Từ chuyện lùi làm Luật Biểu tình vì sợ ..."đổi mới chính trị"

Quốc Phong

clip_image001

Đại biểu Nguyễn Kim Khoa

Cụm từ "đổi mới chính trị" dù đã được đưa vào nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, có vẻ vẫn là thứ "nhạy cảm" vì còn rất nhiều người ngại đề cập dù đất nước đã bước trên con đường đổi mới lâu nay.

Tôi rất tâm đắc với phát biểu của ông Nguyễn Kim Khoa, Uỷ viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban An ninh Quốc phòng của Quốc hội khi ông không đồng tình với việc bộ Tư pháp trì hoãn, lần lữa việc làm Luật Biểu tình hôm 17.2 vừa rồi.

Ông nói rõ : "Làm Luật Biểu tình không phải là để đổi mới chính trị mà là để bảo đảm quyền con người ". " Nếu chúng ta tiếp tục áp dụng Nghị định 38 để hạn chế quyền công dân trong việc biểu tình là trái Hiến pháp..."

Sự không đồng tình này giữa Quốc hội và bộ Tư pháp xuất phát từ sự "vênh" nhau về nhận thức giữa một số bộ, ngành. Bộ Công an thì muốn sớm có luật này để thựcthi pháp luật cho đúng... luật, nếu không sẽ rất khó cho ngành Công an như lâu nay. Bộ Quốc phòng thì muốn trì hoãn vì e rằng làm như vậy sẽ là... " đổi mới chính trị "(?!). Bộ Tư pháp thì xin lùi tiếp thời gian vì không muốn trái ý bộ Quốc phòng và đâu đó nữa?!

Thì ra cụm từ "đổi mới chính trị" dù đã được đưa vào nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, có vẻ vẫn là thứ "nhạy cảm" vì còn rất nhiều người ngại đề cập dù đất nước đã bước trên con đường đổi mới lâu nay.

Chính bởi lẽ đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã bày tỏ chính kiến rõ ràng khi kết luận việc Chính phủ xin lùi dự án luật Biểu tình tại phiên họp Uỷ ban TVQH sáng 17.2, rằng: “Tại sao cứ lùi đi lùi lại mãi, do làm không được hay không chịu làm? Chương trình là Quốc hội quyết định, Bộ Chính trị cũng đã quyết định đưa vào chương trình rồi, nhưng Chính phủ cứ xin lùi mãi”.

Nói như ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư khi đọc tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc 12 mới đây thì 30 năm qua, thành tựu lớn nhất, bao trùm nhất của công cuộc đổi mới, đó là đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Chính nó đã làm thay đổi căn bản cuộc sống của chúng ta và đưa đất nước phát triển. Nhưng cũng nhiều chục năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay đổi. Đây chính là điều cần được điều chỉnh, sửa đổi.

Để đổi mới hệ thống chính trị (thực chất là đổi mới từ tổ chức đến phương thức hoạt động), quả là có quá nhiều việc phải bàn và phải làm, và cũng sẽ có những vấn đề nhạy cảm này khác. Song để đất nước khỏi bị tụt hậu, chúng ta vẫn phải làm mà không nên né tránh.Có một điều đơn giản nhất, đem lại hiệu quả tức thời, có thể gián tiếp tạo nên năng suất lao động cao, từ đó thu nhập sẽ có thể tăng do giảm bớt biên chế hành chính. Đó là sớm tinh giản bộ máy công quyền (chính quyền và Đảng, đoàn thể...) từ 2 thành 1 ở những cơ quan đang có những chức năng nhiệm vụ chồng chéo, tương tự nhau. Nếu cứ như hiện nay thì lấy ngân sách nào nuôi nổi bộ máy, bởi nó đang quá cồng kềnh, không giống bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới.

Liệu đã tới lúc cần tính toán để nhất thể hoá bộ máy hoạt động sao cho thật gọn được không?Tôi nghĩ là rất nên làm.

Chủ trương nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo và một số cơ quan của tỉnh Quảng Ninh được Bộ Chính trị cho phép thí điểm từ 2013 đã được đánh giá là có tính đột phá trong cải cách hành chính. Qua đó đã  tinh gọn được bộ máy, mang lại hiệu quả rõ rệt. Ví dụ như ở cấp thành phố (thuộc tỉnh), thị xã, huyện... tỉnh Quảng Ninh đã đưa Ban Dân vận tỉnh uỷ vào Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Tổ chức huyện uỷ vào phòng Nội vụ, Ban Kiểm tra Đảng vào Thanh tra ...

Việc Quảng Ninh  thực hiện thí điểm bước đột phá này, theo tôi  là một hướng tích cực. Nó giúp cho chủ trương của Đảng và chính quyền được thông suốt do giảm đầu mối, gọn nhẹ hơn, đồng thời cũng góp phần giảm biên chế. Qua những lần tiếp xúc với ông Phạm Minh Chính, khi ông còn là Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh, tôi đã cảm nhận được điều này ở ông, người chủ trì đề xuất xin thí điểm với Trung ương cho làm thí điểm tại địa phương ông.

Từ thực tiễn triển khai bước đầu, có thể là còn mò mẫm nên cũng bộc lộ những khó khăn buộc phải tính toán, cần sửa lại một số luật hiện hành, thậm chí phải sửa cả điều lệ, quy định của Đảng, nhà nước.

Tóm lại, để triển khai thực hiện được thì phải đưa vào dự thảo Luật Chính quyền địa phương đang xây dựng cũng như các luật liên quan khác.

Theo đánh giá bước đầu thì cải cách này ở Quảng Ninh sẽ tinh giản được khoảng 1/3 biên chế so với hiện nay, nhất là đội ngũ người đứng đầu. Đi kèm với đó là tiết kiệm công quỹ rất lớn, từ lương bổng đến nhiều chi phí khác… Cách đây ít năm, một lần tình cờ tôi được nghe một người công tác ở cơ quan một ban Đảng thuộc cấp tỉnh "bật mí" chuyện "giờ cao su" ở đơn vị anh công tác. Buổi sáng thì sau 1-2 tuần trà, mất ít ra cũng khoảng 30-60 phút rồi ai nấy mới chịu về ngồi vào bàn làm việc của mình. Trưa nghỉ thì thật là "mênh mông" về thời gian! Có nghĩa là trừ phi đi họp thì đành chịu, chứ ở cơ quan thì khoá cửa sẽ được cài kỹ rồi cùng làm một giấc dài đến 15 giờ chiều mới mở mắt dù có nhậu say hay không cũng thế. Sau đó, cùng ngồi bàn nước làm thêm tuần trà nữa là nghỉ tan tầm. Như vậy có thể hình dung ra được thực tế công tác Đảng ở một số cơ sở như thế nào.

Bên cạnh đó, sự chồng chéo giữa các cơ quan trong xử lý cùng một việc cũng có chuyện bất ổn. Bà Đỗ Thị Hoàng, phó bí thư thường trực tỉnh uỷ Quảng Ninh cho biết: Tại Quảng Ninh, giữa Uỷ ban Kiểm tra Đảng với Thanh tra bên Uỷ ban nhân dân, việc xử lý sai phạm một ai đó nhiều khi vênh nhau và thường cũng không chịu nhau trong kết luận về cùng một vụ việc. Khi đi vào xử lí thì xử lí kỉ luật hành chính với xử lí kỉ luật về Đảng không thống nhất và không đồng nhất.

Cụ thể, bên xử lí hành chính chỉ có thời hiệu 24 tháng kể từ ngày mắc sai phạm nhưng bên Đảng thì không có hạn định về thời gian, bất kì lúc nào phát hiện sai phạm đều phải xem xét xử lí. "Như vậy, xử lý kỷ luật về Đảng nhưng không xử lí được về hành chính. Cho nên trong một số trường hợp phải sử dụng công tác cán bộ để điều chuyển về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đối tượng vi phạm chứ không xử lí kỉ luật được về mặt hành chính, không cách chức được, không hạ ngạch, hạ bậc được. Vì vậy, chúng tôi nghĩ làm thế nào để thống nhất trong quan điểm nhìn nhận, kể cả nguyên tắc, quy trình và chỉ phân công về đối tượng"- Bà Hoàng bày tỏ. Như vậy càng cho thấy nhất thể hoá không chỉ là gọn về bộ máy mà còn mang lại chất lượng, hiệu quả cao hơn về chuyên môn.

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế độc lập mới đây có một nhận xét trên báo Thanh niên:

"Đất nước tụt hậu, chúng ta lo ngại và xem đó như là nguy cơ nhưng nay đã thành hiện hữu thật rồi. Thu nhập thấp, năng suất lao động, thể chế chính sách, môi trường đầu tư còn quá yếu kém... đang đẩy đất nước ngày càng thụt lùi so với các nước châu Á. Ngay cả so với Lào, Campuchia hay Myanmar, chúng ta cũng có những lĩnh vực còn kém rất xa. Nay thời thế đã khác, mọi điều kiện về tài nguyên, lao động, dân số vàng đã không còn được như trước, cơ hội đã qua đi. Vì vậy, chúng ta phải tiến hành cuộc cách mạng đổi mới lần hai mà bắt đầu từ chính việc cải cách phương thức lãnh đạo, bộ máy chính trị song hành với các thay đổi về kinh tế thị trường định hướng XHCN".

Chính vì thực trạng đáng lo này mà nhiệm vụ "Đổi mới lần thứ 2" sắp tới đây cần được xem như một nhiệm vụ sống còn. Và mỗi chúng ta, sau dịp kỷ niệm 30 năm Đổi mới, đã tới lúc phải bước tiếp vào một hành trình mới với một quyết tâm mới và việc đơn giản nhưng hiệu quả thấy rõ cần làm, đó là từng bước thực hiện mô hình nhất thể hoá bộ máy công quyền.

Q. P.

Nguồn: http://motthegioi.vn/chuyen-hang-ngay/tu-chuyen-lui-lam-luat-bieu-tinh-vi-so-doi-moi-chinh-tri-289365.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn