Ted Osius: Nếu muốn vào TPP, Việt Nam phải chấp nhận tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có việc cho phép tự do thành lập các nghiệp đoàn độc lập, tự do hội họp(*)

Trường Sơn (ghi)

Mỹ không có chính sách thay đổi chế độ chính trị của Việt Nam

(TNO) Đây là khẳng định của Đại sứ Mỹ Ted Osius tại cuộc họp báo được tổ chức sáng nay 28.7, xoay quanh chuyến thăm Mỹ vừa qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; chuyến thăm California của Đại sứ Ted Osius và mối quan hệ Việt - Mỹ, nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước.

clip_image001

Đại sứ Mỹ Ted Osius - Ảnh: Thụy Miên

Nhắc lại chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Ted Osius cho biết trong cuộc gặp “rất thực chất” giữa Tổng bí thư và Tổng thống Obama, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề có tầm quan trọng to lớn đối với cả hai bên.

“Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định họ tôn trọng hệ thống chính trị của nhau và đã thảo luận về tương lai mối quan hệ hai nước, vấn đề Biển Đông và tự do hàng hải, quan hệ an ninh, bao gồm cả hợp tác gìn giữ hòa bình, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhân quyền... và vai trò của người Mỹ gốc Việt.

Theo Đại sứ Osius, quan hệ Việt - Mỹ hiện đang tốt nhất từ trước đến nay. “Và tôi tin rằng thông qua làm việc tích cực không ngừng và sự hợp tác có hiệu quả ở tất cả các cấp, chúng ta sẽ tiếp tục đà phát triển hiện tại trong thời gian tới”, Đại sứ Osius khẳng định.

 

"Chính sách của Mỹ là tôn trọng sự khác biệt trong hệ thống chính trị của các quốc gia khác. Đây là một điều rất thực tế.

Nếu chúng tôi muốn xây dựng quan hệ với một quốc gia khác, chúng tôi không thể không tôn trọng hệ thống chính trị của nước đó. Lợi ích của Mỹ là chúng tôi muốn thấy một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng dân chủ, nhân quyền và pháp quyền. Việt Nam thành công thì điều đó cũng nằm trong lợi ích của Mỹ".

(Đại sứ Ted Osius)

 

* Channel NewsAsia: Chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được cho là có ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Hai bên cũng tuyên bố việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau? Xin cho biết nội hàm cụ thể của việc “tôn trọng thể chế chính trị của nhau” là gì?

Đại sứ Ted Osius: Khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama thống nhất việc đưa quan hệ Việt - Mỹ trở thành đối tác toàn diện vào năm 2013, hai bên bày tỏ tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Điều này đã được nhắc lại trong cuộc hội đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama, cũng như trong Tuyên bố chung giữa hai bên vừa qua. Điều này vượt quá việc nó chỉ có tính chất biểu tượng mà cho thấy, hai bên mặc dù có hệ thống chính trị khác nhau nhưng vẫn có thể trở thành đối tác, cộng tác với nhau, thảo luận về những vấn đề khó khăn như nhân quyền…

Bất chấp việc có hệ thống chính trị khác nhau, chúng ta vẫn có thể làm sâu sắc thêm quan hệ về chính trị, an ninh, kinh tế, quan hệ nhân dân hai nước. Chúng ta không cần phải có hệ thống chính trị giống hệt nhau để hợp tác đẩy mạnh quan hệ.

Tôi muốn chia sẻ thêm một câu chuyện, khi tôi đến California (cuộc tiếp xúc của Đại sứ Osius với cộng đồng người Mỹ gốc Việt hồi giữa 7.2015, khoảng một tuần sau chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - PV), tôi đã nhận được câu hỏi Mỹ sẽ có chương trình gì để thay đổi hệ thống chính trị, chính quyền Việt Nam, tôi trả lời đó không phải là chính sách của Mỹ. Chính sách của Mỹ là tôn trọng sự khác biệt trong hệ thống chính trị của các quốc gia khác. Đây là một điều rất thực tế.

Nếu chúng tôi muốn xây dựng quan hệ với một quốc gia khác, chúng tôi không thể không tôn trọng hệ thống chính trị của nước đó. Câu trả lời của tôi là điều mà những người hỏi họ không muốn nghe, nhưng tôi phải nói rất rõ điều đó. Lợi ích của Mỹ là chúng tôi muốn thấy một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng dân chủ, nhân quyền và pháp quyền. Việt Nam thành công thì điều đó cũng nằm trong lợi ích của Mỹ.

* Tiền phong: Tôi quan tâm đến vấn đề hợp tác gữa các đảng cầm quyền mà cụ thể là giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và đảng cầm quyền của Mỹ. Xin ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Khi Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký kết mối Quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ vào 2013, họ đã nói cụ thể về việc hợp tác giữa các đảng. Trước đây chưa bao giờ có việc một Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Mỹ nhưng vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ.

Ngoài cuộc họp giữa 2 nhà lãnh đạo tại phòng Bầu Dục, còn có các cuộc gặp bên lề giữa các quan chức của Đảng Cộng sản Việt Nam với đại diện các Đảng Cộng hoà, Dân chủ của Mỹ. Tôi cho rằng không có gì vô lý khi nói rằng quan hệ giữa các đảng (của Việt Nam và Mỹ) là tốt nhất cho đến nay để chúng ta tin rằng việc phát triển quan hệ các đảng sẽ còn tiếp tục được mở rộng và phát triển hơn nữa... Cần làm sao để làm sâu sắc hơn mối quan hệ này.

* Tuổi trẻ: Trong một bài phát biểu hồi tháng 5.2015, Tổng thống Obama đã khẳng định nếu các quốc gia không đạt các tiêu chuẩn về lao động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì sẽ không thể tham gia hiệp định này. Điều gì sẽ xảy ra nếu như Việt Nam không đạt được các tiêu chuẩn cao như vậy?

Hôm thứ 6 vừa qua, đại diện thương mại Mỹ Michael Froman đã có chuyến thăm Việt Nam. Hiện tại các nhóm đàm phán của các nước cũng đang gặp tại Hawaii. Đàm phán TPP đã diễn ra được 6 năm, mỗi khi bước vào giai đoạn cuối của việc đàm phán một Hiệp định lớn như TPP thì có những vấn đề phức tạp mà các bên bám vào đó đến cùng, không muốn nhượng bộ.

12 nước tham gia đàm phán TPP đều có những quyết định khó khăn và họ phải tự đưa ra. Về vấn đề lao động, như Tổng thống Obama đề cập hồi tháng 5 thì đây là vấn đề được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Mỹ. Nhưng tôi cho rằng Việt Nam sẽ phải đưa ra các quyết định khó khăn nếu như Việt Nam muốn có được những lợi ích từ TPP. Điểm cốt lõi là Việt Nam phải chấp nhận tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có việc cho phép tự do thành lập các nghiệp đoàn độc lập, tự do hội họp.

* VTV: Chuyến thăm Mỹ vừa qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là rất thành công, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng điều này tạo ra sự không hài lòng của phía Trung Quốc. Dự kiến trong thời gian tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục có chuyến thăm Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Xin ông cho biết những chuyến thăm này sẽ ảnh hưởng như thế quan hệ Việt Nam - Trung Quốc - Mỹ?

Theo hiểu biết của tôi thì Việt Nam có chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ. Và Việt Nam mong muốn có quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước trong khu vực.

Về phía Mỹ, chúng tôi ủng hộ việc Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng. Mới đây cựu Tổng thống Clinton đã đến thăm Việt Nam và tôi nhớ lại trong thời gian chuyến thăm, có một cựu chiến binh Việt Nam đã được phỏng vấn ở ngoài khách sạn Deawoo. Người cựu chiến binh này đã nói một câu là có 1.000 người bạn vẫn là không đủ, còn có một kẻ thù là quá nhiều. Vì vậy nếu chúng ta xem xét đến lịch sử của Việt Nam thì quan điểm của tôi là người Việt Nam có một khao khát lớn đối với hòa bình, về mối quan hệ hài hòa với các nước láng giềng cũng như các quốc gia khác.

T.S. (ghi)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/my-khong-co-chinh-sach-thay-doi-che-do-chinh-tri-cua-viet-nam-590387.html

(*) Đầu đề do BVN đặt.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn