thị gửi các đồng chí ở Warsaw. Ba ngày sau khi ký Thỏa thuận Gdansk, một thông điệp tối mật được gửi đến cho Gierek và hàng ngũ lãnh đạo Ba Lan. Nội dung văn bản đã được Brezhnev, Andropov, Gromyko duyệt và chỉ có vài người thân cận khác được biết. Đó là lời trách mắng và cảnh báo rằng Đảng Cộng sản Ba Lan phải cố gắng đè bẹp Công đoàn Đoàn kết, bất kể đã thỏa thuận gì với họ. Văn bản viết:
“ [Thỏa thuận Gdansk] là một cái giá quá đắt về chính trị và kinh tế mà các đồng chí đã phải trả để có được “ổn định”. Dĩ nhiên, chúng tôi hiểu các đồng chí đã phải chấp nhận quyết định khó khăn này trong hoàn cảnh thế nào. Nhưng thỏa thuận kia, trên thực tế, đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa hoạt động đối lập chống Chủ nghĩa xã hội … giờ đây, các đồng chí phải bắt đầu phản công, để giành lại vị trí đã mất đối với giai cấp công nhân và đối với nhân dân …
“Phải nỗ lực hạn chế hành động và ảnh hưởng của cái gọi là “công đoàn tự trị” … phải tích cực đưa những người trung thành với Đảng xâm nhập vào cái gọi là “công đoàn tự trị” … trong tình hình này, các đồng chí phải khẳng định rõ ràng đâu là giới hạn, đâu là được phép. Các đồng chí phải nói thật rõ rằng luật pháp cấm những phát ngôn chống Chủ nghĩa xã hội”. [xii]
*
MOSCOW MẤT KIÊN NHẪN
34.
Nhưng, Gierek và các đồng chí của ông rất e ngại lại phải bắt đầu một cuộc xung đột mới với công nhân Ba Lan vì họ nghĩ mình sẽ thua. Ngược lại, họ đã thở phào nhẹ nhõm khi thấy các cuộc đình công chấm dứt và muốn để cho sự việc trôi qua.
Trong khi đó, tại Moscow, các đầu lĩnh ngày càng mất kiên nhẫn. Họ họp tại Điện Kremlin ngày 29/10/1980 giữa khi mọi người đều tin rằng đang có “phản cách mạng” ở Ba Lan, và họ phải đảo ngược tình hình.
Brezhnev thấy đây là việc hệ trọng nên đích thân có mặt. Ông phàn nàn: “Walesa đi đó đây khắp nước, và đi đến đâu ở Ba Lan hắn cũng được quần chúng tôn vinh. Nhưng chính quyền lại không làm gì để chặn đứng sự xúc phạm này … Lãnh đạo Ba Lan đã ngậm miệng như hến, cả báo chí cũng vậy. Cả truyền hình cũng không dám làm gì trước thái độ thù nghịch, chống Chủ nghĩa xã hội này”.
Thành viên trẻ nhất và mới nhất trong hàng ngũ lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev, đồng ý với nhận định của Brezhnev, ông nói: “Chúng ta phải nói chuyện cởi mở và cứng rắn với các đồng chí Ba Lan. Cho đến nay, họ đã không đi những bước cần thiết. Họ đang thủ thế nhưng sẽ chẳng giữ được lao lâu nữa, rất có thể họ sẽ bị lật đổ”.
Gromyko vẫn còn căm tức vì Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã được nghênh đón hết sức nồng nhiệt tại Ba Lan mới năm trước. Ông kết tội các linh mục Ba Lan đã kích động người dân đi theo đường lối “côn đồ chính trị” và khuyến khích những vụ “gây rối phản cách mạng”.  Ông cũng nói: “Đảng Cộng sản Ba Lan đã không nỗ lực nhiều trong cuộc đấu tranh này … tình hình tệ đến mức đã có hàng ngàn nối tiếp hàng ngàn người quỳ gối mà đi trước mặt Giáo hoàng La Mã”. [xiii]
*
TẤN CÔNG QUÂN SỰ?
35.
Theo quán tính, các đầu lĩnh Cộng sản tại Moscow nghĩ ngay đến giải pháp quân sự, tức giải pháp họ đã dùng nhiều lần mỗi khi cảm thấy có mối đe đọa phát sinh trong lòng các nước khối Xã hội chủ nghĩa.
Lần này, phản ứng đầu tiên của họ là lệnh cho Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết đề ra kế hoạch tấn công Ba Lan toàn diện. Nhưng, họ lại nhanh chóng loại bỏ can thiệp bằng quân sự vì khó khăn quá lớn. Họ không muốn làm tệ hại thêm quan hệ với phương Tây và dư biết người dân Ba Lan sẽ chiến đấu chống lại.
Thay vào đó, họ tìm cách hù dọa để người dân Ba Lan lầm tưởng Liên Xô sẽ xua xe tăng qua Ba Lan, với hy vọng là khi thấy bị đe dọa xâm lăng, lãnh đạo Ba Lan sẽ phải đích thân hành động.
Đây là thủ đoạn được tính toán công phu. Thoạt tiên, các tướng lãnh cao cấp nhất của tất cả các nước Khối Warsaw được triệu đến Moscow họp vào ngày 4/12/1980 để hoàn thiện một kế hoạch tập trận đã được hoạch định từ lâu, có biệt danh “Soyuz”, và cuộc tập trận sẽ bắt đầu lúc nửa đêm bốn ngày sau đó.
Trong phiên họp, phái đoàn Liên Xô nói riêng với các tướng lĩnh Ba Lan rằng đây không phải là một cuộc tập trận, mà là một cuộc đổ quân chiếm đóng Ba Lan thực sự. Họ cho các đồng chí Ba Lan xem các bản đồ cho thấy vị trí chính xác nơi quân đội khối Warsaw sẽ dàn trận, một bản sao cuộc xâm lăng Tiệp Khắc của Liên Xô hơn 10 năm trước đó.
Phía Liên Xô nói rằng Đông Đức yêu cầu động binh và cam kết sẽ cho ba sư đoàn tham gia. Theo họ thì viễn cảnh về một đoàn quân Đông Đức tiến vào các đô thị Ba Lan đã làm cho các tướng lĩnh Ba Lan thực sự lo lắng.
Một cách kín đáo, phái đoàn Liên Xô đã báo cho Điện Kremlin biết mục tiêu thật của kế hoạch là gì, và như độc giả sau này được biết, Liên Xô không có ý xâm lăng Ba Lan thực sự. Thống chế Ustinov đã báo với Brezhnev, Andropov và các đồng chí khác rằng: “Chúng ta phải tạo áp lực liên tục lên hàng ngũ lãnh đạo Ba Lan. Chúng ta phải đưa ra các kế hoạch diễn tập quân sự tại Ba Lan … chúng ta phải mở rộng các cuộc diễn tập này để tạo ấn tượng rằng lực lượng quân sự của chúng ta sẵn sàng can thiệp”.[xiv]
36.
Trò dọa nạt này có hiệu quả, trong mức độ nhất định. Đảng Cộng sản Ba Lan bèn lên kế hoạch thực hiện thiết quân luật. Họ đưa ra một danh sách dài gồm 4.000 thành viên tích cực của Công đoàn Đoàn kết sẽ bị bắt ngay lập tức, và Lech Walesa là cái tên đầu tiên.
Tuy nhiên, dù Ba Lan đã có kế hoạch nhưng vẫn không có chuyện gì xảy ra, và điều này làm Moscow điên tiết. Đến tháng 9/1980, các ông trùm ở Điện Kremlin quyết định sa thải Tổng Bí thư Gierek, để thay thế bằng một lãnh đạo Đảng mới là Stanislaw Kania, và người đứng đầu chính phủ mới là Tướng Wojciech Jaruzelski, một quân nhân dày dạn kinh nghiệm, nhân vật mà Moscow tin sẽ cứng cáp hơn.
Nhưng, những người Cộng sản Ba Lan vẫn tiếp tục cong quẹo.
***
CUỘC CÁCH MẠNG TINH THẦN
37.
Thời kỳ một năm và ba tháng [từ 9/1980 đến 12/12/1981] sau khi Công đoàn Đoàn kết được hợp pháp hóa, đo theo chuẩn Cộng sản Ba Lan, là thời kỳ hỗn độn.
Bề ngoài, Ba Lan vẫn là một nước Dân chủ Nhân dân, nhưng chỉ cần cạo lớp vỏ ngoài, sẽ thấy đất nước này thay đổi hoàn toàn.
Đã có một cuộc cách mạng trong tư tưởng, và qua đó người Ba Lan bắt đầu biết được những sự thật về lịch sử gần đây của mình. Lần đầu tiên trong gần một nửa thế kỷ, họ gần như có tự do hội họp và tự do ngôn luận. Một xã hội dân sự song song hình thành nhanh đến kinh ngạc.
Công đoàn Đoàn kết đã đạt được một điều, không chỉ duy nhất có ở Đông Âu, mà là một điều gần như bất khả. Triết gia Jacek Kuron, một trong những người đứng đầu KOR, nói rằng: “Tôi đã nghĩ điều đó không thể xảy ra. Nó từng là điều không thể, và đến giờ tôi vẫn nghĩ đó là điều không thể!”
Chủ nghĩa cộng sản không biến mất, còn xa mới biến mất, nhưng trong nhiều lĩnh vực của xã hội, sự đàn áp đã bị ăn mòn và đổ vỡ, không còn tác dụng. Chỉ trong vài tuần, Công đoàn Đoàn kết đã có hơn 8.000.000 thành viên, nhiều gấp đôi số đảng viên Đảng Cộng sản. Hiện tượng một tổ chức quần chúng rộng lớn, hoặc chỉ đơn thuần là một tổ chức, tồn tại bên cạnh Đảng nhưng lại nằm ngoài quyền kiểm soát của Đảng là điều chưa từng có trước đây.[xv]
Các ấn phẩm samizdat (báo chui) luôn tồn tại ở Cộng hòa Nhân dân Ba Lan dưới hình thức nào đó, đến nay báo chui “trái phép” nở rộ như nấm sau mưa và trên thực tế gần như được phép. Nhà cầm quyền không có động thái nghiêm khắc nào để ngăn chặn, mặc dù họ vẫn kiểm duyệt báo chí chính thức như vẫn làm từ trước đến giờ.
Dân Ba Lan thường gọi báo chui samizdat là bibula (giấy vệ sinh) vì chất lượng giấy rất xấu mà hầu hết báo chui dùng để in. Nay thì khác, có đến 25 tạp chí và tờ báo chất lượng tốt được các máy in chất lượng cao in ấn hàng tuần với số phát hành lên đến 50.000 bản mỗi đầu báo.
Nhà in Độc lập NOWA do Mirech Chojecki điều hành.  Chojecki, một người hùng đúng nghĩa trong cuộc đấu tranh vì tự do ngôn luận, đã nhanh chóng phát hành các ấn phẩm được sản xuất tức thì, gồm các tác phẩm kinh điển và tác phẩm của những bậc thầy hiện đại lâu nay bị cấm.
Tác phẩm Trại súc vật (The Animal Farm) của George Orwell lần đầu tiên được phát hành tại Ba Lan, cùng lúc với tác phẩm Trí tuệ Ngục tù (The Captive Mind) tác phẩm phê phán Chủ nghĩa cộng sản mạnh mẽ và rất thuyết phục của nhà trí thức lưu vong Ba Lan Czeslaw Milosz. Một trong những sự kiện phi thường vào thời gian này là cuộc trở về Ba Lan từ Bắc Âu của nhà trí thức kiêm nhà thơ Milosz, sau khi ông được trao giải Nobel Văn học năm 1980.
Những bộ phim vinh danh người công nhân của đạo diễn Andrzrej Wajda, Người Cẩm thạch (Man of Marble) và Người sắt (Man of Iron), trước chỉ được chiếu lén cho các nhóm khán giả nhỏ trong nhà riêng, nay được trình chiếu công khai cho đại chúng.
Nhà báo Adam Michnik nhận xét rằng: đây là “một cuộc cách mạng nhân phẩm, cuộc biểu dương quyền hạn của những con người ngay thẳng, một chiến thắng có tác dụng lâu dài của những sống lưng đứng thẳng”.[xvi]
*
ÔN HÒA: “ĐỪNG ĐỐT ĐẢNG ỦY, HÃY LẬP ỦY BAN”
38.
Các nhà tư tưởng của Công đoàn Đoàn kết thời điểm này cũng xác định mục tiêu rõ ràng hơn.
Kuron vừa ra khỏi tù và có những quan điểm mới. Ông dần có huynh hướng dân chủ xã hội theo đường lối phương Tây kết hợp với kinh nghiệm thực tế của Đông Âu. Ông nhấn mạnh đường lối thay đổi ôn hòa (peaceful transformation), và đường lối này là nền tảng của mọi thay đổi trong khối xã hội chủ nghĩa suốt một thập niên kế tiếp.
Điểm xuất phát của đường lối thay đổi ôn hòa là thực tại không thể chối cãi về Chiến tranh Lạnh: Đó là sẽ không có chính quyền phương Tây nào muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột với Liên Xô, khi họ ra tay giúp đỡ một phong trào cách mạng sau Bức màn Sắt.
Kuron chủ trương không đối đầu toàn diện với nhà nước Cộng sản. Công nhân và trí thức không thể thắng trong một cuộc đấu tranh bạo động với một đối thủ luôn sẵn sàng dùng vũ lực chống lại họ. Một chiến lược có khả năng thành công cao hơn nhiều là đi đường vòng, tránh xung đột với Đảng chừng nào có thể, và hình thành các thực thể không chính thức, tồn tại song song với các thực thể của nhà nước toàn trị. Kuron viết: “Đừng đốt phá Đảng ủy, mà hãy lập ra các ủy ban cho riêng mình”.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Công đoàn Đoàn kết phải đấu tranh cho một cuộc “cách mạng kiềm chế”, tức không đưa ra những đòi hỏi cực đoan có thể khiến Liên Xô phản ứng dữ dội. Công đoàn Đoàn kết không nên nói gì về những khối liên minh an ninh mà Ba Lan tham gia, hay về chính sách đối ngoại của Ba Lan. Chính quyền Cộng sản có thể được duy trì như chiếc lá nho hình thức, trong khi trên thực tế Ba Lan sẽ trở thành một xã hội đa nguyên trên mọi mặt, trừ tên gọi.
Adam Michnik cũng đồng lòng với Kuron về tầm quan trọng của chiến lược thay đổi ôn hòa, trong một luận văn nổi tiếng, ông viết: “Nếu cách mạng khởi đầu bằng cách đốt cháy những nhà ngục Bastille, thì sẽ đến lúc cách mạng xây ngục Bastille mới cho mình”.[xvii]
*
ĐÒI HỎI VỪA PHẢI
39.
Công đoàn Đoàn kết bị săm soi kỹ lưỡng như chưa từng có trước đây, và Walesa trên thực tế đã trở thành lãnh tụ đối lập đầu tiên trong thế giới Cộng sản. Ông cho thấy mình có rất nhiều khả năng trong vai trò một người thương lượng, nhưng ông cũng sớm bị chỉ trích vì tính cách khá độc đoán.
Ông không hoạt động một cách cởi mở rõ ràng hoặc theo lối dân chủ. Ông làm phe cấp tiến trong Công đoàn Đoàn kết nổi giận vì thường xuyên kêu gọi họ thỏa hiệp với chính quyền.
Trong năm 1981, ông ngăn chặn nhiều hơn là kích hoạt các cuộc đình công, ông thường thuyết phục công nhân đòi hỏi vừa phải vì sợ Công đoàn Đoàn kết sẽ bị Liên Xô tìm cách đàn áp.
40.
Walesa có lập trường vừa kể một phần vì sự thận trọng tự nhiên và hợp lý, và một phần vì đó là điều Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II khuyên Walesa thực hiện khi ông gặp riêng Walesa vào ngày 14/1/1981, cuộc gặp gỡ đầu tiên mở đầu cho nhiều cuộc gặp sau này.
Ban đầu, Giáo hoàng cũng nghi ngại Walesa. Ngài biết một số vị trong hàng giáo phẩm Ba Lan tỏ ý đề phòng Công đoàn Đoàn kết vì gốc gác xã hội chủ nghĩa của một số nhân vật lãnh đạo. Các chính khách tại Tòa thánh Vatican – hầu hết là người Ý – cũng muốn tránh xung đột với Liên Xô.
Nhưng Giáo hoàng lại rất thích ý tưởng về một lãnh tụ công nhân thuần chất, đặc biệt khi đó là người luôn nhắc đến Giáo hội bất cứ khi nào có thể.
Sau cuộc gặp riêng với Lech Walesa, Giáo hoàng đã công khai ủng hộ Walesa và từ đó về sau không bao giờ nghi ngại nữa.
*
TIN ĐỒN “TRAI GÁI”
41.
Trước đó, Giáo hoàng cũng có nghe những tin đồn ngày một nhiều về người thợ điện anh hùng dám đối đầu chế độ Cộng sản. Tin đồn nhiều nhất là chuyện Walesa “lăng nhăng trai gái”, như lời một số người bạn và linh mục Ba Lan kể, nhưng những chuyện này chưa bao giờ được chứng thực.
Anna Walentynowycz cũng cho rằng Walesa có quan hệ bất chính. Chị nói: “Ai cũng biết họ mang gái đến cho ông ấy – văn phòng ông có đặt chiếc ghế nệm dài. Bên ngoài, cận vệ Henryk Mazul ngăn không cho ai vào, bảo rằng ‘cậu không vào được, ông ấy đang ngủ’. Có lần tôi tìm cách vào được – bên trong có người khác – vì tôi thấy tóc ông ấy bù xù”. Anna và các trợ lý đã mang chiếc ghế dài khỏi phòng. Chị kể tiếp: “Tôi mắng ông ấy, bảo ‘Anh là kẻ tội lỗi mà dám mang hình Đức Mẹ trên áo à?’, ông trả lời ‘Tôi xưng tội mỗi tuần’”. Nhưng cũng nên biết là Anna và Walesa đã trở nên bất hòa sau khi các cuộc đình công vào tháng 8/1980 nổ ra, và Anna đã không còn được giao vai trò đại diện cho Công đoàn Đoàn kết tại Gdansk nữa.[xviii]
Những chuyện đồn đại được thành viên Công đoàn Đoàn kết truyền tai nhau. Cũng có tin đồn vào thời gian này, cô sinh viên xinh đẹp, tóc đen nhánh tên Bozena Rybicka không phải chỉ là trợ lý đơn thuần của ông. Lời đồn đoán được châm thêm lửa bởi một đoạn khác thường trong bài báo của Ewa Berberyusz trên tuần báo Công giáo Tygodnik Powszechny vào tháng 12/1980, trêu chọc ông là một người lẳng lơ: “Ông ấy thích phụ nữ. Thích một cách thành khẩn, vốn là đức tính đang biến mất trong tâm lý đàn ông hiện nay, sự thành khẩn dựa trên tâm trạng hoàn toàn trong sáng, tự tin, không một gợn mặc cảm, cộng với nét thanh lịch của người thời trước, và niềm tin sắt đá rằng phụ nữ không bao giờ hại mình được”.
Tất cả mọi tin đồn kể trên đều không đúng. Walesa luôn chung thủy với Danuta vợ mình, ngoài ra, đó cũng là thời gian ông đang bị theo dõi hết sức chặt chẽ nên không để hớ hênh dính líu vào những phiêu lưu tình ái ngoài luồng.[xix]
***
1981: LIÊN XÔ CHỜ BA LAN RA TAY
42.
Giới lãnh đạo Liên Xô tiếp tục chờ nhà cầm quyền Ba Lan, tay chân của Liên Xô, tuân theo thượng lệnh, chấn chỉnh hàng ngũ và đè bẹp Công đoàn Đoàn kết để chứng tỏ lòng trung thành Cộng sản. Brezhnev gặp tân lãnh tụ Ba Lan Stanislaw Kania ở Moscow vào tháng 3/1981 và bảo Kania rằng: “Được, chúng tôi sẽ không vào Ba Lan. Nhưng nếu tình hình phức tạp, nếu chúng tôi thấy anh bị lật đổ, chúng tôi sẽ vào”.[xx]
Một báo cáo gây lo ngại lớn được gửi đến Andropov sau chuyến công tác Ba Lan của phái viên Vladimor Kryuchkov và Oleg Kalugin, trưởng ban phản gián nước ngoài KGB. Họ nói rằng: “mật vụ Ba Lan SB luôn khó hợp tác, không như mật vụ Tiệp Khắc hay Đông Đức. Phải điều khiển họ một cách thận trọng”. Trong chuyến đi Ba Lan để trao đổi với SB, tìm hiểu tình hình chung, hai sĩ quan mật vụ vừa kể đã đến thăm Xưởng Đóng tàu Lenin, và Oleg Kalugin kể lại như sau:
“Khi đến nơi, giám đốc xưởng máy (Gniech) ra đón và yêu cầu chúng tôi đậu đoàn xe lớn hạng sang của mình ngoài cổng. Ông bảo hiện đang có rất nhiều biến động trong hàng ngũ công nhân … nếu thấy đoàn xe của chúng tôi xuất hiện, tình hình sẽ càng bị kích động hơn.
Chúng tôi làm theo, không nghĩ ngợi gì. Nhưng thay vì được chào đón nồng nhiệt với những tràng pháo tay như thường diễn ra trong những cuộc viếng thăm tương tự, chúng tôi chỉ thấy những ánh mắt nghi kỵ và căm ghét.
Khi kết thúc chuyến thăm Ba Lan, trong tiệc đãi chúng tôi, qua bài phát biểu của mình tôi có nhắc thoáng qua về những phần tử bất đồng. Lạ thay, Bộ trưởng An ninh Ba Lan đã phản ứng như thể tôi đã chạm mạch một vấn đề cực kỳ nhạy cảm, và lên tiếng khẳng định rằng đó chỉ là một nhóm nhỏ những kẻ gây rối, và rằng tất cả bọn chúng đều đã nằm trong vòng kiểm soát. Nghe ông ta chống chế như vậy, tôi càng thấy vấn đề đúng là nghiêm trọng…”[xxi]
43.
Đến tháng 10/1981, Moscow sa thải Kania, người họ mới đặt làm lãnh đạo Ba Lan chưa đầy một năm trước.
Kania cho thấy ông rất e ngại phải đi những bước sắt máu chống lại Công đoàn Đoàn kết. Ông cũng hớ hênh để mình bị nghe lén khi lên tiếng chỉ trích Liên Xô, những chỉ trích lạ thường vì đáng lẽ ông phải là một tay trong ngoan ngoãn của Moscow.
Ông chỉ trích rằng: “Mô hình Xô-viết đã thất bại khi áp dụng vào thực tế. Việc Liên Xô phải thường xuyên mua ngũ cốc từ phương Tây là một cáo trạng cho thấy lỗi lầm nghiêm trọng trong cách quản lý của họ … Sức mạnh của chế độ chỉ được khẳng định bằng quân đội và khả năng đàn áp. Nếu Liên Xô còn có lợi thế chiến lược nào hơn Mỹ, thì chỉ trong hai đến ba năm, lợi thế ấy sẽ mất đi vì nền kinh tế Xô-viết yếu kém”.
Văn bản ghi lại đoạn băng ghi âm này được gửi thẳng đến Andropov, và chỉ trong vài ngày, Kania bị sa thải.
Người lên thay ông trong vai lãnh tụ Đảng Cộng sản và người cai trị đất nước Ba Lan là đồng chí Đại tướng Wojciech Jaruzelski.[xxii]
-----------
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 - The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 - Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.



[i] Timothy Garton Ash, The Polish Revolution (Jonathan Cape, London, 1983), tr. 135
[ii] Như trên, tr. 140-42
[iii] Như trên
[iv] Tiểu sử Lech Walesa trích từ cuốn hồi ký của Walesa, The Struggle and The Triumph (Arcade Publishing, New York, 1994),  và từ cuốn của Robert Boyes, The Naked President (Secker and Warburg, London, 1994)
[v] Michael Dobbs, Down With Big Brother (Bloomsbury, London, 1997) tr. 121-5
[vi] Adam Michnik, Letter from Freedom (California University Press, 1999), tr. 213
[vii] Lech Walesa, The Path to Freedom, 1985-1990: The Decisive Years (Editions Spotnakia, Warsaw, 1991) tr. 160-72
[viii] Tác giả phỏng vấn Tadeusz Mazowiecki, Warsaw, tháng 10/1995
[ix] Tiểu sử Loenid Brezhnev trích từ cuốn của Dmitri Volkogonov, The Rise and Fall of The Soviet Empire (Harper Collins, New York, 1998),  và của Michael Dobbs, Down With Big Brother, (Bloomsbury, London, 1997)
[x] Don Oberdorfer,  The Turn: How the Cold War Came to an End (Jonathan Cape, London, 1992) tr. 135
[xi] Dmitri Volkogonov, sđd, tr. 351-4
[xii] Trung tâm Lưu trữ Tài liệu Đương đại, Moscow, TsKhSD, Bộ Chính trị
[xiii] Biên bản ngày 3/9/1980, APRF (Russian Presidential Archives, Moscow), và biên bản Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 29/10/1980
[xiv] Cục Lưu trữ Trung ương Bộ Quốc phòng, Moscow, TsAMO
[xv] Garton Ash, The Polish Revolution, tr. 247-51
[xvi] Michnik, Letters from Freedom, tr. 146-7
[xvii] Như trên, tr. 92
[xviii] Robert Boyes, The Naked President,  tr. 197
[xix] Như trên, tr. 206
[xx] APRF, f80, Ghi chú của Brezhnev về cuộc gặp với Kania
[xxi] Phỏng vấn Vladimir Kryuchkov như được trích trong Nigel West, The Third Secret: The CIA, Solidarity and the KGB’s Plot to Kill the Pope (Harper Collins, 2001), tr. 138
[xxii] Vasili Mitrokhin và Christopher Andrew, The Mitrokhin Archive: The KGB in Europe and the West (Allen Lane, London, 1998), tr. 413-15
Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn