CÁCH MẠNG 1989 (Kỳ 51)

Victor Sebestyen

Dịch giả:  Phan Trinh

CHƯƠNG 49

ĐOẠN KẾT

GIÁO HOÀNG GẶP TỔNG BÍ THƯ - THƯỢNG ĐỈNH MALTA - HAVEL, TỔNG THỐNG TIỆP KHẮC - LIÊN HOAN TƯNG BỪNG - CHÍNH QUYỀN VỀ TAY DÂN

***

Thành phố Vatican. Thứ sáu, ngày 1 tháng 12, năm 1989

GIÁO HOÀNG GẶP TỔNG BÍ THƯ

1.

Đoàn xe hơi màu đen 20 chiếc cùng đoàn mô tô mở đường đã làm náo động những phố phường chật hẹp tại thủ đô Rome hôm thứ tư 30/11/1989, khi Mikhail Gorbachev đến thăm Ý. Bất cứ nơi nào Gorbachev đến, ngoài Liên Xô, ông đều thu hút những đám đông khổng lồ và nồng nhiệt.

Lần này cũng vậy, tuy có khác. Khoảng 10 giờ 30 sáng ngày 1/12/1989, đoàn xe của phái đoàn Liên Xô đến Cổng vòm Chuông, bên cạnh Đền thờ Thánh Phê-rô, rồi rẽ vào cuối con đường hẹp. Chiếc xe sang trọng hiệu Zil chở Gorbachev dừng lại ngay lối vào khu Giáo hoàng lưu trú, trong khuôn viên Nhà thờ Thánh Damasus, một trong những báu vật bí mật của Vatican, vốn không mở cửa cho công chúng.

Gorbachev được đội Vệ binh Thụy Sĩ, mặc đồng phục sọc màu nâu xanh, cầm kích nghênh chào và một nhóm chức sắc Tòa thánh, với bốn vị hồng y, có mặt để đón tiếp. Cả hai phái đoàn đều đứng im vài phút như để tận hưởng sự kiện lịch sử hiếm hoi này, trong khi ban nhạc Vatican tấu bài Quốc tế ca - một bài rất lạ với ban nhạc nhưng ai cũng thấy họ chơi thật hay - và sau đó là Thánh ca Giáo hoàng. Lãnh tụ Đảng Cộng sản Liên Xô và lãnh tụ Giáo hội Công giáo La Mã sắp gặp nhau lần đầu tiên*, và đại diện hai bên đều rất hiểu ý nghĩa biểu tượng sâu sắc của cuộc gặp lần này.

2.

Bà Raisa Gorbachev gây một chút xôn xao, vì theo nghi thức khánh tiết Vatican, phụ nữ trong các cuộc yết kiến với Giáo hoàng thường phải mặc trang phục màu đen. Raisa đã biết thông lệ này vài tuần qua, nhưng hôm nay bà lại xuất hiện trong trang phục màu đỏ.

Chồng bà đã rất nôn nóng muốn đến Vatican nên cuộc gặp này đã được chèn vào giữa chuyến viếng thăm chính thức nước Ý và cuộc họp thượng đỉnh diễn ra ngày hôm sau tại Malta với Tổng thống Mỹ George Bush.

Về phần Giáo hoàng Gio an Phao-lô II, theo lời các cố vấn, ban đầu ngài đã tỏ ra ngần ngại, tuy đồng ý gặp nhưng rất lưỡng lự, vì không muốn lãnh đạo Liên Xô dùng cuộc gặp để tạo thêm tiếng vang cho cá nhân ông. Nhưng từ đó đến nay nhiều thay đổi trọng đại đã diễn ra: Một trí thức Công giáo đã trở thành Thủ tướng Ba Lan, quê hương Giáo hoàng, Bức tường Berlin đã sụp đổ và chế độ Cộng sản Tiệp Khắc cũng đã tan vỡ. Và như thế, Giáo hoàng thấy quyết định gặp Gorbachev là đúng đắn và nghĩ rằng Gorbachev xứng đáng với tiếng vang ông sẽ tạo được qua chuyến viếng thăm này.

3.

Khi bà Gorbachev xuất hiện trong bộ trang phục đỏ tươi, đủ nổi bật để cho thấy ở tuổi 56 bà vẫn thu hút, các giới chức Vatican chỉ tỏ chút ngạc nhiên và họ tiếp tục công việc như không có gì bất thường xảy ra. Bà được đưa đi tham quan bộ sưu tập nghệ thuật Vatican trong khi chồng bà được đưa vào thư viện riêng của Giáo hoàng, nơi ông và Giáo hoàng trò chuyện trong 75 phút, không ai khác có mặt, ngoài hai thông dịch viên.

Đây chính là căn phòng KGB đã đặt thiết bị nghe lén dưới thời trùm mật vụ Yuri Andropov, một trong những người đỡ đầu chính cho Gorbachev. 11 năm trước, Andropov là người dự đoán rằng việc Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đắc cử sẽ là thảm họa cho đế quốc Xô-viết. Những gì Andropov nói quả là tiên tri.

Gorbachev là một người tự tin ngoại hạng, nhưng sau này ông cho biết ông cũng “rất hồi hộp” khi chuẩn bị gặp vị Giáo hoàng. Gorbachev ít khi dùng nghịch lý trong ngôn ngữ, nhưng ông hẳn đã phải cười thầm trong bụng - tuy luôn bác bỏ điều này - về sự có mặt của ông, người lãnh đạo thế giới Cộng sản vô thần, bên cạnh một Giáo hoàng, lãnh tụ tôn giáo hàng đầu thế giới. Sau này ông nhận định rằng nếu không có Giáo hoàng Gio an Phao lô II thì đã không thể có những chuyển biến lớn lao tại Châu Âu. Dĩ nhiên nhận định này đã được diễn giải theo nhiều cách khác nhau.

Cuộc trò chuyện giữa hai người hôm đó tại Vatican lan man vào những việc chung chung và không có điều gì hệ trọng được thỏa thuận. Nhưng quan trọng không phải là họ đã nói gì, mà là họ đã có thể gặp nhau để nói chuyện. Điều này cho thế giới thấy mọi sự đã thay đổi sâu sắc đến đâu.

*

THƯỢNG ĐỈNH MALTA

4.

Tương tự, có rất ít việc hệ trọng được thỏa thuận trong Hội nghị Thượng đỉnh Malta hai ngày sau đó. Điều kỳ lạ là cuộc gặp thượng đỉnh đã diễn ra trên biển – đúng hơn là ngay ngoài cảng Valetta – trên hai chiếc tàu hải quân của Mỹ và Liên Xô, giữa một trong những cơn bão mùa đông tệ hại nhất trong vài năm qua tại vùng Địa trung Hải.

Nhiều thành viên tham dự cuộc họp thượng đỉnh, gồm các cố vấn nòng cốt của cả George H. W. Bush lẫn Mikhail Gorbachev, bị say sóng dữ dội đã không thể có mặt trong các cuộc đàm phán, dĩ nhiên cũng chẳng thể có mặt trong các buổi tiếp tân hay tiệc tối được tổ chức trong hai ngày hội nghị.**

5.

Vào đầu xuân năm 1989, Bush đã gửi thư đề nghị Gorbachev họp thượng đỉnh. Bush dự định tổ chức một cuộc họp càng thân mật càng tốt, với chỉ vài cố vấn tham dự và báo chí đưa tin ít nhất có thể. Mục tiêu là để đàm phán một loạt các vấn đề liên quan đến quan hệ Đông Tây, giải trừ vũ khí hạt nhân và đặc biệt là về tình hình Đông Âu. Đến khi hội nghị diễn ra vào cuối năm 1989 thì bản đồ chính trị Châu Âu đã thay đổi rất nhiều, và như hai bên đàm phán đều biết, chẳng còn lại bao nhiêu vấn đề để thảo luận.

Cả hai đều đồng ý Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Bà Condoleezza Rice, cố vấn cao cấp của Bush về Đông Âu, có mặt vào giây phút kịch tính nhất của cuộc họp thượng đỉnh, theo lời bà, giây phút ấy giúp bà nhận ra rằng “thế giới đã thay đổi toàn diện … Đó là khi Gorbachev nói một điều tôi không bao giờ tưởng tượng sẽ nghe được từ miệng một lãnh tụ Liên Xô. Ông nói thẳng tuột, không cay đắng chút nào, rằng ông xem Mỹ là một quyền lực Châu Âu, và là một đối tác của Liên Xô. Điều đó, đối với chúng tôi, là một thay đổi có tính cách mạng”.[1]

***

HAVEL, TỔNG THỐNG TIỆP KHẮC

6.

Ngày Tết Dương lịch 1/1/1990, ba ngày sau khi được bầu làm Tổng thống Tiệp Khắc, Vaclav Havel ra nói chuyện trước một công chúng phấn khởi, đông đến 250.000 người, đứng tràn ngập khu vực bên ngoài Lâu đài Praha. Đó là một màn trình bày được chuẩn bị kỹ của một người còn ít kinh nghiệm xuất hiện trước những đám đông lớn đến thế.

Khi ông bước lên bục phát biểu, tiếng đám đông hô to “Havel, Havel” vang dội khắp trung tâm thành phố. Ông bắt đầu nói, theo cách nói quen thuộc, với ngôn ngữ được cân nhắc thận trọng và lý luận chặt chẽ, nhưng điều ông nói cho thấy ông vẫn là một triết gia, hơn là một người đang tập làm chính trị.

Quần chúng hoan hô ông nồng nhiệt khi ông nói một trong những khuyết điểm lớn nhất của chế độ Cộng sản là “cái cách mà chế độ, được trang bị bởi một ý thức hệ kiêu ngạo và bất dung, đã hạ thấp con người và thiên nhiên xuống mức chỉ còn là những công cụ sản xuất … trờ thành ốc tán và đinh vít trong một guồng máy khổng lồ cực kỳ đáng sợ”.

Nhưng rồi, đến nửa bài nói chuyện của ông, tâm trạng khán giả bắt đầu thay đổi và Havel để ý thấy một số người bắt đầu tỏ thái độ không thoải mái. Ông còn nghe cả một số tiếng huýt sáo chê bai lẻ tẻ khi ông bắt đầu nói sâu vào chủ đề mà ông quan tâm, rằng: người dân Tiệp Khắc đã sống trong “một bầu không khí nhiễm độc về đạo đức. Tôi nói điều này là nói về tất cả mọi người chúng ta. Tất cả chúng ta đều trở nên quen thuộc với chế độ toàn trị và chấp nhận nó như một điều đương nhiên, không thể thay đổi được trong cuộc sống. Điều này giúp duy trì nó … Tất cả chúng ta - tuy với mức độ khác nhau - đều chịu trách nhiệm về sự vận hành của guồng máy toàn trị. Không ai trong chúng ta đơn thuần chỉ là nạn nhân. Chúng ta còn là những đồng phạm nữa”.[2]

*

LIÊN HOAN TƯNG BỪNG

7.

Khi nói như trên, Havel cho thấy ông rất thành thực như vẫn luôn thành thực. Nhưng chỉ rất ít người tại Praha, hoặc ở những vùng đất khác vừa được giải phóng khỏi cộng sản tại Trung Âu, có thể chia sẻ được nỗi dằn vặt của ông vào lúc này. Về sau họ có thể tỉnh táo hơn, nhưng không phải lúc này. Ngay bây giờ và ở đây, quần chúng không muốn đấm ngực tự vấn mà muốn liên hoan tưng bừng, trước khi công cuộc xây dựng một tương lai mới bắt đầu.

Những cuộc liên hoan vĩ đại đã liên tiếp diễn ra trong suốt tháng 12/1989 tại thủ đô các nước, nơi mấy chục năm qua người dân không có được bao nhiêu hy vọng hoặc niềm vui. Sau khi Khải hoàn môn Brandenburg ở Berlin, biểu tượng của nước Đức thống nhất, chính thức được mở trở lại vào ngày 23/12/1989, các cuộc liên hoan đã kéo dài liên tiếp ba ngày đêm. Tại Bucharest, thủ đô Rumani, một “ủy ban cách mạng” đã chiếm đóng trong mười ngày khu văn phòng trước đây dành cho Ceausescu. Vào đêm giao thừa đón chào năm mới 1990, tài sản của nhà độc tài quá cố đã được phân chia, trong một nghi lễ pha trộn giữa phấn khích hoang dại và lòng tham trần trụi.

Mọi người cũng nhận ra rằng vẫn còn rất nhiều việc chưa giải quyết xong: Người Rumani và Bulgaria không lâu sau biết rằng cuộc cách mạng của họ mới xong được một nửa; tại Đức, cứ theo cái đà những gì đang diễn ra thì việc thống nhất nước Đức là điều không thể ngăn cản được, cho dù Mikhail Gorbachev, Margaret Thatcher và Francois Mitterand tìm cách ngăn cản quá trình thống nhất. Đó là chưa kể vấn đề phải đối xử với các nhân vật lãnh đạo của chế độ cũ ra sao.

*

CHÍNH QUYỀN VỀ TAY DÂN

8.

Trở lại Praha, khoảng giữa trưa ngày 1/1/1990, nhà biên kịch nay là Tổng thống Havel đang sắp sửa kết thúc bài nói chuyện của mình. Đám đông lúc này lại đứng về phía ông sau khi ông nói đến những điều lạc quan thay vì khơi gợi mặc cảm tội lỗi. Và như Ba Lan đã làm hai ngày trước đó, Tiệp Khắc cũng sẽ lập tức bỏ nhãn hiệu “Cộng hòa Nhân dân”, và trong một hiến pháp mới, Tiệp Khắc sẽ chỉ còn là một nước Cộng hòa. Havel tuyên bố: “Đồng bào thân mến! Chính quyền nhân dân nay mới là của dân”.

-----------

Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 - The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 - Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.

P.T.


* Thực ra, đây là cuộc gặp gỡ thứ hai giữa một giáo hoàng và một lãnh tụ Nga. Cuộc hội kiến thứ nhất diễn ra vào tháng 12/1845, khi Sa hoàng Nicholas I đến thăm Rome và được Đức Giáo hoàng Gregory XVI dành cho một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi.

** Địa điểm này, trớ trêu thay, lại được người em của Tổng thống Mỹ, doanh nhân Billy Bush, đề nghị. Billy Bush trước đó vừa đến thăm Malta, ông có một số quyền lợi kinh doanh tại hòn đảo này và báo cho ông anh George rằng thời tiết ở đó thật tuyệt.

[1] Bản ghi nội dung Hội nghị Thượng đỉnh Malta, CWIHP (Cold War International History Project, Woodrow Wilson Center, Washington DC)

[2] Bản tin của BBC World Service, ngày 2/1/1990

Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn